Đồ chơi trẻ em TQ tràn lan ở Việt Nam
Tuổi thơ nhuộm màu… TQ!
Mùa hè, những cánh diều giấy cắt dán từ trang vở cũ học trò không còn chấp chới bay trên bầu trời, mà thay vào đó là một bầu trời sặc màu Trung Quốc với không biết bao nhiều con diều có xuất xứ Trung Quốc, đương nhiên là tuổi hồn nhiên của các em chỉ biết chơi đùa, các em như một tờ giấy trắng, đang bị sắc màu “kẻ lạ” nhuộm dần dưới nắng hè. Không dừng ở đây, đồ chơi trẻ em các loại tràn lan trong các shop baby. Điều này làm nhức nhối các bậc làm cha làm mẹ.
Chị Nguyên, có con đầu lòng tròn ba tuổi, đang sống ở Đà Nẵng, than thở với chúng tôi rằng chị hết sức bất mãn khi vào một shop baby của A Cà Phê ở Nam Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam trong một lần đưa con về thăm ngoại. Đồ chơi ở đây có hơn 90% là xuất xứ Trung Quốc, từ cái xe đẩy tập đi cho đến chiếc xe hơi điện, con vụ, diều giấy, chiếc xe mô hình hay quả bóng… Tất cả đều xuất xứ Trung Quốc. Chị Nguyên hỏi tìm đồ chơi không phải là Trung Quốc thì nhận được câu trả lời rất khó chịu của người bán hàng rằng bây giờ mọi thứ đồ chơi đều là của Trung Quốc, nếu không chơi thì chịu khó nhịn chứ tìm đâu ra đồ chơi Việt Nam hoặc nước khác.
Chị Nguyên nói thêm rằng không riêng gì cửa hàng này, phần lớn nhiều shop baby mà chị gặp đều bán toàn đồ chơi Trung Quốc. Hỏi ra, chị mới hiểu là đồ chơi Trung Quốc tránh được tiền thuế, nhập theo đường tiểu ngạch và bán có lãi nhiều hơn đồ chơi Việt Nam sản xuất, chính vì thế, vì lợi nhuận, người ta sẵn sàng bán đồ chơi Trung Quốc.
Một người mẹ trẻ khác tên Thúy, sống ở quần Hải Châu, thành phố Đà Nẵng cũng than thở với chúng tôi rằng bây giờ, đi tìm một cửa hàng đồ chơi không có đồ Trung Quốc nghe có vẻ khó hơn mò kim đáy biển. Chị Thúy rất ngại phải để con mình chơi đồ Trung Quốc vì nó quá nguy hiểm, dường như những thứ đồ chơi hay bất kì vật dụng gì có xuất xứ Trung Quốc cũng làm chị Thúy cảm thấy lo sợ và ớn lạnh nghĩ đến chiến lược đồng hóa người Việt và làm cho người Việt trở nên yếu đối, ngu đần để dễ bề cai trị của kẻ ngoại xâm Trung Quốc cả ngàn năm nay.
Rất tiếc, chị Thúy phải lắc đầu thừa nhận là hình như nhà buôn Việt Nam là kẻ bị Tàu hóa trước tiên, động cơ kiếm tiền và mãnh lực lãi suất cao đã khiến họ đánh mất tinh thần dân tộc, đánh mất nghĩa vụi của một người dân trong cộng đồng, họ sẵn sàng nhận hàng lậu của Trung Quốc để bán với lãi suất cao, sẵn sàng bỏ qua sự chào mời của các doanh nghiệp Việt Nam vì sản phẩm của các công tuy này ít lãi hơn. Và cay đắng nhất là vấn đề các doanh nghiệp Việt nam không hề có ý định tạo ra một cuộc cạnh tranh hoặc cuộc chiến trên thương trường với các sản phẩm Trung Quốc.
Sự bất minh trong sản xuất và quản lý thị trường Để giải thích thêm nhận xét của chị Thúy, anh Cả, chồng chị Thúy cho biết thêm là dường như các doanh nghiệp Việt Nam không muốn cạnh tranh với sản phẩm Trung Quốc, có hai lý do để họ không cạnh tranh là khi đồ chơi Trung Quốc tràn lan trên thị trường Việt Nam, bắt buộc những khách hàng có trách nhiệm với con cái phải đi tìm hàng Việt Nam để mua, và có đắt cũng chấp nhận. Lúc này, hàng Trung Quốc trên thị trường đã đặt chuẩn giá tương đương vời hàng Việt Nam bấy lâu nay. Và đồ chơi Việt Nam có thể nâng giá lên gấp rưỡi hoặc gấp hai lần so với hàng Trung Quốc vì nó là hàng nội địa, nó mang tinh thần “người Việt Nam xài hàng Việt Nam”.
Mất gốc trên chính quê hương
Và đây là vấn đề khó gỡ ra được đối với sản phẩm đồ chơi trẻ em Việt Nam, giá điện quá cao, giá thuê mặt bằng và các loại thuế, các loại dịch vụ quá cao, đó là chưa kể đến các cổ phần ma của các quan chức mà họ phải chung chi hằng tháng. Chính vì thế, sản phẩm càng có giá thật cao, qui trình sản xuất càng bóp nhỏ lại bao nhiêu, nhà sản xuất càng có lãi bấy nhiêu. Mà trong tình trạng hiện nay, không có cách nào tốt hơn việc hàng Trung Quốc tràn lan trên thị trường Việt Nam và bán với giá ngang ngửa hàng Việt Nam, nhờ vậy, đồ chơi trẻ em của Việt nam sản xuất mới có cơ hội nâng giá lên gấp rưỡi, gấp đôi bình thường, và thị trường Việt Nam trở thành thị trường Trung Quốc – Việt Nam hợp tác cùng có lợi.
Một người mẹ khác, là giáo viên mầm non, hiện đang sống ở quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, than thở với chúng tôi rằng chị thấy quá mệt mỏi vì việc đi tìm mua đồ chơi cho con mình, mỗi lần đi mua đồ chơi hoặc áo quần, chị buộc phải dắt con đến các siêu thị như Lotte Mart, Big C, Co.orp Mart mới có thể hy vọng tìm cho ra một ít đồ cho con trẻ. Cũng không ngoại trừ việc hàng Trung Quốc đã có mặt rất nhiều ở các siêu thị này, nhưng chí ít nó còn dán mác Trung Quốc, còn ở ngoài chợ đen và các shop baby thì hoàn toàn không có nhãn mác.
Chị than thở rằng mỗi lần mua như vậy, chị tốn gần hết một tháng lương của mình vì đồ chơi và áo quần trẻ con do Việt Nam sản xuất có giá thành rất đắt, gấp vài lần của Trung Quốc. Chị lấy làm hoài nghi không biết có sự thông đồng nào đó giữa nhà sản xuất, nhà buôn Việt Nam với nhà sản xuất, nhà buôn Trung Quốc hay không, vì theo chị thấy, nếu có, họ hoàn toàn có lợi trong chuyện này, chỉ có người mua của Việt Nam là thiệt thòi trăm bề. Mà trong khi đó, lượng khách hàng của gần chín chục triệu dân cho một thị trường chưa tới một trăm nhà sản xuất chuyên về đồ chơi, áo quần trẻ em của Việt Nam và chừng một trăm nhà sản xuất, nhà buôn, đầu nậu Trung Quốc, lúc này, chia phần lợi nhuận nghe có vẻ béo bở.
Chị bày tỏ sự lo ngại của mình về quan niệm dân tộc tính của người Việt Nam, có vẻ như bây giờ là thời điểm mà người Việt Nam bị Tàu hóa rất mạnh bởi động cơ tiền bạc và lợi nhuận. Mà những người bị Tàu hóa đầu tiên, trầm kha, có lẽ là những nhà buôn Việt Nam đang tiếp tay cho Trung Quốc tuồn hàng vào Việt Nam. Chị chia sẻ lo ngại về nhiều thế hệ trẻ em Việt Nam sẽ bị mất gốc ngay trên chính quê hương bản quán vì bất kì thứ gì chung quanh chúng đều mang dấu ấn của Trung Quốc, không chừng, đến một lúc nào đó, trẻ con sẽ bị hội chứng nghiện đồ chơi Trung Quốc. Đó là một hậu quả có thể nhìn thấy trước!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
No comments:
Post a Comment