Một số chuyên gia cho rằng cuộc tập trận hải quân chung của Trung Quốc và Nga đang diễn ra chỉ có tính biểu tượng thay vì là một sự động binh.
Bình luận về việc cuộc tập trận 8 ngày được tiến hành ở ngoài khơi tỉnh Quảng Đông, tuy thuộc Biển Đông nhưng nằm xa các điểm có tranh chấp, chuyên gia về hải quân Lý Kiệt (Li Jie) ở Bắc Kinh nói: “Bắc Kinh không muốn gây khó chịu cho Hà Nội và Manila và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đang thăm Bắc Kinh, và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte có thể sẽ thăm Trung Quốc trong thời gian còn lại của năm nay. Tuy nhiên, nó vẫn là một động thái đáng kể khi Hải quân Trung Quốc tiến hành tập trận với đối tác Nga ở trong khu vực sau khi có phán quyết của Tòa quốc tế La Haye”.
Đây là cuộc tập trận thường niên thứ 5 giữa Trung Quốc và Nga kể từ năm 2012 sau khi hai nước thiết lập cơ chế hợp tác quốc phòng vào năm 2005.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho hay cuộc tập trận lần này có các nội dung về phòng thủ, cứu nạn, chống ngầm và chiếm đảo. Tham gia hoạt động này là 15 tàu, 21 máy bay, và gần 260 quân của cả hai nước. Bộ nói hai bên sẽ tập trung vào các kỹ năng tác chiến, số hóa và chuẩn hóa để thúc đẩy hợp tác hải quân, nhưng không nhắm vào bất cứ bên thứ ba nào.
Bắc Kinh đòi chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, dẫn đến những tranh chấp căng thẳng với Việt Nam và Philippines. Các bên khác cũng có tranh chấp là Đài Loan, Malaysia và Brunei.
Nga là nước lớn duy nhất thể hiện sự ủng hộ dành cho Trung Quốc trong các tranh chấp ở Biển Đông, bất chấp thực tế Việt Nam là một nước có quan hệ chặt chẽ về nhiều mặt với Nga trong hàng chục năm.
Tuy nhiên, nhà quan sát quân sự Antony Wong Dong ở Macau nói cuộc tập trận hiện nay cho thấy hai nước Nga, Trung vẫn chưa thực sự có sự tin cậy song phương.
Ông Wong chỉ ra rằng Nga đã đưa tàu chiến lớn nhất của mình từ hạm đội Thái Bình Dương tham gia trong khi Trung Quốc không triển khai các tàu khu trục tên lửa tiên tiến nhất lớp 052D của mình mà chỉ sử dụng các tàu lớp 052B và 052C kém hiện đại hơn. Ông nhận xét điều đó “cho thấy họ ‘tin’ nhau đến mức nào”.
Trong một cuộc họp báo hôm 12/9, một phát ngôn viên của Hải quân Trung Quốc cho biết trong cuộc tập trận, hai bên sẽ lần đầu tiên sử dụng hệ thống thông tin chỉ huy chung Trung-Nga. Hệ thống này có năng lực gửi, nhận và chia sẻ thông tin giữa mọi vị trí chỉ huy và các đơn vị tác chiến ở mọi cấp.
Tuy nhiên, ông Wong nói cái gọi là hệ thống thông tin chỉ huy chung bị giới hạn trong việc trao đổi dữ liệu radar và siêu âm của hai lực lượng hải quân, nó không cung cấp “đường truyền dữ liệu chiến thuật”, là hệ thống thông tin chuẩn hóa mà các đồng minh quân sự sử dụng qua sóng vô tuyến hoặc cáp.
Ông Wong bình luận: “So sánh với hệ thống kết nối dữ liệu mà Mỹ chia sẻ với các đồng minh NATO, sẽ thấy không có sự tin tưởng song phương nào giữa Trung Quốc và Nga”.
Theo Xinhua, SCMP
No comments:
Post a Comment