TQ 'giương móng vuốt bắt con hổ họ Chu'
Carrie Gracie
Biên tập viên Trung Quốc
Cập nhật: 10:30 GMT - thứ hai, 4 tháng 8, 2014
Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chính thức thông báo điều tra một trong những chính trị gia quyền uy nhất, cựu lãnh đạo an ninh Chu Vĩnh Khang.
Trong động thái chứng tỏ Chủ tịch Tập Cận Bình đã chiến thắng trong trận đấu khó khăn giành quyền chỉ huy tối cao, Tân Hoa xã nói ông Chu sẽ bị điều tra do các vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, một cách nói để ám chỉ tội tham nhũng.
Các bài liên quan
Chủ đề liên quan
“Không cần biết con hổ to như thế nào, một khi vi phạm pháp luật... và vi phạm luật lệ đảng, con hổ đó sẽ khó có thể thoát được lồng sắt.”
Đây là phán quyết từ cơ quan ngôn luận của đảng, Nhân dân Nhật báo, khi đưa tin về vụ điều tra ông Chu Vĩnh Khang.
Nhưng với sự bẽ bàng của ông ta, chính trị Trung Quốc bước vào giai đoạn chưa từng có. Ông Chu là chính trị gia cấp cao nhất bị làm nhục theo cách này trong nhiều thập niên qua.
Trong giai đoạn đổi mới từ 35 năm qua, có bộ quy tắc không thành văn rằng những người mới lên nắm quyền không tấn công những người đã rời chức, nỗ lực nhằm tránh tình trạng thanh trừng chính trị man rợ trong thời Mao.
Chu Vĩnh Khang nghỉ hưu sau khi điều hành mạng lưới an ninh đầy quyền lực cùng lúc với ông Tập Cận Bình được thăng chức lãnh đạo Đảng năm 2012.
Nhưng với thông báo về vụ điều tra ông Chu, Chủ tịch Tập đã xé bỏ bộ quy tắc dành riêng cho chính giới cấp cao Trung Quốc, và các chính trị gia quyền lực một thời khác đang lo lắng mình có thể là người tiếp theo.
Biến mất trước công chúng
Chu Vĩnh Khang nổi lên từ một gia đình nghèo và trở thành kỹ sư ngành dầu khí, dần thăng tiến qua các cấp bậc trong đảng để lên nắm công ty dầu khí lớn nhất Trung Quốc rồi sau đó dẫn dắt Tứ Xuyên, tỉnh lỵ có 80 triệu dân.
Đỉnh cao sự nghiệp của ông là chiếc ghế trong đội ngũ chính trị cao nhất của đảng, Ủy viên thường trực Bộ chính trị.
Ngoài ngôi làng ở quê nhà, khó có thể nói ông là người được yêu quý ở Trung Quốc, nhưng tới năm 2012, ông có thể đạt được cái tiếng là người đáng sợ nhất.
Thông báo từ cơ quan thông tấn chính thống của Trung Quốc không ghi rõ chi tiết các cáo buộc đối với ông Chu.
Nhưng nhiều nhà quan sát tin rằng, số phận của ông đã được định đoạt khi người mà ông bảo trợ, Bạc Hy Lai, thất thế sau việc vợ ông liên quan tới vụ sát hại một doanh nhân người Anh đầy tai tiếng.
Rõ ràng là ông Chu Vĩnh Khang đã gặp rắc rối khi bỗng biến mất trước công chúng từ năm ngoái.
Trong những tháng sau đó, tên tuổi ông không được truyền thông Trung Quốc nhắc tới, nhưng lần lượt các đồng minh chính trị của ông, trong ngành dầu khí, ở tỉnh Tứ Xuyên hay trong bộ máy an ninh, đều trở thành con mồi cho chiến dịch chống tham nhũng ngày càng khốc liệt.
Các thành viên gia đình, tài xế, vệ sỹ, và những người được ông bảo trợ cũng bị sa lưới. Thông báo điều tra ông chỉ là vấn đề thời gian.
'Cả hổ lẫn ruồi'
Hệ thống chính trị độc đảng của Trung Quốc thiếu hệ thống bầu cử để có chỗ cho người mới và ý tưởng mới và chiến dịch chống tham nhũng thường được coi là phương thức tiện lợi để lãnh đạo mới khống chế đối thủ và củng cố quyền lực.
Nhưng khi làm nhục một nhân vật cấp cao đến thế, ông Tập Cận Bình đang đánh tín hiệu cho thấy chiến dịch của ông rất khác.
Suốt nhiều năm, các lãnh đạo Đảng Cộng sản đã cảnh báo rằng tham nhũng tràn lan là mối đe dọa lớn nhất đối với sự sống còn của đảng. Khó phóng đại nghi ngờ sâu sắc của dân chúng đối với tầng lớp lãnh đạo.
Khi kinh tế phát triển mạnh, các quan chức cấp cao vơ vét hàng tỷ từ tài sản công, rất nhiều trong số đó giấu của trong các tài khoản và tài sản ở nước ngoài.
Các chỉ trích gia cáo buộc ông Tập là người giả nhân giả nghĩa khi một số người trong gia đình ông trở nên giàu có hơn trong những năm gần đây.
Nhưng tuyên bố quyết tâm trị “cả hổ lẫn ruồi” của ông đã được sự ủng hộ của dân chúng và gửi tín hiệu tới hệ thống đảng và chính quyền rằng ông thực sự nghiêm túc trong việc giải quyết vấn đề tư lợi, đặc biệt là với những ai có thể có ý định cản trở kế hoạch đổi mới kinh tế của ông.
Hàng ngàn quan chức đã bị điều tra và không có dấu hiệu cho thấy chiến dịch này sẽ ngưng lại.
Nhân dân Nhật báo viết hôm 29/07: “Tình hình vẫn dữ dội và phức tạp... Đấu tranh chống tham nhũng sẽ không kết thúc. Lôi được Chu Vĩnh Khang ra không phải là hết. Đây chỉ là một bước, một giai đoạn. Bất kỳ ai tham nhũng cũng sẽ bị trừng phạt.”
Với ông Tập Cận Bình, đây là chiến thắng cá nhân quan trọng. Ông đã kết liễu những nghi ngại về việc liệu ông có thể hạ một trong những “con hổ” lớn nhất này và chứng tỏ mình là người đứng đầu mạnh mẽ không ai địch nổi.
Nhưng một bình luận trên mạng xã hội đưa ra vào đêm có thông báo điều tra rằng liệu ông Chu có thực sự là “vua của bầy hổ hay cũng chỉ là một con hổ thường mà thôi?” Và rất nhiều người Trung Quốc khác đồn đoán về “bầy hổ” còn lại vẫn đang tự do, những cựu lãnh đạo hay lãnh đạo đương chức che chắn cho các đế chế doanh nghiệp tham nhũng của người trong gia đình.
Hơn nữa, thông báo này chẳng có gì là cứu vãn danh tiếng của Đảng cả.
Cú đánh chính trị trọng đại lại chỉ được chuyển tải bằng một dòng ngắn gọn trên các cơ quan thông tấn và truyền thông nhà nước cho thấy người Trung Quốc hay công chúng thế giới vẫn chỉ được phép biết ít ỏi về các vấn đề nội chính của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
No comments:
Post a Comment