Wednesday, January 27, 2016

Nhân Đại Hội 12, điểm lại quan hệ Việt-Trung phức tạp

Nhân Đại Hội 12, điểm lại quan hệ Việt-Trung phức tạp

mediaGiàn khoan Hải Dương HD-981 là biểu tượng của quan hệ xấu giữa Việt Nam và Trung Quốc.DR
Vào lúc đảng Cộng sản Việt Nam họp đại hội, trong đó nổi cộm là vấn đề làm sao quan hệ với Trung Quốc, hãng tin Mỹ AP ngày 26/01/2016 đã có một bài tóm lược quan hệ được đánh giá là phức tạp giữa hai nước đối thủ lâu đời, nhưng cũng từng có lúc là đồng minh. Bài báo chủ yếu tập trung trên các sự kiện được cho là nổi cộm nhất trong hai năm gần đây. Theo AP, đây là một trong những vấn đề gây chia rẽ trong đảng Cộng sản Việt Nam.
Bài báo chủ yếu tập trung trên các sự kiện được cho là nổi cộm nhất trong hai năm gần đây. Theo AP, quan hệ với Trung Quốc là một trong những vấn đề gây chia rẽ trong đảng Cộng sản Việt Nam.
Đối thủ lâu đời
Việt Nam và Trung Quốc có mối quan hệ phức tạp trải dài trên hơn 2.000 năm, trong đó có nhiều thời kỳ Việt Nam bị đế quốc Trung Quốc đô hộ nhưng kết thúc bằng cuộc nổi dậy của người Việt.
Cho dù đã từng trợ giúp đảng Cộng sản Việt Nam trước đó, Trung Quốc đã xâm lăng Việt Nam vào năm 1979 để trả đũa vụ Việt Nam lật đổ chế độ Khmer Đỏ (do Bắc Kinh nuôi nấng) tại Cam Bốt.
Quan hệ ngoại giao Việt-Trung đã được khôi phục vào năm 1991, nhưng căng thẳng đã gia tăng trong những năm gần đây do tuyên bố chủ quyền chồng chéo trên các đảo đá và rạn san hô ở vùng Biển Đông.
Theo dõi sát Đại Hội XII
Trung Quốc theo dõi chặt chẽ Đại hội đảng Cộng sản Việt Nam và đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của quan hệ Trung Quốc-Việt Nam, trong đó có 90 tỷ đô la thương mại song phương năm ngoái 2015.
Hôm 22/01/2016, Hồng Lỗi, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc tuyên bố : « Trong tư cách là một láng giềng tốt, là bạn bè, đồng chí và đối tác của Việt Nam, chúng tôi mong muốn thúc đẩy quan hệ chiến lược toàn diện lên một tầm cao mới trên cơ sở ổn định lâu dài, hướng về phía trước và quan hệ láng giềng tốt... Chúng tôi cũng muốn làm việc với Việt Nam để kiểm soát đúng đắn các tranh chấp hàng hải với Việt Nam nhằm bảo đảm tình hình ổn định trên biển. »
Khủng hoảng giàn khoan HD-981
Tháng 5 năm 2014, Trung Quốc cho hạ đặt một giàn khoan dầu to lớn (HD-981) ngay ngoài khơi bờ biển Việt Nam, trong một khu vực mà vùng đặc quyền kinh tế của hai nước chồng chéo lên nhau (Việt Nam xác định đó là vùng thềm lục địa của mình).
Việt Nam đã lên án dữ dội hành động đó và cho tàu đánh cá và tàu bảo vệ bờ biển ra quấy rối giàn khoan và tàu Trung Quốc gần đó.
Nhiều vụ va chạm đã xẩy ra, và đã có ít nhất một chiếc tàu Việt Nam bị chìm, trong khi ở trên đất liền tại Việt Nam, nổ ra bạo động chống Trung Quốc và nạn cướp phá các nhà máy nước ngoài của Trung Quốc và nước khác, khiến ít nhất bốn công dân Trung Quốc thiệt mạng.
Trung Quốc hòa hoãn
Ủy viên Quốc vụ đặc trách đối ngoại Trung Quốc Dương Khiết Trì đã đến thăm Việt Nam vào tháng Sáu năm 2014 để cố gắng hạn chế tác hại của cuộc khủng hoảng về giàn khoan dầu. Ông bị thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tiếp đón lạnh nhạt, nhưng đã tránh được tình trạng leo thang.
Điểm quan trọng hơn là sự cố giàn khoan dầu đã đẩy Việt Nam tiến lại gần hơn kẻ thù cũ là Hoa Kỳ, và vào cuối năm 2014, Mỹ đã quyết định dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương, đặc biệt để giúp Việt Nam cải thiện năng lực bảo đảm an ninh hàng hải.
Chủ quyền chồng chéo trên Biển Đông
Trung Quốc rút giàn khoan vào tháng Bảy năm 2014, một tháng trước thời hạn, nói rằng nhiệm vụ của giàn khoan đã hoàn thành.
Vụ đối đầu được đông đảo nhà phân tích xem như là một phần trong chiến lược của Trung Quốc nhằm củng cố dấu ấn của mình trên Biển Đông, mà toàn bộ hoặc một phần cũng được Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan tuyên bố chủ quyền.
Vụ này cũng thu hút sự chú ý trở lại điều được ghi nhận là sự chia rẽ trong đảng Cộng sản Việt Nam giữa phe ủng hộ và phe chống Trung Quốc.
Lãnh đạo Việt Nam thăm Trung Quốc
Sau một thời gian lạnh nhạt kéo dài, vào tháng Tư năm 2015, tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu một phái đoàn đến Bắc Kinh và đã được chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chào đón với đầy đủ nghi thức danh dự tại Đại lễ đường Nhân dân.
Mặc dù về thực chất không mang lại nhiều kết quả, nhưng chuyến công du Trung Quốc bốn ngày của ông Nguyễn Phú Trọng được xem là đã giúp đưa quan hệ trở lại bình thường.
Hàn gắn quan hệ
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chính thức công du Việt Nam vào tháng 11 năm 2015. Nhân dịp đó, hai ông Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng đã đồng ý giảm bớt bất đồng cũng như duy trì hòa bình và ổn định.
Ông Tập Cận Bình cho biết là Trung Quốc sẽ « cùng với Việt Nam phấn đấu để kiểm soát các bất đồng trên biển. » Ông Nguyễn Phú Trọng đề nghị không bên nào có những hành động làm gia tăng căng thẳng.
Nhân chuyến thăm này, có một cuộc biểu tình phản đối ngắn ngủi của khoảng 30 người trước đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội.
Ông Tập Cận Bình cũng ra phát biểu trước Quốc hội Việt Nam, nhưng tránh nhắc đến Biển Đông và cuộc chiến tranh năm 1979.
Căng thẳng tái sinh
Vào tháng Giêng 2016, Việt Nam phản đối Trung Quốc về một chuyến bay thử nghiệm một phi đạo mới trên một trong những hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã bồi đắp ở quần đảo Trường Sa đang tranh chấp.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Hải Bình yêu cầu chấm dứt các chuyến bay như vậy, cho rằng điều đó vi phạm chủ quyền Việt Nam và làm tổn hại quan hệ song phương Việt-Trung. Trung Quốc đáp lại rằng chuyến bay « hoàn toàn trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc. » Vài hôm sau đó, Trung Quốc tiến hành thêm hai chuyến bay thử nghiệm khác.
Tranh chấp Biển Đông có dấu hiệu là sẽ chỉ phát triển phức tạp thêm với việc Trung Quốc đang hoàn tất các cơ sở hạ tầng trên các hòn đảo mới được tạo ra, và tăng cường lực lượng quốc phòng trên biển của họ đến mức mà không một bên tranh chấp nào có thể bì kịp.
Cùng chủ đề

No comments:

Post a Comment