Việt Nam sau Đại hội Đảng 12 ra sao ?
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng trong ngày bế mạc Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 11, ngày 19/1/11 tại Hà Nội.Reuters
Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Việt Nam, thuộc Học viện quốc phòng Úc trả lời ba câu hỏi liên quan đến tình hình của Việt Nam sau Đại hội 12 đảng Cộng sản Việt Nam. RFI xin giới thiệu.
1- Giáo sư có cho rằng Đại hội đảng Cộng sản Việt Nam và ban lãnh đạo mới sẽ tăng cường phe ủng hộ thúc đẩy quan hệ chặt chẽ với Mỹ để chống lại Trung Quốc ?
C. Thayer : Có khả năng tân tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam là một trong những thành viên cao cấp trong Bộ Chính Trị hiện nay, người mà bình thường ra được dự kiến là sẽ nghỉ hưu vào thời điểm này. Những người trên 65 tuổi và / hoặc những người đã phục vụ hai nhiệm kỳ được yêu cầu nghỉ hưu; nhưng có thể có những trường hợp ngoại lệ. Trong quá khứ, chỉ có một trường hợp ngoại lệ và đó là người được lựa chọn làm tổng bí thư Đảng.
Không có gì phải bàn luận về việc người sẽ trở thành tân lãnh đạo Việt Nam tiếp tục theo đuổi chính sách « đa dạng và đa phương hóa » trong quan hệ đối ngoại và « chủ động hội nhập quốc tế ». Việt Nam sẽ cố gắng duy trì một sự cân bằng đa cực trong quan hệ tổng thể của mình với các cường quốc : Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga và Liên Hiệp Châu Âu. Trong bối cảnh này, các lãnh đạo mới của Việt Nam sẽ tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ và các đối tác khác trong khuôn khổ hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương – TPP - để giảm bớt sự phụ thuộc kinh tế và thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc.
Việt Nam sẽ phát triển quan hệ an ninh chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ để tăng cường khả năng đối phó với áp lực của Trung Quốc ở Biển Đông. Cả Hoa Kỳ và Việt Nam đều tỏ ý tăng cường hợp tác để xây dựng lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.
Việt Nam vẫn chưa đáp ứng các điều kiện để dỡ bỏ lệnh cấm vận của Mỹ về việc bán vũ khí sát thương trên cơ sở từng trường hợp. Có khả năng là vào năm 2016 Việt Nam sẽ yêu cầu được mua công nghệ thông tin và giám sát để tăng cường khả năng nắm bắt thông tin hàng hải ở Biển Đông.
Theo thông tin báo chí, Việt Nam đang xem xét việc mua một máy bay tuần tra hàng hải như P3 Orion. Nhưng dường như có vấn đề về phạm vi hoạt động và tốc độ tương tác trực tiếp với hệ thống quốc phòng. Việt Nam sẽ tiếp tục mua các loại vũ khí lớn, đắt tiền của Nga.
Đồng thời Việt Nam sẽ tìm cách khu biệt vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông trong quan hệ với Trung Quốc.
2-Một số người nói ông Nguyễn Tấn Dũng có thể nổi lên như một tân lãnh đạo hàng đầu ? Giáo sư đánh giá hoặc dự báo như thế nào về nhân vật này ?
C.Thayer : Ông Nguyễn Tấn Dũng đã làm thủ tướng hai nhiệm kỳ và ngoài 65 tuổi. Ông là một ứng viên nặng ký cho chức tổng bí thư Đảng. Nếu ông được bầu thì đây là điều chưa từng có tiền lệ. Cho đến nay, không một quan chức cao cấp nào, bình thường ra được yêu cầu nghỉ hưu, lại tìm cách có được một ngoại lệ là đảm đương một chức vụ khác cao hơn. Nói một cách khác, không có ai ở Việt Nam làm được như ông Vladimir Putin, giữ chức thủ tướng rồi sau đó làm tổng thống.
Ông Dũng có thể sẽ là tổng bí thư đầu tiên khi nhậm chức đã có kinh nghiệm phong phú về hoạt động đối ngoại và hiểu biết căn bản đầy đủ các vấn đề kinh tế quốc tế và sẽ được lãnh đạo các chính phủ khác biết đến. Ông Dũng có thể kế thừa di sản của ông Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo Đảng hiện nay, tức là có thể đi thăm các nước tự do dân chủ phương Tây ở Châu Âu, Úc, Nhật Bản và đáng kể nhất là Hoa Kỳ. Ông Dũng là người cổ xúy mạnh mẽ cho việc phát triển Việt Nam thành một « đất nước hiện đại và công nghiệp hóa » vào năm 2020. Có thể coi ông Dũng là một « chính trị gia chủ trương Việt Nam là trên hết » , muốn phát huy vai trò của các tổng công ty lớn để cạnh tranh trên phạm vi quốc tế trong những lĩnh vực thích hợp. Ông Dũng sẽ thúc đẩy Việt Nam thực hiện các nghĩa vụ trong khuôn khổ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP.
Nhà nước độc đảng của Việt Nam không phải là một cơ chế « kẻ chiến thắng chiếm đoạt tất cả ». Nếu ông Dũng trở thành tổng bí thư Đảng, thì dường như sẽ có một cuộc mặc cả khó khăn để sao cho những người chỉ trích ông cũng có đại diện trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp nhất. Vấn đề tranh giành chủ yếu liên quan đến tân thủ tướng và liệu đó có phải là người được ông Dũng bảo trợ hay không.
3- Liệu hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP có thực sự lôi kéo Việt Nam thực hiện cải cách mạnh mẽ hơn và điều này sẽ thúc đẩy sự chống đối bình thường hóa toàn diện quan hệ Mỹ-Việt, bao gồm cả việc bãi bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí ?
C.Thayer: Đã từ lâu, vì lý do chính trị, Việt Nam đã tìm cách xóa bỏ hoàn toàn các hạn chế bán vũ khí. Phe bảo thủ ở Việt Nam đã thúc ép đòi chấm dứt cái mà họ cho là phân biệt đối xử. Nói cách khác đây là một vấn đề nội bộ tại Việt Nam. Phe bảo thủ thách thức những người thúc đẩy mối quan hệ gần gũi hơn với Hoa Kỳ và hùng hồn chất vấn : « Mỹ đã làm được gì cho Việt Nam ? ». Họ nêu ra lệnh cấm vận vũ khí, di sản của chất độc da cam, vật liệu chưa nổ sau chiến tranh và coi đây là những vấn đề chính. Cho dù phía Mỹ đang giải quyết hai vấn đề sau (chất độc da cam và rà phá bom mìn), nhưng phe bảo thủ vấn liên tục đòi Mỹ phải hỗ trợ nhiều hơn.
Các hạn chế của Mỹ về việc bán vũ khí có liên quan đến nhân quyền và tự do tôn giáo ; đây là những lĩnh vực không nằm trong khuôn khổ TPP. Hiệp định này quy định là người lao động có thể thành lập công đoàn của họ. Việt Nam đã chấp nhận yêu cầu này. Là thành viên kém phát triển nhất trong TPP, Việt Nam đã được kéo dài thời hạn một cách đặc biệt để thực hiện các nghĩa vụ trong TPP. Hiệp định này có vai trò sống còn đối với sự thành công kinh tế của Việt Nam. Nếu Thượng viện Mỹ thông qua TPP, Việt Nam có thể sẽ chấp nhận sự trợ giúp của Mỹ trong việc thực hiện hiệp định. Hai nền kinh tế Mỹ và Việt Nam sẽ gắn kết với nhau hơn và các nhà đầu tư, doanh nhân Mỹ sẽ có thị phần lớn hơn ở Việt Nam trong tương lai.
Việt Nam có hành động « thất thường » trong vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo. Bộ Ngoại giao Mỹ đã ghi nhận một số tiến bộ.
Nhân quyền và tự do tôn giáo là một vấn đề nóng bỏng ở tại Việt Nam vì phe bảo thủ trong Đảng lập luận rằng Hoa Kỳ đang thúc đẩy « diễn biến hòa bình » hay « cách mạng màu » ở Việt Nam để lật đổ sự cai trị của đảng Cộng sản Việt Nam. Những lo ngại này đã phần nào được giải quyết khi tổng thống Obama và tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp nhau tại phòng Bầu dục ở Nhà Trắng hồi năm ngoái. Họ đã ra một tuyên bố cam kết tôn trọng hệ thống chính trị của nhau.
Kể từ sau cuộc khủng hoảng giàn khoan dầu hồi tháng Năm-tháng Bảy năm 2014, 8 trong số 14 ủy viên Bộ Chính Trị đã đi thăm Hoa Kỳ, kể cả những nhân vật bảo thủ trong Đảng.
Trong quá khứ, khi rất muốn đạt một cái gì đó từ phía Hoa Kỳ, ví dụ được hưởng quy chế Quan Hệ Thương Mại Bình Thường Vĩnh Viễn hoặc trở thành thành viên Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, Việt Nam thường nới lỏng các chính sách về nhân quyền nhằm giải tỏa các quan ngại của Mỹ.
Một khi các lãnh đạo mới của Việt Nam nhậm chức sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12, diễn ra từ 20 đến 28 tháng Giêng, tình hình có thể ít nhậy cảm đối với các nhà hoạt động ly khai chính trị trong nước. Tuy nhiên, các hành động « sáng nắng chiều mưa » của Việt Nam về nhân quyền vẫn có thể tiếp tục xẩy ra.
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment