'Chưa đủ ủng hộ để bán vũ khí cho VN'
Cập nhật: 11:20 GMT - thứ ba, 23 tháng 7, 2013
Cựu Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Catharin Dalpino nói Mỹ vẫn sẽ chưa đồng ý bán vũ khí cho Việt Nam trong chuyến đi của Chủ tịch Trương Tấn Sang vì không đủ ủng hộ trong chính giới Mỹ.
Bà nói thêm Hiệp định thương mại tự do và đầu tư đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và động thái của Trung Quốc trên Biển Đông cũng là hai vấn đề quan trọng trong quan hệ.
Chủ đề liên quan
Giáo sư Dalpino, hiện là Giám đốc chương trình Chất độc Da cam ở Việt Nam của Viện Aspen, cũng từng là chuyên gia nghiên cứu của Viện Brookings và chuyên về an ninh Đông Nam Á.
Bà cũng là tác giả của ba cuốn sách về chính sách của Hoa Kỳ ở Châu Á cũng như có bài đóng góp cho nhiều sách, báo khác nhau.
Trong chuyến thăm tới Nhà Trắng lần này, Chủ tịch Việt Nam dự định sẽ kêu gọi Mỹ chấm dứt lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Được hãng tin Mỹ AP hỏi qua email về lệnh cấm, ông Trương Tấn Sang nói “nay là lúc để bình thường hóa đầy đủ quan hệ song phương trong mọi lĩnh vực”.
Chủ tịch Việt Nam nói thêm với AP rằng có khác biệt giữa Washington và Hà Nội về nhân quyền, nhưng điều này “hoàn toàn bình thường”.
Trước chuyến đi của Chủ tịch Việt Nam sang Hoa Kỳ, bà Dalpino trả lời ba câu hỏi của BBC qua điện thư.
BBC: Bà có ngạc nhiên trước thời điểm ông Sang thăm Mỹ không khi mà chuyến đi có vẻ diễn ra gấp gáp?
Catharin Dalpino: Tôi không coi khoảng cách ngắn giữa lúc tuyên bố được đưa ra và thời điểm chuyến thăm diễn ra là quan trọng, cho dù khoảng cách hơi ngắn hơn bình thường chút ít.
"Sau chuyến thăm của ông Sang, câu hỏi được đưa ra sẽ là: khi nào Tổng thống Obama sang thăm Việt Nam."
Thông thường các chuyến thăm của các nguyên thủ quốc gia được thảo luận trong vài tuần, thậm chí vài tháng trước khi diễn ra nhưng thời điểm chính xác sẽ không được quyết định cho tới trước khi đi một hay hai tuần.
Phối hợp lịch của hai nguyên thủ không phải là điều dễ dàng. Trong trường hợp này, lên lịch cho chuyến thăm của ông Sang vào tháng Bảy là tốt nhất. Tháng Tám là tháng nghỉ hè ở Washington.
Trong tháng Chín, các nhà lãnh đạo thế giới bay tới New York dự phiên họp Đại hội Đồng Liên Hiệp Quốc và cũng có một vài chuyến thăm chính thức nhưng mọi thứ luôn vội vã vì số lượng quá nhiều.
Tới tháng Mười Tổng thống Obama sẽ đi Bali dự hội nghị APEC và Thượng đỉnh Đông Á ở Brunei.
Như vậy cơ hội tiếp theo để tiếp Chủ tịch Sang sẽ là tháng 11.
Sau chuyến thăm của ông Sang, câu hỏi được đưa ra sẽ là: khi nào Tổng thống Obama sang thăm Việt Nam.
Từ khi trở thành tổng thống ông vẫn chưa sang Việt Nam và sẽ chịu chút sức ép phải làm như vậy trong nhiệm kỳ thứ hai.
BBC: Vấn đề nhân quyền quan trọng tới mức nào trong cuộc gặp ở Nhà Trắng? Hay là cuộc gặp sẽ tập trung vào Hiệp định thương mại tự do và đầu tư đối tác xuyên Thái Bình Dương và động thái của Trung Quốc trên Biển Đông?
Catharin Dalpino: Chính quyền Obama chắc chắn sẽ giữ vấn đề nhân quyền trong nghị trình cuộc gặp giữa Chủ tịch Sang và Tổng thống Obama.
Nhưng Hiệp định thương mại tự do và đầu tư đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và động thái của Trung Quốc trên Biển Đông cũng là hai vấn đề quan trọng trong quan hệ. Tôi nghĩ bất cứ đề cập nào tới an ninh hàng hải trong tuyên bố chính thức sẽ được đưa ra bằng lời lẽ cẩn trọng.
"...Tôi nghĩ bất cứ đề cập nào tới an ninh hàng hải trong tuyên bố chính thức sẽ được đưa ra bằng lời lẽ cẩn trọng."
Chính quyền Obama đang chịu sức ép phải kết thúc TPP (mặc dù vẫn có những phức tạp từ phía Hoa Kỳ chẳng hạn Tổng thống vẫn chưa có Thẩm quyền Thúc đẩy Thương mại), nhưng thời hạn Hoa Kỳ tự đặt ra vào tháng Mười là khá tham vọng.
Hoa Kỳ và Việt Nam chỉ là hai nước trong nhóm lớn hơn các nước đang đàm phán TPP nên cuộc gặp sẽ không giải quyết được hết mọi vấn đề nhưng sẽ là cơ hội để hai bên thảo luận các vấn đề song phương trong khuôn khổ TPP.
Về vấn đề Biển Đông, tôi cho rằng đây sẽ là đề tài được hai bên thảo luận. Nhưng ASEAN và Trung Quốc sẽ có cuộc gặp không chính thức vào tháng Tám và cuộc gặp này sẽ bị ảnh hưởng nếu tuyên bố chính thức từ cuộc gặp giữa ông Sang và ông Obama quá rõ ràng.
Bởi vậy tôi nghĩ bất cứ đề cập nào tới an ninh hàng hải trong tuyên bố chính thức sẽ được đưa ra bằng lời lẽ cẩn trọng.
BBC: Liệu hai bên có đạt được đột phá nào về quốc phòng trong tương lai gần không? Chẳng hạn như một thỏa thuận cụ thể về Cam Ranh hay bán vũ khí cho Việt Nam?
Catharin Dalpino: Dĩ nhiên quan hệ an ninh giữa Hoa Kỳ và Việt Nam lớn hơn Vịnh Cam Ranh hay là bán vũ khí và bao gồm cả những lĩnh vực như đào tạo cho lực lượng gìn giữ hòa bình.
Mặc dù vậy, tôi không tin rằng Hoa Kỳ dự kiến đạt thỏa thuận cụ thể về Vịnh Cam Ranh tương tự như các hiệp định gần đây với Australia (để Thủy quân lục chiến có thể luân phiên tới Darwin) hay với Singapore (để tàu chiến có thể luân phiên tới).
Việt Nam hiện vẫn mở Vịnh Cam Ranh cho hải quân nước ngoài nói chung và sẽ cho phép sử dụng cảng để sửa chữa và tôi nghi ngờ chuyện Lầu Năm Góc muốn nhiều hơn thế trong tương lai gần.
Vấn đề bán vũ khí sẽ liên quan tới cả Quốc hội và chính quyền và Quốc hội thường hay gắn bán vũ khí với nhân quyền.
Nhìn từ phía Hoa Kỳ, không có vẻ là đã có đủ ủng hộ cho việc bán vũ khí.
No comments:
Post a Comment