Thursday, July 11, 2013

Làm sao để ngư dân Việt không bị đánh?

Làm sao để ngư dân Việt không bị đánh?

Cập nhật: 09:13 GMT - thứ năm, 11 tháng 7, 2013
Ông Lương Lê Phương là Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Việt Nam từ năm 2007 - 2011.
Cựu Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, ông Lương Lê Phương, nói có nhiều việc cần phải làm hiện nay để bảo đảm an toàn cho ngư dân đánh bắt xa bờ.
Trả lời phỏng vấn BBC ngày 11/7, ông Phương cho biết hiện có ba vấn đề chính phải thực hiện:
"Thứ nhất phải hỗ trợ ngư dân khi đánh bắt trên biển. Phải thành lập lực lượng kiểm ngư mạnh, đủ tầm để bảo vệ ngư dân khi đánh bắt xa bờ," ông nói.
"Thứ hai là phải nâng cấp các tàu đánh cá xa bờ cho công suất lớn hơn để đảm bảo an toàn trong tình hình thời tiết xấu."
"Thứ ba là ngư dân phải được nhà nước hỗ trợ để tổ chức lại thành đội, thành tổ để tự cứu giúp lẫn nhau. Hiện này tỉnh Quảng Ngãi là tỉnh tiên phong trong việc tổ chức khá nhất."
"Trong trường hợp xảy ra sự cố trên biển như gặp bão tố hoặc bị tàu nước ngoài chèn ép thì có thể hỗ trợ cho nhautrong khi chờ đợi lực lượng cứu giúp như tàu kiểm ngư hay bên cảnh sát biển."
Nhận xét về vụ tàu cá của ngư dân huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi bị tấn công ngày 7/7 vừa qua khi đang neo đậu ở gần khu vực đảo Phú Lâm, vốn là một đảo nằm sâutrong khu vực chiếm đóng của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa, ông Phương cho rằng "đây là câu chuyện rất nhạy cảm phức tạp. Tôi nghĩ là nên đưa vấn đề này ra quốc tế," ông nói.
"Riêng về chuyên môn, trước mắt chưa giải quyết được vấn đề dứt khoát theo luật quốc tế thì cũng nên tuyên truyền giáo dục cho ngư dân biết vùng nào an toàn để đánh bắt. Đây không phải là nhượng bộ, mà là để đảm bảo an ninh cho ngư dân, trong khi phải đòi hỏi chủ quyền theo đúng bằng chứng lịch sử để lại."
Ngày 11/7, trang VnExpress dẫn lời ông Trần Cao Mưu, Tổng Thư ký Hội Nghề cá Việt Nam nói hiệp hội này đã gửi văn bản kiến nghị Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn can thiệp với phía Trung Quốc để "bảo vệ quyền lợi của ngư dân".

Trang bị súng cho kiểm ngư?

Trong phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 10/7, đề xuất cho phép lực lượng kiểm ngư sử dụng vũ khí đã được đưa ra và thống nhất vào cuối phiên họp.
Tuy nhiên, ông Phương cho rằng điều này "không phải là giải pháp cho vấn đề hiện nay."
"Tôi thấy vấn đề này quốc tế hóa ra thì mới tốt chứ đơn phương Việt Nam thì không giải quyết một cách triệt để, trọn vẹn được,"ông nói.
"Cần có Bộ quy tắc ứng xử chung (COC) giữa Asean và Trung Quốc. Tôi nghĩ Asean hiện nay đã có một sự đồng tình, khác với hội nghị Campuchia hồi năm ngoái."
Hai tàu cá của ngư dân huyện đảo Lý Sơn bị tấn công khi đang neo đậu gần đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Cuối năm 2009, sau hàng loạt vụ tàu cá Việt Nam bị Trung Quốc tấn công và bị bắt giữ, Quốc hội Việt Nam cũng đã thông qua dự thảo Luật dân quân tự vệ với đề xuất ngư dân tự bảo vệ mình nhưng cho đến nay, vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy điều này đã được thực hiện.
Đề xuất này lúc đó cũng đã gây quan ngại về nguy cơ bùng nổ xung đột quân sự và bất lợi hình ảnh của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế.
Hồm 19/6 vừa qua, chủ tịch nước Việt Nam, ông Trương Tấn Sang đã ký 10 văn kiệp hợp tác trong chuyến thăm Trung Quốc.
Một trong số các văn kiện này là thỏa thuận giữa Bộ Nông nghiệp hai nước trong việc thiết lập đường dây nóng để giải quyết các vụ va chạm liên quan ngư dân trên biển.
Hiện không rõ sau vụ việc mới nhất xảy ra với ngư dân Lý Sơn, đường dây nóng này có được sử dụng hay không.
Nhận xét về thỏa thuận này, ông Phương cho rằng "đây không phải là cách giải quyết triệt để cho lắm."
"Nó cũng là một cơ sở ban đầu để tiếp tục các hiệp định, ký kết khác để hai bên dựa vào đó có thể đưa ra những quyết định đứng đắn hơn."
Tuy nhiên, "nó cũng không phải là một là bùa hộ mệnh", ông nhấn mạnh.
Hôm 26/6 năm nay, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam phát biểu rằng Việt Nam sẽ dùng đàm phán, thương lượng để tìm “giải pháp thỏa đáng” cho tranh chấp Biển Đông.
Ông cũng nói Việt Nam và Trung Quốc đang đàm phán để thống nhất một vùng đánh cá chung cho ngư dân hai nước.

Thêm về tin này

No comments:

Post a Comment