Thursday, January 28, 2016

Nên để 'cạnh tranh chính trị' trong và ngoài Đảng?

Nên để 'cạnh tranh chính trị' trong và ngoài Đảng?

  • 5 giờ trước
Image copyrightGetty
Image captionĐại hội 12 của Đảng CSVN bế mạc ngày 28/01/2016.
Các khách mời của BBC bình luận câu hỏi liệu 'cạnh tranh chính trị' tự do và lành mạnh có nên được diễn ra không chỉ ở trong Đảng mà còn ở ngoài xã hội giữa các chủ thể chính trị xã hội khác nhau, nhân Bàn tròn Thứ Năm cùng nhìn lại Đại hội 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam vừa diễn ra (21-28/01/2016).
Tiến sỹ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) từ Hà Nội nêu quan điểm:
"Ở Việt Nam hiện nay chúng ta chỉ có một đảng, và đấy là đảng cầm quyền, thế thì ngay cả khi muốn chia gọi là những vị trí lãnh đạo, thì họ cũng phải chia cho một đảng nào đó được công nhận một cách hợp pháp ở Việt Nam..., giống như là ở các nước khác.
"Thế nhưng ở Việt Nam thì chúng ta chỉ có một đảng thôi. Thế thì chuyện đảng cộng sản Việt Nam giữ vị trí lãnh đạo và giữ các vị trí trong hệ thống Nhà nước, cũng như của Chính phủ, của Quốc hội là chuyện đương nhiên...
"Và nếu chúng ta có những đảng khác được tồn tại hợp pháp, được thừa nhận ở Việt Nam và họ cũng tham gia vào những cuộc tranh cử những vị trí của Chính phủ, của Quốc hội, giống như ở các nước khác, thì lúc đó mới nói đến câu chuyện là chia sẻ quyền lực như thế nào thì nó hợp lý hơn trong bối cảnh Việt Nam hiện nay.
"Đúng ra thì nói là chia sẻ ở trong Đảng, những đảng viên mà được bầu vào Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, thì họ sẽ chia sẻ với nhau về quyền lực lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ," nhà xã hội học nói với Bàn tròn thứ Năm của BBC.

Bối cảnh đã khác

GS. Nguyễn Minh Thuyết
Image captionGS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng các nhà lãnh đạo mới được bầu của Đảng CSVN cần suy nghĩ đến những triển vọng để có thể tập hợp được trí tuệ và các quan điểm khác nhau trong xã hội.
Cũng về vấn đề này, cựu Đại biểu Quốc hội Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nêu quan điểm:
"Tôi nghĩ là trong bất kỳ một xã hội nào thì cũng phải có sự cạnh tranh về chính trị thôi, nhưng mà tùy vào cơ chế của xã hội đó, cái thể chế của xã hội đó, mà có thể những cạnh tranh chính trị ấy nó được mạnh mẽ, hay là nó ở mức độ yếu hơn.
"Thế còn ở Việt Nam hiện nay, tôi cũng phải nói thật là tình hình nó không hoàn toàn như là trước đây, thực sự ra cũng đã có những thách thức đối với đảng cầm quyền, cũng đã có những ý kiến khác, cũng có cả những tổ chức khác, mặc dù những tổ chức này không được pháp luật thừa nhận, nhưng thực sự ra thì cũng có hoạt động.
"Nhưng tôi nghĩ những cách thức ấy cũng chưa phải là lớn, nhưng mà tới đây thì có thể tình hình nó không hoàn toàn như thế này, nhất là khi mà Việt Nam đã ký kết gia nhập TPP (Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương), ở trong đó người ta có quy định là có công đoàn độc lập, thế thì thực sự ra tình hình có thể khác.
"Vì vậy, tôi nghĩ là các nhà lãnh đạo mới được bầu cần phải suy nghĩ đến những triển vọng này và có một giải pháp làm sao mà tập hợp được tất cả trí tuệ của các tầng lớp khác nhau, tập hợp được các quan điểm khác nhau.
"Để làm sao phối hợp vì mục tiêu lớn nhất là mục tiêu xây dựng một đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, đúng như là mong muốn của toàn dân mà các Đại hội Đảng đã đề ra," Giáo sư Thuyết nói với Bàn tròn.

Chia sẻ quyền lực?

TS. Hà Hoàng Hợp
Image captionTS. Hà Hoàng Hợp cho rằng với một chế độ chính trị một đảng như Việt Nam hiện nay, 'rất khó' nói đến chia sẻ quyền lực giữa Đảng cộng sản với người ngoài đảng.
Trước đó, trả lời câu hỏi của BBC liệu có nên cho phép cạnh tranh chính trị diễn ra không chỉ trong nội bộ Đảng Cộng sản mà còn ở ngoài xã hội, giữa các chủ thể chính trị khác nhau, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp từ Viện Chiến lược Quốc tế và Viện Đông Nam Á tại Singapore, nêu quan điểm:
"Với một chế độ chính trị một đảng thì rất là khó nói đến chuyện họ sẽ chia sẻ quyền lực với những người không phải của đảng ấy.
"Năm 1946, Việt Nam có một chính quyền dân chủ nhân dân, đoàn kết toàn dân, tức là nó có mấy đảng, lúc ấy còn có chuyện chia sẻ quyền lực cho những người không ở trong Đảng Cộng sản Việt Nam.
"Tức là đảng cộng sản Việt Nam cũng có chia sẻ quyền lực cho những người ở các đảng khác.
"Thế nhưng bây giờ chỉ còn có một đảng thôi, thì việc chia sẻ quyền lực, từ góc độ nhìn từ trong ra thì là không có.
"Cho nên bảo rằng là họ bầu ra, rồi họ sẽ giới thiệu người này, người kia ứng cử vào vị trí này, vào vị trí kia ở trong hệ thống nhà nước sau bầu cử Quốc hội tháng 5 tới, thì đấy là một chuyện diễn biến bình thường thực hành của một chế độ một đảng," ông Hà Hoàng Hợp nói.
Cũng về chủ đề 'chia sẻ quyền lực' và 'cạnh tranh chính trị' trong và ngoài đảng này, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, nhà quan sát và vận động cho xã hội dân sự và dân chủ hóa ở Việt Nam, đưa ra ý kiến với Bàn tròn, ông nói:
TS. Nguyễn Quang A
Image captionNền chính trị của một nước chỉ có thể lành mạnh, nếu có cạnh tranh chính trị lành mạnh giữa các đảng, theo TS. Nguyễn Quang A.
"Theo tôi, nền chính trị của một nước chỉ có thể lành mạnh nếu có cạnh tranh chính trị lành mạnh giữa các đảng. Hay nói một cách khác, Việt Nam muốn phát triển, phải có đa đảng và chừng nào mà Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn cứ giữ khư khư lấy cái quyền của mình và ngăn chặn, cản trở việc hình thành các đảng khác, không tạo điều kiện cho các đảng khác phát triển, thì đường của Việt Nam vẫn lẩn quẩn như từ xưa đến nay mà thôi...

Nô lệ suốt đời?

"Và tôi nghĩ rằng không thể chấp nhận và không thể coi cái đấy là đương nhiên là những người của đảng cộng sản Việt Nam đưa ra là nghiễm nhiên họ trở thành những người lãnh đạo đất nước. Tất nhiên trong một hoàn cảnh rất cụ thể bây giờ, khi đảng này còn đang nắm hết tất cả mọi quyền lực, thì đấy là một điều đáng tiếc cho đất nước Việt Nam.
"Và tôi nghĩ rằng nếu người dân không gây sức ép, người dân không đòi hỏi, là bởi vì người ta nói rằng cái nhà nước này là của dân, do dân, vì dân, và Quốc hội là của người dân và người dân bầu, nhưng rất đáng tiếc là người dân bầu là chỉ bầu theo một quy trình mà do họ áp đặt, nào là hiệp thương qua Mặt trận, nào là Đảng cử, rồi nếu mà có ai ứng cử tự do chẳng hạn, thì họ bằng mọi cách họ dẹp đi.
"Ngay cả những người đã tìm cách ứng cử như là ông Lê Kiên Thành, con trai của ông Tổng Bí thư Lê Duẩn cũng đã bị như vậy, rồi ông Nguyễn Hữu Vinh, tức là blogger Anh Ba Sàm đứng (ra) ứng cử tự do, cũng như là ông Cù Huy Hà Vũ cũng như vậy, và tôi nghĩ rằng điều ấy là điều không thể chấp nhận được, và người dân phải lên tiếng.
"Còn người dân mà bảo rằng quy định nó như thế, bây giờ như vậy là mình không thể nào làm khác được, thì số phận của dân tộc này đành phải chịu làm nô lệ suốt mà thôi, nếu mà người dân im miệng lại, không cất lên tiếng nói, không đấu tranh, thì nó là như vậy.
"Cho nên tôi nghĩ rằng, đến bao giờ sẽ có cạnh tranh? Để yên cho Đảng Cộng sản họ làm, họ chẳng bao giờ để cho ai cạnh tranh cả, nhưng mà như vậy người dân phải đứng lên, người dân phải cất tiếng nói và phải tự tổ chức theo đúng tinh thần của Hiến Pháp này, theo đúng những quyền mà nước Việt Nam này đã cam kết với quốc tế bằng cách là họ tham gia vào những Công ước Quốc tế, những công ước bắt buộc Nhà nước Việt Nam phải thi hành, đấy là quyền dân sự và quyền chính trị của mọi người dân.
"Mọi người dân không thể để Đảng Cộng sản Việt Nam tước đoạt những quyền ấy của mình và chỉ có trường hợp như thế, thì dần dần mới có thể có hình thành nên một sự cạnh tranh lành mạnh nào đó trong hoạt động chính trị ở Việt Nam, và có thể chỉ đến khi ấy, thì Việt Nam mới có thể bước vào con đường phát triển thực sự mà thôi, chứ còn tiếp như thế này, tôi nghĩ rằng nó cũng lại luẩn quẩn như cũ, không đi đến đâu vào đâu cả," Tiến sỹ Nguyễn Quang A nêu quan điểm.

Kỳ vọng thay đổi

Khép lại cuộc thảo luận Bàn tròn của BBC nhìn lại Đại hội 12 của Đảng CSVN vừa bế mạc, TS. Khuất Thu Hồng đưa ra bình luận các ý kiến tại Tọa đàm và nêu kỳ vọng với Việt Nam hậu Đại hội 12 và trong thời gian tới đây.
TS. Khuất Thu Hồng
Image captionTS. Khuất Thu Hồng kỳ vọng và trông đợi những chuyển biến và thay đổi tích cực sẽ diễn ra trong thời gian tới đây và tương lai với Việt Nam và cho rằng 'chúng ta có quyền hy vọng'.
Nhà xã hội học nói:
"Tôi rất đồng ý với ý kiến của anh (Nguyễn) Quang A rằng là trong hoàn cảnh hiện nay, câu chuyện cạnh tranh chính trị ở Việt Nam nó không giống như là những nước khác, và tôi cũng đồng ý với ý kiến của ông (Nguyễn Minh) Thuyết rằng là thời gian sắp tới nó có thể sẽ mang lại rất nhiều những thay đổi cho Việt Nam, dù muốn hay là không.
"Muốn hay không thì Việt Nam cũng sẽ phải thay đổi, nhiều thứ nó ra ngoài cái ý chí của họ, ra ngoài ý chí của người Việt Nam, của Đảng Cộng sản.
"Và tôi cũng rất trông đợi là chúng ta sẽ có được một nền chính trị ngày càng lành mạnh hơn và tôi cũng trông đợi rằng những người mà đứng ra đảm trách những vị trí lãnh đạo của đất nước, thì phải có được những cương lĩnh của mình, có được kế hoạch của mình để cho người dân có thể quyết định là có lựa chọn người đó hay không.
"Nhưng mà như cái cách bầu cử như hiện nay, tôi nghĩ rằng câu chuyện nó vẫn cứ như cũ mà thôi. Nhưng chúng ta có quyền hy vọng.
"Tôi nghĩ như vậy và tôi cảm thấy là những thay đổi đang đến, không biết là tôi có lạc quan hay không, nhưng mà tôi tin rằng trong những năm tới sẽ có những thay đổi.
"Những thay đổi mà không thể cưỡng lại được," Viện trưởng Viện ISDS thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta) nói với BBC.
Mời quý vị theo dõi toàn bộ cuộc Tọa đàm tại đây, cũng như tham khảo Chuyên đề Đặc biệtcủa BBC về Đại hội 12 của Đảng CSVN tại đây.

Tin liên quan

No comments:

Post a Comment