Chiến lược Châu Á của Mỹ bị cản trở vì Barack Obama bị phân tâm
Tổng thống Mỹ Barack Obama lên phi cơ ngày 31/08/2016 để lên đường bắt đầu chuyến công du châu Á, tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại Trung Quốc, và EAS tại Lào.REUTERS/Jonathan Ernst
Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt đầu chuyến công du châu Á lần cuối cùng để ghi dấu ấn chung cuộc cho chính sách « chuyển trục » về châu Á, bảo vệ các đồng minh trước mối đe dọa của Trung Quốc. Tuy nhiên, lãnh đạo siêu cường lâm vào cảnh « lực bất tòng tâm » vì hàng loạt biến động trên thế giới.
Trong bối cảnh kết thúc nhiệm kỳ trong vòng không đầy năm tháng tới đây, tổng thống Mỹ Barack Obama công du châu Á lần cuối cùng để dự hai hội nghị thượng đỉnh tại Trung Quốc (G20 ngày 03 và 04/09) và tại Lào (Đông Á ngày 05/09).
Theo phân tích của nhà báo Roberta Rampton tháp tùng ông Obama trên chuyên cơ « Air Force One », Trung Quốc vẫn là một thách thức lớn. Chủ nhân Nhà Trắng, từ 8 năm qua, vừa phải hợp tác vì là bạn hàng kinh tế vừa phải đương đầu vì là một địch thủ chiến lược .
Ngăn đê Trung Quốc với chiến lược « tái định vị » tại Châu Á-Thái Bình Dương, tăng cường hải quân, củng cố liên minh với các nước bạn và đồng minh và thành lập vùng mậu dịch tự do qua hiệp định thương mại TPP là hai gọng kềm lý tưởng được tổng thống Obama thúc đẩy trong suốt hai nhiệm kỳ.
Do vậy, cuộc hội kiến với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hàng Châu sẽ là « mô hình » cho người kế vị ở Nhà Trắng. Thăm viếng Lào là dịp để tổng thống Obama chứng tỏ thành quả của mối quan hệ chặt chẽ mà ông dầy công vun bồi với Đông Nam Á.
Tuy nhiên, trong cuộc hành trình về phương Đông và chiến lược « chuyển trục », tổng thống Obama bị nhiều vấn đề quốc tế khác làm phân tâm : tình hình kinh tế thế giới suy yếu, Luân Đôn rút chân ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu làm tăng thêm tâm lý hoài nghi xu hướng toàn cầu hóa, rồi xung đột, tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc với các nước láng giềng và cuộc chiến chống khủng bố Hồi Giáo cực đoan.
Trong những chuyến công du trước, tổng thống Obama nhiều lần để lộ việc ông bị phân tâm vì những rắc rối, biến cố ở nơi khác, đôi khi từ trong chính trường nước Mỹ. Thông điệp « Hoa Kỳ tăng cường quân sự tại châu Á và thắt chặt quan hệ kinh tế với khu vực có mức tăng trưởng cao nhất địa cầu » mất đi thực chất và làm dấy lên mối hoài nghi Washington không tính chuyện lâu dài với Á châu.
Chuyến công du cuối cùng này diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ bầu chủ nhân mới cho Nhà Trắng. Ứng cử viên có nhiều triển vọng nhất là cựu ngoại trưởng Hillary Clinton, một trong những kiến trúc sư của chính sách « chuyển trục », lại tuyên bố chống hiệp định TPP, gây lo ngại cho 12 nước thành viên.
Đối thủ Cộng hoà Donald Trump còn bạo phổi hơn, vừa chống TPP, vừa dọa các đồng minh của Mỹ trong vùng là Hàn Quốc và Nhật Bản phải tự lo thân hoặc phải « trả tiền » nếu muốn được bảo vệ.
Đồng minh Philippines, lãnh hải bị Trung Quốc đe dọa trực tiếp, được Mỹ cam kết che chở, cũng có thái độ thiếu xây dựng làm hại cho kế hoạch liên minh ở biển Đông của Mỹ. Tháng 7 vừa qua, Washington và Manila giành được chiến thắng ngoạn mục với phán quyết của toà trọng tài La Haye. Thế nhưng, tổng thống Duterte mắng đại sứ Mỹ là « súc sinh ».
Bắc Kinh sẽ theo dõi cuộc tiếp xúc đầu tiên Obama-Duterte tại Vientiane, tìm một cơ hội để « phân hóa » hai kẻ thù cho dù bản thân giới lãnh đạo Trung Quốc cũng không biết đối phó như thế nào với tổng thống Philippines mà thái độ thuộc loại « nắng sớm mưa chiều ».
Derek Chollet, một cựu cố vấn an ninh của tổng thống Obama không giấu bi quan. Ông cho rằng: « Các đối tác châu Á nghi ngờ kể cả lúc Mỹ nói thật. Họ cho rằng chúng ta dễ bị chia trí ».
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment