Wednesday, August 20, 2014

Dịch Ebola hoành hành, cộng đồng quốc tế bất lực

Dịch Ebola hoành hành, cộng đồng quốc tế bất lực

Nhiều nước triển khai các biện pháp phòng ngừa khắt khe nhất - REUTERS /Luc Gnago
Nhiều nước triển khai các biện pháp phòng ngừa khắt khe nhất - REUTERS /Luc Gnago

Anh Vũ
Theo con số thống kế của Tổ chức Y tế Thế giới đến hôm 13/08, đã có 1145 người chết trong tổng số 2000 trường hợp nhiễm virus Ebola. WHO cũng cảnh báo về tình trạng quá tải của các cơ quan y tế không thể chăm sóc đầy đủ các bệnh nhân Ebola.Trước tình hình dịch Ebola tiếp tục lan rộng, nhiều nước bên ngoài lục địa châu Phi đã triển khai những biện pháp phòng ngừa khắt khe nhất.

Tại Trung Quốc, các nhà tổ chức Thế vận hội Olympic trẻ lần thứ 2, khai mạc hôm nay tại thành phố Nam Kinh, đã thông báo không cho phép ba vận động viên đến từ các nước Tây Phi, nơi đang có dịch Ebola, tham dự kỳ thế vận hội. Thông tín viên RFI Heike Schmit :
Thất vọng lớn cho ba vận động viên, họ sẽ không được tham dự các cuộc thi đấu đối kháng và bơi lội tại kỳ Thế vận hội trẻ. Tất cả những vận động viên khác đến từ Guinée, Sierra Leone, Liberia và Nigeria sẽ phải thường xuyên kiểm tra xét nghiệm y tế.
Với chính quyền địa phương, kỳ Thế vận hội trẻ này cũng là dịp để phát đi thông điệp: “ Nếu dịch Ebola tới, chúng tôi đã sẵn sàng”. Một kế hoạch hành động đã được triển khai. Hai bệnh viện tại Bắc Kinh được dự phòng làm nơi đón nhận điều trị các bệnh nhân nhiễm virus Ebola nếu có.
Việc kiểm tra ở cửa khẩu biên giới cũng được tăng cường, đặc biệt là tại sân bay Quảng Đông, nơi có hàng nghìn người châu Phi quá cảnh mỗi ngày. Tại đây tất cả hành khách trước khi nhập cảnh đều phải qua khâu đo thân nhiệt.
Từ khi có một hành khách người Nigeria đến Hồng Kông bị sốt, cơ quan y tế Trung Quốc đã được đặt trong tình trạng báo động. Từ đó đến nay, người Trung Quốc đã cho đăng trên các trang mạng xã hội 10 triệu tin nhắn với câu hỏi chung là: “Chính quyền của chúng ta làm gì để phòng dịch Ebola lây lan”.
Rất nhiều người dân ở đây vẫn còn nhớ trận dịch SARS năm 2003. Khi đó chính quyền đã không phản ứng kịp thời và hậu quả là 500 người Trung Quốc đã bị thiệt mạng vì căn bệnh viêm phổi cấp tính này. Cả thế giới khi đó đã lên tiếng chỉ trích gay gắt chính quyền Bắc Kinh.
TAGS: DỊCH BỆNH - Y TẾ - KHOA HỌC - QUỐC TẾ - TỔ CHỨC Y TẾ THẾ GIỚI - OMS - WHO - EBOLA

No comments:

Post a Comment