Tân niên của các phi công Pháp trên vùng đất quân thánh chiến
Chiến đấu cơ Rafale xuất kích từ hàng không mẫu hạm Charles De Gaulle trong đêm giao thừa 31/12/2015.REUTERS/Kenzo Tribouillard/Pool
Ngày đầu năm dương lịch, thứ Sáu ngày 1 tháng Giêng năm 2016, chuông đồng hồ báo thức vang lên vào lúc bốn giờ sáng. Hai tiếng đồng hồ sau đó, hai phi cơ tiêm kích oanh tạc của Pháp cất cánh từ một căn cứ ở Jordani, bay về hướng Sinjar, miền bắc Irak.
Trước đó ít lâu, cũng vào sáng sớm tinh mơ năm mới, hai chiếc Mirage 2000 tấn công vào các cơ sở dầu khí của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), lần này thì ở Raqqa, « thủ đô » của tổ chức thánh chiến này tại Irak.
Chỉ trong vòng hơn một năm, căn cứ không quân ở Jordani mà tên và địa điểm được chính quyền địa phương yêu cầu giữ bí mật, đã trở thành trụ cột cho chiến dịch Chammal của quân đội Pháp chống IS.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian, chiến dịch này đã bắt đầu mang lại kết quả. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo đang ở thế thủ, sau nhiều thất bại liên tiếp trước lực lượng Irak và Kurdistan, dường như bị « tê liệt » tại đây.
Trung bình mỗi phi đội xuất kích từ vùng đất sa mạc bị những trận gió Khamsin trong khu vực càn quét, cứ hai ba ngày một lần. Còn các phi vụ được tiến hành hàng ngày, ngay cả lễ lộc tất niên cũng không thay đổi được thông lệ.
Vào đúng ngày Noel, các phi công Pháp tại căn cứ cũng đã hỗ trợ cho lực lượng Irak trong cuộc tấn công tái chiếm Ramadi, thành phố bị rơi vào tay quân thánh chiến IS hồi tháng 5/2015.
« Tất cả chúng tôi đều tình nguyện ra trận vào ngày 25/12 và 31/12 » - đại úy Pierre, phi công 31 tuổi làm nhiệm vụ oanh tạc gần Sinjar sáng mùng một Tết dương lịch, nhấn mạnh. Anh nói :« Ê-kíp chúng tôi đến nơi vào ngày 1/12. Đã từng theo dõi các vụ khủng bố ở Paris, khi đến đây chúng tôi rất quyết tâm. Tôi không nói đây là việc phục thù, nhưng trong sự phấn khích ».
Bị tác động mạnh bởi các vụ khủng bố do IS tiến hành làm 130 người thiệt mạng tại Paris và Saint-Denis, các quân nhân khẳng định tuy vậy họ không có thì giờ để nghĩ đến, khi nhấn nút thả bom.
Đại úy Pierre, thuộc phi đội tiêm kích Istres kể lại : « Giai đoạn ném bom là thời điểm căng thẳng. Một sự im lặng bao trùm buồng lái. Chúng tôi nghe và cảm thấy quả bom đã được thả xuống, giúp nhẹ người đi một chút, rồi nghe một tiếng ‘‘bùm’’ ! Những quả bom nặng đến một tấn, người ta ‘‘cảm’’ được thực sự. Chất nổ nhồi trong đó nhiều hơn, nên gây thiệt hại đáng kể hơn ».
Tổng cộng từ khi khởi đầu chiến dịch Chammal vào tháng 9/2014, quân đội Pháp đã oanh kích 388 vụ, phá hủy hơn 711 mục tiêu. Theo nguồn tin ngoại giao Pháp, khoảng mấy trăm quân thánh chiến đã bị tiêu diệt trong những vụ không kích này.
Chỉ riêng sáu chiếc phi cơ Mirage 2000 tại Jordani đã thực hiện được phân nửa số vụ không kích của Pháp. Paris cũng huy động thêm sáu chiếc Rafale từ Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, và 26 phi cơ tiêm kích từ hàng không mẫu hạm Charles De Gaulle đang có mặt tại vùng Vịnh Pecxich. Sự đóng góp của Không quân Pháp trong liên minh quốc tế chống thánh chiến do Hoa Kỳ lãnh đạo hiện nay chiếm khoảng 20% các vụ không kích.
Tại Jordani, các phi công Pháp thực hiện đa số các phi vụ yểm trợ cho quân đội Irak và các chiến binh Kurdistan (được gọi là Peshmerga). Đối với đại úy Pierre, sự phối hợp này giống như một chiếc bánh ngọt gồm có nhiều lớp.
« Các lực lượng Irak và Peshmerga tấn công trên mặt đất. Phía trên không, ở độ cao khoảng 2 đến 3.000 bộ, các máy bay không người lái thực sự là tai mắt của liên quân. Tiếp đó là các phi cơ tiêm kích của Mỹ hay của đồng minh, và trên cao hơn nữa, có các máy bay tiếp liệu để đảm bảo thời gian hiện diện trên khu vực quan trọng này ».
Một vũ điệu ba-lê trên không, đôi khi với những trao đổi thân mật, độc đáo giữa các phi đội. Như vào hôm giao thừa, những lời chúc « Happy New Year » nở rộ giữa các phi cơ của liên minh, hay trong thời kỳ sau các vụ khủng bố Paris ngày 13/11.
Đại úy Pierre kể : « Trong ngày đầu năm dương lịch, là câu ‘‘Happy New Year’’. Tất cả mọi người đều chúc mừng năm mới bằng tiếng Anh. Sau khi Paris bị khủng bố, chúng tôi cảm thấy các đồng nghiệp người Mỹ và người Úc hết sức cảm thông. Họ cố gắng nói với chúng tôi ‘‘Bonne soirée’’ hay ‘‘Bonjour’’ bằng tiếng Pháp, và những lời động viên khác. Ở độ cao 5 cây số trên bầu trời Irak, thật là ấm lòng khi nghe thấy ».
Đôi khi điều đó giúp quên được nguy cơ phải nhảy dù khỏi máy bay. Đó là vì, gần một năm sau vụ một phi công Jordani bị IS bắt và thiêu sống sau khi nhảy ra khỏi chiếc F-16, không ai quên được cảnh này. Kể cả các phi công dày dạn chiến trường, như đại úy Cyril, 29 tuổi, đã từng phục vụ tại Afghanistan, Libya, Mali.
Anh nói : « Sự khác biệt lớn lao tại Syria, đó là các phi công chịu nhiều rủi ro hơn trong trường hợp phải nhảy dù. Tại Afghanistan còn có các quân đội phương Tây tại chỗ, có thể đến cứu. Còn tại đây, chúng tôi hiểu rằng khi nhảy dù, mình sẽ trở thành ưu tiên số một của IS. Thế nên đành phải dự trù mọi khả năng, và định trước các khu vực nào tốt hơn nếu phải nhảy ra khỏi máy bay ».
Còn đại úy Pierre cho biết thêm, để tránh hỏa tiễn, các phi cơ tiêm kích bay ở cao độ trung bình « trên 5 km ». « Chúng tôi biết là IS thu được nhiều vũ khí của quân đội Irak. Có những phi đội Mirage 2000 và của liên minh báo lại đã thấy các hỏa tiễn địa-không được bắn lên ».
Những trận lốc xoáy cũng là một rủi ro khác, vì không thể được tiếp nhiên liệu, trong khi một phi vụ kéo dài năm tiếng đồng hồ thường phải được tiếp liệu ba lần. Người phi công nói : « Khi quay cuồng với vận tốc 600km/h, việc thò cây sào vào một chiếc rổ có đường kính 80 m hết sức khó khăn ».
Mặc cho các nguy cơ, các phi công đều rất quyết tâm, nhất là sau các vụ khủng bố Paris ngày 13/11. Pierre cho biết : « Chúng tôi ý thức là đang làm nhiệm vụ quan trọng, và hãnh diện vì điều đó ».
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment