Sunday, September 18, 2016

Duterte, một Tổng thống khó đoán định

Duterte, một Tổng thống khó đoán định

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2016-09-18
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
000_FY8YJ.jpg
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát biểu trong lễ bế mạc Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN bàn giao chức chủ tịch ASEAN cho Philippines tại Vientiane vào ngày 8 tháng 9 năm 2016.
 AFP photo
Động thái mới nhất của Tổng thống Philippines, Rodrigro Duterte, chứng tỏ sự bất định của ông trong vấn đề ngoại giao và nhất là xoay trục một cách bất ngờ khi đề nghị Mỹ rút quân ra khỏi Phi, có thể từ chối vụ kiện của tòa PCA, quay lại bắt tay với Trung Quốc... những hành động nguy hiểm này có thể làm cho ván cờ Biển Đông thêm phức tạp nhất là trong khi Trung Quốc không dấu ý đồ quân sự của mình. Mặc Lâm phỏng vấn TS Đinh Hoàng Thắng, thành viên Viện nghiên cứu phát triển (VIDS), nguyên Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền tại Hà Lan, nguyên Tổng biên tập tuần báo Quốc Tế thuộc Bộ Ngoại giao, để ghi nhận quan điểm của ông về vị Tổng thống này có ảnh hưởng thế nào đối với Việt Nam.

Không chấp nhận phán quyết của Tòa PCA?

Mặc Lâm: Thưa Tiến sĩ, mới đây Tổng thống Rodrigo Duterte của Philippines đã nói rằng có thể ông ta sẽ không chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng tài (PCA), điều này có ảnh hưởng như thế nào tới những gì mà tòa tuyên hay không, mặc dù phán quyết của PCA không có tính chất chế tài đối với Trung Quốc?
Đối với Phi một khi đã có phán quyết, đặc biệt là khi phán quyết đó trở thành một công cụ hữu ích để bảo vệ quyền lợi quốc gia mà anh từ chối, thì người dân sẽ đánh dấu hỏi về tính chính danh của lãnh đạo.
-TS Đinh Hoàng Thắng
TS Đinh Hoàng Thắng: Phán quyết của Tòa Trọng tài (PCA) là một quyết định mang tầm vóc lịch sử, có giá trị xuyên thế kỷ. Đó là một phán quyết mang tính chung cuộc và ràng buộc về pháp l‎ý. Đến ngay cả Trung Quốc, tức là “bên bị” vốn là một nước lớn, một cường quốc nhưng khi tuyên bố không chấp nhận bản án thì Trung Quốc cũng không thay đổi được tầm quan trọng và ý nghĩa xuyên quốc gia của quyết định lịch sử ấy. Việc Tổng thống Phi Duterte tuyên bố có thể không chấp nhận phán quyết không hề ảnh hưởng tới nội dung những gì mà Tòa đã tuyên.
Tuy phán quyết của PCA không có tính chất chế tài, nhưng ở đây hình ảnh của quốc gia, cái perception (sự nhận thức) của quốc tế đối với bất cứ 1 nước nào, có thể đó là nước khởi kiện, có thể đó là một thành viên P5, sẽ bị tổn thương nghiêm trọng nếu anh không chấp thuận một quyết định vốn bắt nguồn từ “Bản hiến chương” về đại dương. Hơn nữa, đối với Phi một khi đã có phán quyết, đặc biệt là khi phán quyết đó trở thành một công cụ hữu ích để bảo vệ quyền lợi quốc gia mà anh từ chối, thì người dân sẽ đánh dấu hỏi về tính chính danh của lãnh đạo.
Mặc Lâm: Tổng thống Duterte cũng công khai ngỏ ý sẽ yêu cầu quân đội Mỹ rút ra khỏi Philippines, có nghĩa là đơn phương hủy bỏ Hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ năm 1951. Quyết định này theo ông có tầm quan trọng ra sao đối với vai trò của Phi trong vấn đề Biển Đông?
TS Đinh Hoàng Thắng: Tổng thống Duerte được cho là đã công khai ngỏ ý sẽ yêu cầu quân đội Mỹ rút khỏi Philippines. Tuy nhiên, tuyên bố này có đồng nghĩa với việc Phi chấm dứt hợp tác với Mỹ cả về chống khủng bố và tuần tra trên Biển Đông hay không thì còn phải suy xét. Bởi vì, chính cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Philippines ông Lauro Baja vừa mới cảnh báo: “Đừng ngây thơ về vấn đề này. Chẳng một quốc gia nào khác ngoài Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ việc chúng ta (tức là Phi) bất đồng với Mỹ và các đồng minh khác. Chúng ta đang gửi đi một thông điệp nhầm lẫn đến Mỹ, Trung Quốc và các đồng minh khác thông qua những hành động và tuyên bố của ông Duterte”.
Như vậy xét từ nhiều góc độ, Phi không thể bỏ Hiệp ước an ninh này. Ý định hủy bỏ Hiệp ước phòng thủ, chỉ trên lời nói, có thể là một cách Phi “làm mình làm mẩy” đối với Mỹ đồng thời tranh thủ hạ nhiệt Trung Quốc sau phán quyết. Đương nhiên, một lập trường chông chênh như thế ắt sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến vai trò của Phi trong cuộc đấu tranh chung của các nước cùng đòi chủ quyền một số vùng biển đảo trên Biển Đông và chắc chắn sẽ buộc các nước khác phải có những điều chỉnh chính sách nhất định.
Mới đây nghị sỹ Hideki Makihira thuộc Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của Nhật tuyên bố, nếu Philippines hoàn toàn ngã về Trung Quốc, “ít nhất Nhật Bản cần Việt Nam, Malaysia và các quốc gia khác xung quanh Biển Đông tập hợp trong nhóm của chúng tôi”.
000_F29PW.jpg
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (trái) bắt tay với Giám đốc sở cảnh sát quốc gia (PNP), Dela Rosa, tại trụ sở PNP hôm 17/8/2016.
Mặc Lâm: Tổng thống Duterte rõ ràng là không che dấu việc ngã về Trung Quốc, đây có phải là sự thất bại trên mặt trận ngoại giao của Mỹ hay chỉ là phản ứng thiếu cân nhắc của một Tổng thống?
TS Đinh Hoàng Thắng: Chỉ qua một vài tiểu xảo trong tuyên bố, chưa thể đánh giá ngay sự thành bại đối với chiến lược ngoại giao của cả nước lớn lẫn nước nhỏ. Ông Duterte hôm nay công kích Mỹ thì ngày mai ông cũng có thể công kích Trung Quốc. Duterte là một chính khách khó đoán định, hôm trước ông nói Trung Quốc là một nước “hào phóng”, hôm sau ông lại dọa “đổ máu” nếu Trung Quốc dám tấn công Philippines. Từ Bắc Kinh, một phân tích hôm 14 tháng 9 của “Thời báo Hoàn cầu”, đã cảnh báo: “Đừng quá ảo tưởng. Xét về lâu dài Trung Quốc không dễ gì đối phó với Philippines dưới thời Rodrigo Duterte”.
Truyền thông quốc tế (Wall Street Journal) cũng nhận xét: Duterte khó có thể duy trì sự xích lại gần hơn về phía Trung Quốc. Nếu Trung Quốc từ chối nhượng bộ trên Biển Đông, nhất là về vấn đề ngư trường quanh bãi cạn tranh chấp Scarborough, Tổng thống Philippines có thể vấp phải sự phản đối của dư luận trong nước.
Về phía Mỹ, Washington vẫn xem Philippines là một trụ cột quan trọng trong chính sách tái cân bằng của mình nên Washington tỏ ra kiềm chế trong phản ứng. Ngay cả Trung Quốc cũng không dễ gì chấp nhận những “pha” giật gân trong phát biểu của ông Duterte. Việc Duterte mới đây bị tố cáo đứng sau những vụ thanh trừng tội phạm đẫm máu trước đây và đảng Tư do đang chuẩn bị người để khi cần có thể thay thế ông cho thấy tình hình đang biến động, chưa thể khẳng định điều gì chắc chắn!

Ảnh hưởng Việt Nam như thế nào?

Mặc Lâm: Chưa có lúc nào tình hình Biển Đông lại có nhiều gam màu xám đối với Việt Nam như lúc này. Trung Quốc và Nga tập trận chung và bây giờ tới lượt Philippines có thể thay đổi chính sách. Cộng hưởng mọi chuyện này lại với nhau, vị trí của Việt Nam có bị cô lập hơn trước hay không? Đây có phải là lúc Việt Nam nên xem lại chính sách “không liên minh” của mình trong những năm qua?
Chính sách của Việt Nam là cộng hưởng của nhiều yếu tố bên trong và bên ngoài, không dựa vào một yếu tố duy nhất nào cả.
-TS Đinh Hoàng Thắng
TS Đinh Hoàng Thắng: Câu chuyện của Phi rõ ràng có tính hai mặt. Một mặt, bên muốn tiếp tục duy trì quan hệ đồng minh Mỹ-Phi, như người phát ngôn Lầu Năm Góc Gary Ross luôn khẳng định, quan hệ Mỹ - Philippines là một trong những quan hệ lâu dài và quan trọng của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Mặt khác, bên muốn ủng hộ cái gọi là “một chính sách đối ngoại độc lập hơn”, như giới học giả từ Hong Kong, thì nhận xét thái độ bất nhất của Duterte có thể làm thay đổi mạnh mẽ bức tranh địa-chính trị trong khu vực, đặt Trung Quốc vào một vị thế có lợi hơn so với Mỹ. Trong bối cảnh đó Việt Nam đương nhiên phải theo dõi sát cả hai khuynh hướng này, xem đâu là cú đi bóng để chuẩn bị sút vào khung thành, đâu chỉ là động tác giả của cầu thủ, để chủ động thoát khỏi tình thế bất lợi, tình thế “những gọng kìm của lịch sử” như trong thời chiến tranh.
Chính sách của Việt Nam là cộng hưởng của nhiều yếu tố bên trong và bên ngoài, không dựa vào một yếu tố duy nhất nào cả. Nếu Việt Nam bị Trung Quốc tiếp tục ép quá mạnh, ASEAN “tan đàn xẻ nghé”, nếu Phi bỏ Mỹ để đi với Bắc Kinh, là điều có thể loại trừ cho đến nay!, nếu khuôn khổ cấu trúc an ninh khu vực sẽ được mở theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu, dĩ nhiên không loại trừ khả năng Việt Nam sẽ xem xét lại chính sách “không liên minh” của mình.
Tuy nhiên, hệ thống quan hệ “đối tác chiến lược” và “đối tác toàn diện” hiện nay mà thực chất trong đấy đã có rất nhiều yếu tố của các quan hệ chiến lược rồi, là một giai đoạn quá độ để Việt Nam thay đổi chính sách ngoại giao trước đây vốn chỉ dựa vào yếu tố ý thức hệ trong những năm tháng chiến tranh lạnh.
Mặc Lâm: Mọi sự so sánh đều khập khiểng, tuy nhiên do hoàn cảnh hai nước có khá nhiều khía cạnh giống và khác nhau, chúng tôi muốn TS bình luận về những điểm tương đồng và khác biệt giữa Philipinnes và Việt Nam trong chính sách của mỗi nước nhằm đối phó với Trung Quốc?
TS Đinh Hoàng Thắng: Cả Phi và Việt đều là nước nhỏ, vừa bị Trung Quốc lấn lướt trong vấn đề biển đảo trên Biển Đông, vừa bị Trung Quốc lôi kéo đi theo quỹ đạo của họ tức là giải quyết tranh chấp chỉ bằng con đường song phương. Giữa Phi và Việt Nam có một số khía cạnh tương đồng, nhưng trong chính sách của mỗi nước nhằm đối phó với Trung Quốc có thể nhận ra một vài sự khác biệt. Đáng chú ý nhất là mỗi khi Trung Quốc áp đặt cái yếu tố ý thức hệ “ảo” nhằm “bó tay bó chân” Việt Nam trong rất nhiều chuyện thì Việt Nam có lúc đã tỏ ra lúng túng... Phải thừa nhận, tính độc lập và thế chủ động, tính kiên quyết và thế tự cường của Phi là khá cao.
Việt Nam cũng nhấn mạnh tính độc lập - tự chủ nhưng ngoài yếu tố ý thức hệ còn sức nặng của lịch sử và điều kiện địa-chính trị của VN, đặc biệt do Trung Quốc luôn luôn coi Việt Nam là một chư hầu. Dương Khiết Trì vào năm 2014 đã gọi “Việt Nam là đứa con ‘hoang đàng’ và khuyên ‘nên quay về với đất mẹ’! và do phụ thuộc về kinh tế quá lớn như hiện nay nên cộng tất cả các thứ dó lại tính độc lập cũng như chất tự cường của Viêt Nam bị hạn chế trên thực tế.
Tuy nhiên, khi bị o ép quá mức, thì sức phản kháng của người dân vô cùng mạnh. Hãy chú ý gần đây báo chí Việt Nam không còn nhắc đến “bốn tốt” lẫn “mười sáu chữ vàng” nữa đủ thấy áp lực buộc phải thay đổi. Hoặc cứ nhìn vào lịch sử, đặc biệt lịch sử quan hệ Việt - Trung qua các triều đại phong kiến cũng sẽ thấy rất rõ sự quật cường của người dân Việt.
Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.

No comments:

Post a Comment