Có phải vì thất vọng với Trung Quốc mà Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vội vã sang Washington?
Tác giả/ hiệu đính: David Brown
Người dịch: Huỳnh Phan
18-07-2013
Thường phải mất nhiều tháng để tổ chức các chuyến viếng thăm cho lãnh đạo quốc gia, nhưng chuyến đi Washington của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sắp tới chỉ được thông báo trước một thời gian rất ngắn và ngay sau cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, rõ ràng là gây sốc. Có thể là các lãnh đạo Việt Nam đã quyết định chấp nhận cái giá mà Mỹ đòi hỏi phải trả cho quan hệ “đối tác chiến lược” chăng?
Đầu tháng 6, hai quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói với một tiểu ban Quốc hội rằng các quan hệ chặt chẽ hơn với Việt Nam, đặc biệt là việc mua bán vũ khí, sẽ bị đình lại cho đến khi có “sự cải thiện tiếp tục, thấy được rõ ràng và vững chắc về tình trạng quyền con người”. Họ đã công khai ghi lại những điều mà các nhà ngoại giao Mỹ đã đặt ra trong các cuộc tiếp xúc riêng trong vài năm qua. Lời xác nhận của họ trước tiểu ban Quốc Hội, ngoại trừ một số bài đăng lên BBC, RFA v.v… hầu như không được các báo chú ý.
Điều trùng hợp là công an Việt Nam bắt giữ thêm một blogger nữa là ông Phạm Viết Đào, vào ngày 13 tháng 6, truy tố ông “lợi dụng quyền tự do ngôn luận xâm phạm lợi ích của Nhà nước”. Theo hãng tin AP, 43 nhà bất đồng chính kiến đã bị bắt giam trong năm nay, gấp đôi số lượng năm 2012. Hơn nữa, có bằng chứng cho thấy cục công an mạng Việt Nam (C15) đã triển khai công nghệ giám sát FinFisher – sản phẩm của Gamma International (Anh) – để cấy phần mềm gián điệp vào máy tính và điện thoại thông minh của những người truy cập vào các blog bất đồng chính kiến.
Hà Nội đã không hoan nghênh những thúc đẩy chuyển đổi của Mỹ về vấn đề quyền con người ở VN. Các đảng viên bảo thủ ngậm miệng trước những đòi hỏi để Việt Nam được tự do dân chủ hơn, sợ rằng mục tiêu thực sự của Washington là lật đổ chế độ.
Việc đàn áp các blogger mới đây của chế độ dường như thể hiện xu hướng ngã về phía Trung Quốc, con ngáo ộp bị các nhà bất đồng chính kiến ghét cay ghét đắng. Trong nhiều năm qua, các blogger bất đồng chính kiến đã phê phán thậm tệ chế độ vì theo họ, đã không bảo vệ được quyền lợi của Việt Nam trước gã láng giềng khổng lồ phương Bắc. Bằng chứng là việc Trung Quốc từng bước củng cố tuyên bố “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với gần hết Biển Đông, kể cả vùng biển ngoài khơi ngay sát bờ biển của Việt Nam.
Lực lượng hải quân và không quân của Việt Nam, mặc dù không phải không đáng kể nhưng không sánh được với lực lượng của TQ. Thay vì đánh liều với nguy cơ xảy ra xung đột trong việc tranh giành các đảo đá và rạn san hô – và các mỏ dầu khí tiềm năng – các nhà lãnh đạo Việt Nam đã tìm cách kìm hãm bớt đà xâm lược của Trung Quốc bằng cách huy động sự ủng hộ của các đối tác ASEAN và thiết lập “quan hệ chiến lược” với các cường quốc ngoài khu vực, nhất là Hoa Kỳ. Kết quả của những nỗ lực ngoại giao này còn khiêm tốn. Mười thành viên của ASEAN có bàn thảo về “vị trí trọng tâm” trong các vấn đề khu vực, nhưng không lập ra được một mặt trận chung để đối phó với yêu sách lãnh thổ rộng quá đáng của Trung Quốc. Trong khi đó, cảnh giác sợ bị lôi kéo vào việc bảo vệ các đảo của Việt Nam hoặc Philippines, Hoa Kỳ đã nhắc đi nhắc lại là “không đứng về phía nào” trong các tranh chấp lãnh thổ. Cũng do lo ngại rằng siêu cường đang trỗi dậy sẽ trả đũa trong các lãnh vực khác, Washington và hầu hết những nước ASEAN đã tránh né thách thức trực tiếp tham vọng bá quyền của Bắc Kinh đối với vùng biển nằm giữa Hong Kong và Singapore.
Yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh dựa trên các ghi chép trong sử sách về các chuyến đi lại trên biển của ngư dân nhiều thế kỷ trước. Ngược lại, Philippines, Malaysia, Brunei và Việt Nam dựa vào Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển và luật lệ quốc tế khác. Các chuyên gia chính sách ở Washington đồng ý rằng các yêu sách rối rắm đó phải được tháo gỡ bằng cách quy về những quy tắc pháp lý. Nhưng lập trường này bị suy yếu vì Mỹ đã lần lữa không chịu phê chuẩn UNCLOS và bốn nước ASEAN tuyến đầu vẫn chưa dàn xếp được các yêu sách mâu thuẫn giữa họ với nhau. Lập trường đó khiến khó thấy đâu là lối mà Washington sẽ theo nếu Bắc Kinh tiếp tục kiểu gặm nhắm từng chút một, tạo thành việc đã rồi.
Khi căng thẳng gia tăng, một số người ngoài Đảng và một nhóm đáng kể trong Đảng Cộng sản đã thúc giục liên minh kinh tế và quân sự trên thực tế với Hoa Kỳ. Cũng đã có những tiến bộ trong quy trình Việt Nam gia nhập vào tổ chức Quan hệ đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ đứng đầu. Mặc dù nhiều lãnh đạo đảng vẫn còn hoài nghi về ý định của Mỹ nhưng các cuộc tham vấn với quân đội Mỹ đã gia tăng rõ rệt trong bốn năm qua. Chẳng hạn, trong tháng 6, một phái đoàn cao cấp của Tổng Tham mưu quân đội Việt Nam đã đi tham quan nhiều căn cứ ở Mỹ.
Mùa xuân này, một lần nữa các lực lượng trên biển của Bắc Kinh lại diễu võ dương oai. Trái với thường lệ, Hà Nội hầu như không phản ứng. Hồi tháng 5, Hà Nội đã đưa ra phản đối chiếu lệ về việc Trung Quốc đối xử thô bạo với ngư dân Việt Nam, và bác bỏ một báo cáo của PetroVietnam rằng tàu Trung Quốc đã quấy rối một tàu khảo sát. Tới ngày 14 tháng 6, mọi chuyện mới rõ ràng, khi Hà Nội công bố rằng Chủ tịch Trương Tấn Sang sẽ có chuyến viếng thăm Trung Quốc cấp nhà nước.
Chuyến đi ngày 19-21 tháng 6 của ông Sang, là chuyến đi đầu tiên của một nhà lãnh đạo chóp bu Việt Nam sau khi ông Tập Cận Bình được đưa lên làm chủ tịch hồi tháng 3, rầm rộ với các nghi thức và ý nghĩa tích tụ hơn ngàn năm về các phái đoàn như thế. Người Việt Nam rất tự hào về truyền thống kháng chiến chống quân xâm lược Trung Quốc. Ngoài ra trong suốt chiều dài lịch sử, họ đã thường cảm hóa Trung Quốc tôn trọng quyền tự chủ của Việt Nam qua việc tỏ vẻ phục tùng. Tháng trước, Hà Nội đã cúi đầu quy luỵ.
Việc điều phối chuyến đi của ông Sang cho thấy rằng mặc dù có những va chạm nhưng các nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn hy vọng rằng lãnh đạo Trung Quốc sẽ không phản lại một Đảng cầm quyền giống như Đảng của chính họ. Theo thông lệ, “mối quan hệ chiến lược toàn diện” của hai nước được nhấn mạnh. Một loạt thỏa thuận bình thường được đóng dấu.
Ngoài lời động viên nghe đầy tai, ông Sang dường như đã không mang về được gì nhiều từ chuyến đi Bắc Kinh. Tập Cận Bình hứa rằng Trung Quốc sẽ tích cực thực hiện “các biện pháp mạnh mẽ và hiệu quả” nhằm thu hẹp mức mất cân đối $16 tỉ trong cán cân thương mại song phương. Lời hứa như vậy đã từng được đưa ra trước đây mà chưa có hiệu quả lớn nào. Về vấn đề Biển Đông, ông Sang cũng chẳng cho thấy gì ngoài thỏa thuận về một đường dây nóng để trao đổi các sự cố liên quan đến ngư dân. Trung Quốc không chấp nhận đề cập đến UNCLOS, mà cả hai quốc gia này đều tham gia ký kết và các quy định khác của luật pháp quốc tế như là nền tảng của việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Như vậy, Bắc Kinh đã bước ra khỏi các bảo đảm mà họ đã dành cho Việt Nam 20 tháng trước, khi Hà Nội đồng ý đàm phán song phương về chủ quyền khu vực quần đảo Hoàng Sa, những đảo mà Trung Quốc giành lấy từ miền Nam Việt Nam vào năm 1974. Những cuộc đàm phán đó đã không đạt được tiến bộ có thể thấy được. Thừa nhận tới mức đó, Ông Bình và ông Sang đồng ý sẽ tăng cường các cuộc đàm phán này.
Quyết định của Bộ Chính trị cử ông Sang đi Washington cho cảm giác rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam đã cảm thấy lung lay bởi những điều các đồng chí Trung Quốc nói riêng với ông Sang và do vậy họ sẵn sàng để đi tới thoả thuận với Mỹ về một quan hệ quốc phòng thân thiết hơn. Hai ngày trước khi chuyến đi của ông Sang được công bố, Hà Nội đã hoãn lại phiên tòa dự định xử Lê Quốc Quân, một nhà bất đồng chính kiến được nhiều người ở Mỹ biết đến. Có thể các nhà lãnh đạo Việt Nam hy vọng rằng Tổng thống Barack Obama sẽ hài lòng với những cử chỉ hời hợt bề ngoài như vậy. Nếu quả đúng thế, có nhiều khả năng là họ đã nhầm.
Như chính phủ Hoa Kỳ thừa nhận trước Quốc hội hồi tháng trước, “dân chúng Hoa Kỳ sẽ không ủng hộ một sự nâng cấp nổi bật trong các quan hệ song phương nếu không có những tiến bộ thấy được về quyền con người”. Thật ra, để bảo vệ lợi ích của mình ở biển Đông, Hoa Kỳ không cần phải có quan hệ quân sự sâu xa hơn với Việt Nam. Hoa Kỳ có đủ sức để theo đuổi một quan điểm dài hạn và làm kinh ngạc những kẻ hoài nghi bằng cách kiên định về vấn đề quyền con người. Với hai cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam, John Kerry và Chuck Hagel, hiện đang trông coi chính sách ngoại giao và quốc phòng thì có thể các chính sách này sẽ đúng y như những gì Mỹ sẽ làm.
David Brown là nhà báo tự do và là nhà ngoại giao Hoa Kỳ nghỉ hưu, đã từng làm việc nhiều năm tại Việt Nam.
Nguồn: Yale Global Online
Ghi chú: Một vài chỗ trong bài đã được tác giả làm rõ nghĩa, không hoàn toàn chính xác như bản gốc, nhưng ý nghĩa không thay đổi.
No comments:
Post a Comment