Monday, April 2, 2012

Vấn đề Trường Sa-Hoàng Sa tại Hội nghị Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam

Vấn đề Trường Sa-Hoàng Sa tại Hội nghị Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam

2008-01-17

Việt Hùng, phóng viên đài RFA
Liên quan đến hội nghị Ban chấp hành Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam diễn ra tuần qua tại Hà Nội, vấn đề Hoàng Sa - Trường Sa dù không nằm trong nghị trình hội nghị nhưng đã được đặt ra. Trong số những diễn giả có giáo sư Tương Lai, nhà sử học Dương Trung Quốc và một số các đại biểu tham dự. Nội dung cuộc thảo luận ra sao, mời quí vị theo dõi qua câu chuyện của Việt Hùng với nhà sử học Dương Trung Quốc.
Xem slideshow cộng đồng người Việt khắp nơi biểu tình chống Trung Quốc
Việt Hùng: Thưa ông Dương Trung Quốc, tại kỳ họp Mặt trận Tổ quốc Trung ương vừa qua, một vấn đề cũng được đặt ra đó là biên giới lãnh hải liên quan đến chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Tại hội nghị này vấn đề được đặt ra như thế nào? Và cá nhân ông, ông đã trình bày những vấn đề này ra sao?
Ông Dương Trung Quốc: Thực ra theo tôi vấn đề này không nằm trong nghị sự của kỳ họp này và điều đó phần nào cũng gây bức xúc trong số những đại biểu tham dự. Thực tế có đại biểu là giáo sư Tương Lai đã phát biểu một bài rất thẳng thắn nói về vấn đề này và theo tôi hiểu thì ông Tương Lai cho là không có sự kiên quyết từ phía nhà nước Việt Nam khi bày tỏ quan điểm của mình trước những hành xử của Trung Quốc đối với Hoàng Sa - Trường Sa.
Bài phát biểu của giáo sư Tương Lai thì chắc là nhiều vị biết rồi, vì chính anh đặt vấn đề hỏi tôi có nghĩa là anh đã nắm được cả rồi cho nên ở đây tôi không nhắc lại ý kiến của giáo sư Tương Lai nữa. Quan điểm của tôi như tôi đã nói hội nghị, khi xảy ra vụ việc ấy như thông báo chính thức của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam là ông Lê Dũng nói đây là việc mà các bạn trẻ phản ứng bằng cách tổ chức biểu tình hay bằng những hình thức khác… thì chỉ là một hình thức tự phát.
Trước hết tôi nghĩ nếu đây là một hành động tự phát thì thông tin này theo tôi là đáng mừng, vì lâu nay ở trong nước thông tin nói rằng, giới trẻ ít quan tâm đến lịch sử, truyền thống… thì rõ ràng với những phản ứng tự phát như thế này cũng thể hiện được trong sâu thẳm của giới trẻ vẫn giữ được tâm thức trong truyền thống của con người Việt Nam, truyền thống Việt Nam nhất là khi chủ quyền của dân tộc, danh dự của dân tộc bị xúc phạm.
Thế nhưng tôi cũng nói ngay tại Hội nghị là khi tôi nhận được những thông tin qua Email hay qua Blog của tôi từ các bạn trẻ hỏi “chúng cháu có nên đi biểu tình hay không?” thì tôi thành thực tôi trả lời như thế này “Nếu biểu tình mà Trung Quốc chùn bước thì tôi cũng đi biểu tình với các bạn, nhưng với kinh nghiệm lịch sử của tôi, một người làm sử thì họ (tức Trung Quốc) không phải là như vậy. Trong trường kỳ lịch sử của mình ông cha ta phải tạo cho mình bản lĩnh vừa phải kiên quyết và vừa phải hết sức mềm mỏng. Mục tiêu lâu dài là phải hòa hiếu với họ để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình…
Tôi không đủ thông tin để nói rằng những cuộc biểu tình này là do ai tổ chức, bởi vì chúng ta có thể đưa ra rất nhiều giả thuyết khác nhau và nếu hướng những cuộc biểu tình này vào mục tiêu chính trị, phải chăng là do nhà nước tổ chức, phải chăng là có những thế lực từ bên ngoài tổ chức? thậm chí do chính người Trung Quốc tổ chức để tạo ra một cái gì đó không ổn định ở Việt Nam thì sao? Cho nên chính vì không đủ thông tin nên tôi không thể khuyên các bạn trẻ được ngoài một lời khuyên duy nhất “Là phải giữ lòng yêu nước đấy, tinh thần yêu nước ấy”.
Và nhân đây tôi cũng phát biểu luôn ý kiến của tôi không chỉ riêng đối với việc biểu tỏ của giới trẻ biểu tình về việc Hoàng Sa - Trường Sa mà ngay cả với những bà con kéo về khiếu kiện chẳng hạn. Ngay tại diễn đàn Quốc Hội, tôi cũng từng phát biểu chúng ta cần sớm có luật về biểu tình để người dân có thể bày tỏ trong khuôn khổ pháp luật và nhà nước có thể khai thác cái đó có lợi cho mình để vừa bảo đảm sự ổn định, vừa bảo đảm ngay trong cuộc đấu tranh ngoại giao để coi lòng dân, chí khí của người dân làm chỗ dựa tinh thần là một tác động đồng minh cho những hoạt động ngoại giao của mình nhất là Việt Nam thì luôn nói đến “chiến tranh nhân dân - ngoại giao nhân dân” thì phải biết tổ chức tập hợp nhân dân.
Tại hội nghị tôi cũng nói về một bức xúc từ lâu trong giảng dạy lịch sử ở Việt Nam chưa quan tâm đúng mức đến việc giảng dạy lịch sử hình thành lãnh thổ để trang bị cho giới trẻ một cơ sở tri thức và nhất là tinh thần những lập luận về pháp lý để các em có thể tự nhận thức ra được những vấn đề mà thường là hết sức phức tạp và thường chịu sức ép từ nhiều luồng dư luận khác nhau, tức là trang bị cho tinh thần nhận thức tự giác này.
Tôi tin rằng nếu đưa vào chương trình giảng dạy về lịch sử hình thành lãnh thổ và không chỉ là vấn đề Hoàng Sa - Trường Sa mà ngay cả với vùng đất Nam Bộ, vùng đất Tây Nguyên…thì chúng ta thấy các bạn trẻ sẽ có những phản ứng chín chắn hơn, sẽ tránh đi được những cái đáng tiếc mà các nhà quản lý có thể e ngại khi đứng trước những hiện tượng này.
Và cuối cùng tôi cũng nói qua đó phải chăng chúng ta thấy về phía nhà nước Việt Nam cũng có sự lúng túng, chưa lường hết được, cho nên phản ứng, cách ứng xử cũng có thể tạo ra những suy nghĩ khác nhau, cách đánh giá khác nhau thậm chí phản ứng khác nhau…đặc biệt là đối với giới trẻ là giới rất nhạy cảm thời cuộc và đồng thời giới trẻ có tất cả những phẩm chất của một tinh thần dân chủ đang được tiếp thu trong thời đại này. Đây là ý kiến và nội dung chính liên quan đến vấn đề này mà tôi đã trình bày tại diễn đàn Mặt trận Tổ Quốc.
Việt Hùng: Vâng nhưng thưa ông phải chăng là vì những ý kiến của giáo sư Tương Lai, của cá nhân ông hay của một số các nhân hào chí sĩ tại diễn đàn của Mặt trận Tổ Quốc nên khiến ông Vũ Dũng, thứ trưởng Bộ Ngoại Giao đã lên tiếng xác nhận vấn đề Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam sẽ được đưa ra diễn đàn Liên Hiệp Quốc vào năm 2009. Phải chăng là từ sức ép của những dư luận hay sao?
Ông Dương Trung Quốc: Không, tôi nghĩ việc xuất hiện ông Vũ Dũng ở hội nghị Mặt trận Tổ Quốc cũng là đáp lại một thực tế như tôi nói là thông tin chưa đầy đủ cho quần chúng nhất là với Mặt trận Tổ Quốc là nơi đầu mối thông tin tới quần chúng mà còn chưa được có những thông tin đầy đủ thì chính sự có mặt của ông Vũ Dũng và sự phát biểu của ông Vũ Dũng tôi thấy cũng có ích cho thấy một cái đầy đủ hơn, toàn diện hơn kể cả những vấn đề về lịch sử, những vấn đề thời sự và trong chừng mực nào đó về đường lối, chính sách của nhà nước Việt Nam trong vấn đề này.
Từ phát biểu của ông Vũ Dũng mà tôi phát biểu tiếp ở hội nghị là cần phải làm sao cho người dân hiểu được thông qua hệ thống truyền thông, hệ thống giáo dục, bởi vì, phải chăng những thông tin đó không được phổ biến rộng rãi có hệ thống, cho nên dẫn đến việc thiếu thông tin nên dẫn đến những hành động có thể là mang nặng tính tự phát. Tại sao một thế hệ trẻ như vậy lại không thể có tổ chức nhất là trong điều kiện hiện nay ngay trong Mặt trận Tổ Quốc cũng có thể tập hợp giới trẻ như đoàn thanh niên hay hội Liên hiệp thanh niên chẳng hạn…
Tôi cho việc ông Vũ Dũng tuyên bố như thế nào trên báo chí truyền thông thì tôi cho là cũng phản ảnh quan điểm của nhà nước Việt Nam và những dự định của nhà nước Việt Nam trong chính sách đối ngoại, đặc biệt với Trung Quốc liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa.
Việt Hùng: Theo ông Vũ Dũng, thứ trưởng Ngoại giao tuyên bố tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam thì vấn đề Hoàng Sa – Trường Sa sẽ được đưa ra diễn đàn Liên Hiệp Quốc vào năm 2009. Từ những yếu tố nào mà Việt Nam phải chờ đến năm 2009 thay vì năm 2008? Từ những trăn trở, những bức xúc của giới trẻ tại Việt Nam hiện nay nhà sử học Dương Trung Quốc sẽ nói gì, mời quí vị đón nghe phần cuối cuộc trao đổi trong một buổi phát thanh tới.

No comments:

Post a Comment