Monday, April 2, 2012

Nhận định của Sử gia Dương Trung Quốc về vấn đề Hoàng Sa – Trường Sa

Nhận định của Sử gia Dương Trung Quốc về vấn đề Hoàng Sa – Trường Sa

2008-01-18

Việt Hùng, phóng viên đài RFA
Trong những buổi phát thanh trước chúng tôi đã gửi tới quí vị phần đầu cuộc trao đổi của Việt Hùng với nhà sử học Dương Trung Quốc về những ý kiến được trình bày tại hội nghị Ban chấp hành Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam liên quan đến vấn đề Hoàng Sa – Trường Sa. Mời quí vị theo dõi phần hai và cũng là phần cuối cuộc trao đổi, mời anh Việt Hùng tiếp tục câu chuyện.
Quần đảo Trường Sa, ảnh chụp từ trên máy bay. RFA file photo
Việt Hùng: Với cái nhìn của một nhà sử học vấn đề biên giới lãnh thổ là tối quan trọng với một quốc gia, câu hỏi đặt ra là tại sao năm 2008 không đặt vấn đề này ra mà lại phải chờ đến năm 2009 thì Việt Nam mới đưa vấn đề này ra diễn đàn Liên Hiệp Quốc?
Ông Dương Trung Quốc: Cái này bản thân tôi không đủ thông tin để trả lời câu hỏi đó của ông về việc ông Vũ Dũng nói là 2009 mới đưa vấn đề ra Liên Hiệp Quốc.
Thế nhưng tôi nghĩ việc bảo vệ biên giới lãnh thổ là một việc thường trực, đời xưa cũng vậy, đời nay cũng vậy và mai sau cũng vậy! cho nên tôi nghĩ giải pháp như thế nào, lựa chọn cách làm thế nào của nhà nước Việt Nam thì tôi nghĩ thế nào thì nhà nước cũng có những luận kết của mình, bước đi của mình.
Tôi nghĩ qua vụ này nhà nước Việt Nam cũng cần phải hiểu là cần phải dựa vào dân một lần nữa cũng như trong quá khứ hay trong công cuộc đấu tranh ngoại giao luôn luôn được nhắc nhở vấn đề này hết sức nhạy cảm và đặc biệt trong bối cảnh hiện nay Việt Nam rất muốn ổn định và rất muốn là giữ được hòa hiếu với Trung Quốc trong khi có thể mở rộng quan hệ với những quốc gia khác đặc biệt là với Hoa Kỳ.
Tôi nghĩ chắc chúng ta không dùng lại ý niệm “đi trên dây”, nhưng mà tôi nghĩ tương lai, sự phát triển và số phận Việt Nam tùy thuộc nhiều vào việc xử lý những mối quan hệ đa nguyên với nhiều đối tác khác nhau và đặc biệt là vai trò của Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ có một vị trí quan trọng.
Không có sự chuẩn bị
Tôi cho rằng hơn ai hết Việt Nam có chứng cứ lịch sử. Đương nhiên tôi cũng hiểu ngoại giao còn phải có thực lực nữa và nhất là bài học về Hoàng Sa và như chúng ta đã biết Hoàng Sa mất trong hoàn cảnh như thế nào rồi, trong hoàn cảnh trước nhất la phải nói đến sự cấu kết giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Việt Hùng: Có ý kiến cho rằng dường như Việt Nam không có sự chuẩn bị để chứng minh về mặt lịch sử trong vấn đề Hoàng Sa - Trường Sa?
Ông Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ đấy là một câu nói hoàn toàn sai. Nếu mà đứng từ góc độ lịch sử thì Việt Nam hoàn toàn có cơ sở pháp lý về chủ quyền của mình và tôi nghĩ điều này Việt Nam đã tuyên bố từ lâu rồi, kể cả sách trắng từ ngày Việt Nam có xung đột với Trung Quốc cũng như tất cả quan điểm được công bố của Việt Nam.
Tôi cho rằng hơn ai hết Việt Nam có chứng cứ lịch sử. Đương nhiên tôi cũng hiểu ngoại giao còn phải có thực lực nữa và nhất là bài học về Hoàng Sa và như chúng ta đã biết Hoàng Sa mất trong hoàn cảnh như thế nào rồi, trong hoàn cảnh trước nhất la phải nói đến sự cấu kết giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Việt Hùng: Vấn đề chúng tôi đặt ra tài liệu và tư liệu lịch sử có thể Việt Nam đã chuẩn bị, nhưng tính thụ động của Việt Nam việc nghiên cứu chứng minh Hoàng Sa - Trường Sa là thuộc chủ quyền Việt Nam?
Ông Dương Trung Quốc: Tôi thì tôi không nghĩ như anh kể cả những nguồn tin mà chúng tôi đánh giá rất cao của anh chị em Việt kiều và kể cả bạn bè quốc tế ở nước ngoài do điều kiện thuận lợi hơn để tiếp xúc với các nguồn tài liệu, ở trong nước họ cũng ghi nhận về chuyện này.
Tôi nghĩ, bản thân chúng tôi là những người làm sử nên chúng tôi cũng phản ánh điều đó trên những phưong tiện thông tin trên phương diện chuyên môn của mình thành thử tôi nghĩ chuyện thụ động là không phải. Chứ còn trên phương diện đấu tranh như thế nào nhất là trực diện với Trung Quốc thì tôi cho đây là công việc bên Bộ Ngoại giao Việt Nam về quan niệm về bước đi và phương cách ngoại giao.
Việt Hùng: Nhưng mà trong thời gian vừa qua chúng tôi ghi nhận dư luận tại Việt Nam nói nhiều đến việc người dân cũng như dư luận trong xã hội Việt nam thiếu những thông tin về vấn đề biên giới lãnh hải đặc biệt trong vấn đề Hoàng Sa - Trường Sa, điểm đó chúng tôi đặt ra là muốn nói đến tính “thụ động”?
Ông Dương Trung Quốc: Không, tôi muốn nói với anh hai điều. Điều mà tôi đã nói tại hội nghị Mặt trận Tổ Quốc là chúng ta chưa truyền bá thông tin đến cho nhiều người dân, chứ con tôi nghĩ các nhà chuyên môn và các cơ quan có trách nhiệm nhất là trong thời gian vừa qua Việt Nam đã phải là rất nhiều trong vấn đề xác định biên giới không chỉ là với Trung Quốc mà ngay cả với Lào và Campuchia thì cùng một bề dày tích lũy thì tôi nghĩ không phải không được căn cứ.
Vấn đề ở đây là sử dụng những chứng cứ trong cuộc đấu tranh trực diện thôi, chứ còn tôi nghĩ ai nói rằng ở Việt Nam không chuẩn bị, thụ động trong vấn đề này thì tôi nghĩ là không phải.
Việt Hùng: Với cái nhìn của ông trong lúc này đây vai trò của các nhà nghiên cứu đặc biệt là các sử gia sẽ như thế nào trong việc giúp dư luận hiểu đúng vấn đề?
Sinh viên thanh niên trong nước biểu tình phản đối Trung Quốc. Photo AFP
Ông Dương Trung Quốc: Trên thực tế chúng tôi nghĩ tất cả những gì xảy ra chẳng hạn như cách đây 3 năm mà phía Trung Quốc tổ chức kỷ niệm 30 năm thu hồi lãnh thổ…thì người lên tiếng nhiều nhất, trực diện nhất là các nhà sử học.
Việt Hùng: Với cái nhìn của ông sẽ phải bắt đầu từ đâu để vấn đề Hoàng Sa – Trường Sa trở thành vấn đề lớn có tính chiến lược trong những nghiên cứu về lịch sử theo tinh thần công pháp quốc tế và bang giao quốc tế?
Ông Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ là có hai mặt. Một mặt là Việt Nam phải nghiên cứu sâu hơn nữa về lịch sử Hoàng Sa - Trường Sa như là một bộ phận lãnh thổ của mình cũng như tất cả những đối tượng cần nghiên cứu.
Điểm thứ hai nữa cũng phải nói là còn mặt yếu của nó là khả năng tiếp cận với nguồn tư liệu từ bên ngoài. Lâu nay thì chúng ta vẫn dựa vào những nguồn tư liệu của các bạn nghiên cứu từ bên ngoài, đặc biệt trong số đó có một số anh chị em Việt Nam sống ở nước ngoài hoặc một số bạn bè quốc tế nước ngoài.
Nhưng cái quan trọng nữa tôi nghĩ cần phải trang bị cho người Việt Nam đó là những hiểu biết về tri thức về luật pháp quốc tế liên quan đến chủ quyền, liên quan đến quyền lợi của mình, điều này cũng rất phù hợp với bối cảnh Việt Nam đang hội nhập với thế giới.
Chúng ta cũng thấy một khiếm khuyết là đúng điều này Việt Nam chưa chuẩn bị trang bị được kỹ năng cũng như tri thức để chuẩn bị cho việc hội nhập, ngay cả trên lãnh vực kinh tế và trong chừng mực nào đó trên lĩnh vực đấu tranh pháp lý và chủ quyền cũng là một khiếm khuyết mà tôi nghĩ cần phải thúc đẩy nhiều hơn nữa.
Việt Hùng: Một câu hỏi cuối cùng thưa ông Dương Trung Quốc, xin ông có đôi lời với các bạn trẻ, với những thanh niên, sinh viên hiện đang bức xúc về vấn đề Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam.
Tôi cũng xin nhắc lại thành thực điều mà tôi đã nói tại hội nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là các bạn trẻ các bạn trước hết hãy giữ được tinh thần ấy, tấm lòng ấy.
Ông Dương Trung Quốc: Tôi cũng xin nhắc lại thành thực điều mà tôi đã nói tại hội nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là các bạn trẻ các bạn trước hết hãy giữ được tinh thần ấy, tấm lòng ấy.
Chúng tôi mong rằng các bạn sẽ có cơ hội tiếp cận với nhiều nguồn thông tin đầy đủ hơn nữa kể cả thông tin của nhà nước về đường đi nước bước của nhà nước Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền dân tộc và để tạo ra sức mạnh của toàn dân, chứ không để biến thành một sự sức mạnh bị phân tán bởi vì những mục tiêu chính trị khác.
Việt Hùng: Chúng tôi xin cám ơn ông đã dành thời gian cho cuộc nói chuyện ngày hôm nay.
Ông Dương Trung Quốc: Vâng, xin các ông cố gắng phản ánh đúng quan điểm của tôi.
Việt Hùng: Vâng, xin cám ơn ông.

No comments:

Post a Comment