Monday, April 2, 2012

Việt Nam cần làm gì để sống còn trước hiểm hoạ ngoại xâm?

Việt Nam cần làm gì để sống còn trước hiểm hoạ ngoại xâm?

2008-01-16

Nhã Trân, phóng viên đài RFA
Sự kiện Trung Quốc áp đặt chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đang khiến người Việt cả trong lẫn ngoài nước căm phẫn. Ngoài phản ứng tương tự như đồng bào quốc nội là xuống đường chống đối hành vi của Bắc Kinh, nhiều người Việt hải ngoại còn đưa ra một số ý kiến về việc Việt Nam cần làm gì trong bối cảnh hiện tại. Nhã Trân trao đổi với một vài kiều bào để biết các quan điểm này.
Xem slideshow Người Việt khắp nơi biểu tình chống Trung Quốc
Bên cạnh nỗi bất bình, nổi lên từ nhiều tuần nay trước sự kiện Bắc Kinh có ý giành chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhiều kiều bào lên tiếng rằng Việt Nam cần cấp bách thay đổi hầu thoát khỏi bối cảnh hiện nay, là phải đối đầu với thế lực đến từ Phương Bắc.
Với quan điểm là Việt Nam cần phải củng cố sức mạnh để có thể đương đầu với áp lực đó, nhiều người hải ngoại dù thuộc các giới khác nhau, đều nói chính quyền Hà Nội cần thực hiện một số chính sách hầu cải thiện tình hình đất nước.
Hiện đại hoá, Kỹ nghệ hoá để giữ nước
Tiến sĩ Anthony Sơn, định cư ở Hoa Kỳ đã hơn 30 năm, làm việc trong ngành hàng không ở Bang Seattle và luôn theo dõi tình hình phát triển của Việt Nam, cho rằng Việt Nam cần thay đổi trong nhiều lãnh vực.
Ông cũng giải thích vì sao hiện đại hoá, kỹ nghệ hoá cần thiết cho xã hội Việt Nam thời điểm này và nêu ra những điều cần thực hiện để đạt mục tiêu đó:
"Việt Nam cần phải thay đổi về mọi mặt, như là ngành giáo dục, ngành xây dựng, hành chính và cảnh sát, công an, v.v... vì sự phát triển của một đất nước cần phải có sự liên kết và phát triển của mọi ngành. Tôi thấy Bộ Giáo Dục cần phải thay đổi nhiều để đưa ngành giáo dục Việt Nam lên kịp với các nước phát triển trên thế giới, thứ nhất là chương trình dạy học của Việt Nam cần phải chú trọng nhiều đến những môn khoa học, kỹ thuật, toán, vật lý và hoá học.
Những môn khoa học và kỹ thuật sẽ giúp sinh viên và học sinh có nhiều kiến thức để phục vụ cho công cuộc hiện đại hoá, xây cầu cống, nhà cửa, máy móc, dụng cụ - thiết bị cần thiết cho đời sống của chúng ta, chế tạo vũ khí để bảo vệ tổ quốc và đất đai của Việt Nam.
Tôi không muốn nói là những mnôn học khác không cần, nhưng mà bây giờ Việt Nam đang còn nghèo, chúng ta cần phải đầu tư vào những môn học thật cần thiết cho công cuộc xây dựng của Việt Nam. Những môn khoa học và kỹ thuật sẽ giúp sinh viên và học sinh có nhiều kiến thức để phục vụ cho công cuộc hiện đại hoá, xây cầu cống, nhà cửa, máy móc, dụng cụ - thiết bị cần thiết cho đời sống của chúng ta, chế tạo vũ khí để bảo vệ tổ quốc và đất đai của Việt Nam.
Thứ nhất là Việt Nam nghèo, nếu mà mua thì sẽ tốn kém nhiều ngân quỹ hơn, thứ hai là chế tạo vũ khí thì sẽ giúp Việt Nam dẩy đựoc cái kỹ thuật lên cao hơn và do đó sẽ đưa Việt Nam đến hiện đại hoá và kỹ nghệ hoá mau hơn.
Tiếp theo tôi nghĩ là chính phủ Việt Nam cần phải có kế hoạch vĩ mô khi đưa du học sinh ra nước ngoài; điều nào cần thiết cho công cuộc xây dựng Việt Nam và bao nhiêu học sinh nên học ngành đó. Trước mắt dĩ nhiên là ngành điện, cơ khí, phần mềm, y học, v.v...
Nếu không có sự điều khiển này thì du học sinh dĩ nhiên sẽ chọn những ngành dễ để học rồi sau đó về nước thì không có đúng kiến thức để giúp đỡ đất nước. Tiếp theo chính phủ Việt Nam cần cho Việt kiều nhiều cơ hội để có thể giúp đỡ nhiều về khâu này như truyền đạt kỹ thuật và cách thức làm việc. Dĩ nhiên là muốn có tiền đầu tư thì chính phủ Việt Nam cần phải bài trừ tham nhũng và lãng phí ở mọi ngành.”
Bản đồ Hiệp ước Biên giới Đất liền Việt Nam - Trung Quốc. @ RFA. >> Xem bản đồ lớn hơn
Tạo lập một xã hội vững vàng dựa vào quần chúng
Trong khi nhà chuyên gia kỹ thuật nhấn mạnh rằng hiện đại hoá và kỹ nghệ hoá là các điều quan trọng để đưa quốc gia đến chỗ hùng cường, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, một chuyên gia kinh tế đặt trọng tâm vào lãnh vực cải thiện xã hội
Tiến sĩ Nguyễn Hải Bình, cựu Khoa Trưởng - Phân Khoa Kinh Thương - Đại Học Minh Đức Sài Gòn và hiện là Giáo sư Trưởng Khoa Doanh Thương Đại Học Champlain ở Canada, từ Bang Sherbrook của Canada, nói một trong các yếu tố để đất nước tiến tới phú cường, hầu có đủ sức mạnh để tồn tại trong hoàn cảnh đương thời, là tạo lập một xã hội vững vàng trong đó an sinh, phúc lợi của quần chúng được bảo đảm:
"Trên phương diện để làm sao một quốc gia trở nên phú cường thì tôi nhìn thấy nó có những yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội, mà là một chuyên viên kinh tế thì tôi sẽ chỉ nói trên khía cạnh kinh tế - xã hội. Cứu cánh của một quốc gia phú cường, theo tôi, nó là phương diện an sinh phúc lợi cho người dân.
Trong hoàn cảnh lúc này thì tôi nhận thấy có 3 yếu tố, tôi xin đặt vấn đề giáo dục trước. Trong hiện tình kinh tế ở bên nhà bây giờ có những sự phát triển về các cơ sở hạ tầng bằng các đầu tư của ngoại quốc; tất cả những cái đó nó đòi hỏi những kiến thức mới với việc đào tạo lớp trẻ, giáo dục lớp trẻ để có thể cung ứng đủ nhân lực chuyên môn, đáp ứng cho những nhu cầu phát triển hạ tầng cũng như là nhu cầu đầu tư, nhất là trên các phương diện quản trị kinh tế, quản trị tài chánh, quản trị doanh thương, tin học và kỹ thuật.
Để có thể đào tạo lớp trẻ mới như vậy cần phải đào tạo những bậc thầy để hướng dẫn, làm sao các giáo sư có thể có những cơ hội nhận thức được tất cả những kiến thức tân tiến trên thế giới để áp dụng trong vấn đề giảng dạy tại quốc nội.
Thứ nhì là trên phương diện xã hội, sự cách biệt giữa người giàu và người nghèo, làm sao những công nhân ở bên nhà bây giờ có thể có được đồng lương tối thiểu quy dịnh, có được bảo hiểm thất nghiệp, tôi nghĩ cần phải có những luật lệ để, ngoài cái lương bổng, người công nhân có những lợi ích khác, thí dụ như bảo hiểm sức khoẻ, hưu bổng.
Trên phương diện kinh tế thì bây giờ nếu chúng ta áp dụng đường lối kinh tế thị trường thì tất cả khía cạnh, từ luật pháp cho đến các điều lệ, cho đến thể thức hành chánh phải làm sao theo đúng mô thức của kinh tế thị trường. Luật pháp phải được thực thi, áp dụng mạnh mẽ để thay cho quan niệm phép vua thua lệ làng.
Tôi xin nhắc lại một lần nữa, tôi nhấn mạnh trên 3 khía cạnh: kinh tế, xã hội, giáo dục.”
Vào lúc hai chuyên gia Việt kiều, một về kỹ thuật và một về kinh tế, quan tâm nhiều đến các cải cách về giáo dục, kinh tế và xã hội, một kiều bào khác đặc biệt chú trọng đến vấn đề dân chủ, tự do cho công dân và vấn đề quản trị guồng máy chính quyền.
Tiêu biểu cho suy nghĩ của rất nhiều người Việt nước ngoài hiện nay, rằng dân chủ và đa nguyên là điều không thể thiếu nếu muốn nước nhà sớm cường thịnh, ông Thái Hiến, phục vụ trong ngành truyền thông ở bang California, lý giải:
"Trước tiên là Việt Nam phải có tự do dân chủ và nhân quyền, đó là một điều căn bản để cho đất nước đi lên, và sau đó phải có đa nguyên đa đảng để cho người dân trong nước và hải ngoại có cơ hội đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước, thì lúc đó đât nước mới có thể thoát khỏi sự chèn ép của Trung Quốc. Điều này rất quan trọng, từ đó nó mới đưa đến việc đào tạo những thành phần trẻ trung và có cơ hội đóng góp phát triển đất nước."
Chúng ta hãy ngồi lại với nhau, Việt kiều, dân Việt Nam trong nước, và nhất là các nhà lãnh đạo Việt Nam trong tinh thần xây dựng để bàn luận tìm ra những giải pháp tốt nhất để thay đổi nhằm đưa Việt Nam tiến đến hiện đại hoá và kỹ nghệ hoá. Chình phủ Việt Nam phải thực sự muốn thay đổi chứ không phải chỉ bày ra ban việt kiều này, ban việt kiều nọ để dụ dổ chất xám và chất xanh của Việt kiều.
Cùng nhau canh tân đất nước, đương đầu với ngoại xâm
Theo dư luận hải ngoại, như vừa trình bày, Việt Nam cần canh tân chính sách giáo dục để có thể đáp ứng các cải cách cần thiết như hiện đại hoá, kỹ nghệ hoá đất nước hoặc đáp ứng các yêu cầu về kinh tế và xã hội. Ngoài ra dân chủ, tự do và đa nguyên cũng là những điều thiết yếu.
Tiến sĩ Anthony Sơn, chuyên gia kỹ thuật ở Seattle còn nhắc rằng để cuộc cải cách thành công hầu đưa quốc gia đến cường thịnh, con dân nước Việt cần đoàn kết chặt chẽ và kiều bào cần được tạo điều kiện để có thể góp phần hữu hiệu trong việc xây dựng quê hương:
"Có nhiều cách để làm lắm, nhưng tôi nghĩ trước hết là chúng hãy tránh phê bình và chỉ trích lẫn nhau vì nếu làm như vậy sẽ không đi dến đâu cả. Chúng ta hãy ngồi lại với nhau, Việt kiều, dân Việt Nam trong nước, và nhất là các nhà lãnh đạo Việt Nam trong tinh thần xây dựng để bàn luận tìm ra những giải pháp tốt nhất để thay đổi nhằm đưa Việt Nam tiến đến hiện đại hoá và kỹ nghệ hoá.
Để khỏi tốn thì giờ của nhau, trước hết tôi nghĩ rằng chình phủ Việt Nam phải thực sự muốn thay đổi chứ không phải chỉ bày ra ban việt kiều này, ban việt kiều nọ để dụ dổ chất xám và chất xanh của Việt kiều.
Muốn chứng minh được tấm lòng thực sự muốn thay đổi, chính phủ Việt Nam cần phải để Việt kiều có tiếng nói trong công cuộc xây dựng đất nước, mời nhiều thành phần Việt kiều khác nhau, hơn nữa, phải mời Việt kiều thật sự có tài.
Chính phủ Việt Nam cần có một chính sách thật sự muốn giúp đỡ Việt kiều về xây dựng đất nước. Việt kiều không phải trực tiếp về sống ở Việt Nam để giúp Việt Nam trong công cuộc hiện đại hoá và kỹ nghệ hoá đâu. Bây giờ là thời buổi hiện đại rồi, chúng ta có thể làm việc với nhau bằng e-mail, điện thoại và video-cell phone.
Như chúng ta đã thấy trường hợp gần nhất là Trung Quốc đã xâm lăng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nếu bây giờ chúng ta không thay đổi để phát triển nhanh chóng để tự bảo vệ lấy mình thì tôi nghĩ là trong tương lai có thể Việt Nam sẽ phai nhạt dần trên bản đồ thế giới.”
Với cái nhìn rằng quốc gia đang đối mặt với hiểm hoạ ngoại xâm, nhiều người Việt hải ngoại hiện tha thiết cầu mong quê hương sớm có những cải cách hầu đủ sức vượt qua các thử thách trong thời gian này cũng như thời gian tới.

No comments:

Post a Comment