Trường Sa: Bắc Kinh tố cáo Manila thổi phồng vụ phi cơ bị đe dọa
Đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa.AFP PHOTO / POOL
Không đầy 24 tiếng đồng hồ sau khi Manila lên tiếng tố cáo vụ một chiếc phi cơ Philippines bay trên vùng quần đảo Trường Sa bị Hải quân Trung Quốc cảnh cáo, Bắc Kinh vào hôm nay, 19/01/2016, đã tố ngược lại rằng Manila đã cố ý thổi phồng vấn đề để làm cho mọi người sợ hãi.
Ngày 18/01, các quan chức ngành hàng không dân dụng Philippines đã cho biết là ngày 07/01/2016, khi bay đến thị sát Đảo Thị Tứ do Manila kiểm soát ở vùng quần đảo Trường Sa, một chiếc phi cơ dân sự nhỏ của nước này đã hai lần bị Hải quân Trung Quốc cảnh cáo qua vô tuyến điện khi bay ngang vùng gần Đá Xu Bi, một hòn đảo nhân tạo vừa được Trung Quốc bồi đắp.
Trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh ngày 19/01, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã cáo buộc Manila cố tình làm cho mọi người sợ hãi khi tiết lộ vụ Hải quân Trung Quốc cảnh cáo phi cơ Philippines. Đối với ông Hồng Lỗi, Philippines đã « cố ý thổi phồng tình hình căng thẳng trong vùng với ý đồ thâm hiểm » và mưu toan đó sẽ thất bại.
Theo phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc và Manila đã chiếm đóng trái phép 8 hòn đảo tại đấy từ những năm 1970, trong đó có đảo Thị Tứ.
Philippines vào ngày 18/01 đã cho biết sẽ thiết lập trên đảo Thị Tứ một hệ thống nhờ vệ tinh giám sát các chuyến bay thương mại trên Biển Đông. Quyết định của Manila đã lập tức bị Bắc Kinh phản đối. Theo ông Hồng Lỗi, bất kỳ hoạt động nào của Philippines trên hòn đảo mà nước này đang « chiếm đóng » đều bất hợp pháp.
Vụ phi cơ Philippines bị Hải quân Trung Quốc hù dọa tại vùng Trường Sa cũng khiến Anh Quốc bất bình. Đại sứ Anh Quốc tại Manila đã cho biết là Luân Đôn sẽ phản đối bất kỳ hành vi nào nhằm hạn chế tự do hàng hải và hàng không ở khu vực đang có tranh chấp tại Biển Đông. Theo báo chí Anh Quốc, đại sứ Asif Ahmad đã cảnh cáo :
« Nếu một máy bay của Anh, dân sự hay quân sự, mà bị ngăn chặn và bị cấm bay qua không phận được coi là quốc tế, chúng tôi đơn giản là sẽ không đếm xỉa đến (lệnh cấm đó) ».
Cũng về Biển Đông, ngày 18/01, thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã tranh thủ chuyến thăm Hoa Kỳ để lưu ý Trung Quốc là không nên tiếp tục đơn phương áp đặt yêu sách chủ quyền tại Biển Đông, làm gia tăng nguy cơ xung đột với Hoa Kỳ.
Trong bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, ông Turnbull cho rằng chủ quyền lãnh thổ nên được giải quyết bằng luật pháp quốc tế thông qua Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển và ông kêu gọi « tất cả các bên, không chỉ riêngTrung Quốc, tránh tiếp tục xây dựng trên những hòn đảo hoặc rạn sạn hô, và tránh quân sự hóa những nơi này ».
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment