Thursday, September 1, 2016

Hiệp định TTIP : Bất đồng quan điểm giữa Pháp và Đức

Hiệp định TTIP : Bất đồng quan điểm giữa Pháp và Đức

mediaCờ của Liên Hiệp Châu Âu, Hoa Kỳ và Đức chào mừng tổng thống Obama và thủ tướng Merkel tại cuộc đối thoại song phương ở điện Herrenhausen, Hanover, ngày 24/04/2016.Ảnh : John MACDOUGALL / AFP
Ngày 30/08/2016, Pháp thông báo yêu cầu ngừng đàm phán về Hiệp định Tự do Mậu dịch xuyên Đại Tây Dương (TTIP hay Tafta) giữa Washington và Bruxelles. Cùng ngày, Bruxelles đã yêu cầu tập đoàn Apple (Mỹ) trả 13 tỉ euro lợi ích thuế cho Ai Len. Vậy tại sao Pháp lại yêu cầu ngừng đàm phán ? Câu hỏi này được Le Monde, Les Echos và Le Figaro phân tích trong số ra ngày 31/08/2016.
Cả ba nhật báo đều đăng phát biểu của tổng thống François Hollande, giải thích tại sao đưa ra quyết định trên, trong buổi gặp mặt hàng năm với các đại sứ Pháp : « Quá trình đàm phán không tiến triển, các quan điểm đã không được tôn trọng, tính mất cân bằng thể hiện rất rõ rệt. Nước Pháp muốn nhìn thẳng vào thực tế và không muốn ảo tưởng là bản thỏa thuận này phải được ký kết trước khi nhiệm kỳ của tổng thống Mỹ kết thúc ».
Có chung dòng tựa : « TTIP : Paris yêu cầu ngừng đàm phán », Les Echos và Le Monde cho biết chi tiết hơn thông qua lời phát biểu của quốc vụ khanh Pháp đặc trách thương mại, Matthias Fekl, trên đài phát thanh RMC : « Người Mỹ không cho gì hết, hoặc rất nhỏ (…), giữa các đồng minh với nhau, không thể đàm phán như thế này được ».
Chính sự khác nhau quá xa về quan điểm của hai bên bờ Đại Tây Dương đã khiến các cuộc đàm phán bị sa lầy. Liên Hiệp Châu Âu yêu cầu được thâm nhập vào thị trường công của Mỹ, vẫn thường được chính quyền bảo trợ bằng hàng loạt quy chế, như « Small business Act »(Luật về doanh nghiệp nhỏ) quy định một số đơn đặt hàng của lĩnh vực công được giành cho các công ty vừa và nhỏ địa phương. Còn Hoa Kỳ lại nhòm ngó thị trường nông phẩm châu Âu, trong khi Bruxelles không muốn làm suy yếu thêm lĩnh vực này, nếu mở cửa cho cạnh tranh.
Thông báo ngừng các cuộc đàm phán TTIP không chỉ gây xáo động trong nội bộ nước Pháp, mà còn cho cả chính trường Đức. Thủ tướng Angela Merkel vẫn luôn ủng hộ các cuộc thương lượng giữa Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ, dù chủ nhật 28/08, phó thủ tướng Đức Sigmar Gabriel, thuộc đảng đối thủ của bà Merkel, cho rằng các cuộc đàm phán « gần như đã thất bại, ngay cả khi không ai thật sự chấp nhận điều này ». Ông cũng nhấn mạnh : « Chúng ta, những người châu Âu, không được nhượng bộ » trước những đòi hỏi của Washington.
Theo nhận định của Les Echos, chỉ còn vài tháng trước cuộc bầu cử tại Đức và Pháp, chia rẽ trong nội các Đức, giữa thủ tướng thuộc đảng Dân Chủ-Thiên Chúa Giáo (CDU) và đối thủ là phó thủ tướng Sigmar Gabriel thuộc đảng Xã Hội-Dân Chủ, có nguy cơ ảnh hưởng đến bộ đôi Hollande-Merkel. Cả Paris và Berlin phải tỏ ra đoàn kết trong bối cảnh châu Âu đang phải đối mặt với Brexit, khủng hoảng người nhập cư và khủng bố. Cùng với Ý, Pháp và Đức muốn tôi luyện sự đồng thuận về nhiều mặt : quốc phòng, bảo vệ đường biên giới hay tăng trưởng.
Còn chính tại Hoa Kỳ, TTIP cũng không nhận được sự ủng hộ tuyệt đối. Rất nhiều chính trị gia bảo thủ tỏ ra nghi ngờ về khả năng chính quyền có thể đạt được thỏa thuận TTIP trước khi hết nhiệm của thứ hai của tổng thống Obama, vào tháng 01/2017. Dù ủng hộ thỏa thuận trên với châu Âu, ứng viên tổng thống của đảng Dân Chủ Hillary Clinton không nêu chủ đề này trong chương trình vận động tranh cử. Trong khi đó, đối thủ đảng Cộng Hòa Donald Trump luôn phản đối TTIP, ủng hộ bảo trợ, để thu hút cử tri Mỹ.
Thế nhưng, theo một nguồn tin châu Âu của báo Le Monde, Bruxelles vẫn tin là « Tafta chưa chết ». Các nhà thương thuyết châu Âu hy vọng có thể nối lại đàm phán về chủ đề này trong trường hợp bà Hillary Clinton được bầu làm tổng thống Mỹ.
Chính phủ Anh bị chia rẽ về quy mô và lịch trình « Brexit »
Hai tháng sau khi người dân Anh Quốc bỏ phiếu ủng hộ « Brexit », thủ tướng Theresa May bắt tay chuẩn bị lộ trình rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Theo nhật báo Le Monde, cuộc họp các bộ trưởng ngày 31/08/2016 được dự đoán diễn ra căng thẳng và « Theresa May đối mặt với những bất trắc của Brexit ».
Căng thẳng thứ nhất là sự bất đồng về quyền tự do đi lại của người Anh với phần còn lại của châu Âu. Các bộ trưởng ủng hộ « chia tay dứt khoát » (Brexit hard) phản đối việc duy trì quyền này. Họ cho rằng người Anh bỏ phiếu Brexit để hạn chế tình trạng nhập cư châu Âu, vì vậy phải thỏa mãn mong muốn của người dân, bất chấp việc rút khỏi thị trường rộng lớn với 500 triệu người tiêu dùng.
Yêu cầu này đối lập hoàn toàn với khuynh hướng ủng hộ một bản thỏa thuận gần như nguyên trạng (Brexit light), theo mô hình của Na Uy. Theo đó, Anh phải duy trì quyền tự do đi lại của các cá nhân với phần còn lại của châu Âu. Đây là một trong những nguyên tắc cơ bản của Liên Hiệp.
Bất đồng thứ hai liên quan đến lộ trình « Brexit ». Ngay khi nhận chức vụ thủ tướng, bà Theresa May đã tuyên bố không khởi động điều 50 của Hiệp định Lisboa trước đầu năm 2017. Tuy nhiên, theo nguồn tin của báo chí, có lẽ phải chờ đến giữa năm 2017, thậm chí là cuối năm đó, sau kỳ bầu cử tại Đức và Pháp. Có nghĩa là Anh Quốc sẽ chỉ chính thức rời ngôi nhà chung châu Âu vào cuối năm 2019.
Thủ tướng Theresa May bị kẹt giữa hai thế, mà tình cảnh của bà được thể hiện rõ trong bức tranh biếm họa được Le Monde miêu tả lại : Nữ thủ tướng đang lái chiếc xe hơi sau kỳ nghỉ hè về và bị tắc đường. Đằng trước là biển hiệu : « Điều khoản 50 ». Đằng sau là một nhóm trẻ con hiếu động, tức các bộ trưởng, đang trêu chọc nhau và một đứa bé hỏi : « Chúng ta không thể đi nhanh hơn được hả mẹ ? »
Miến Điện : Aung San Suu Kyi nối lại đàm phán hòa bình
Đàm phán hòa bình giữa chính quyền Naypyidaw và các nhóm nổi dậy tại Miến Điện là chủ đề thời sự châu Á nổi bật được hai nhật báo La Croix và Libération đề cập.
Được đánh giá là gần gũi với các nhóm nổi dậy và quân đội, cố vấn quốc gia Aung San Suu Kyi đã thuyết phục được đa số các phe nổi dậy tham gia hội nghị hòa bình, diễn ra ngày 31/08, tại thủ đô Naypyidaw.
Nhật báo La Croix, trong bài viết « Miến Điện : Aung San Suu Kyi nối lại đàm phán hòa bình », nhận định hội nghị đã là một thành công vì cố vấn quốc gia đã thuyết phục được chừng 15 phe nổi dậy, trên khoảng 20 phe, ngồi vào bàn đàm phán với chính quyền và quân đội. Ngay cả Quân đội Thống nhất bang Wa, lực lượng nổi dậy lớn nhất của Miến Điện với hơn 20.000 chiến binh, cũng nhận lời mời này.
Khoảng 1.800 khách mời có mặt tại thủ đô Naypyidaw, trong đó có tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon. Cuộc họp lần này được coi là hội nghị « Panglong lần hai », nhằm nhắc đến hội nghị lần thứ nhất để đoàn kết các tộc người tại Miến Điện năm 1947.
Sự kiện quan trọng trên cũng được Libération phân tích trong bài viết : « Miến Điện đi tìm hòa giải dân tộc » dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Hội nghị lần này có may mắn thành công hay không ? Theo phân tích của nhà nghiên cứu Mael Raynaud (Viện Nghiên cứu Chính trị Toulouse) với Libération, thì cơ may cũng rất hạn chế vì « mọi ý đồ biến « hội nghị Panglong mới này » thành một sự kiện có một không hai có thể gặp thất bại. Các bên tham gia phải hết sức cẩn trọng (…) ». Sau nhiều thập kỷ nội chiến, buôn lậu và đối đầu, « cần có thời gian để khôi phục lòng tin, yếu tố cần thiết cho các bên để tìm ra thỏa hiệp, vì tiến trình hòa bình là một vấn đề thỏa hiệp ».
Thế nhưng, theo La Croix, dù bà Aung San Suu Kyi thổi làn gió mới vào tiến trình hòa bình, tình hình thực địa vẫn bấp bênh. Tuần trước, lực lượng dân quân vì độc lập của bang Kachin đã cáo buộc quân đội Miến Điện oanh kích nhiều địa điểm của lực lượng này tại cực bắc đất nước.
Đài Loan, Singapore và Hồng Kông bị tác động vì kinh tế Trung Quốc
Trên phương diện kinh tế, nền kinh tế Trung Quốc hiện đang chững lại đã khiến nhiều nước đối tác châu Á lo ngại, đặc biệt là Đài Loan, Singapore và Hồng Kông.
Theo đánh giá của các nhóm nghiên cứu thuộc Euler Hermes, được nhật báo Le Monde đăng dưới dòng tựa : « Đài Loan, Singapore và Hồng Kông bị tác động vì kinh tế Trung Quốc », ba« con rồng châu Á » có kết quả tăng trưởng trưởng khá thất vọng trong năm 2016 và năm 2017 sẽ chỉ đạt dưới 2%. Ngưỡng này thấp hơn hẳn so với mục tiêu tăng trưởng trung bình trong dài hạn, được định ở mức 3,5%.
Nguyên nhân là do nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc giảm hẳn trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang gặp khó khăn. Thực vậy, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm gần 15% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đài Loan và Singapore, và đến hơn 80% của Hồng Kông. Tiếp theo là lĩnh vực bất động sản cũng bị ảnh hưởng. Tháng 08/2016, giá cho thuê nhà ở và văn phòng đã giảm 10% so với cùng kỳ năm 2015.
May mắn là chính quyền Đài Loan, Hồng Kông và Singapore có « những phương tiện mạnh nhờ vào sự vững chắc của nền tài chính công để có thể thúc đẩy tăng trưởng », theo đánh giá của hai nhà phân tích Islam và Subran. Singapore phải thắt chặt các chi tiêu cho cơ sở hạ tầng vào năm 2016, trong khi đó Hồng Kông triển khai các biện pháp hỗ trợ các gia đình. Còn tại Đài Loan, ngân hàng trung ương đã bắt đầu chính sách nới lỏng tiền tệ vào năm 2015 để bảo vệ nguồn cầu của tư nhân.
Bộ trưởng Kinh Tế Pháp rời ngôi nhà Xã Hội
Trang nhất các báo Pháp sáng nay đặc biệt dành riêng cho một nhân vật : Emmanuel Macron. Vị bộ trưởng kinh tế trẻ tuổi và đầy tham vọng đã từ nhiệm ngày 30/08.
Như vậy, « Macron tự tách ra làm chủ » như hàng tít đậm trên trang nhất của Libération và chấm dứt các tin đồn từ nhiều tháng qua. Sau một thời gian phục vụ cho chính phủ cánh tả để cải tiến một số chính sách, nay Macron quyết định nhắm đến mục tiêu cao hơn. Còn theo La Croix, « Macron đã tìm thấy tự do » : Ra đi để dọn đường cho khả năng trở thành ứng viên tranh cử tổng thống.
Quyết định từ chức của cựu bộ trưởng Kinh Tế là một « trở ngại lớn trên con đường tranh cử của ông Hollande » theo nhận định của Le Monde. Một quan điểm cũng được tờ nhật báo thiên hữu Le Figaro đồng chia sẻ qua hàng tựa lớn : « Macron rời con tàu và ngầm cản đường Hollande ».
Le Figaro cho rằng ông Macron vẫn còn phải nỗ lực để chứng tỏ bản thân. Ngoài đạo luật tự do hóa ngành giao thông tư nhân, Emmanuel Macron còn có những đề xuất nào khác cho các vấn đề giáo dục, di cư, an ninh, Hồi Giáo cực đoan… ?
Đây quả là « Một sự đánh cuộc », tít lớn trên Les Echos. Nhật báo kinh tế đánh giá cao hành động này của vị bộ trưởng trẻ tuổi, khi cho rằng ông có thể sẽ không bao giờ trở thành tổng thống nước Pháp. Nhưng cho dù định mệnh có ra sao, mong muốn gây áp lực lên chiến dịch vận động tranh cử tổng thống của nhà sáng lập phong trào « En Marche » cũng là một tin tốt cho nền kinh tế nước Pháp. Tuy tuổi đời chưa tới 40, nhưng ông - một người thuộc thế hệ kỹ thuật số, ủng hộ châu Âu một cách nhiệt thành - đã thấy và nghĩ về kinh tế không giống với bất kỳ một đối thủ  nào mà ông sẽ phải đối mặt.
Cùng chủ đề

No comments:

Post a Comment