Ông Nguyễn Tấn Dũng được xác nhận đã rút tên khỏi danh sách ứng cử
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại lễ khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 ở Hà Nội ngày 21/01/ 2016.REUTERS/Kham
Trả lời báo chí bên lề Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 ngày 23/01/2016, tướng Võ Tiến Trung, Giám đốc Học viện Quốc phòng xác nhận là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cùng với 3 ủy viên lớn tuổi khác của Bộ Chính trị, đã xin rút và đã được Ban chấp hành Trung ương mãn nhiệm cho phép rút tên khỏi danh sách giới thiệu bầu Ban chấp hành Trung ương khóa mới.
Chỉ có ông Nguyễn Phú Trọng là được ở lại và được đề nghị tái ứng cử tổng bí thư.
Tướng Võ Tiến Trung đưa ra thông tin nói trên vào lúc mà cuộc đấu đá giành quyền lãnh đạo Đảng vẫn chưa thật sự ngã ngũ ở Đại hội Đảng lần thứ 12. Mặc dù có nhiều thông tin cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng sẽ tái đắc cử tổng bí thư, nhưng ông Nguyễn Tấn Dũng được cho là vẫn còn cơ may giành chức lãnh đạo tối cao này.
Hôm nay, các đại biểu dự Đại hội Đảng đã nghe báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa cũ về công tác nhân sự Ban Chấp hành khóa mới, với số lượng đã được quyết định là 200 người.
Theo dự kiến Ban Chấp hành Trung ương mới sẽ được bầu vào ngày 26/01. Ban chấp hành này vào ngày 27/01 sẽ bầu lại Bộ Chính trị, rồi từ Bộ Chính trị chọn ra tổng bí thư Đảng. Tên của vị tân tổng bí thư này sẽ được công bố vào ngày kết thúc Đại hội 28/01.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được ủng hộ gián tiếp
Trong khi đó, hôm nay, tại phiên thảo luận về văn kiện Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng gián tiếp ủng hộ thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Trong bài tham luận này, ông Đặng Ngọc Tùng đã bày tỏ “ sự kính trọng và vô cùng biết ơn” hai ông Trương Tấn Sang, chủ tịch nước và Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng, vì theo ông Tùng, hai nhân vật lãnh đạo này “đã thể hiện dũng khí và bản lĩnh” trên vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhắc lại rằng khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố Hoàng Sa, Trường Sa thuộc Trung Quốc “từ thời cổ đại”, ngay lập tức ông Trương Tấn Sang đã lên tiếng: “Hoàng Sa, Trường Sa do tổ tiên Việt Nam là người đầu tiên phát hiện và xác lập chủ quyền”.
Ông Đặng Ngọc Tùng cũng nhấn mạnh đến tuyên bố của ông Nguyễn Tấn Dũng tại Philippines rằng “Việt Nam nhất định không chấp nhận đánh đổi độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”. Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng Việt Nam rất cần những nhà lãnh đạo “đầy khí phách và bản lĩnh như vậy”.
Cho tới nay, ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn được cho là mạnh miệng hơn với Trung Quốc trên vấn đề chủ quyền Biển Đông, trong khi tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng thì bị xem là có thái độ hoà hoãn hơn với Bắc Kinh.
Tai Đại hội Đảng hôm qua, bài tham luận thu hút nhiều chú ý nhất , chính là bài của ông Bùi Quang Vinh, bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, kêu gọi phải “cấp bách” đổi mới chính trị cho đồng bộ với đổi mới kinh tế, bởi vì theo ông, trong 70 năm qua, “cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của bộ máy Đảng, Nhà nước, đoàn thể các cấp trong hệ thống chính trị gần như không thay đổi.”
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment