Biển Đông : Mỹ bất ngờ cho tàu tuần tra gần đảo Tri Tôn (Hoàng Sa)
Khu trục hạm USS Curtis của Hoa Kỳwikipedia
Mọi người chờ đợi Mỹ ở Trường Sa, nhưng vào hôm nay, 30/01/2016, Hải quân Hoa Kỳ lại bất ngờ phái chiến hạm tiến vào tuần tra bên trong khu vực 12 hải lý của đảo Tri Tôn, vùng quần đảo Hoàng Sa. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, mục tiêu của chiến dịch vẫn là thể hiện quyết tâm bảo vệ quyền tự do hàng hải.
Theo một phát ngôn viên Lầu Năm Góc, khu trục hạm USS Curtis Wilbur (DDG 54) đã tiến vào và di chuyển bên trong vùng 12 hải lý của đảo Tri Tôn, theo thủ tục « qua lại vô hại ». Tuy nhiên phát ngôn viên Mỹ nhấn mạnh rằng hoạt động của chiến hạm Mỹ nằm trong khuôn khổ một chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải, nhằm phản đối « các đòi hỏi chủ quyền quá đáng » của Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan, tức là ba bên đang tranh chấp vùng quần đảo Hoàng Sa.
Tuyên bố nói rõ : « Hoạt động này [của tàu Curtis Wilbur] thách thức các nỗ lực của ba bên tranh chấp - Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam – muốn giới hạn các quyền hàng hải và quyền tự do chung quanh các thực thể địa lý mà họ tuyên bố chủ quyền, bằng cách đòi nước khác phải xin phép hay thông báo trước quá cảnh vùng lãnh hải ».
Đối với phát ngôn viên Lầu Năm Góc : « Đòi hỏi chủ quyền quá đáng liên quan đến đảo Tri Tôn không phù hợp với luật lệ quốc tế được phản ánh trong Công ước về Luật Biển ».
Theo một quan chức quốc phòng Mỹ được nhật báo Wall Street Journal trích dẫn, chuyến tuần tra của chiếc USS Curtis Wilbur kéo dài ba tiếng đồng hồ, đã được tiến hành mà không hề báo trước cho bất kỳ nước nào biết. Việc không thông báo là yếu tố cho thấy cuộc tuần tra đích thực là một chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải.
Viên chức Mỹ cũng xác định rằng chiến hạm Mỹ đã không thấy bất kỳ chiếc tàu Trung Quốc nào trong lúc thực hiện nhiệm vụ tuần tra, nhưng không nói rõ là đã có hay không có những trao đổi qua vô tuyến điện với tàu Trung Quốc hay nước khác.
Hành động của Mỹ, theo như Lầu Năm Góc tuyên bố, nhắm vào cả Trung Quốc, Việt Nam lẫn Đài Loan. Tuy nhiên giới quan sát cho rằng đây thực chất là một động thái nhắm vào Trung Quốc, nước hiện đang kiểm soát toàn bộ vùng quần đảo Hoàng Sa mà họ đã chiếm trọn từ tay Việt Nam vào năm 1974.
Sự kiện Trung Quốc không phản ứng khá khác thường, vì lẽ từ trước đến nay, Bắc Kinh thường tung các đội tàu nhỏ ra để đối phó mỗi khi tàu ngoại quốc tiến vào khu vực mà Trung Quốc cho là thuộc chủ quyền của họ.
Vào tháng 10 năm ngoái 2015, một khu trục hạm khác của Hải Quân Mỹ cũng đã đi vào phạm vi 12 hải lý của Đá Xu Bi (Subi Reef), một trong 7 đảo mà Trung Quốc vừa bồi đắp ở quần đảo Trường Sa. Trung Quốc khi ấy đã cực lực phản đối, và cho tàu của họ theo dõi sát tàu Mỹ.
Sau khi Hoa Kỳ cho biết sẽ tiếp tục các chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải tại Biển Đông, nhiều nhà phân tích đã dự báo khả năng Mỹ sẽ áp sát Đá Vành Khăn (Mischief Reef) trong chiến dịch thứ hai. Không ngờ là hôm nay, tàu Mỹ lại tiến vào vùng Hoàng Sa.
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment