Friday, September 16, 2016

Xác người bó chiếu: Trách nhiệm thuộc về ai?

Xác người bó chiếu: Trách nhiệm thuộc về ai?

  • 15 tháng 9 2016
Image copyrightFACEBOOKER TUNG HAI
Những hình ảnh một thi thể quấn chiếu sơ sài nằm vắt ngang đằng sau xe máy ở tỉnh Sơn La xuất hiện trên Facebook cách đây ít hôm khiến nhiều người cảm thấy sốc.
Được biết đó là thi thể một phụ nữ 40 tuổi, bị bệnh nặng, gia đình xin xuất viện để được về nhắm mắt xuôi tay tại nhà bên người thân, nhưng bệnh nhân đã tử vong sau khi rời Bệnh viện Lao - Phổi Sơn La trên xe máy được 30km, và còn cách nhà chừng 100km nữa.
Bà Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng, nói với BBC Tiếng Việt về sự việc có thể nói là chưa từng xảy ra ở Việt Nam, mà theo bà là "như một lời cảnh tỉnh xã hội":

'Tình trạng cùng quẫn, bần cùng hóa'

Ở Việt Nam, người chết rất được tôn trọng. Thi thể người chết luôn được tôn trọng, bảo vệ, nâng niu.
Cho dù điều kiện kinh tế, học vấn ra sao, thì trong đạo lý của nguời Việt, bất kể tầng lớp xã hội, bất kể giàu nghèo hay trình độ học vấn, việc tôn trọng thi thể người chết là thứ đạo lý phổ cập.
Người ta cũng tin vào linh hồn người chết, coi việc người chết có linh hồn - linh hồn đó rất được trân trọng. Niềm tin đó có ở mọi trình độ.
Gia đình xin đưa bệnh nhân về nghĩa là người ta muốn làm thủ tục mai táng, tiễn đưa linh hồn người chết về thế giới bên kia. Tôi tin chắc là gặp phải hoàn cảnh rất bần cùng, bất đắc dĩ họ mới làm như vậy.
Để đến mức người ta phải quấn chiếu chở đằng sau xe máy, chắc gia đình họ thực sự không còn lựa chọn nào khác.
Điều khiến chúng ta suy nghĩ ở đây là điều gì đã làm cho người ta phải hành xử như thế với thi thể của một người đã chết? Cách đối xử với thi thể người chết mới chính là điều làm dư luận bức xúc, chứ không chỉ là cách hành xử hay những gì đã diễn ra ở bệnh viện.
Có thể nói đó là tình trạng bần cùng hóa, có lẽ gia đình bệnh nhân đã quá cùng quẫn.

Vai trò của nhà nước và các tổ chức xã hội

Image copyrightGETTY
Câu chuyện này là một lời cảnh tỉnh xã hội. Nó phản ánh vấn đề đạo đức xã hội. Để một người chết phải bị đối xử như vậy thì mỗi người chúng ta đều phải suy nghĩ, từ các nhà quản lý, các nhà lãnh đạo, các cấp chính quyền cho tới những người dân.
Đây chỉ là hiện tượng của một vấn đề. Nhưng ẩn đằng sau, nguyên nhân sâu xa là gì thì mỗi chúng ta cần phải suy nghĩ, tìm cách giải quyết.
Về mặt chính sách, nhà nước có rất nhiều chính sách nhân văn, như chương trình xóa đói giảm nghèo, chương trình bảo hiểm y tế cho người nghèo, hỗ trợ người nghèo, cho người nghèo vay vốn, hay chương trình hỗ trợ người bị HIV được điều trị miễn phí v.v...
Tuy nhiên, trên thực tế có hai vấn đề.
Thứ nhất là không một nhà nước nào có khả năng đi đến mọi ngóc ngách xã hội để giải quyết, hỗ trợ từng trường hợp đơn lẻ.
Nếu xã hội phát triển hơn, như ở nhiều nước khác, người ta vận động sự tham gia của xã hội dân sự, của các tổ chức xã hội, các nhóm cộng đồng, các tổ chức thiện nguyện, để có thể giúp đỡ tối đa những trường hợp cần giúp.
Ở Việt Nam, các tổ chức xã hội cũng đã được thành hình, nhưng còn rất lẻ tẻ.
Sự ủng hộ của nhà nước đối với các chương trình hoạt động đó cũng chưa rõ rệt, cho nên các tổ chức xã hội chưa phát huy được vai trò của mình. Nếu nhà nước ủng hộ hơn, khuyến khích hơn các hình thức huy động cộng đồng, sẽ có nhiều trường hợp khó khăn sẽ có thể được hỗ trợ nhiều hơn.
Thứ hai, rất nhiều chính sách của nhà nước trên lý thuyết là rất tốt đẹp, nhưng trong quá trình thực hiện thì không phải lúc nào cũng tốt như theo lý thuyết.
Hiệu quả của các chương trình hỗ trợ cho người nghèo, những người yếu thế vẫn còn đang rất hạn chế, dẫn đến tình trạng những người gặp khó khăn chưa được giúp đỡ nhiều như lẽ ra họ đã có thể nhận được, nếu tính trên nguồn lực của đất nước, tính trên sự quan tâm của người dân trong xã hội.

Ai chịu trách nhiệm?

Image copyrightAFP
Trách nhiệm của Nhà nước là phải lo cho dân. Một trong những cách để lo cho dân là huy động lực lượng có khả năng đóng góp vào việc đó. Các lực lượng khác có thể tham gia nhưng Nhà nước phải chủ động trong việc đảm nhận, thực hiện trách nhiệm này.
Theo tôi, trong vụ việc cụ thể này, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chính quyền tỉnh Sơn La.
Bệnh nhân tử vong giữa đường là người dân của Sơn La, vừa xuất viện khỏi bệnh viện của Sơn La, cho nên những người chịu trách nhiệm phải là thuộc tỉnh.
Tôi tin là họ cũng cảm thấy rất chua xót, và cũng phải cảm thấy mình phải có trách nhiệm trong việc chưa làm tròn bổn phận của mình.
Một chính quyền quản lý tốt, một chính quyền lo cho người dân, làm việc hiệu quả, thì bệnh viện sẽ không để xảy ra những trường hợp để bệnh nhân ra về theo cách như vậy, gia đình bệnh nhân cũng không phải tới mức hành xử như thế với người thân đã chết của mình.

Tin liên quan

No comments:

Post a Comment