Monday, September 19, 2016

Tranh chấp Biển Đông : Vai trò các tập đoàn nhà nước Trung Quốc

Tranh chấp Biển Đông : Vai trò các tập đoàn nhà nước Trung Quốc

mediaNgười dân xem chương trình tin tức về Biển Đông bên ngoài một trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh, Trung Quốc, này 16/07/2016.REUTERS/Thomas Peter
Các chuyên gia phân tích cho đến lúc này vẫn giải thích rằng Trung Quốc bác bỏ phán quyết Tòa Thường Trực La Haye về những tranh chấp trên Biển Đông là do các chính sách chiến lược và an ninh khu vực của Bắc Kinh. Nhưng họ đã bỏ sót vai trò ngày càng lớn của các tập đoàn nhà nước Trung Quốc: Hoạt động của các doanh nghiệp này góp phần vào việc khẳng định chủ quyền, đòi hỏi lãnh thổ, nhưng đồng thời cũng dồn Bắc Kinh vào thế không thể lùi được trong hồ sơ Biển Đông.
Theo bài viết đề tựa « Chào mừng quý vị đến với du lịch xung đột : Các tập đoàn nhà nước Trung Quốc đang tận dụng tranh chấp Biển Đông ra sao ? » trên tờ South China Morning Post ngày 19/09/2016, hai lĩnh vực đang được hưởng lợi nhiều nhất trong các tranh chấp lãnh hải tại Biển Đông là công nghiệp quốc phòng và du lịch.
Tranh chấp lãnh hải tại Biển Đông đã làm cho giá cổ phiếu các tập đoàn nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng thời gian gần đây tăng đáng kể. Nhất là ngay trong tuần lễ Tòa Trọng Tài Thường Trực ra phán quyết, giá cổ phiếu cũng như lượng giao dịch của một số tập đoàn như Beifang Daohang Technological Corporation (một nhánh của China North Industries Group), China RACO (chuyên về vệ tinh viễn thông) và State China Shipping Corporation đã tăng lên 8,6% ; 6,6% và 19,6% trong khoảng thời gian 24/6-12/7/2016.
Nhưng điểm đặc biệt gây chú ý cho tác giả bài viết là sự tham gia tích cực của các tập đoàn lữ hành nhà nước trong việc chào mời các chuyến tham quan yêu nước bằng thuyền trên Biển Đông theo mô hình Sun, Surf và Patriotism (tạm dịch Tắm nắng, Lướt ván và Tinh thần Yêu nước), với các hoạt động tham quan bao gồm cả lễ chào cờ và tuyên thệ. Đây là một mô hình du lịch đang được nhiều học giả Trung Quốc khuyến khích. Họ kêu gọi chính phủ nên tận dụng các nguồn lực du lịch tại những đảo nhân tạo mới được Bắc Kinh bồi đắp tại Biển Đông.
Loại hình du lich này đã được Trung Quốc tiến hành khai thác vào năm 2012, tại quần đảo Hoàng Sa, với Hanan Strait Shipping, một công ty lữ hành địa phương, tổ chức đưa khách đến thăm các đảo như Toàn Phú Đảo (All Wealth Island) và Áp Công Đảo (Việt Nam gọi là đảo Ba Ba - Male Duck Island).
Ước tính đến nay đã có hơn 10.000 du khách, đã đến thăm quần đảo Hoàng Sa. Và mô hình du lịch này đang được đại bộ phận công luận Trung Quốc đón nhận và ủng hộ, nhất là sau khi có phán quyết của Tòa Trọng Tài. Đây là một hình thức giúp cho chính phủ Trung Quốc khẳng định chủ quyền lãnh thổ và các quyền của họ tại Biển Đông.
Một phần trong dự án « Con Đường Tơ Lụa Hàng Hải
Theo tác giả bài viết, các tập đoàn nhà nước Trung Quốc là những tác nhân hưởng lợi nhiều nhất trong việc khai thác các nguồn lực du lịch tại Biển Đông. Một số tập đoàn lớn như Cosco (China Cosco Shipping Corporation) còn đang tìm kiếm cơ hội mở rộng các hoạt động du lịch từ quần đảo Hoàng Sa đến Đài Loan và nhiều đảo khác của các nước láng giềng, xem đấy như là một phần của chương trình du lịch văn hóa « Con Đường Tơ Lụa Hàng Hải ».
Ông Xu Lirong, tổng giám đốc và chủ tịch Hội đồng quản trị của China Cosco trong một cuộc triển lãm do China Nanhai Cruise tổ chức không ngừng khẳng định rằng các chuyến lữ hành đến Biển Đông là một phần phát triển của dự án. Ông còn nhấn mạnh rằng phát triển kinh doanh du lịch dọc theo « Một Vành đai, Một Lộ trình » còn là trách nhiệm của các tập đoàn nhà nước.
Lợi ích này của các tập đoàn Nhà nước lại gắn liền với hai nhiệm vụ : kiếm lợi và giúp quốc gia hoàn thành các mục tiêu chính trị-xã hội. Bằng cách đưa du lịch vào như là một phần chiến lược của Trung Quốc tại Biển Đông, việc phát triển các mục tiêu dân sự tại các vùng lãnh hải có tranh chấp nay được giao phó cho các tập đoàn nhà nước.
Đặc biệt, sau phán quyết của Tòa Trọng Tài, Trung Quốc dường như tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp nhà nước đầu tư nhiều hơn nữa vào Biển Đông. Bắc Kinh tin rằng sự hiện diện của những doanh nghiệp này trong khu vực sẽ làm tăng thêm giá trị cho những yêu sách về chủ quyền lãnh thổ và hàng hải.
Có điều, « phóng lao thì phải theo lao ». Với việc bành trướng các lợi ích của những doanh nghiệp nhà nước trên Biển Đông, Trung Quốc rơi vào thế khó xử, không thể lùi bước hoặc có thể có lập trường mềm dẻo hơn trong các đòi hỏi về chủ quyền, lãnh thổ tại vùng biển này.

No comments:

Post a Comment