Saturday, September 3, 2016

Tổng thống Pháp sẽ đem gì tới Hà Nội?

Tổng thống Pháp sẽ đem gì tới Hà Nội?

  • 1 tháng 9 2016
Ngày 5/9 tới Tổng thống Francois Hollande sẽ có chuyến thăm bốn ngày tới Việt Nam, cũng là chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Pháp tới Hà Nội sau 12 năm.
Trần Bằng, thành viên Nhóm Biển Đông tại Pháp, nói với Hồng Nga của BBC Tiếng Việt về khả năng hợp tác an ninh, quốc phòng Việt-Pháp, nhất là trong bối cảnh căng thẳng Biển Đông, từ chuyến đi này.
“Chắc chắn vấn đề [an ninh quốc phòng] sẽ được bàn thảo ở mức độ nhất định, trong đó có vấn đề an ninh biển,” ông Trần Bằng nhận xét về những nội dung sẽ được hai bên nhắm tới trong chuyến thăm của ông tổng thống Pháp.
Chuyên gia từ Nhóm Biển Đông nói rằng Pháp có thể cung cấp cho Việt Nam ba điều trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, gồm trợ giúp về chính trị, hợp tác huấn luyện cũng như cách thức vận hành trong quân đội, và trang bị khí tài, “tùy thuộc vào yêu cầu của Việt Nam”.
Trong các lĩnh vực khác, ông Trần Bằng nhận xét: “Ngân sách văn hóa Pháp dành cho Việt Nam thuộc loại cao trong khu vực. Tuy nhiên, ảnh hưởng kinh tế của Pháp khá mờ nhạt.”
“Gần đây, Pháp mong muốn tham gia vào ba lĩnh vực, gồm hạ tầng cơ sở, môi trường và năng lượng. Giới quan sát sẽ chờ xem trong chuyến đi tới đây của ông Hollande, Pháp sẽ phát huy được năng lực cạnh tranh ở những lĩnh vực nào.”

Cơ hội hợp tác an ninh quốc phòng

Nhìn từ phía Việt Nam, vị chuyên gia đánh giá là cũng có những “trở ngại lớn” trong việc hợp tác quân sự với Pháp.
“Đầu tiên, để hợp tác được hiệu quả thì vấn đề nằm ở phần hạ tầng, cụ thể là ở những bộ phận trực tiếp làm việc với nhau.”
“Chẳng hạn nếu Việt Nam có những thiết bị mà Pháp không có, hoặc ngược lại. Khi không có độ tương thích thì hai bên rất khó làm việc với nhau. Đó là rào cản đầu tiên cần vượt qua về mặt kỹ thuật.”
Pháp là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có khả năng cung cấp vũ khí cho quân đội nước mình và xuất khẩu sang nước khác.
Trong lĩnh vực hải quân, Pháp có hệ thống tàu nổi khá đa dạng về chủng loại, với các loại tàu tàng hình, tàu tuần tra ven biển hay tàu vận tải, hỗ trợ. Khả năng tác chiến, chống ngầm của Pháp cũng rất mạnh, với "tầm bao quát có bán kính khá rộng", theo ông Trần Bằng.
Về hệ thống tàu ngầm, "cách đây nhiều năm Pháp đã thảo luận và giới thiệu với Việt Nam một số mẫu tàu, nhưng sau đó Việt Nam đã chọn mẫu tàu Kilo của Nga", ông nói thêm.
Phong cách làm việc cũng là một rào cản cho cơ hội hợp tác song phương, bởi: "Ở nước nào cũng vậy, quân đội là lực lượng bảo thủ nhất nếu nhìn từ khía cạnh cần bảo đảm tính an toàn, tính sẵn sàng cao nhất, cho nên rất khó có sáng tạo, đổi mới.”
“Cuối cùng là về vấn đề chính sách – làm sao để giữa hai quốc gia có những giao điểm về mặt an ninh. Bởi đây là vấn đề rất nhạy cảm, thuộc bí mật quốc gia, thậm chí ngay cả đồng minh cũng không phải lúc nào cũng có thể chia sẻ.”
“Để hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực an ninh, phía Việt Nam sẽ phải nỗ lực rất lớn. Phía Pháp đương nhiên cũng cần có nỗ lực cao hơn.”

No comments:

Post a Comment