Wednesday, January 20, 2016

‘Cụ Rùa’: vật linh hay động vật?

‘Cụ Rùa’: vật linh hay động vật?

  • 7 giờ trước
Image captionRùa cao tuổi ở Hồ Gươm - hình chụp năm 2011
Sự kiện ‘Cụ Rùa’ hồ Gươm chết ngay trước ngày khai mạc Đại hội Đảng 12 đã dấy lên tranh luận trên mạng xã hội rằng nên nhìn nhận đây là điềm tâm linh hay chỉ là cái chết của một động vật thuần túy.
Khi tường thuật lại việc ‘Cụ Rùa’ hồ Gươm chết hôm 19/1, báo trong nước nêu ý kiến rằng hình ảnh rùa hồ Gươm gắn liền với truyền thuyết rùa thần nhận lại bảo kiếm chống xâm lược từ vua Lê ở thế kỷ thứ 15.
Hôm 20/1, trao đổi với BBC từ Hà Nội, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi nhận định: “Chuyện có một số người nào đấy hốt hoảng với cái chết của ‘Cụ Rùa’ cũng dễ hiểu thôi, vì người ta đã xem rùa là ‘biểu tượng’ của tinh thần dân tộc không thể mất đi. Và nay thì ‘biểu tượng’ ấy ngẫu nhiên mất đi đúng vào thời điểm sắp nổ ra những điều quan trọng nên người ta càng thêm lo. Dù rằng thực tế chỉ là chuyện rùa già, rùa chết thôi”.
Giáo sư nói thêm: “Tôi cho rằng trong một xã hội hiện đại và văn minh, không có chuyện điềm xấu quyết định vận mệnh dân tộc. Tự chúng ta quyết định vận mệnh của mình chứ không phải do bị lực lượng vô hình, siêu nhiên chi phối”.
Ông cũng nhấn mạnh rằng “Nếu dân tộc này vững bước đi tới bằng nội lực của chính mình, với tinh thần dân chủ, không chấp nhận độc tài đè nén thì chẳng có điềm xấu nào có thể làm hại được”.

'Tâm linh đột ngột'

Hôm 19/1, trên mạng xã hội xuất hiện cáo buộc có ‘chỉ thị’ từ Ban Tuyên giáo khiến các báo trong nước đồng loạt đưa lên rồi rút xuống sau đó lại đưa lên các bản tin về cái chết của "Cụ Rùa".
Image copyrightGetty
Image captionẢnh chụp hôm 8/3/2011 khi thành phố Hà Nội định ‘vây bắt’ "Cụ Rùa" hồ Hoàn Kiếm (hồ Gươm) để tiến hành chữa trị
VnExpress tường thuật hôm 20/1: "Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam được thành phố Hà Nội chọn làm nơi gửi gắm xác rùa hồ Gươm nhằm nghiên cứu và bảo quản lâu dài".
"Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam.
Rùa hồ Gươm là cá thể cái, được các nhà khoa học trong nước cho là loài hoàn toàn mới ở Việt Nam. Trong khi đó các nhà khoa học nước ngoài cho rằng rùa này có một cá thể cùng loại ở Đồng Mô (Hà Nội) và hai cá thể khác ở Thượng Hải (Trung Quốc)", báo này cho hay.
Cái chết của ‘Cụ Rùa’ còn gây ồn ào vì sự xuất hiện quan chức cấp cao ở Hà Nội.
Hôm 19/1, báo Tuổi Trẻ tường thuật: “Ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội đã đến hiện trường”.
Luật sư Lê Văn Luân bình luận trên mạng xã hội hôm 19/1: “Rùa ở Hồ Gươm chết một là do tuổi tác, hai là do ô nhiễm nước và rác thải xuống Hồ. Đấy mới là điều đáng bàn.
Cũng như người hết tuổi thì nghỉ hưu, cố thêm chút nữa thì cũng lão hóa và rồi từ biệt mà về với đất trời thôi”.
“Mà theo khoa học, rùa không thể chết hôm 19/1, vì xác muốn nổi lên trên mặt nước thì ít nhất cũng phải chết vài ngày trước đó rồi. Giá mà vận mệnh dân tộc 4.000 năm ai cũng quan tâm như "Cụ Rùa" 700 tuổi thì phúc cho nước nhà biết mấy”, ông Luân viết.
Từ TP Hồ Chí Minh, nhạc sĩ Tuấn Khanh nói trên Facebook: “Người ta có thể kính trọng những vấn đề tâm linh trong một quốc gia có đủ nền tảng tín ngưỡng thuần khiết.
Nhưng tâm linh "đột ngột" và đầy tính bái vật giáo trong một xã hội chủ trương vô thần, thì đó chỉ là thứ mê tín dị đoan và là dấu hiệu suy đồi của xã hội”.

Tin liên quan

No comments:

Post a Comment