Wednesday, January 20, 2016

Hà Nội và Bắc Kinh lại đấu khẩu về giàn khoan HD-981

Hà Nội và Bắc Kinh lại đấu khẩu về giàn khoan HD-981

mediaGiàn khoan HD-981 ngang nhiên xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam tại Biển Đông, với các tàu tuần duyên bảo vệ xung quanh. Ảnh chụp ngày 14/05/2014.REUTERS/Nguyen Ha Minh
 Đúng vào lúc mở ra Đại hội đảng Cộng sản Việt Nam, tranh cãi lại bùng lên giữa Hà Nội và Bắc Kinh về giàn khoan HD-981 của Trung Quốc. Bắc Kinh hôm nay, 20/01/2016 đã lên tiếng xác định rằng giàn khoan này hiện đang hoạt động trong vùng biển « hoàn toàn của Trung Quốc », thẳng thừng bác bỏ lời phản đối được Hà Nội công bố hôm qua, đòi Trung Quốc dời ngay giàn khoan này ra khỏi « vùng biển đang tranh chấp » giữa hai nước ở ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ.
Trong một buổi họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hồng Lỗi khẳng định nguyên văn như sau : « Theo như chúng tội được biết, giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 đang hoạt động tại vùng biển hoàn toàn dưới quyền kiểm soát không thể tranh cãi của Trung Quốc ». Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho rằng Việt Nam nên tổ thiện chí, « xem xét vấn đề một cách bình tĩnh, để cùng nhau nỗ lực xử lý một cách thỏa đáng các vấn đề trên biển có liên quan. »
Phản ứng của Bắc Kinh được đưa ra một hôm sau khi Việt Nam chính thức lên tiếng phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan nước sâu này vào thăm dò tại một vùng biển sát Việt Nam. Trong một bản tuyên bố chính thức công bố hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Hải Bình đã yêu cầu Bắc Kinh cho rút ngay giàn khoan ra khỏi một khu vực đang tranh chấp giữa hai bên ở ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ.
Tuyên bố của Việt Nam xác định rõ địa điểm cắm giàn khoan HD-981 là « cách đường trung tuyến giả định (giữa hai đường cơ sở Việt Nam – Trung Quốc) khoảng 21,4 hải lý về phía đông », một « khu vực chồng lấn giữa thềm lục địa miền Trung Việt Nam và thềm lục địa đảo Hải Nam Trung Quốc… chưa được hai bên phân định. » Do vậy, bộ Ngoại Giao Việt Nam yêu cầu Trung Quốc « không tiến hành hoạt động khoan, và rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi khu vực » nói trên.
Ông Lê Hải Bình còn cho biết thêm là ngay vào hôm 18/01, tức là hai hôm sau khi có thông tin về vị trí mới của giàn khoan HD-981, bộ Ngoại Giao Việt Nam đã chính thức gởi lời phản đối hành động của Trung Quốc đến đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội.
Tranh cãi về vị trí của giàn khoan HD-981 vào lúc này như vậy tập trung trên điểm Việt Nam cho là Trung Quốc đã khoan dò trái phép trên một vùng chồng lấn giữa thềm lục địa hai bên mà ranh giới chưa được phân định rõ ràng. Bắc Kinh ngược lại khẳng định đó là vùng thuộc chủ quyền Trung Quốc.
Theo hãng tin Anh Reuters, Cục An Toàn Hàng Hải của Trung Quốc vào hôm nay cho biết là giàn khoan HD-981 sẽ thăm dò tại một khu vực cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý, nhưng chỉ cách thành phố Tam Á trên đảo Hải Nam khoảng 87 hải lý về phía nam, và quần đảo Hoàng Sa 93 hải lý về phía Tây.
Vị trí này có thay đổi so với tháng trước, khi phía Trung Quốc loan báo là giàn khoan sẽ hoạt động ở môt vùng cách đảo Hải Nam đến 106 hải lý về phía đông nam, và cách Hoàng Sa 44 hải lý về phía Tây. Giàn khoan này sẽ hoạt động ở vị trí kể trên cho đến ngày 10/03/2016, và như thông lệ, Bắc Kinh ra lệnh cấm tàu thuyền không phân sự, tiến vào bên trong vùng 2000 mét quanh giàn khoan này.
Từ năm 2014 đến nay, Việt Nam luôn theo dõi nhất cử nhất động của giàn khoan HD-981 sau vụ Trung Quốc mang giàn khoan này cắm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, chỉ cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý. Hành động khiêu khích của Bắc Kinh đã làm cho quan hệ hai nước xấu đi đáng kể.
Trong những ngày gần đây, trong bối cảnh Đại Hội đảng Cộng Sản Việt Nam sắp mở ra, Việt Nam đã liên tiếp đưa ra những lời phản đối các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông. Trước vụ giàn khoan HD-981 là những lời phản đối Bắc Kinh cho phi cơ đáp xuống Đá Chữ Thập tại Trường Sa.
Cùng chủ đề

No comments:

Post a Comment