Tuesday, July 23, 2013

GM Phaolô Nguyễn Thái Hợp: Băn khoăn một Việt Nam đen tối

GM Phaolô Nguyễn Thái Hợp: Băn khoăn một Việt Nam đen tối

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2013-07-23
 
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
000_Hkg8782036-305.jpg
Một bạn trẻ dùng điện thoại chụp lại những tấm bản đồ cổ tại một cuộc triển lãm về Hoàng Sa, Trường Sa tại Bảo tàng Quân đội, Hà Nội vào ngày 10/7/2013
AFP photo

Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Chủ tịch Ủy ban Công Lý và Hòa Bình của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đang có chuyến công tác tại Hoa Kỳ và Nam Mỹ. Ông đã dành cho đài Á Châu Tự Do cuộc phỏng vấn đặc biệt về những vấn đề đang được quan tâm tại Việt Nam như Biển Đông, Trung Quốc, dự thảo sửa đổi hiến pháp và tình trạng tự do tôn giáo tại Việt Nam.
Mặc Lâm: Thưa Đức cha, được biết Câu lạc bộ Phaolo Nguyễn Văn Bình là nơi trước đây thường tổ chức các cuộc hội thảo về vấn đề Biển Đông, tuy nhiên một thời gian gần đây thì việc này đã không còn xảy ra nữa, Xin Đức Cha cho biết khó khăn nào đã cản trở các buổi hội thảo hữu ích như vậy?
Giám mục Nguyễn Thái Hợp: Cám ơn anh. Câu lạc Bộ Nguyễn Văn Bình không phải chỉ thảo luận về vấn đề Biển Đông mà còn nhiều vấn đề về kinh tế, xã hội, tôn giáo. Trong đề tài mà trí thức băn khoăn thì có vấn đề Biển Đông nằm trong bối cảnh đó.
Cuộc hội thảo đầu tiên của một nhóm tư nhân nói về vấn đề hải đảo và lãnh thổ Việt Nam. Cuộc hội thảo này lúc đầu có gặp khó khăn nhưng sau đó cũng được cho phép và cuối cùng đặc biệt hơn nữa là được cơ quan nhà nước cho phép xuất bản qua nhà xuất bản Trí Thức. Sau đó đến năm 2001 chúng tôi tổ chức một cuộc hội thảo khác đó là "Công lý và Hòa bình trên Biển Đông" nhưng cuộc hội thảo đó không được thực hiện vì nhiều lý do như anh đã rõ. Nhưng rồi chúng tôi cũng xuất bản được tài liệu đó thành một bản văn đó là "Công lý và hòa bình trên Biển Đông". Tôi có đưa tặng cho một số người và hy vọng một ngày nào đó cũng đến tay quý anh. Cũng ước mong rằng nếu các anh có khả năng có điều kiện thì xin phổ biến cuốn đó không những cho người Việt Nam mà cho người nước khác nữa.
Trung Quốc, hiểm họa mất nước tiềm ẩn
Mặc Lâm: Đức Cha rất quan tâm đến vấn đề Trung Quốc và ngài từng cho rằng đây là mối đe dọa trên mọi lĩnh vực của Việt Nam. Chính sách hòa hoãn hiện nay của Việt Nam có phải là kế sách duy nhất đối phó với Trung Quốc hay không, và nếu nó tỏ ra không hiệu quả về lâu về dài thì theo ngài chính phủ cần phải làm gì?
Giám mục Nguyễn Thái Hợp: Quan điểm đó không phải là của mỗi mình tôi mà của rất nhiều người Việt Nam, nhất là khi chúng ta đọc lại lịch sử dân tộc thì không ai là không ý thức mối hiểm họa đến từ phương Bắc. Mối hiểm họa do chủ nghĩa bành trướng đại hán. Chính vì vậy chúng tôi rất băn khoăn cho tiền đồ, cho vận mệnh đất nước trong giai đoạn hiện tại.
Cách đây ít lâu Chủ Tịch nước Trương Tấn Sang có sang Trung Quốc ký hiệp ước Việt Nam với Trung Quốc cùng nhau khai thác dầu hỏa trên vịnh Bắc Việt và có đưa ra một số điểm, chẳng hạn như đường giây nóng giữa hai chính phủ...Thế nhưng như anh đã biết chỉ có mấy ngày sau thì tàu hải giám Trung Quốc rượt đuổi và hành hung các tàu cá Việt Nam. Đặc biệt hơn nữa mấy ngày sau Trung Quốc ngang nhiên cấp giấy chứng minh nhân dân và giấy tạm trú cho cái gọi là thành phố Tam Sa.
Trung Quốc nói một đằng làm một nẻo. Chúng tôi nghĩ rằng nếu cứ tiếp tục cái bốn tốt và mười sáu chữ vàng thì không bao giờ chúng ta có kế sách hữu hiệu để đối phó mà rất có thể sẽ rơi vào vòng tay của Trung Quốc.
Chính vì vậy điều quan trọng là phải chấm dứt đối thoại song phương để quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Chúng ta cũng như các nước khác lấy luật biển năm 1982 coi như một chương trình đề chúng ta đối thoại song phương với Trung Quốc. Vấn đề Biển Đông hôm nay là vấn đề Trung Quốc, Việt Nam và với nhiều nước khác trong khu vực cũng như tất cả các nước như Nhật, Hoa Kỳ, Úc vì con đường Biển Đông là con đường quốc tế, con đường thông thương giữa các nước với nhau.
Chúng tôi nghĩ rằng nếu cứ tiếp tục cái bốn tốt và mười sáu chữ vàng thì không bao giờ chúng ta có kế sách hữu hiệu để đối phó mà rất có thể sẽ rơi vào vòng tay của Trung Quốc.
- Giám mục Nguyễn Thái Hợp
Chính vì vậy tôi không phải là chính trị gia nhưng với tư cách là trí thức chúng tôi băn khoăn và thấy rằng chính sách hiện tại càng ngày làm cho Trung Quốc càng lấn lướt.
Mặc Lâm: Đức Cha vừa nhắc tới công ước 1982 làm liên tưởng đến việc Philippines vừa mang Trung Quốc ra tòa. Đức cha cónghĩ rằng việc này sẽ khiến cho nhiều nước có thái độ tự tin hơn trước sự lấn lướt của Trung Quốc, đặc biệt là Việt Nam?
Giám mục Nguyễn Thái Hợp: Tôi thấy mỗi nước có một chính sách, một kế hoạch riêng trong vấn đề Biển Đông. Cổ nhân ta trong lịch sử mỗi triều đại có cách đối phó với Trung Quốc khác nhau, Có khi vừa đàm vừa đánh. Điểm này Việt Nam có lẽ không nhất thiết phải giống như Phi Luật Tân.
Tuy nhiên việc công khai hóa, quốc tế hóa vấn đề Biển Đông dựa trên công ước quốc tế công ước 1982 sẽ làm cho thế giới thấy bộ mặt của Trung Quốc và hiểu hơn tham vọng của Trung Quốc trong vấn đề đường lưỡi bò. Tôi thấy Việt Nam có lẽ cũng nên làm những cách tương tự vì trong đối ngoại, ngoại giao mỗi nước có một cách khác nhau nhưng phải có nhiều việc chung tôi gọi đó là quốc tế hóa vấn để Biển Đông. Đối thoại đa phương chứ không phải song phương. Song phương trong khi Việt Nam cùng một ý thức hệ với Trung Quốc thì không bao giờ Việt Nam thoát khỏi nanh vuốt của chủ nghĩa bành trướng đại hán.
Cơ hội từ Washington
Mặc Lâm: Đức Cha vừa nhắc việc Chủ Tịch nước sang Trung Quốc một tháng trước đây vậy trong chuyến sang Hoa Kỳ lần này theo ngài thì Chủ Tịch nước Trương Tấn Sang cần có những động thái gì để mang thông điệp ngầm tới Tổng Thống Barack Obama rằng Việt Nam không phải là đồng minh của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông?
Giám mục Nguyễn Thái Hợp: Một lần nữa tôi phát biểu với tư cách một công dân, một trí thức cũng là một giám mục công giáo băn khoăn với vận mệnh của đất nước chứ không phải với tư cách một chính trị gia. Tôi thấy đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương là một hướng đi quan trọng đối với Việt Nam hôm nay. Nhất là Việt Nam trong bối cảnh bị Trung Quốc lấn lướt thì đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương sẽ giúp cho Việt Nam mở rộng con đường khác và sẽ giúp cho Việt Nam tìm được một cơ hội.
Chúng tôi thấy rằng Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cũng như nhiều nhóm trí thức cho rằng Việt Nam phải từ bỏ ý thức hệ vì cái ý thức hệ đó gắn chặt, trói buộc Việt Nam với Trung Quốc. Việt Nam cần trở về với văn hóa dân tộc, để nghĩ đến quyền lợi của dân tộc, của đất nước vượt trên ý thức hệ. Đây là cơ hội ngàn vàng của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Rất tiếc trong những thập niên sau cùng Việt Nam đã bỏ lỡ khá nhiều cơ hội và chúng tôi ước mong rằng lần này, đặc biệt Chủ tịch nước và phái đoàn sang Hoa Kỳ không bỏ lỡ cơ hội đó.
Như anh nói Việt Nam phải có một tín hiệu để Hoa kỳ cũng như các nước tự do khác thấy rằng Việt Nam không phải là đồng minh gắn kết với Trung Quốc, và Việt Nam đang vươn lên như một quốc gia độc lập. Để được như vậy bên cạnh những xác quyết đó Việt Nam phải cải thiện nhân quyền vì dĩ nhiên Hoa kỳ và các nước khác sẽ không thể trở thành đối tác đặc biệt khi mà bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền Việt Nam đã ký mà lại có những hành động đi ngược lại lại chính bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền đó.
Chúng tôi ước mong rằng cộng đồng người Việt cũng có thể giúp cho phái đoàn Việt Nam ý thức hơn điều đó. Và cũng rất mong rằng Chủ tịch Trương Tấn Sang và phái đoàn Việt Nam sẽ ý thức được yêu cầu và đòi hỏi của vận mệnh đất nước trong giây phút quan trọng này để đừng bỏ thêm một cơ hội quan trọng nữa.
Biểu tình có phải là giải pháp duy nhất?
000_Hkg8090403-250.jpg
Biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội hôm 09/12/2012. AFP photo
Mặc Lâm: Quay lại với lòng dân trong nước, sự lo sợ việc người dân trong nước biểu tình chống Trung Quốc sẽ gây bất ổn chính trị đã khiến chính phủ cương quyết ngăn cấm. Việc này tạo ra dư luận không tốt cho Việt Nam. Theo ngài, ngoài việc biểu tình thì người dân còn có phương tiện hay cách thức nào khác để tỏ thái độ mà không bị nhà nước lo lắng cho thiện chí của họ?
Giám mục Nguyễn Thái Hợp: Cũng rất khó. Một số người dân muốn biểu lộ quan điểm của họ bằng biểu tình ôn hòa. Đây cũng là điểm mà nhiều người dân Việt Nam lo ngại tại sao xác quyết một đàng lại làm một nẻo. Tại sao nhà nước vẫn hô hào người dân là bảo vệ đất nước nhưng lại không cho người dân nói lên quan điểm của mình?
Anh hỏi là có cách nào nữa không thì tôi thấy có một điều chúng ta đã làm nhưng làm chưa đủ, chưa đến nơi đến chốn đó là nghiên cứu, đó là những hội thảo nói cho thế giới biết Biển Đông thuộc về ai. Lúc nào Trung Quốc mới thật sự nói đến Biển Đông trong khi đó Việt Nam từ thời Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn và nhà Nguyễn đã có những bằng chứng rõ rệt về Biển Đông.
Tuy nhiên vấn đề tỏ bày quan điểm và tổ chức hội thảo cũng gặp khó khăn đó là điều mà chúng tôi không hiểu nhà nước của chúng ta như thế nào và điều đó làm cho nhiều người mất niềm tin với chủ trương và quan điểm của nhà nước, mặc dù trên nguyên tắc chúng ta thừa nhận rằng mỗi chính phủ, mỗi nhà nước có một cách thế đối thoại từng vấn đề khác nhau, nhưng ít ra phải nhìn cái nhất quán nào đó và điều này chúng tôi thấy rằng chưa có.
Tại sao nhà nước vẫn hô hào người dân là bảo vệ đất nước nhưng lại không cho người dân nói lên quan điểm của mình?
- Giám mục Nguyễn Thái Hợp
Mặc Lâm: Xin được quay về vấn đề tự do tôn giáo, thưa Đức cha giáo phận Vinh là nơi có thể nói là có truyền thống tranh đấu với nhà nước về vấn đề tự do tôn giáo kéo dài qua rất nhiều thời kỳ. Xin Đức Cha cho biết dưới sự cai quản của ngài thì tình trạng này có được cải thiện hay không?
Giám mục Nguyễn Thái Hợp: Ở ngay Vinh thì có người của Nghệ An, người của Vinh họ vẫn có cách ứng xử khác có phần cái gì cũng cực đoan, nhiều khi đẩy đến chỗ khó mà đối thoại. Đó là bản tính của người dân mà người ta nói là có lẽ do điều kiện khí hậu của lịch sử. Thành thử ra nếu nhìn người Vinh với người Bắc hay người Nam thì ta thấy rằng người Vinh không có cái nét ngoại giao hài hòa cũng không chín bỏ làm mười như những nơi khác.
Cũng chính vì vậy mà giáo phận Vinh gồm Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình là nơi có những đối kháng mạnh mẽ hơn giữa người công giáo với người cộng sản, và giữa những người công giáo với nhau nữa hay giữa những người cộng sản với nhau. Trong mấy năm vừa rồi tôi chủ trương đối thoại theo đường hướng của Cộng đồng Vatican II. Tuy nhiên đối thoại và sự biến đổi cũng phải mất thời gian dài.
Nhưng nhờ đối thoại mà một số điểm đang được hình thành chẳng hạn câu chuyện Con Cuông cách đây một năm, nay cũng đang dần dần đi vào ổn định. Cộng đoàn nhỏ bé Con Cuông nay đã được cử hành thánh lễ mỗi ngày Chúa Nhật và chúng tôi cũng đang mong trong một thời gian ngắn nhà nước sẽ cấp đất để thành lập một giáo họ và có nhà thờ tại Con Cuông.
Đối với niềm tin Ky tô giáo chúng tôi luôn luôn làm chứng cho tình yêu đối với mọi người, với đất nước và luôn luôn giải quyết vấn đề từ quan điểm đức tin Ky tô giáo, từ quan điểm "bài giảng trên núi" của Đức Ky tô lấy yêu thương lấy hòa bình làm điều căn bản
Điều 4 Hiến pháp và giáo dân
000_Del6229699-250.jpg
Nghệ sĩ Nguyễn Trí Hải cùng giáo dân cầu nguyện cho LS Lê Quốc Quân hôm 07/7/2013. AFP photo
Mặc Lâm: Đối với bản đề nghị sửa đổi hiến pháp, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã có lập trường rất rõ ràng về Điều 4 Hiến pháp cần phải bãi bỏ. Xin Đức Cha cho biết, dưới cái nhìn của một người Ky tô hữu thì sự hiện hữu của Điều 4 sẽ mang lại di hại gì cho tự do tín ngưỡng cũng như quan điểm chính trị của họ?
Giám mục Nguyễn Thái Hợp: Đây là điều quan trọng, thứ nhất như tôi nói hồi nãy Điều 4 Hiến pháp nói lên một cái ý thức hệ và đưa cái ý thức hệ đó để định hướng cho tương lai cũng như cho lịch sử Việt Nam. Và cũng chính ý thức hệ đó đã trói chặt Việt Nam với Trung Quốc.
Đứng trên bình diện dân tộc chúng tôi đề nghị trở về với văn hóa dân tộc. Quy tụ và đoàn kết mọi người Việt Nam từ những sắc tộc, giai cấp và những quan điểm khác nhau. Chúng ta khó mà bảo vệ được đất nước nếu còn giữ cái điều 4 đó nếu chúng ta vẫn đưa ý thức hệ mác xít lên làm định hướng cho xã hội và đất nước chúng ta.
Điểm thứ hai, dưới quan điểm một người Ky tô hữu thì chúng tôi như đã nói rõ trong kiến nghị của Hội Đồng Giám Mục là không thể nói có tự do tôn giáo và mọi người công dân được bình đẳng với nhau. Người công dân có và không có tín ngưỡng được bình đẳng với nhau. Điều 4 chủ trương vô thần, chủ trương Đảng Cộng sản chỉ đạo quốc gia thì làm sao trong một cái đảng như vậy, trong một bối cảnh như vậy người công dân có tín ngưỡng và người công dân không cộng sản có thể bình đẳng thật sự. Hỏi là trả lời và cái câu hỏi đó cũng là cái điều băn khoăn của chúng tôi.
Mặc Lâm: Luật đất đai trong hiến pháp hiện nay là văn bản cho phép nhà nước toàn quyền xâm phạm đất đai của giáo hội cũng như của người dân. Theo Đức Cha nếu Quốc Hội tiếp tục bỏ ngoài tai nhu cầu cấp thiết phải thay đổi nó thì việc gì sẽ xảy ra?

Chúng ta khó mà bảo vệ được đất nước nếu còn giữ cái điều 4 đó nếu chúng ta vẫn đưa ý thức hệ mác xít lên làm định hướng cho xã hội và đất nước chúng ta.
- Giám mục Nguyễn Thái Hợp
Giám mục Nguyễn Thái Hợp: Điều mà chúng ta thấy trước mắt trong những thập niên vừa rồi đến 80-85% những khiếu kiện, xung đột tại Việt Nam là do luật đất đai. Nếu bây giờ tiếp tục không sửa đổi luật đất đai nữa thì trong tương lai tới tôi không rõ điều gì sẽ xảy ra. Nhà cầm quyền có lẽ họ không ý thức được điều đó. Hơn nữa chúng tôi cũng thấy có một điều hy vọng là vừa rồi quốc hội và nhà nước đã đồng ý để triển hạn vấn đề biểu quyết luật đất đai. Có lẽ quốc hội cũng như chính phủ đã tiếp thu ý kiến của dân để thấy rằng luật đất đai cần phải sửa chứ không thể để y nguyên như tình trạng hiện tại. Một cái luật, đúng hơn là khẩu hiệu, chứ không phải là luật vì “đất đai thuộc quyền nhân dân nhưng mà do nhà nuớc quản trị”, thì đứng trên phương diện pháp lý, luật lệ thì có lẽ nó chỉ là một khẩu hiệu. Tôi mong rằng xã hội Việt Nam càng ngày càng cần nhiều luật lệ và luật lệ rõ ràng chứ không phải những hình thức khẩu hiệu.
Mặc Lâm: Xin được một câu hỏi cuối, Đức Cha đánh giá thế nào về sức mạnh nội tại của trí thức Việt Nam, đặc biệt là các vị trong nhóm kiến nghị 72?
Giám mục Nguyễn Thái Hợp: Tôi thật sự không có đánh giá gì được vì tôi cũng nằm trong đó. Chúng tôi chẳng phải là đảng phái cũng chẳng có cơ cấu gì rõ rệt. Tất cả nhằm nói lên tiếng nói của lương tâm, tiếng nói ý thức của dân tộc từ cái ước muốn xây dựng một đất nước Việt Nam tốt đẹp hơn. Bảy mươi hai hay một trăm người cũng chẳng là gì so với một dân tộc tám mươi tư triệu. Nhưng hy vọng rằng tiếng nói đó dần dần sẽ được đồng thuận thì lúc đó mới có sức mạnh nội tại. Chính vì vậy có lẽ tôi cũng đang muốn hỏi anh Mặc Lâm rằng, ngoài bảy mươi hai trí thức đó hay một trăm trí thức đó thì có một sức mạnh nào trong đất nước Việt Nam hôm nay chăng?

No comments:

Post a Comment