Thursday, April 2, 2015

Mao Trạch Đông qua sách báo Trung Quốc ngày nay (kỳ cuối)

Mao Trạch Đông qua sách báo Trung Quốc ngày nay (kỳ cuối)

Kỳ 89: “Biến động Thiên An Môn” lần thứ nhất.
Kỳ cuối: Những ngày cuối đời của Mao Trạch Đông và Giang Thanh.

Kỳ 89: “Biến động Thiên An Môn” lần thứ nhất

Giao Hưởng Đăng Bởi Một Thế Giới 01-12-2014
Bất chấp lệnh cấm của chính quyền Bắc Kinh, hơn 2 triệu người tự động kéo đến quảng trường Thiên An Môn tưởng niệm thủ tướng Chu Ân Lai trước mũi súng của 5 tiểu đoàn cảnh vệ Trung Nam Hải…
Mao Trach Dong, Thien An Mon 1976
Chu Ân Lai mất 1976, khởi đầu cho “sự kiện Thiên An Môn” lần thứ nhất
Chu Ân Lai mất (8.1.1976), Đặng Tiểu Bình lập tức bị “tứ nhân bang” (bè lũ bốn tên) bao vây. Họ đề nghị nguyên soái Diệp Kiếm Anh soạn và đọc điếu văn thay Đặng.
Nhưng Diệp Kiếm Anh từ chối: “Tôi không thể, vì đồng chí Đặng Tiểu Bình đọc là thích hợp nhất”.Giang Thanh (và Trương Xuân Kiều) hoạnh họe:
- Sao để Đặng đọc mới thích hợp?
Đáp: “Vì đồng chí Đặng vừa là Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, lại là bạn chiến đấu thân thiết của thủ tướng Chu Ân Lai, đang đảm đương quyền thủ tướng, nên đồng chí ấy thích hợp nhất, tại sao không ? Tôi mới là người không thích hợp!”(Nhiếp Nguyệt Nham - sđd. Kỳ 28, tr. 404-405)
Gần 10 năm trước (1967), Đặng bị đánh đổ lần thứ nhất, Diệp Kiếm Anh đã lên tiếng: “Trung Quốc có thể không có Diệp Kiếm Anh, nhưng Trung Quốc không thể không có Đặng Tiểu Bình”. Phút chót, nhóm “tứ nhân bang” phải nhượng bộ, để Đặng thay mặt Trung ương Đảng CSTQ đọc điếu văn truy điệu Chu Ân Lai ngày 15.1.1976. Lúc chuyển quan tài từ bệnh viện Bắc Kinh đến lò hỏa táng, hàng triệu dân chúng thủ đô đã ùa ra hai bên đường tiễn biệt.
Trước khi viết tiếp, chúng tôi xin phép nhắc đến nhận định sắc bén của một tác giả – là nhân sĩ trí thức, nhà nghiên cứu lão thành Trung Quốc – về quan hệ đặc biệt của “trục 3 người”:Mao Trạch Đông + Giang Thanh + Chu Ân Lai:
1. Về Mao: “Trong tiềm thức, đông đảo cán bộ, đảng viên, quần chúng cảm thấy chỉ có tín ngưỡng vô hạn, sùng bái vô hạn Mao Trạch Đông thì mới có an toàn cho bản thân và gia đình mình. Một cao trào sùng bái cá nhân mang tính chất toàn dân vừa ép buộc, vừa tự nguyện, như một dòng thác lũ tràn ngập nước Trung Hoa”.
2. Về Giang: “Mục tiêu lớn của Giang là giữ vững vị trí của mình, muốn vậy, phải góp phần củng cố và phát triển quyền lực tối cao của Mao (…) Mao thỉnh thoảng cũng giả vờ phê bình Giang nhưng trên thực tế ngày càng tin cậy, cho đến khi Giang được cử giữ chức “Tổ phó thứ nhất Tổ Cách mạng văn hóa Trung ương”, có quyền lực thực tế hơn cả Chủ tịch nước, Tổng bí thư, Thủ tướng nữa”.
3. Về Chu: “Chu bằng mọi cách giữ quan hệ bình thường với Giang Thanh, tuyệt đối không va chạm, nhưng cũng quyết không cho phép mụ ta trở thành Lã Hậu. Chu kiên quyết ngăn chặn mưu toan của Mao truyền ngôi cho người nhà. Đó là nguồn gốc của cục diện chính trị rối ren phức tạp, kỳ quặc xuất hiện trong cuộc đấu tranh nội bộ Đảng CSTQ những năm cuối đời Mao”.
Tro tàn của Chu chưa nguội, khoảng ba tháng sau (25.3.1976), Giang Thanh tự ý triệu tập lãnh đạo 12 tỉnh và thành phố (lúc Mao đang trên giường bệnh) dự cuộc họp nêu đích danh Đặng Tiểu Bình là “sư phụ của nhóm người đi theo con đường tư bản chủ nghĩa”, là “bậc thầy phản cách mạng”, là “đại Hán gian” – rồi quay ra tự nói về mình:
– “Phần tôi, (Giang Thanh) tôi cũng rất vinh hạnh được người ta gọi là Võ Tắc Thiên
Võ Tắc Thiên (624-705) là nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Quốc (tức Võ Chu Hoàng 690-705) ham muốn quyền lực không kém nam giới, được phong hoàng hậu năm 32 tuổi (656) và lên ngôi hoàng đế năm 66 tuổi (690), đổi quốc hiệu: Đại Chu. Phát biểu đó của Giang bộc lộ tham vọng muốn làm nữ hoàng như Võ Tắc Thiên.
Sau cuộc họp trên khoảng 10 ngày, nhằm chủ nhật 4.4.1976 (tức 5.3 âm lịch) – vào lễ Thanh minh năm Giáp Thìn – dân chúng Bắc Kinh đeo băng đen, mang những vòng hoa trắng, hoa tím đến lập bàn thờ tưởng niệm Chu Ân Lai tại Đài liệt sĩ Thiên An Môn. Ở đó có khắc rõ mấy câu trên tấm bia bằng thép của Nhà máy 109 thuộc Viện Khoa học Trung Quốc:
“Hồng tâm dĩ kết thắng lợi quả
Bích huyết tái khai cách mạng hoa”
(Tạm hiểu: Trái tim đỏ kết quả thắng lợi / Máu đào nở hoa cách mạng).
Nội dung bia ám chỉ Mao đang dung dưỡng “bè lũ bốn tên” tựa đám “yêu ma” mưu đốt cháy cơ đồ (phún độc hỏa) và thế nào cũng bị trừng trị (cầm yêu, đả quỷ nhân). Nhiều cơ sở tiêu biểu như Nhà máy đồng hồ Thanh Vân và Nhà máy điện Thự Quang với khoảng 4.000 cán bộ công nhân viên chức đến dự, ngót hơn “1.400 đơn vị tham gia tưởng niệm, với 2.073 vòng hoa và vô số thơ, lời điếu tang”, chứa 48 nội dung “công kích ác độc Mao chủ tịch và Trung ương Đảng” – theo hồ sơ giải mật.
Ngay đêm ấy (4.4.1976) Bộ Chính trị họp bất thường do Vương Hồng Văn chủ trì, đả kích lễ tưởng niệm Chu Ân Lai ban sáng, gọi đó là “sự kiện phản cách mạng” do Đặng Tiểu Bình đứng đàng sau chỉ đạo, nên phải cách chức Đặng ngay. Diệp Kiếm Anh (cùng Chu Đức) phản đối lời quy kết trên, đứng dậy ra về. Một số khác trong đó có Hoa Quốc Phong muốn thỉnh thị ý kiến Mao. Nghe báo cáo, theo sách báo Trung Quốc – Mao gay gắt:
- Người ta tổ chức tưởng nhớ thủ tướng Chu Ân Lai, hạch tội Giang Thanh và Trương Xuân Kiều, chẳng qua là muốn ngăn cản, phủ nhận đại cách mạng văn hóa và có dã tâm muốn nả súng vào tôi !.
Mao ra lệnh hành động.
Nên sáng hôm sau – 5.4.1976, Trung Nam Hải tung 5 tiểu đoàn cảnh vệ, 10.000 dân quân vũ trang, 3.000 công an mật vụ bao vây Thiên An Môn, giải tán đám đông, bắt giữ 38 “tình nghi chủ mưu” (cộng thêm trước đó nữa, số bị bắt gồm 388 người), phá hủy tất cả các vòng hoa, dẹp bỏ bàn thờ. Một số lãnh đạo tỏ thái độ bất bình đều bị Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Vương Hồng Văn thanh toán. Như đã phê đấu bãi chức Vạn Lý, Hồ Diệu Bang. Bức hại Bộ trưởng Bộ Giáo dục Chu Vinh Hâm đến chết (12.4.1976). Phần Mao, dầu đang nằm trên giường bệnh, đã chỉ thị :
- “Tước bỏ tất cả chức vụ của Đặng Tiểu Bình…”.  Hoa Quốc Phong lên thay (làm Thủ tướng kiêm Phó Chủ tịch thứ nhất Đảng CS Trung Quốc).
Đây là lần thứ ba Đặng bị Mao đánh đổ. Lạ ở chỗ: vì sao Mao chưa đẩy Đặng Tiểu Bình đến chỗ chết, dầu Giang Thanh rất muốn ?
Kỳ cuối: Những ngày cuối đời của Mao Trạch Đông và Giang Thanh
Giao Hưởng Đăng Bởi Một Thế Giới 11-12-2014
Trận động đất dữ dội ở Đường Sơn làm rung chuyển mặt đất Trung Nam Hải và lay động giấc hôn mê của Mao Trạch Đông những ngày hấp hối…
Mao Trach Dong
Tang lễ Mao Trạch Đông
Động đất bắt đầu lúc 3 giờ 42 phút 53 giây ngày 28.7.1976, nhanh chóng biến thành phố Đường Sơn (mảnh đất tranh hùng nóng bỏng từ thời Xuân Thu Chiến Quốc) bỗng chốc thành bãi hoang tàn đổ nát, với hơn 240.000 người thiệt mạng và dư chấn của nó rùng rùng kéo đến tận giường bệnh của Mao…
* ĐƯỜNG SƠN – CON THUỒNG LUỒNG THỨC GIẤC…­
Lịch sử Trung Quốc ghi nhận giờ tàn của các bạo chúa thường xuất hiện những điềm bất tường như sao băng, động đất, núi lở, đá dời sông cạn – chẳng hạn Tống Nhượng Công và Tần Thủy Hoàng – còn Mao? Mao gây nên cái chết của hơn 57 triệu người qua hai quyết sách sai lầm: Đại nhảy vọt và Đại cách mạng văn hóa vô sản.
Phía biển Đông, Mao ra lệnh xâm lược Hoàng Sa của Việt Nam, chiếm “của người” làm “của mình” (lợi mình hại người). Thiền sư Thích Nhất Hạnh (Nguyễn Lang) trong cuốn Việt Nam Phật giáo sử luận nhắc:“truyện thơ “Nam Hải Quan Âm” với câu: Xem trong biển nước Nam ta / Phổ môn có Đức Phật Bà Quan Âm. Đức Quan Âm này vì cư trú trong biển nước Nam ta, nên gọi là Quan Âm Nam Hải” – tuyệt đối không thuộc “vùng biển lịch sử” của Mao.
Phía núi Tây, với “nóc nhà thế giới” – Mao phát binh lên Hymalaya, nơi có ngọn Côn Luân – tổ sơn của tất cả các tổ sơn và long mạch trên trái đất (Thái tổ sơn) – làm kinh động “cuống rún của vũ trụ”, tác hại đến Đường Sơn. Vì, Đường Sơn (lân cận Bắc Kinh ở hướng tây) không nằm ngoài chi phối của hệ phong thủy bắt nguồn từ Thái tổ sơn Côn Luân trên. Tên gọi Đường Sơn có nguồn gốc “do Hậu Đường Khương tướng quân đã có công lớn trong việc giết trừ giao long (thuồng luồng), mai táng trên ngọn núi ở vùng này, từ đó ngọn núi có tên là Đường – gọi là Đường Sơn” (100 thành phố nổi tiếng của Trung Quốc – Đặng Thanh Tịnh chủ biên). Ác khí tích tụ khiến du hồn của “thuồng luồng Đường Sơn” trổi dậy làm “kinh thiên động địa” đến tận phòng ngủ Trung Nam Hải những ngày Mao sắp chết. Nhân chứng tại chỗ ghi nhận:
Nhà cửa và các kiến trúc kiên cố ở Trung Nam Hải đều bị rung chuyển suốt đêm (28.7). Sáng ra, mặt đất vẫn như bị “sóng dồi”, các bóng đèn treo trên cao đưa qua đưa lại không ngớt. Vệ sĩ Triệu Quế Lai kể: “Các phòng (ở Trung Nam Hải) liên tục phát ra âm thanh cót két, cót két, như sắp đổ sập xuống, sắp gãy vụn ra vậy, kinh hãi hơn cả tiếng rên rỉ của người bệnh lúc lâm chung” và khi ấy Mao đang bệnh nặng nửa mê nửa tỉnh: “không chỉ không thể sinh hoạt được như người bình thường mà thậm chí khả năng diễn đạt ngôn ngữ (của Mao) cũng đã mất”. (Trần Trường Giang, sđd ở Kỳ 9, tr.375- 376)
Mọi người rất lo, rủi như phòng Mao đang nằm sụp xuống, Mao bị mái nhà tường vách đè lên và “bị thương thì làm sao mà ăn nói được với dân tình”. Họ muốn chuyển Mao đến nơi khác an toàn hơn, nhưng tổ điều trị cảnh báo:
– Căn cứ vào bệnh tình của Mao chủ tịch, bất kỳ sự di chuyển nào cũng đều có thể tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng với tính mạng của chủ tịch.
Ngay cả Hoa Quốc Phong – người được Mao giao quyền định đoạt mọi việc cũng không dám tự quyết định. Hoa phải đợi các vị lãnh đạo trung ương đều đồng ý, mới chuyển Mao đến nhà số 202. Đó là ngôi nhà mới xây, đủ tiện nghi, nằm trong khu vực Trung Nam Hải. Vệ sĩ Triệu Quế Lai chọn 6 cộng sự nhanh nhẹn nhất, cùng một số bác sĩ bước đến giường bệnh, thấy Mao: “sắc mặt trắng bệch (…) không còn hay biết gì nữa, không có chút phản ứng nào”, trên mũi cắm sẵn một chiếc ống xông đang động đậy theo nhịp thở yếu ớt: “trận động đất này khiến chủ tịch phải chịu một sự tổn thương rất lớn, bệnh tình nặng thêm, từ đó chủ tịch bắt đầu chuyển sang trạng thái không tự kiểm soát được bản thân” (Trần Trường Giang, sđd tr. 380).
Sau động đất, Mao vĩnh viễn không ngồi dậy được nữa – nằm im lìm trong nhà số 202 cho đến lúc qua đời vào 0 giờ 10 phút, ngày 9.9.1976.
Đêm đó, Bộ Chính trị trung ương Đảng CSTQ họp bàn “lưu giữ vĩnh viễn di thể” Mao Trạch Đông. Đến sáng, Bộ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc cùng các chuyên gia đến xử lý chống rữa nát thi hài. Vào 15 giờ chiều (9.9), Tân Hoa xã và các phương tiện truyền thông Trung Quốc đồng loạt đưa tin Chủ tịch Mao Trạch Đông từ trần, thông báo quốc tang.
Khoảng 3 giờ sáng 11.9, lúc trời còn tối, xe chở linh cữu Mao Trạch Đông lẳng lặng rời nhà 202, chạy đến Đại lễ đường Nhân dân. Hơn 300.000 đại biểu trong và ngoài nước đến phúng viếng suốt một tuần tại đó. Lễ truy điệu long trọng lúc 15 giờ (18.9) với hàng triệu người tham dự. Một nhà nghiên cứu thuộc Học viện Quân sự cấp cao Trung Quốc nhận định: “Tình cảm của đông đảo quần chúng dự lễ tang thật phức tạp. Một số người vẫn rất mê tín Mao. Cảnh họ chùi nước mắt là chân thành. Song đại đa số kính sợ hơn mến yêu và kính sợ không phải để chúc phúc mà để tránh tai họa (…) Lễ truy điệu kết thúc, trên đường về, phần lớn mọi người cảm thấy lòng nhẹ nhõm, như vừa tham gia diễu hành mừng Quốc khánh, khác hẳn tình cảm lúc Chu Ân Lai từ trần”.
Hai ngày sau, khoảng 4 giờ sáng 20.9, cũng trong bóng tối, di thể Mao Trạch Đông được kín đáo đưa ra xe rời Đại lễ đường, đến lưu giữ tại căn phòng mang mật số 769 nằm sâu dưới lòng đất. Đi theo hộ tống có khoảng 30 người gồm một số lãnh đạo như Hoa Quốc Phong, Diệp Kiếm Anh, cùng chuyên gia Bộ Y tế, các vệ sĩ (những người sẽ sống bên cạnh di thể Mao). Đến nơi, Chủ nhiệm văn phòng trung ương Uông Đông Hưng thông báo:
– Phải bảo mật, ngoài những người tham gia công việc này ra, mọi tình hình ở đây không được phép nói với bất kỳ ai !.
Vệ sĩ Triệu Quế Lai cùng những người có trách nhiệm bảo vệ di thể “sau khi vào tầng hầm phải hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài”. Đường ra của căn hầm trổ lên khu vườn khá rộng, vắng vẻ, bên trên trồng nhiều vạt rau xanh, khoai bắp, nếu đứng ngoài nhìn vào không thấy có gì đáng để lưu tâm…
Gần một năm sau (khi Nhà tưởng niệm Mao Trạch Đông xây xong), vào nửa khuya 20.8.1977, lúc 1 giờ 20 phút, Triệu Quế Lai và 3 vệ sĩ khác mặc quần áo và đeo mặt nạ phòng độc, bước xuống nơi đặt di thể Mao Trạch Đông dưới lòng đất sâu (của phòng 769) để chuyển ra ngoài chiếc xe chuyên dụng, chạy đến Nhà tưởng niệm, đặt Mao vào “chiếc quan tài mới bằng thủy tinh trong phòng kín đã khử trùng” để trưng bày “như những gì chúng ta có thể nhìn thấy ngày nay” (Trần Trường Giang sđd tr. 399).
GIANG THANH TỰ VẪN TRONG NHÀ TẮM
Khi Mao còn sống, Khang Sinh (cố vấn đặc biệt của Giang Thanh) đã mật báo với Mao về âm mưu phản bội của Giang Thanh (và Trương Xuân Kiều). Nếu Mao muốn, lúc ấy Mao đã triệt hạ Giang rồi. Ngược lại, Mao để ngoài tai những lời tố cáo của Khang Sinh để vẫn tiếp tục dùng tay Giang chuyển giao chiếc gậy quyền lực Trung Nam Hải đến tay cháu mình là Mao Viễn Tân.
Mao Viễn Tân được nước, dám lấn tới phản đối việc Mao Trạch Đông cử Hoa Quốc Phong làm thủ tướng (sau ngày Chu An Lai mất) cuối tháng 1.1976, lấy cớ Hoa Quốc Phong thiếu sáng kiến, không năng động. Mao tức giận, nói huỵch tọec rằng Mao cần người như Hoa, vì:
1. Hoa không có năng lực (như Mao Viễn Tân đánh giá) nên Hoa sẽ không đủ sức thay đổi nước cờ chính trị sắp sẵn của Mao.
2. Hoa không có biện tài (để thuyết phục người khác) nên Hoa sẽ khó lôi kéo bè phái đe dọa “công cuộc gia đình trị” Mao đang mưu tính…
Và nhằm giúp Hoa Quốc Phong chủ trì hoạt động thường ngày của trung ương được thuận lợi,  không gặp phản ứng nào đáng kể, Mao đã cách chức Đặng Tiểu Bình và để Giang Thanh cùng nhóm tứ nhân bang: “bịa chuyện truy cứu “sự kiện phản cách mạng Thiên An Môn”, bảo nguyên soái Diệp Kiếm Anh bao che Đặng Tiểu Bình” rồi gạt Diệp Kiếm Anh ra xa, không cho nắm thực quyền (dầu vẫn để Diệp nguyên soái giữ chức Phó chủ tịch đảng và Phó chủ tịch quân ủy trung ương trên danh nghĩa)…
Mao nằm xuống chưa được 30 ngày – với cuộc vận động và ủng hộ của Diệp Kiếm Anh cùng các nguyên lão – Hoa Quốc Phong và Uông Đông Hưng đã bất ngờ ra lệnh bắt giữ bè lũ bốn tên: “Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Vương Hồng Văn, Diêu Văn Nguyên” (đêm 6.10.1976) và Mao Viễn Tân cùng một số khác – đưa ra xử tại “phiên tòa thế kỷ” (tháng 11.1980) – tuyên án tử hình Giang Thanh và Trương Xuân Kiều (tháng 1.1981 – cho hoãn thi hành án trong hai năm), xử tù chung thân Vương Hồng Văn…
Gần hai năm sau, sắp đến hạn thi hành án tử hình, Giang Thanh được “giảm xuống tù chung thân” và giam lỏng tại ngôi nhà hai tầng (từ 11.1989). Đến khoảng gần 4 giờ sáng ngày 14.5.1991, Giang Thanh treo cổ tự vẫn trong nhà tắm…

No comments:

Post a Comment