Sunday, August 3, 2014

Tân Cương : 59 « kẻ khủng bố » và 37 thường dân chết vì bạo động hồi đầu tuần

Tân Cương : 59 « kẻ khủng bố » và 37 thường dân chết vì bạo động hồi đầu tuần

Một cảnh tuần tra lực lượng an ninh Trung Quốc  ở Tân Cương tháng 6/ 2014.
Một cảnh tuần tra lực lượng an ninh Trung Quốc ở Tân Cương tháng 6/ 2014.
CHINA OUT AFP PHOTO

Thụy My
Tân Hoa Xã hôm nay 03/08/2014 cho biết, có 59 “kẻ khủng bố” và 37 thường dân đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ hôm thứ Hai 28/7 tại Tân Cương. Đây là vụ bạo động đẫm máu nhất từ năm năm qua tại vùng đất Hồi giáo ở miền tây bắc Trung Quốc.

Hãng tin nhà nước Trung Quốc nói rằng có ít nhất 215 “tên khủng bố” đã bị bắt sau các vụ xung đột xảy ra ngay trước khi tháng chay Ramadan kết thúc, bên cạnh đó có 13 thường dân bị thương.
Vào giữa tuần, báo chí quốc doanh loan báo những người « vũ trang bằng dao » hôm thứ Hai đã tấn công vào một đồn công an và các công sở ở quận Sa Xa (Shache, hay còn gọi là Yarkand), khiến lực lượng an ninh phải đáp trả.
Theo Tân Hoa Xã, trong số các thường dân bị chết có 35 người Hán và hai người Duy Ngô Nhĩ. Đây là sự kiện đẫm máu nhất xảy ra tại Tân Cương từ sau vụ xung đột chủng tộc làm cho 200 người chết ở Urumqi, thủ phủ vùng này. Tân Cương có khoảng 10 triệu người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi sinh sống, đa số chống đối lại sự đô hộ của Bắc Kinh và một số trở nên cực đoan – mà theo chính quyền là nguyên nhân của những vụ bạo động gần đây.
Hãng tin này thuật lại, sáng thứ Hai 28/7 tại Khách Thập (Kachgar), « băng nhóm » vũ trang bằng dao đã « chận các xe cộ lại và tấn công loạn xạ những người trên xe, buộc các thường dân phải tham gia hành động khủng bố của họ ». Tân Hoa Xã cáo buộc « một vụ tấn công có tổ chức và dự mưu bởi bọn khủng bố ở Trung Quốc lẫn nước ngoài », do một người « có liên hệ chặt chẽ » với nhóm ly khai cực đoan Phong trào Hồi giáo Đông Thổ (Etim) xúi giục.
Về phía Hội nghị Thế giới người Duy Ngô Nhĩ, một tổ chức bảo vệ quyền của dân tộc này có trụ sở tại Đức, dẫn các nguồn tin địa phương cho biết có « khoảng một trăm người chết và bị thương » ở Khách Thập. Nêu ra sự khác biệt giữa con số chính thức với thông tin của mình, Dilxat Raxit, phát ngôn viên của tổ chức trên hôm nay đòi hỏi phải có « một cuộc điều tra độc lập ».
Ông Raxit tuyên bố : « Trung Quốc bóp méo vụ này, dùng từ « khủng bố » để che giấu sự kiện công an đã nổ súng đàn áp người Duy Ngô Nhĩ. Theo các nguồn tin tại chỗ, lực lượng an ninh đã sử dụng súng liên thanh và súng trường bắn tỉa, nên số người chết hết sức cao. Nếu chính quyền Trung Quốc không thay đổi chính sách đàn áp dã man, có thể dẫn đến những vụ đụng độ mới trong tương lai ».
Hôm thứ Tư 30/7 tại Khách Thập, thành phố ở gần Sa Xa, giáo sĩ đứng đầu đền thờ Hồi giáo lớn nhất Trung Quốc là Jume Tahir đã bị sát hại, và hai trong số các nghi can bị công an bắn hạ. Giáo sĩ Tahir thường xuyên đả kích những người ly khai, nổi tiếng là chống đối kịch liệt các vụ bạo động của người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương. Hai ngày sau đó, công an đã giết chết 9 người bị nghi là khủng bố tại Hòa Điền (Hotan) cũng thuộc Tân Cương.
Các vụ bạo động gần đây diễn ra tiếp theo một vụ tấn công tự sát hồi tháng Năm tại một ngôi chợ ở Urumqi làm cho 43 người chết, kể cả bốn hung thủ, và khoảng 100 người bị thương. Trước đó vào tháng Ba tại nhà ga Côn Minh thuộc tỉnh Vân Nam, một vụ tấn công bằng dao khác đã làm 29 người chết và khoảng 140 người bị thương. Đây là vụ bạo động quy mô đầu tiên xảy ra bên ngoài Tân Cương.
Chính quyền phản ứng bằng cách loan báo một chiến dịch chống khủng bố mang tầm cỡ lớn, với hàng trăm vụ câu lưu và hàng loạt người bị kết án thông qua các phiên xử vội vã. Các tổ chức bảo vệ nhân quyền cho rằng chính sách đàn áp về văn hóa và tín ngưỡng của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ đã nuôi dưỡng bạo động, gây căng thẳng tại Tân Cương. Nhiều người Duy Ngô Nhĩ tố cáo họ là nạn nhân bị phân biệt đối xử, bị loại ra khỏi những thụ hưởng về kinh tế trong vùng này.
TAGS: CHÂU Á - TÂN CƯƠNG - BẠO ĐỘNG - TRUNG QUỐC - XÃ HỘI

No comments:

Post a Comment