Chuyên gia Úc: Bắc Kinh sẽ thống trị Biển Đông nhờ 4 phi đạo trên đảo
Phi đạo đang xây trên Đá Chữ Thập theo ảnh vệ tinh đăng trên trang web của CSIS (csis.org)
Ảnh vệ tinh trong thời gian gần đây cho thấy là Trung Quốc sắp có 4 phi đạo trên các đảo nhân tạo mà họ đã bồi đắp tại Biển Đông. Theo hãng tin Mỹ AP, hôm qua, 06/12/2015, một chuyên gia quốc phòng Úc vừa lên tiếng cảnh báo rằng các cơ sở hạ tầng này sẽ cho phép Quân đội Trung Quốc thay đổi so sánh lực lượng trong khu vực và khống chế được toàn bộ Biển Đông.
Hiện nay, Trung Quốc đã có một sân bay đang hoạt động trên đảo Phú Lâm (Woody Island) thuộc quần đảo Hoàng Sa chiếm từ tay Việt Nam vào năm 1974. Phi đạo trên đảo Phú Lâm - dài 2.400 thước - đã thuộc loại dài nhất Biển Đông, nhưng sẽ thua kém các đường băng khác mà Bắc Kinh đang xây thêm tại các đảo nhân tạo vừa bồi đắp ở quần đảo Trường Sa.
Ảnh vệ tinh cho thấy là Trung Quốc đang xây thêm 2, và rất có thể là 3 phi đạo khác trên Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), Đá Xu Bi (Subi Reef) và Đá Vành Khăn (Mischief Reef). Bên cạnh các phi đạo, các cơ sở khác như tòa nhà, bến cảng đang cấp tốc được xây dựng. Một trong các đường băng đã hoàn tất nằm trên Đá Chữ Thập, dài hơn 3000 mét, tương tự nhu phi đạo sắp xây xong trên đá Xu Bi.
Theo chuyên gia Euan Graham, Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế Viện Lowy tại Sydney (Úc), các căn cứ không quân trên các đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Biển Đông sẽ « tác động đáng kể trên cán cân lực lượng trong khu vực », cho phép Bắc Kinh triển khai dễ dàng lực lượng Hải cảnh và Hải quân tại vùng biển này vốn rất xa lục địa Trung Quốc.
Không chỉ thế, chiến đấu cơ Trung Quốc xuất phát từ sân bay trên các đảo này có thể tiến hành tuần tra thường xuyên trong vùng, vừa răn đe những nước tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh, vừa gây trở ngại cho hoạt động của quân đội Mỹ trên Biển Đông. Theo ông Graham : « Trong những giai đoạn căng thẳng, giá trị răn đe của các cuộc tuần tra trên không xuất phát từ các đảo rất to lớn ».
Hãng tin Mỹ cũng trích dẫn Han Kristensen, một chuyên gia về an ninh Trung Quốc thuộc Liên đoàn Khoa học gia Hoa Kỳ, nhận định rằng phi đạo có sẵn trên các đảo ở Biển Đông cho phép Trung Quốc tiếp tế nhiên liệu, vũ khí, sửa chữa và bảo trì phi cơ của họ ngay tại chỗ, không cần phải bay hơn 1.000 km để tới căn cứ không quân gần nhất trên đảo Hải Nam.
Mới đây, thông tin về việc Trung Quốc đã cho triển khai chiến đấu cơ tiên tiến J-11BH của Hải quân trên đảo Phú Lâm hồi tháng 10 vừa qua đã gây quan ngại. Mặt khác, khả năng phi đạo trên Đá Chữ Thập có thể dùng cho oanh tạc cơ H-6K càng làm cho các nước khác lo âu vì loại oanh tạc cơ này được trang bị tên lửa tuần tiễu có sức công phá cực lớn.
Như thông lệ, Bắc Kinh luôn luôn mập mờ về ý định thực thụ của mình đối với các phi đạo tại Biển Đông. Trong một cuộc họp báo gần đây, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc chỉ nhắc lại rằng mọi cơ sở hạ tầng quân sự trên đảo « chỉ phục vụ mục đích phòng thủ ».
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment