Saturday, September 17, 2016

Manila khuấy nhiễu thế cờ tại Biển Đông

Manila khuấy nhiễu thế cờ tại Biển Đông

mediaTổng thống Philippines Rodrigo Duterte, nổi tiếng với những phát ngôn "bộc phát".REUTERS/Erik De Castro
Tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte đã vượt qua giới hạn mới trong việc chống đối lại Hoa Kỳ, đồng minh truyền thống và từng là quốc gia đô hộ Philippines đến tận năm 1946, để xích lại gần với Trung Quốc. Tuy nhiên, chiến lược của con người “khó đoán” này và chưa thành thạo trên trường quốc tế đang khiến cho cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đều cảm thấy lúng túng. “Manila xáo trộn thế cờ tại Biển Đông” là nhận định của Le Figaro số ra ngày 16/09/2016.
Là một nước nhỏ không có trọng lượng về quân sự, nhưng Philippines trong vài tuần nay đang làm thay đổi cục diện bằng cách khai thác sự đối đầu giữa hai cường quốc Hoa Kỳ và Trung Quốc. Dù vậy, cho đến lúc này cũng không ai đoán được ông Rodrigo Duterte, mà Le Figaor gọi là “kẻ gây rối”, đang muốn gì.
Một điều chắc chắn là tân tổng thống Philippines đang đoạn tuyệt với chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm, ông Benigno Aquino III. Cựu tổng thống Philippines đã tạo dựng được một mối quan hệ đặc quyền với Washington, đóng vai người bảo vệ trước sự hung hăng của Bắc Kinh tại những vùng lãnh hải có tranh chấp ở Biển Đông.
Nhưng giờ đây, mối quan hệ đó đang bị lung lay. Chỉ trong vòng vài tuần, ông Duterte đã làm cả thế giới sửng sốt trước những phát ngôn “văng mạng”. Thóa mạ tổng thống Mỹ Barack Obama, yêu cầu Washington rút hết các cố vấn quân sự và đánh tiếng có thể sẽ mua vũ khí của Trung Quốc và Nga. Trong khi đó, cho đến lúc này Manila vẫn mua vũ khí từ phía Hoa Kỳ.
Theo giải thích của bà Sophie Boisseau du Rocher, Trung Tâm Châu Á, thuộc IFRI, khi giữ khoảng cách với chính quyền Obama, ông Duterte muốn tìm cách thu hút cử tri dẫn đến rủi ro gây ra một sự “xào xáo” với đồng minh chiến lược. Bà nói: “Một bộ phận người dân Philippines đang tự hỏi xem là họ đã được lợi gì từ thời cai trị của đế quốc Mỹ và thời kỳ hậu đế quốc tiếp theo”.
Trung Quốc cẩn trọng mở rộng tay với Philippines
Đối với Trung Quốc, tổng thống Philippines khi có thái độ hòa dịu khi thì chỉ trích. Cụ thể là ngay giữa cuộc họp thượng đỉnh, ông Duterte không ngần ngại trưng bày các hình ảnh cho thấy các chiếc tầu Trung Quốc, được cho là đang tiến hành xây dựng một đảo nhân tạo mới tại bãi cạn Scarborough, mà Philippines có đòi hỏi chủ quyền.
Để rồi sau đó, vị tân tổng thống này lại lên tiếng công nhận không đủ sức để áp đặt Bắc Kinh tuân thủ biên giới lãnh hải, đành phải chấp nhận thực tế và nhìn nhận là “Trung Quốc có khả năng và ưu thế quân sự trong khu vực”.
Về điểm này, ông Benoît de Tréglodé, giáo sư hướng dẫn tại Irsem có nhận định: “Tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh đang lan rộng sang các nước như Indonesia, Malaysia, Singapore hay Việt Nam. Và vì Trung Quốc đang tìm cách tránh một mặt trận chung chống lại họ, nên nước này rất có thể bị nhấn chìm vào trong khe hỡ”. Do đó, theo quan điểm của chuyên gia này, không loại trừ khả năng Trung Quốc đề xuất một thỏa ước về Biển Đông.
Bất chấp những cử chỉ hòa dịu đến từ Manila, nhưng Bắc Kinh vẫn có một cái nhìn cẩn trọng. Mối quan hệ Trung Quốc – Philippines hiện đang bước vào “một bước ngoặt mới” như khẳng định của một quan chức ngoại giao cao cấp, vốn cũng muốn tranh chấp được xử lý một cách “thích hợp”.
Nhưng tờ Hoàn Cầu Thời Báo, một tờ báo chính phủ, trong một bài bình luận cho rằng: “Với tính cách của ông Duterte, và những lời thóa mạ mà ông ấy có thể đưa ra với bất kỳ ai, không dễ gì sử dụng được ông ta (…) Trung Quốc không nên nuôi ảo tưởng về ông Duterte. Trong dài hạn, sẽ không dễ dàng gì cho Trung Quốc trong việc duy trì quan hệ với tổng thống Philippines”, như lời bình luận của tờ Hoàn Cầu Thời Báo.
Về phần mình, Nhà Trắng cố gắng giảm thiểu sự xáo trộn và những phát ngôn “bộc phát” của lãnh đạo Philippines. Manila, vốn chưa sẵn sàng từ bỏ “cuống rốn” của mình, đã đảm bảo là Hiệp ước Quốc phòng với Hoa Kỳ, được ký từ năm 1951 và được củng cố thêm vào năm 2014 vẫn “vững như bàn thạch”.
Donald sùng bái Vladimir
Liên quan đến tranh cử tổng thống tại Hoa Kỳ, báo Le Monde hôm nay có bài lý giải vì sao « Donald Trump lại sùng bái Vladimir Putin » của nhà báo Alain Franchon.
Ứng viên tổng thống của đảng Cộng Hòa Mỹ tỉ tê tâm sự :: Vladimir Putin « đã nói tôi là một thiên tài ». Ông Trump đã nói dối, vì ông Putin nói đơn giản hơn. Hồi tháng Sáu, tổng thống Nga đánh giá rằng nhà tỉ phú địa ốc New York là một « người đáng chú ý và có tài ». Chứ không phải là một « thiên tài ». Thế nhưng, ông Trump không quan tâm đến điều này và ông đối đãi lại bằng cách ca ngợi hết lời chủ nhân điện Kremlin. Tại sao vậy ?
Tác giả nêu ra những điểm tương đồng trong tư duy chiến lược giữa Donald Trump và Vladimir Putin và thậm chí, trong một số trường hợp, ứng viên tổng thống của đảng Cộng Hòa còn có cùng lập trường với nguyên thủ Nga : Donald Trump cho rằng việc Nga bảo vệ vùng ảnh hưởng của mình là bình thường, những nước như Ukraina hay Gruzia chỉ có chủ quyền hạn chế, có thể bỏ qua việc Matxcơva sáp nhập Crimee và có thể bãi bỏ cấm vận đối với Nga. Theo Donald Trump, việc dùng vũ lực để thay đổi đường biên giới châu Âu được hình thành từ sau đệ nhị thế chiến không quan trọng bằng quan hệ Mỹ-Nga.
Chủ nhân điện Kremlin coi Liên Minh Bắc Đại Tây Dương – NATO - là mối đe dọa chiến lược đối với Nga. Còn Donald Trump muốn giảm bớt quan hệ với khối quân sự này, chỉ trích các đồng minh châu Âu không chịu đóng góp vào nỗ lực quân sự, rằng Mỹ không có nghĩa vụ đương nhiên phải bảo vệ các đồng minh nếu những nước này chỉ trông cậy vào sự bảo vệ của Hoa Kỳ. Đây là quan điểm của một doanh nhân chứ không phải của một chính trị gia, vì đảng Cộng Hòa Mỹ luôn chủ trương gắn bó với NATO, bảo vệ các lợi ích của Hoa Kỳ ở nước ngoài. Tư duy của Trump không chỉ thể hiện tư tưởng bảo hộ, co cụm, mà đó còn là một sự phản bội.
Tuy nhiên, Donald Trump cũng bảo vệ những quan điểm chính thống của đảng Cộng Hòa : ông muốn xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân đã ký với Iran, tăng ngân sách quốc phòng, vứt bỏ thỏa thuận về biến đổi khí hậu Paris vì cho rằng biến đổi khí hậu chỉ là một sự lừa đảo của giới khoa học.
Theo Le Monde, tất cả những yếu tố này tạo thành một chính sách đối ngoại kỷ cục. Thế nhưng, câu hỏi được đặt ra là liệu có tin được vào những gì mà Donald Trump đã nói và hứa hẹn hay không ? Tờ báo nêu ra một loạt những phát biểu dối trá của ông, như về chiến tranh Irak, hồ sơ Libya …
Thực ra, ứng viên tổng thống của đảng Cộng Hòa không hề có đường hướng chiến lược gì cả trong chính sách đối ngoại. Vậy lý do mà Donald Trump sùng bái Vladimir Putin, đó là một nhà lãnh đạo độc tài, chuyên chế. Tuần trước, ứng viên tổng thống của đảng Dân Chủ tỏ ra ngưỡng mộ về việc ông Putin kiểm soát chặt chẽ đất nước, kiểm soát báo chí, cảnh sát, tư pháp, đối lập bị bịt miệng thậm chí bị ám sát, không có Nhà nước pháp quyền. Đối với Donald Trump, điều quan trọng nhất, đó là hình ảnh « một thủ lĩnh » nắm trọn quyền hành.
Chính vì thế, Donald Trump chủ trương tra tấn những nghi can khủng bố, lấy làm tiếc là cảnh sát không mạnh tay trấn áp người biểu tình, chỉ trích sự độc lập của các thẩm phán, đòi kiện báo chí một cách dễ dàng hơn.
Le Monde trích đăng lại nhận định của nhà bình luận Paul Krugman, giải Nobel Kinh tế, đăng trên nhật báo New York Times : Ngưỡng mộ tổng thống Nga Putin, có nghĩa là ngưỡng một kẻ khinh thường dân chủ và các quyền tự do của công dân. Cái mà Donald Trump sùng bái, đó là hình ảnh thể hiện vũ lực, quyết tâm, đưa ra những giải pháp đơn giản trong một thế giới phức tạp. Le Monde kết luận : Mối ảm ảnh cần phải có một người hùng là một trong những dấu ấn của thời buổi hiện nay, tại nhiều nền dân chủ phương Tây. Đó không phải là điều làm mọi người yên tâm.
Cameron và Sarkozy: Thủ phạm gây bất ổn cho Libya
Về thời sự Châu Âu, các báo Pháp hầu như tập trung khai thác nhiều về cuộc họp thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu, tại Bratislava, Slovakia. Cuộc họp đầu tiên không có Anh quốc, kể từ sau thắng lợi của phe Brexit. Làm thế nào giữ vững mái nhà chung Châu Âu trong cơn biến động kinh tế, chính trị và cuộc khủng hoảng nhập cư là những chủ đề chính sẽ được thảo luận.
Tuy nhiên, đáng chú ý nhất là bài viết trên Le Monde có tựa đề “Cameron và Sarkozy bị điểm mặt vì can thiệp chống Kadhafi”. Một báo cáo của của Ủy Ban Đối Ngoại thuộc Nghị viện Anh, công bố hôm 14/09/2016 buộc tội cựu thủ tướng Anh David Cameron và cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy “chịu trách nhiệm” về sự hỗn loạn và nội chiến tại Libya.
Báo cáo dày 49 trang chỉ trích ông David Cameron đã dựa trên những “giả định sai lầm và một sự hiểu biết không đầy đủ về các thông tin tình báo”, “thiếu chiến lược rõ ràng” và “đánh giá quá cao mối đe dọa” trấn áp thường dân tại Benghazi của đại tá Kadhafi. Các nghị sĩ cho rằng cựu thủ tướng đã phớt lờ bài học xương máu Irak.
Bên cạnh đó, báo cáo của Ủy Ban còn làm sáng tỏ các động cơ thúc đẩy tiến hành chiến dịch Libya của cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. Theo phân tích chiến dịch này chỉ nhằm phục vụ 5 lợi ích của nước Pháp, được ông Sidney Blumenthal, cố vấn của bà Hillary Clinton, tường thuật theo trình tự như sau:
Muốn có được phần sản xuất dầu thô lớn nhất tại Libya; Gia tăng ảnh hưởng của Pháp tại Bắc Phi; Cải thiện tình hình chính trị của ông tại Pháp; Cho phép quân đội Pháp tái khẳng định vị thế trên thế giới và đáp trả lại dự định của Kadhafi muốn hất cẳng Pháp tại khu vực châu Phi nói tiếng Pháp”.
Danh sách các động cơ này chủ yếu xác nhận thiện chí của Pháp đi theo cùng phong trào “Mùa xuân Ả Rập” và nhằm làm quên đi thất bại của Paris trong việc ủng hộ nhà độc tài Ben Ali trong phong trào nổi dậy tại Tunisia.
Theo các nghị sĩ Anh, chỉ có “4 trong số 5 yếu tố này là phù hợp với lợi ích của nước Pháp. Yếu tố thứ năm chỉ nhằm phục vụ cho lợi ích chính trị cho bản thân tổng thống Sarkozy”. Báo cáo nhắc đến “khả năng lợi thế bầu cử” như mong đợi của ông Sarkozy trước khi diễn ra tranh cử tổng thống năm 2012.
Ngành dệt may: Trung Đông bất ổn, Việt Nam hưởng lợi
Báo Le Monde trích dẫn các ghi nhận của chuyên gia Anne-Laure Linget, tại Hội chợ ngành vải sợi Texworld au Bourget (ngoại ô phía bắc Paris), công bố hôm 14/9 cho rằng bất ổn chính trị tại Thổ Nhĩ Kỳ, chiến sự dai dẳng tại Syria và Irack đã khiến nhiều thương hiệu may mặc lớn quan ngại.
Trong khi đó, những thỏa thuận về hàng rào thuế quan được ký kết gần đây giữa Châu Âu và Việt Nam cho phép Hà Nội phát triển lĩnh vực vải sợi từ khâu dệt, đan, kéo sợi cho đến nhuộm và thiết kế … Một sự tiến triển mạnh đến mức Việt Nam đã rút ngắn đáng kể khoảng cách với Bangladesh, đứng hạng thứ 4 trong bảng xếp hạng những quốc gia xuất khẩu may mặc lớn nhất thế giới.
Ấn Độ sẵn sàng mua 36 chiến đấu cơ Rafale của Pháp
Một tít nhỏ thông báo trên trang nhất nhật báo kinh tế Les Echos. Tập đoàn sản xuất máy bay chiến đấu Dassault của Pháp sắp thu được một hợp đồng xuất khẩu lớn nhất từ trước đến nay. Sau tám tháng thương lượng ròng rã đầy cam go, trong tuần tới đây, Ấn Độ có lẽ sẽ thông qua việc đặt mua 36 chiến đấu cơ Rafale.
Hợp đồng này cùng với các hợp đồng ký kết được với Ai Cập và Ả Rập Xê Út, sẽ giúp tập đoàn Dassault củng cố việc sản xuất mà không cần sự hỗ trợ của chính phủ. Về phần mình, với việc trang bị loại chiến đấu cơ này của Pháp, New Dehli muốn rút ngắn cách biệt quân sự với Trung Quốc.
Giới trẻ Trung Quốc không tự hào về cuộc chiến Triều Tiên
Niềm tự hào của các cựu chiến binh từng tham gia chiến tranh Triều Tiên năm 1950 lại không hợp gu với cư dân mạng Trung Quốc, theo như quan sát của thông tín viên nhật báo Le Monde, Brice Pedroletti tại Bắc Kinh. Đối với họ, “Cuộc chiến đó đã để lại một tác động rõ ràng ngày nay. Một quốc gia – Triều Tiên – vẫn luôn bị chia rẽ Bắc và Nam, cái chết của rất nhiều người Trung Quốc – hơn 400.000 người -, và tất cả những điều đó chỉ để cho ba đời nhà họ Kim hưởng lợi. Liệu chúng ta có nên tự hào hay không?
Dù vậy tác giả bài viết cũng nhận thấy có sự nghịch lý trong tư tưởng người Trung Quốc. Họ chỉ trích mạnh mẽ chiến dịch can thiệp quân sự vào Triều Tiên, và đặt lại vấn đề về lịch sử chính thức về cuộc chiến này, hiện vẫn là chủ đề cấm kỵ tại nước này. Nhưng văn hóa, phim ảnh và thời trang Hàn Quốc lại rất thịnh hành tại đất nước đông dân nhất hành tinh này.
Tại Alsace, các phật tử trông đợi đức Đạt Lai Lạt Ma
Đây là ghi nhận của nhật báo công giáo La Croix. Đức Đạt Lai Lạt Ma, giải Nobel Hòa Bình sẽ họp mặt với tất cả các trường phái Phật giáo tại Zénith, ở thành phố Strasbourg, phía đông nước Pháp. Riêng tại Alsace, có đến 5 trường phái. Bất kể các phật tử đó có nguồn gốc Châu Âu hay là Châu Á, tại đây ước tính có đến 30.000 tín đồ.
Trung Quốc đưa “Thiên Cung 2” lên trời
Mục Khoa học của Le Figaro loan báo Trung Quốc đã đưa thành công phòng thí nghiệm không gian thứ hai, được đặt tên Thiên Cung 2 vào quỹ đạo, trên cao 380km. Bằng chứng cho thấy Bắc Kinh ngày càng tự tin vào chương trình không gian có người ở. Vụ phóng này đã được thực hiện tại Trung Tâm Phóng Vệ Tinh Tửu Tuyền, trên hoang mạc Gobi.
Phòng thí nghiệm không gian này một khi được đưa vào phương thức tự hành, sẽ tiếp nhận hai phi hành gia vào khoảng trung tuần tháng 10/2016, đến bằng phi thuyền Thần Châu. Nhiệm vụ của hai người này là sống trên quỹ đạo trong vòng 30 ngày, gấp đôi số ngày so với những lần trước với phòng thí nghiệm Thiên Cung 1, được đưa lên năm 2011 và 2013.
Cùng chủ đề

No comments:

Post a Comment