Tuesday, April 21, 2015

Ô nhiễm môi trường từ nhà máy nhiệt điện

Ô nhiễm môi trường từ nhà máy nhiệt điện

Gia Minh, biên tập viên RFA
2015-04-21
 
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
Ảnh minh họa. Ô nhiễm môi trường từ nhà máy nhiệt điện
Ảnh minh họa. Ô nhiễm môi trường từ nhà máy nhiệt điện
 greenreport.worldpress.com
Người dân sống quanh Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân tại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận vào hai ngày 14 và 15 tháng 4 vừa qua tập trung đông đảo, gây ách tắc giao thông nhiều giờ trên tuyến Quốc lộ 1A để bày tỏ phản đối việc nhà máy thải bụi xỉ ra môi trường tác động trực tiếp sức khỏe, cuộc sống của họ.
Tình trạng các nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam ra sao và cách thức chống ô nhiễm nhà máy nhiệt điện thế nào?
Thực tế Nhiệt điện Vĩnh Tân II
Truyền thông trong nước đồng loạt loan tin từ chiều ngày 14 tháng 4 cho đến chiều ngày hôm sau, dân chúng sinh sống tại hai xã Vĩnh Hảo và Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận ùa ra đường mang theo vật dụng nặng trong nhà làm chướng ngại vật chặn đường Quốc lộ 1 khiến ùn tắc xảy ra trên một đoạn dài.
Nguyên nhân được chính chủ tịch UBND xã Vĩnh Tân thừa nhận do trong những ngày trước đó gió lớn thổi làm tăng lượng khói bụi từ các ống khói của nhà máy và bãi xỉ than của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân II vào khu dân cư địa phương. Tình trạng trong những ngày giữa tháng tư được cho là ‘giọt nước tràn ly’ vì suốt những ngày qua người dân phản ánh tình trạng ô nhiễm do nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân II gây nên nhưng không được đơn vị này khắc phục. Được biết vận hành thương mại của tổ máy số một của nhà máy chính thức bắt đầu vào cuối tháng giêng năm nay, và tổ máy số hai vào ngày 21 tháng 3, tức chỉ hơn nửa tháng sau người dân phải biểu tình phản đối.
Báo điện tử Chính phủ cho biết lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận sau khi xảy ra phản ứng của người dân đã xuống địa phương ghi nhận bức xúc của dân chúng và đồng ý với yêu cầu của người dân về một môi trường sống trong lành là hoàn toàn chính đáng.
Tin nói sau khi hai tổ máy của Nhiệt điện Vĩnh Tân được đưa vào hoạt động đã xảy ra nhiều trận ‘bão xỉ’ từ bãi than, xỉ và ống khói nhà máy thải ra. Khói và xỉ than phủ đầy nhà cửa, cây cối của dân chúng địa phương. Giếng nước của dân cạnh nhà máy cũng bị ô nhiễm không thể dùng được nữa vì ô nhiễm.
Sau khi hai tổ máy của Nhiệt điện Vĩnh Tân được đưa vào hoạt động ... Khói và xỉ than phủ đầy nhà cửa, cây cối của dân chúng địa phương. Giếng nước của dân cạnh nhà máy cũng bị ô nhiễm không thể dùng được nữa vì ô nhiễm
Theo tin thì khói của nhà máy từ ống cao 20 mét, đường kính 7 mét mỗi khi hoạt động thổi thẳng vào khu vực dân cư. Ngoài ra hằng ngày hai tổ máy thải ra gần 4000 tấn xỉ than nhưng không được vận chuyển đúng qui định là được phủ đậy để vận chuyển đến bãi xỉ rộng cả vài chục héc ta.
Có những lúc khói nhà máy dày đến mức đứng cách nhau chục mét mà không thể thấy mặt.
Đánh giá của giới khoa học
Giáo sư Phạm Ngọc Đăng, giám đốc Trung tâm Kỹ Thuật Môi trường Đầu tư và Khu Công nghiệp, Đại học Xây Dựng, trình bày về các chất thải ra từ nhà máy nhiệt điện như sau:
Nói chung nhiều nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam hiện nay đang đốt bằng than; mà than của Việt Nam hàm lượng tro khá lớn- phổ biến khoảng độ 25% nhưng có loại còn lớn hơn nữa. Than đó lúc đốt thì thành ra bụi thôi.
Nói chung lúc thiết kế thì bao giờ cũng có đánh giá tác động môi trường và kiểm tra thiết bị lọc bụi; phải đạt yêu cầu về tiêu chuẩn, qui chuẩn của Việt Nam. Nhưng bây giờ gây ra bụi là do vận hành không theo đúng thiết kế.
Còn bụi thứ hai là ở các bãi để than hay đỗ xỉ là do gió tung lên. Trong trường hợp đó phải xây bao, tưới nước hay người ta biến xỉ thành ra những vật liệu xây dựng…
Chuyên gia môi trường tiến sĩ Nguyễn Đức Hiệp từ Australia cũng cho biết các chất thải ra từ nhiệt điện vá cách thức xử lý chúng để không gây ảnh hưởng môi trường theo các tiêu chuẩn quốc tế đề ra:
Tối thiểu ống khói phun ra phải có thiết bị để giữ lại khí SO2, với lại quanh ống khói cũng có những thiết bị để để giữ lại bụi từ đó giảm đi ô nhiễm.
Người dân Bình Thuận đã đổ ra đường biểu tình chặn xe vì bức xúc trước tình trạng phát tán bụi xỉ, gây ô nhiễm môi trường của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2
Người dân Bình Thuận đã đổ ra đường biểu tình chặn xe vì bức xúc trước tình trạng phát tán bụi xỉ, gây ô nhiễm môi trường của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2

Thường nhà máy nào lúc được chấp thuận để hoạt động như ở Mỹ, Úc hay những nơi khác đều phải có những bộ phận giữ lại bụi phun ra, giữ khí SO2 lại.
Bản chất các nhà máy hiện nay đều có thiết bị tiên tiến không gây ô nhiễm; nhưng vấn đề là ở chỗ vận hành. Để tiết kiệm năng lượng, đêm không có ai kiểm soát họ đóng các phần lọc
GS Phạm Ngọc Đăng
Đó là điều thứ nhất, còn thứ hai thường khi đốt than thì để lại tro. Và thường khi than cháy thì bụi xỉ (fly ash) bay ra. Tất cả những tro và bụi xỉ này sau khi thu gom lại phải mang đến một khu để chứa, chôn và một số tái chế lại tức là dùng để làm xi măng, phân bón, keo sơn phết. Những thứ không tận dụng được phải chôn hay giữ trong một khu vực có bao quanh và được cho nước vào để giữ ẩm, không bị khô để gió bạt đi.
Vấn đề ở Bình Thuận là bụi xỉ được đưa đến một chỗ chứa mà không chôn, để lộ thiên và không có nước để giữ lại.
Theo giáo sư Phạm Ngọc Đăng vấn đề của các nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam khi vận hành gây ô nhiễm là do công tác kiểm tra trong quá trình vận hành:
Bản chất các nhà máy hiện nay đều có thiết bị tiên tiến không gây ô nhiễm; nhưng vấn đề là ở chỗ vận hành. Để tiết kiệm năng lượng, đêm không có ai kiểm soát họ đóng các phần lọc.
Thứ hai các bãi đổ quản lý không tốt, quản lý không tốt thì bị bụi và nhất là khi có gió to tro bụi bay lên đầu gió thì các khu dân cư ở cuối gió chịu hậu quả.
Lúc thiết kế người ta có đánh giá tác động môi trường, phải có những điều kiện về vị trí cũng như kỹ thuật để bảo đảm không phát ra bụi. Đã có đánh giá tác động môi trường mà nếu làm đúng như tất cả thiết kế kỹ thuật thì không có bụi; nhưng sau khi có đánh giá tác động môi trường và khi sản xuất cụ thể thì lại phụ thuộc vào chủ nhà máy đó có áp dụng đúng các điều kiện đạ thiết kế hay không; hay chủ nhà máy đó lại tìm mọi cách để tiết kiệm không lọc hết bụi để bay lên, đó là quá trình vận hành, hoạt động cả.
Chuyên gia môi trường Nguyễn Đức Hiệp cũng có ý kiến tương tự giáo sư Phạm Ngọc Đăng khi nhìn nhận vấn đề quản lý chất thải của các nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam không được tốt dẫn đến tình trạng như ở Vĩnh Tân vừa qua:
Quản lý về bụi xỉ quá tệ, gây nên ô nhiễm môi trường. Bản thân nhà máy có thể không gây ô nhiễm, nhưng quản lý bụi xỉ không tốt nên đã gây ô nhiễm rất nhiều ở Bình Thuận vừa rồi.
Quản lý về bụi xỉ quá tệ, gây nên ô nhiễm môi trường. Bản thân nhà máy có thể không gây ô nhiễm, nhưng quản lý bụi xỉ không tốt nên đã gây ô nhiễm rất nhiều ở Bình Thuận vừa rồi
TS Nguyễn Đức Hiệp
Biện pháp khắc phục
Ngay sau khi xảy ra vụ việc dân chúng bức xúc ra chặn đường phản đối Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân II gây ô nhiễm, người phát ngôn tỉnh Bình Thuận đưa ra cam kết ngay từ ngày 15 tháng 4 nhà máy cho áp dụng những biện pháp bảo vệ môi trường và trong vòng 10 ngày sẽ khắc phục xong tình trạng bãi xỉ than và ống khói gây nên.
Tập đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN), đơn vị chủ quản của Tổng Công ty Phát điện 3- chủ đầu tư nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân II, cũng lên tiếng cam kết với dân chúng địa phương cho ngưng ngay lập tức việc đổ xỉ than của nhà máy trong vòng 10 ngày để tập trung xử lý tình trạng phát tán tro bụi.
Những việc làm khác được nêu ra là khẩn trương làm sạch, gia cố đường dân sinh trong thời gian hoàn thiện đường vận hành chính thức, giám sát không cho phép các xe chở xỉ mà không che chắn kỹ lưỡng, tăng cường công tác tưới nước đường vận chuyển tro xỉ và bên trong khu vực bãi thải xỉ với số lượng xe tưới được tăng từ 4 lên 10 xe.
Công tác nghiên cứu tận dụng tro xỉ phát sinh trong quá trình phát điện để làm ra các loại vật liệu xây dựng , giảm tồn trữ sẽ được tiến hành.
Cũng theo EVN công tác dài hạn ngăn ngừa ô nhiễm do nhà máy Nhiệt Điện Vĩnh Tân II và những nhà máy trong thời gian đến là hoàn thành mở rộng cầu nhiệt điện trên Quốc lộ 1A và đường vận chuyển tro xỉ riêng của nhà máy ra bãi thải, cũng như hoàn thiện hệ thống cung cấp nước ra bãi thải xỉ cùng  các hệ thống phụ trợ.
Xin được nhắc lại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân II do các nhà thầu Trung Quốc thiết kế và thi công. Nhà máy này từng bị Tổng Cục Môi trường phạt 1,4 tỷ đồng vì vi phạm về khói bụi.
Mới hôm cuối tháng 3 vừa qua, Sở Tài Nguyên- Môi trường tỉnh Bình Thuận trình cho Ủy ban Nhân dân tỉnh này quyết định xử phạt nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân II vì để ô nhiễm kéo dài, chậm xử lý.
Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân II là một trong 4 nhà máy thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân. Theo kế hoạch ba nhà máy kia: Vĩnh Tân 1, Vỉnh Tân 3 và Vĩnh Tân 4 cũng có hợp đồng ký kết với các đối tác tham gia xây dựng. Như đã nêu nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân II có công suất mỗi tổ máy 622MW. Đây là nhà máy nhiệt điện có tổ máy công suất lớn nhất Việt Nam tính đến bây giờ. Nhà máy này do Tập đoàn Điện Khí Thượng Hải của Trung Quốc làm tổng thầu. Nhà máy sử dụng than cám 6A từ Cẩm Phả, Hòn Gai.
Vụ việc Nhiệt điện Vĩnh Tân II ở xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong tỉnh Bình Thuận là sự vụ mới nhất của tình trạng các cơ sở sản xuất công nghiệp thải các loại chất độc hại ra môi trường chung quanh ở Việt Nam lâu nay.
Luật lệ về xử lý các loại chất thải, bảo vệ môi trường đều được ban hành; thế nhưng việc thực thi không đến nơi đến chốn. Có thể nêu ra những ‘thủ phạm’ không hoàn thành trách nhiệm để rồi hệ quả ô nhiễm vẫn xảy ra là từ công tác duyệt dự án ban đầu, đến nghiệm thu công trình và theo dõi kiểm soát chặt chẽ trong quá trình sản xuất, cho đến xử lý vi phạm...
Từng xảy ra nhiều vụ phản đối chống ô nhiễm lâu nay tại Việt Nam; tuy nhiên dường như cuối cùng người chịu thiệt vẫn là dân chúng; thậm chí có người chỉ vì đòi hỏi quyền lợi cho bản thân, gia đình và cộng đồng đã bị cho là gây rối, chống người thi hành công vụ và bị tù tội.
Ở Việt Nam cũng có câu ‘Tức nước, vỡ bờ’. Người dân không thể cam chịu sống trong ô nhiễm từ ngày này qua tháng khác mà tình trạng không được cơ quan chức năng xử lý giải quyết rốt ráo.
Mục Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại các bạn trong chương trình kỳ tới.

No comments:

Post a Comment