Thursday, January 21, 2016

Khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam thứ 12

Khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam thứ 12

mediaKhai mạc Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12, Hà Nội ngày 21/01/2016.REUTERS/Hoang Dinh Nam/Pool
Ngày 21/01/2016, trước hơn 1500 đại biểu toàn quốc, chủ tịch nước Trương Tấn Sang khai mạc Đại hội đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 để bầu ban lãnh đạo mới trong bối cảnh căng thẳng Việt-Trung do vấn đề Biển Đông và nhu cầu cải tổ kinh tế ngày càng cấp bách.
Được tổ chức 5 năm một lần, Đại hội Đảng lần này, họp kín trong một tuần, sẽ bầu một Ban Chấp Hành Trung Ương mới và ban chấp hành này vào những ngày cuối Đại hội sẽ bầu lại Bộ Chính Trị, rồi từ Bộ Chính Trị chọn ra tổng bí thư Đảng. Ngoài ra, Đại hội sẽ bầu ba chức danh lãnh đạo cao cấp khác là chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch Quốc hội. Ba chức vụ này sẽ được Quốc hội mới thông qua trong năm nay.
Trong số 16 uỷ viên Bộ Chính Trị mãn nhiệm, trên nguyên tắc 10 ủy viên phải rút lui do quá hạn tuổi, trong đó có tổng bí thư, chủ tịch nước và thủ tướng. Nhưng ông Nguyễn Phú Trọng, 71 tuổi, một nhân vật được coi là bảo thủ, thân Trung Quốc, dường như đã thành công trong việc kéo dài nhiệm kỳ tổng bí thư của ông. Trong khi đó, nhân vật được coi là có đầu óc cải tổ, mạnh miệng hơn với Trung Quốc, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được cho là đã bị thua trong cuộc đấu đá giành chức lãnh đạo Đảng.
Một quan chức cao cấp của Đảng, xin giấu tên, cho hãng tin AFP biết là mặc dù chưa có gì chắc chắn, thủ tướng Dũng duờng như đã bị loại khỏi cuộc đua và sự nghiệp chính trị của ông được xem là « đã chết lâm sàng ».
AFP cũng trích lời ông Dương Danh Dy, cựu tổng lãnh sự Việt Nam tại Trung Quốc, cho biết là Bắc Kinh vẫn thường gia tăng áp lực lên ban lãnh đạo Việt Nam, trước và trong khi diễn ra Đại hội Đảng.
Đại hội lần thứ 12 diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt-Trung vẫn căng thẳng do vấn đề Biển Đông, với việc Bắc Kinh vào năm 2014 đưa giàn khoan vào vùng biển tranh chấp, dẫn đến nhiều cuộc biểu tình bạo động chống Trung Quốc và khiến Việt Nam xích lại gần hơn cựu thù Hoa Kỳ.
Đại hội Đảng lần này cũng sẽ thông qua kế hoạch kinh tế 5 năm, với mục tiêu là duy trì mức tăng trưởng bình quân 7%, một trong những mức tăng trưởng cao nhất châu Á.
Trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều hiệp định tự do mậu dịch, đặc biệt là Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương - TPP, các chuyên gia và nhà đầu tư nước ngoài thúc giục Hà Nội đẩy mạnh cải tổ kinh tế, đặc biệt là cải tổ khu vực ngân hàng và đẩy mạnh hơn nữa việc cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước.
Cùng chủ đề

No comments:

Post a Comment