Thursday, September 1, 2016

Tổng công ty ĐSVN chọn nhà thầu Trung Quốc sai quy định

Tổng công ty ĐSVN chọn nhà thầu Trung Quốc sai quy định

(Tin tức thời sự) - Việc ĐSVN lựa chọn nhà thầu theo hình thức chào hàng cạnh tranh dự án đóng mới 300 toa xe hàng với giá trị trên 2 tỷ đồng là sai quy định.

Đó là kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) do ông Ngô Văn Khánh - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ vừa ký sáng 1/9.
Theo đó, dự án đóng mới 300 toa xe hàng có giá trị trên 2 tỷ đồng đã được Tổng công ty ĐSVN lựa chọn nhà thầu theo hình thức chào hàng cạnh tranh là sai quy định của Luật Đấu thầu.
Tong cong ty DSVN chon nha thau Trung Quoc sai quy dinh
Việc ĐSVN lựa chọn nhà thầu theo hình thức chào hàng cạnh tranh dự án đóng mới 300 toa xe hàng với giá trị trên 2 tỷ đồng là sai quy định.
Việc chỉ định nhà thầu là Công ty TNHH Đầu máy Tư Dương thuộc Tập đoàn Đầu máy Toa xe Phương Nam (Trung Quốc) trúng gói thầu cung cấp thiết bị tổng thành, phụ kiện phục vụ lắp ráp chế tạo đầu máy D19E, nhưng không có trong kế hoạch đấu thầu của dự án được duyệt là sai quy định được nêu trong Nghị định số 85/2009 của Chính phủ.
Thanh tra chính phủ khẳng định, các tài sản hình thành từ dự án 300 toa xe hàng, lắp ráp đầu máy kể trên đã đưa vào sử dụng từ năm 2011 nhưng thời điểm Thanh tra Chính phủ vào cuộc kiểm tra và tháng 1/2015 chưa được quyết toán là sai quy định. Các dự án đầu tư xây dựng giai đoạn 2010 - 2013 thì có tới 24/31 dự án chậm tiến độ; nhiều dự án chậm tiến độ nhiều năm.
Bên cạnh đó, kết luận cũng chỉ rõ, việc đấu thầu các dự án hầu hết để chậm, không đăng tải các thông tin đấu thầu theo đúng quy định. Tại một số dự án, chủ đầu tư phê duyệt kế hoạch đấu thầu khi chưa có dự toán được duyệt.
Dự án thay tà vẹt K1, K2 chủ đầu tư đã ký hợp đồng với nhà thầu không căn cứ vào kết quả đấu thầu. Đây là việc làm thiếu minh bạch và trái quy định Luật Đấu thầu; các gói thầu chậm tiến độ nhưng chủ đầu tư không xử phạt nhà thầu theo cam kết hợp đồng.
Ngoài ra, gói thầu VNR-WB4-02 chủ đầu tư đã phê duyệt kế hoạch đấu thầu với giá trị gói thầu tạm tính 2,2 tỷ và được đấu thầu rộng rãi. Sau đó, ĐSVN lại chia thành 3 gói, các gói thầu nhỏ này về bản chất là 1 gói thầu thực hiện cùng thời điểm, có tính chất tương tự.
Việc chia thành các gói thầu nhỏ để chỉ định thầu là sai quy định. Từ việc chia gói thầu như trên, chủ đầu tư đã phê duyệt các chi phí khác tăng sai hơn 1 tỷ đồng do áp dụng tỉ lệ phí cao hơn 1 gói.
Trong kết luận thanh tra ông Ngô Văn Khánh – Phó tổng Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát, xử lý những khoản tiền sai phạm tại ĐSVN.
Xôn xao đề xuất mua 164 toa tàu cũ Trung Quốc
Trước đó, dư luận cũng từng xôn xao trước việc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội đề xuất chủ trương nhập khẩu 164 toa xe hàng của Trung Quốc đã qua sử dụng.
Trong số này có tới 120 toa được đóng từ hơn 20 năm trước. Còn gần 20 toa mới nhất trong lô hàng cũng đã có tuổi đời 12 năm.
Đây đều là những toa xe được sử dụng trên đường ray khổ 1.000mm nên theo ngành đường sắt là phù hợp với điều kiện hạ tầng trong nước. Hiện doanh nghiệp đang xin ý kiến của hai bộ Khoa học & Công nghệ và Giao thông vận tải để được hướng dẫn về thủ tục.
Theo đơn vị này, từ giữa năm ngoái, công ty mẹ ĐSVN cũng đã có văn bản gửi Cục Đường sắt Côn Minh và giao cho hai công ty con là TNHH MTV Đường sắt Hà Nội và Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại đường sắt đứng ra thương thảo với đối tác và xúc tiến thủ tục hợp đồng.
Đại diện doanh nghiệp khẳng định các mặt hàng kể trên không nằm trong danh mục các loại vật tư đã qua sử dụng thuộc diện cấm nhập khẩu của Nghị định 187. Trong khi đó, Thông tư 20 mà Bộ Khoa học Công nghệ ban hành quy định điều kiện các mặt hàng cũ được nhập khẩu đã được chính cơ quan này hủy bỏ và Thông tư 23 mới thay thế văn bản này phải tới 1/7/2016 mới có hiệu lực.
Sau khi dư luận lên tiếng, Bộ GTVT đã chỉ đạo các Ban, ngành, đơn vị chức năng vào kiểm tra, xem xét, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Chiều 20/7, trao đổi với Đất Việt, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết ông Nguyễn Viết Hiệp, Nguyên Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt HN đã được điều chuyển về làm Trưởng ban kế hoạch kinh doanh đường sắt, thuộc Tổng công ty ĐSVN.
Ông Trần Thế Hùng, người đại diện 35% phần vốn của Tổng công ty ĐSVN tại Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội giữ chức vụ Tổng Giám đốc Công ty.
Nguyễn Hoàn

No comments:

Post a Comment