Putin « kẻ sát nhân » : Bão tố giữa Luân Đôn và Matxcơva
Theo kết luận điều tra của Anh, Tổng thống Nga Vladimir Putin liên can đến cái chết của Alexandre Litvinenko.REUTERS/Aleksey Nikolskyi/Sputnik/Kremlin
Tư pháp Anh đặt tổng thống Nga vào chỗ bị cáo trong vụ đầu độc cựu trung tá KGB Alexandre Litvinenko. Khủng bố Daech đang thất thế tại Syria và Irak. Thế giới lo sợ một cuộc khủng hoảng tài chính mới. Tình trạng di dân nếu không bị ngăn đường ở Trung Âu thì cũng bị « sa lầy » ở miền bắc nước Pháp, trong đó có nhiều người Việt đang mòn mỏi chờ cơ hội vượt biển Manche sang Anh là những đề tài trên báo Pháp hôm nay.
Putin « gần như chắc chắn » là kẻ sát nhân
Vụ đầu độc cựu trung tá mật vụ Nga Alexandre Litvinenko là « tội ác nhà nước » là những tựa lớn của báo chí Pháp hôm nay sau khi Tư pháp Anh công bố kết quả một năm điều tra mà nguyên đơn là vợ và con trai của người quá cố, tị nạn tại Anh.
Với nhận định : bão tố giữa Luân Đôn và Matxcơva, nhật báo cánh hữu Le Figaro mở đầu với lời trăn trối của trung tá Alexandre Litvinenko tháng 11/2006 khi hấp hối : "Ông Putin, ông có thể bịt miệng một người, nhưng lời gào thét của cả thế giới sẽ vang vọng đến tai ông và ám ảnh ông đến hết cuộc đời". Tuy nhiên, cho dù tư pháp Anh khẳng định có đủ bằng cớ kết tội hai tay thuộc hạ của tổng thống Nga cũng không thể trừng trị thủ phạm. Một trong hai sĩ quan mật vụ hồi hưu này là Andrei Lougovoi, hiện là dân biểu được Putin tin cậy.
Đã thế, thủ tướng David Cameron, vì quyền lợi thương mại đã hứa với tổng thống Nga sẽ « chôn vùi » vụ việc này. Bộ Ngoại giao Anh cũng yêu cầu chính phủ không nên gia tăng biện pháp trừng phạt. Theo Le Figaro, vụ việc chắc sẽ dừng lại ở mức độ này, chỉ đích danh chủ nhân điện Kremli là kẻ sát nhân rồi thôi. Có lẽ cũng biết vậy nên vợ của nạn nhân, tuy cương quyết và nhẫn nại suốt 10 năm dài đòi công lý cho chồng, bà Marina Litvinenko tuyên bố mãn nguyện phần nào vì « những lời tố cáo Putin sát nhân đã được công lý nhìn nhận ».
Về phần Libération, nhật báo cánh tả dành ba trang để tường thuật toàn bộ vụ án Litvinenko và những vụ ám sát các nhà đối lập, nhà báo độc lập và luật sư nhân quyền tại Nga mà Libération gọi là thủ đoạn « thanh toán để cai trị » của ông Putin . Đối với luật sư Ben Emmersion, thì sớm muộn gì những kẻ giết thân chủ của ông sẽ đền tội. Đó là khi quyền lực của Putin không còn nữa.
Trong bài xã luận với tựa « áp lực », nhà báo nữ Alxandra Schwartzbrod lưu ý : Putin chưa bao giờ từ bỏ chiếc áo mật vụ KGB. Mỗi lần bị Tây phương lên án giết đối lập là mỗi lần uy tín của ông lên cao trong công luận Nga. Nhân vật đầy quyền uy được đa số dân chúng ngưỡng mộ vì ông tạo cho Nga vai trò chủ động trên các hồ sơ quốc tế . Nhưng đây là lần đầu tiên, khuôn mặt lạnh lùng vô cảm của « Nga hoàng » bị một thẩm phán Anh nêu đích danh thủ phạm tội ác giết người. Thế mạnh của Nga trong các hồ sơ quốc tế từ Ukraina cho đến Syria vẫn còn nhưng Putin đã rơi vào thế yếu : đồng rúp rơi tự do, dầu hỏa mất giá. Dân Nga khốn khổ sẽ quay lại chống « người hùng » sử dụng tài sản quốc gia gần cạn kiệt cho các cuộc phiêu lưu không lối thoát ở Ukraina và Syria.
Theo Libération, các nhà lãnh đạo Tây phương, có quyền lợi phải vun bồi quan hệ tốt với Nga, sẽ nhân cơ hội vụ án Alexandre Litvinenko để gây sức ép với chủ nhân điện Kremli. Bằng chính thủ đoạn của KGB : mở lại hồ sơ nhạy cảm.
Trung Đông : Nga-Mỹ tranh hùng, Trung Quốc thủ lợi ?
Ngày 25/01, theo dự trù sẽ diễn ra hòa đàm về tình hình Syria. Theo Le Monde, để giúp Damas đến bàn hội nghị với tư thế mạnh, không quân Nga gia tăng oanh kích để đẩy lui các lực lượng nổi dậy về phía bắc. Trên chiến trường, tình hình rất khó khăn cho phe đối lập Syria, theo nhận định của Salam Kawakibi, một chuyên gia chính trị thân đối lập.
Từ cuối năm đến nay, không quân Nga gia tăng nhịp độ có khi tập trung 75 phi vụ đánh vào một vị trí của đối lập võ trang gần Damas. Đã vậy, Hoa Kỳ còn gây sức ép thúc giục đối lập tham gia hoà đàm với chính quyền Bachar Al Assad. Sau khi cung cấp vũ khi chống tăng giúp lực lựợng « Quân đội Syria Tự Do » chận đứng đà tiến quân của quân đội chính phủ tại phía bắc, dường như Hoa Kỳ bắt đầu ép đối lập giảm hoạt động quân sự. Chuyên gia Salam Kawakibi cho đây là một "trò chơi nguy hiểm" vì chiến binh đối lập Syria Tự Do, thiếu vũ khí, sẽ chạy sang hàng ngũ Al Qaida .
Cũng theo Le Monde, tương quan lực lượng trên chiến trường lúc nghiên về bên này lúc thuận lợi cho bên kia. Tuy quân đội chính phủ bị đẩy lui ở miền đông, nhưng Damas có thể đến bàn hội nghị tại Genève với thế mạnh nhờ không quân Nga.
Nhận định trên đây cũng được nhật báo kinh tế Les Echos chia sẻ một phần lớn qua bài « hòa đàm bất trắc », có thể bị trể vài ngày.
Qua điều tra riêng, Les Echos xác định là trên chiến trường liên quân Nga- Syria không tái chiếm được lãnh thổ cho dù nỗ lực quân sự của Nga không ngừng nghỉ. Sau 4 tháng được oanh kích yễm trợ với hơn 6.000 phi vụ, , quân đội chính phủ chỉ lấy lại được 1,3% lãnh thổ bị mất. Tuy nhiên, nếu so sánh với tình thế hồi mùa hè năm 2015, thì mục tiêu của Nga đã đạt được, quân đội Damas không còn bị nguy cơ tan rã, chính quyền Syria giữ vững được vị trí không còn mất đất liên tục.
Nhưng vì sao Daech phải rút lui và bị mất 14% lãnh thổ mà quân đội Syria chỉ giành có 1,3%. Theo Les Echos, một phần vì Nga tập trung đánh vào đối lập võ trang, trong khi tây phương tấn công Daech và Al Qaida, giúp cho lực lượng Kurdistag và quân đội Irak tái chiếm những tỉnh thành bị thất thủ trong năm 2014 và 2015. Chính sự kiện Nga tập trung oanh kích đối lập mà một số tổ chức nổi dậy cảnh báo sẽ không dự hòa đàm.
Trong lúc Mỹ Nga bận tâm vì tình hình phức tạp tại Trung Đông thì Trung Quốc « len mình » vào vùng hỗn tạp. Chuyến công du một tuần lễ của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình qua Ả Rập Xê Út, Ai Cập và Iran được nhật báo Công giáo La Croix bình luận là « nặng phần chính trị và ngoại giao » bên cạnh các hợp đồng kinh tế .
Lúc trước , Bắc Kinh để cho bốn thành viên thường trực khác trong Hội Đồng Bảo An chủ động trên hồ sơ Trung Đông. Nhưng ngành ngoại giao Trung Quốc bắt đầu năng nổ hơn, năm 2014, lần đầu tiên từ sau 23 năm, Ngoại trưởng Trung Quốc đến Irak . Bắc Kinh tìm cách thắt chặt quan hệ với các tổ chức khu vực như Liên đoàn Ả Rập, thành viên của Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á mà Bắc kinh khởi xướng. Vừa ủng hộ lập trường của Nga , Trung Quốc cũng chủ động tiếp Ngoại trưởng Syria và đại diện đối lập. Nổi bật nhất, Bắc kinh cũng tham gia vào tiến trình hòa bình tại Afganistan bên cạnh Hoa Kỳ và Pakistan.
Calais, vũng lầy trước vùng đất hứa
Nhắc đến Syria không thể quên thảm trạng người tị nạn. Hy Lạp bất an trước tương lai trở thành trại tị nạn lộ thiên cho di dân. Khủng hoảng di dân làm sụp đổ « không gian Schengen ». Rumani bảo đảm bảo vệ chặt chẽ biên giới Liên Hiệp Châu Âu. Dân Đức chờ thủ tướng đổi chính sách nhập cư. Trên đây là một loạt tựa trên báo Le Figaro. Nhật báo La Croix thì tập trung vào số phận của những con người bên dưới chiếc áo di dân. Qua bài phóng sự: thật gần mà cũng thật xa với nước Anh, phóng viên La Croix đưa độc giả đến miền bắc Pháp nơi có đường hầm xuyên biển Manche.
Bức ảnh một cậu bé di dân đứng sưởi ấm bên cạnh ngọn lửa đốt từ thùng giấy, sau lưng là một núi rác và lều chõng trên mãnh đất lầy lội đủ đã nói lên thảm cảnh của hàng ngàn con người Phi Châu, Afghanistan, Irak, Việt Nam muốn tìm đường sang Anh để gần gia đình đã qua trước hay vì ngôn ngữ quen thuộc.
“Ngõ cụt Calais” là nơi tạm trú cho các “ứng viên “ đi tìm đời sống mới. Trên tấm bản đồ nhỏ ghi chi tiết: Dân Trung Đông và Phi Châu, mọi nguồn gốc tập trung gần Calais. Những “cộng đồng” không thích chen chúc, thích hợp quần phải “đóng chốt” xa hơn như “khu Iran”, khu sừng Phi Châu. Khu “Việt Nam” là xa nhất cách Calais đến gần 100 cây số. Trước đây, giá mỗi “phi vụ lên xe vận tải” là 800 euro. Nhưng từ khi Anh Pháp huy động lực lượng bảo vệ an ninh tuyến xe lửa và bến phà thì giá cả lên đến 10.000 euro. Các đuờng dây buôn người thẳng tay chặt chém.
Trong lúc châu Âu lúng túng trước làn sóng di dân nhập cư thì giới tài chính có một mối lo khác mà theo Le Monde là nguy cơ khủng hoảng tài chính không thua tai biến 2008. Nhà tỉ phú đầu cơ người Mỹ George Soros tuyên bố ông thấy có nhiều dấu hiệu tương tự. Từ đầu năm, thị trường thế giới sụt 10%, tăng trưởng Trung Quốc, Hoa Kỳ đều bất trắc, giá dầu trược dốc, thiếu tiền mặt lưu hành, cả một hợp chất gây nổ đang hình thành. Câu hỏi là khi nào thì thị trường chứng khoán hết lao dốc? Câu trả lời của chuyên gia đầu cơ tài chính là “khi nào dầu hỏa ổn giá”. Hiện nay giá mỗi thùng là 28 đôla, sụt 70% tinh từ một năm qua.
Hành tinh thứ 9 trong hệ mặt trời
Thông tin mà các báo không thể thiếu sót là sự hiện hữu của hành tinh thứ 9 vừa được hai nhà thiên văn Mỹ khám phá bằng tính toán lý thuyết. Hành tinh thứ 9 được ước tính nặng gấp 10 lần trái đất. Quỹ đạo của hành tinh mới này nằm cách Hải Vương tinh (Neptune) đến 20 lần và cách mặt trời 4,5 tỉ km và một năm dài từ 10.000 đến 20.000 năm ở trái đất.
Các viễn vọng kính trên mặt đất và không gian của địa cầu sẽ có nhiệm vụ truy tìm tông tích hành tinh mới khám phá.
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment