Phát biểu trước Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Trung Quốc không nói đến Biển Đông
Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu trước Quốc hội Việt Nam ngày 06/11/2015.Reuters
Trung Quốc và Việt Nam là những láng giềng tốt cùng theo chủ nghĩa xã hội, với tình bạn sẻ chia trong lịch sử cách mạng lâu dài, nên cần phải xua tan những bất đồng, không để thế lực nào gây gián đoạn trong quan hệ. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát biểu như trên trước Quốc hội Việt Nam hôm nay 06/11/2015. Nhưng ông không nhắc gì đến hồ sơ Biển Đông.
Hai quốc gia do đảng cộng sản lãnh đạo đều đòi hỏi chủ quyền tại Biển Đông, đã dẫn đến một cuộc đối đầu năm ngoái khi Bắc Kinh đưa giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 và vùng biển Hoàng Sa nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, làm nổ ra các vụ bạo động chống Trung Quốc.
Theo Reuters, chuyến thăm của ông Tập Cận Bình là kịp thời, nhằm xây đắp lại mối quan hệ trong bối cảnh không chắc chắn về những nhà lãnh đạo sẽ nắm quyền sau Đại hội Đảng lần thứ 12 vào tháng Giêng tới – một đảng có truyền thống thân cận với Bắc Kinh nhưng nay đang thu hút sự chú ý chưa từng thấy từ phương Tây.
Phát biểu trước Quốc hội Việt Nam tại Hà Nội, ông Tập nhắc đến cố Chủ tịch Hồ Chí Minh và tình bạn giữa ông Hồ với Mao Trạch Đông, người sáng lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và hệ thống chính trị tương đồng.
Ông Tập Cận Bình tuyên bố : « Trung Quốc và Việt Nam núi liền núi, sông liền sông, tình hữu nghị giữa hai dân tộc chúng ta đã có từ thời cổ đại. Trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho đất nước, hai nước đã sát cánh hỗ trợ lẫn nhau, tạo nên tình bằng hữu vững chắc ».
Theo ông Tập, Trung Quốc rất chú trọng đến quan hệ với Việt Nam và muốn sẽ tiếp tục theo một con đường bền vững. Ông nói : « Hai đảng, hai nước và hai dân tộc cần phải lấy chữ tín làm nền tảng, giúp đỡ lẫn nhau, tay trong tay không cho phép bất kỳ ai làm gián đoạn tiến độ. Tôi tin rằng nhân dân hai nước có năng lực và trí tuệ để xua đi các trở lực ».
Bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc không nêu lên vấn đề Biển Đông cũng như cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, khi Trung Quốc cho quân tràn sang Việt Nam để trừng phạt việc Hà Nội lật đổ chế độ Khmer Đỏ, tay sai của Bắc Kinh ở Cam Bốt.
Tập Cận Bình chỉ ám chỉ những « thử nghiệm » của cả hai bên trước những ngọn gió lịch sử, nhắc lại rằng các tranh chấp có thể được xử lý và kiểm soát một cách thỏa đáng – một thông điệp mà hai nước đã đồng ý hôm qua. Ông cho rằng quan hệ « không được đi chệch khỏi con đường đúng đắn ».
Bài diễn văn bằng tiếng Hoa kéo dài khoảng 20 phút, gấp đôi thời gian dự kiến, trích dẫn nhiều câu thơ Đường và thơ của ông Hồ Chí Minh. Hôm qua báo chí trong nước đã trích lời chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết việc ông Tập Cận Bình phát biểu trước Quốc hội Việt Nam là do yêu cầu của phía Trung Quốc.
Nhắc đến những câu ông Tập Cận Bình nói như « lấy chữ tín làm nền tảng », « láng giềng bao giờ cũng có những va chạm nhất định, nhưng khi đại sự đã được coi trọng thì tiểu sự sẽ không khó giải quyết », « kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân », « gien hòa hiếu của Trung Quốc chưa bao giờ biến dị »…báo chí Việt Nam cũng dẫn ra một số lời bình của các đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng: « Lời lẽ của ông Tập rất hay nhưng điều quan trọng là việc làm. Câu chuyện trên Biển Đông như thế, người dân làm sao có thể tin cậy ngay được ». Luật sư Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh : « Trong bài phát biểu, ông Tập Cận Bình không đưa ra một cam kết nào về việc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa ».
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn cũng băn khoăn trước việc bài phát biểu của ông Tập « không có từ nào nhắc đến Biển Đông ». Về vấn đề « đại cục » và « tiểu cục », theo ông : « Những chuyện họ nói là nhỏ, với dân tộc Việt Nam thì không nhỏ chút nào cả. Những hòn đảo rất nhỏ nhưng vô cùng thiêng liêng đối với người dân Việt ».
Việc Trung Quốc hối hả bồi đắp các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa đã gây căm phẫn, đặt các lãnh đạo Việt Nam vào tình thế khó xử, trong lúc gần đây Bắc Kinh và Washington đã tranh cãi về quyền tự do hàng hải.
Việt Nam đã đa dạng hóa các quan hệ và Trung Quốc mặc dù không nằm trong số các nhà đầu tư lớn nhất, nhưng vẫn là đối tác thương mại quan trọng nhất với 60 tỉ đô la trao đổi hàng năm, đồng thời là nguồn hàng nhập khẩu lớn nhất. Tình trạng lệ thuộc này vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi trong nước.
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment