Thủ tướng Ấn Độ thăm Việt Nam: Biển Đông sẽ là hồ sơ nổi bật ?
Biểu hiện cụ thể của quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Ấn: Tàu Hải Quân Ấn Độ thường xuyên ghé cảng Việt Nam, như Chiến hạm Sahyadri tại Đà Nẵng ngày 02/10/2015.CC/Indian Navy
Theo chương trình, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Hà Nội vào chiều tối ngày 02/09/2016 để thực hiện một ngày công du Việt Nam, trước khi bay sang Hàng Châu,Trung Quốc dự Thượng Đỉnh G20. Giúp Việt Nam tự vệ tại Biển Đông trước tham vọng của Trung Quốc sẽ là một chủ đề được thủ tướng Ấn trao đổi với giới lãnh đạo Việt Nam.
Nội dung cụ thể các cuộc thảo luận giữa thủ tướng Narendra Modi với chính phủ Việt Nam không được thông báo trước, nhưng truyền thông Ấn Độ tin chắc hồ sơ Biển Đông là trọng điểm.
Theo hãng tin ANI, trả lời một câu hỏi liên quan đến xung khắc tại Biển Đông, đại sứ Ấn Độ tại Hà Nội P. Harish đã hàm ý cho rằng Trung Quốc cần phải tôn trọng phán quyết của Toà Trọng Tài La Haye, phủ nhận các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Đại sứ Ấn Độ nói nguyên văn như sau: « Chúng tôi tin rằng Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS là nền tảng của luật quốc tế về biển và đại dương, và chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tôn trọng UNCLOS. »
Lập trường của New Delhi được ông P. Harish nhấn mạnh : Quyền tự do hàng hải tối cần thiết cho thương mại quốc tế.
Theo ANI, bình luận trên đây là một thái độ lên án Bắc Kinh một cách khôn khéo và nói lên được chủ trương của Ấn Độ trong chính sách « hướng đông ». Trung Quốc trong thời gian qua đã từ chối công nhận phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye.
Cũng theo lời đại diện ngoại giao Ấn : « Quốc phòng và an ninh là một cột trụ quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược Ấn-Việt ».
Đối với ANI, các tuyên bố trên của đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam là những chỉ dấu cho thấy những hồ sơ nổi bật trong chương trình nghị sự của thủ tướng Modi tại Hà Nội.
Theo các nguồn tin thông thạo, ngoài sự kiện Ấn Độ sắp trao cho Việt Nam bốn tàu tuần duyên, nhân chuyến viếng thăm Hà Nội của thủ tướng Narendra Modi, dự án chuyển giao tên lửa đa năng BRAMOS cũng sẽ được thúc đẩy trong bối cảnh Việt Nam đang bị sức mạnh quân sự của Trung Quốc lấn áp.
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment