Wednesday, January 20, 2016

VN và ĐH Đảng 12: Ai ‘đặc biệt’ hơn ai?

VN và ĐH Đảng 12: Ai ‘đặc biệt’ hơn ai?

  • 19 tháng 1 2016
Chuẩn bị Đại hội Đảng 12 ở VNImage copyrightEPA
Image captionViệt Nam đang chuẩn bị cho kỳ Đại hội lần thứ 12 của Đảng Cộng sản khai mạc chính thức ngày 21/01/2016.
Trong bài phỏng vấn dành cho báo Tuổi Trẻ đăng hôm 16/01, ông Vũ Ngọc Hoàng – Ủy viên Trung ương và phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương – cho biết tại hội nghị 14, Trung ương đã bỏ phiếu kín chọn một ‘trường hợp đặc biệt’ thuộc Bộ Chính trị (BCT) tái cử, đúng như BCT đề nghị.
Khi hội nghị 14 diễn ra có tin cho rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người được BCT đề cử ở lại, ít nhất thêm một năm.
Nếu đúng vậy, trong số các ủy viên BCT khóa XI quá tuổi quy định (65 tuổi), chỉ một mình ông Trọng được giới thiệu tái cử khóa XII.
Khi được hỏi với tư cách là uỷ viên Trung ương, ông dựa trên tiêu chuẩn nào của ứng cử viên để bỏ phiếu, ngoài những tiêu chuẩn chung đã được ông Trọng nói công khai, ông Vũ Ngọc Hoàng nêu hai tiêu chuẩn mà ông cho là ‘quan trọng nhất’.
Đó là không tham nhũng, không có lợi ích nhóm và phải có đầu óc đổi mới, không bảo thủ.
Câu hỏi đặt ra là nếu ông Trọng là ‘trường hợp đặc biệt’ ấy, ông có hội đủ những tiêu chuẩn mà ông đề ra và đặc biệt hai tiêu chí ông Hoàng nêu ra hay không?

Trường hợp quá ‘đặc biệt’?

Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú TrọngImage copyrightAFP
Image captionNhiều tin đồn đoán trong tuần qua nói tới khả năng ông Nguyễn Phú Trọng ở lại trong bộ tứ mặc dù quá tuổi.
Thông tin cho rằng ông Trọng được BCT giới thiệu ở lại, trong khi ba ông khác trong ‘bộ tứ’ hiện tại – là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và đặc biệt Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – sẽ nghỉ hưu gây khá nhiều bất ngờ, bàn luận trong giới quan sát và dư luận Việt Nam.
Mãi tới gần đây ông Dũng là người được coi là cạnh tranh với ông Trọng để giành chức Tổng Bí thư (TBT) và có nhiều cơ hội nhất để trở thành lãnh đạo ĐCS Việt Nam.
Có người còn có phản ứng khá tiêu cực vì cho rằng ông Trọng không hội đủ những tiêu chuẩn mà ông đã nêu tại Hội nghị 11 năm ngoái.
Trong phát biểu bế mạc hội nghị ấy ông Trọng đã nêu một loạt tiêu chuẩn để được bầu vào BCH Trung ương và BCT khóa XII – như còn trong độ tuổi theo quy định và không ham mê quyền lực.
Nếu ông Trọng là 'trường hợp đặc biệt’ duy nhất trong BCT tiếp tục tại chức và dựa vào tiêu chuẩn ‘còn trong độ tuổi theo quy định’, ông là trường hợp không chỉ ‘đặc biệt’ mà còn quá ‘đặc biệt’.
Sinh năm 1944, ông hiện là người lớn tuổi nhất trong BCT – lớn hơn ông Dũng và ông Sang đến năm tuổi và quá ‘tuổi quy định’ đến bảy tuổi.
Được biết, phát biểu sau khi được bầu làm TBT cách đây năm năm ông Trọng đã cảm ơn những người do quá tuổi đã không ứng cử vào BCH Trung ương khóa mới để tạo điều kiện và cơ hội cho những người trẻ.
Ở tuổi 72, nếu được chính thức bầu tiếp tục giữ chức TBT vào tuần tới ông sẽ là một lãnh đạo già – đặc biệt so với lãnh đạo tại nhiều quốc gia khác.
Khi rời Nhà Trắng vào năm tới, sau tám năm lãnh đạo nước Mỹ, Tổng thống Barack Obama mới chỉ 55 tuổi. Ở Indonesia, ông Joko Widodo được bầu làm tổng thống ở tuổi 53. Chắc có rất nhiều người Việt Nam sẽ hỏi đến bao giờ đất nước mình mới có những lãnh đạo trẻ như thế?
Không rõ ông Trọng có vận động hay dùng ảnh hưởng của mình trong BCT để được giới thiệu tái cử.
Nếu có, ông cũng là người tham quyền cố vị hay thậm chí ‘ham mê quyền lực’ – cụm từ được ông nhắc đến ba lần khi đưa ra các tiêu chuẩn để được vào Trung ương.

Có đầu óc đổi mới?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự lễ ký Hiệp ước Thương mại Tự do với EU tháng 12/2015Image copyrightGetty
Image captionThủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được xem là người có kinh nghiệm ngoại giao và uy tín quốc tế
Tuy yếu tố tuổi tác quan trọng, nó không phải là yếu tố quyết định. Có những tiêu chuẩn khác, cốt yếu hơn, người dân muốn thấy nơi các nhà lãnh đạo – đặc biệt những người nắm giữ các vị trí chủ chốt, như chức TBT.
Hai tiêu chuẩn được ông Vũ Ngọc Hoàng nêu trên là hai trong những tiêu chuẩn chính yếu ấy.
Như đã nêu trong một số bài viết, phỏng vấn gần đây của mình, ông Hoàng cho rằng tham nhũng và ‘lợi ích nhóm’ – ‘một dạng tham nhũng có tổ chức, đặt lợi ích cá nhân, cục bộ, bất hợp pháp trên lợi ích chung của quốc gia, dân tộc’, theo diễn giải của ông – đang làm đất nước suy yếu, tụt hậu và cần phải đấu tranh ngăn ngừa, loại bỏ.
Việc lãnh đạo Việt Nam không tham nhũng, không tham gia vào lợi ích nhóm là một tiêu chuẩn hết sức quan trọng. Và xem ra, ông Trọng đáp ứng được điều kiện này.
Khác hẳn với một số lãnh đạo khác, đến giờ dư luận không nghe đến chuyện ông Trọng có liên quan đến các vụ tham nhũng hay nhúng tay vào lợi ích nhóm.
Ông Trọng cũng có quyết tâm và đưa ra những biện pháp để ngăn chống tham nhũng và lợi ích nhóm dù những cố gắng của ông ít hay không thành công như ông muốn.
Liên quan đến tiêu chuẩn thứ hai, như ông Hoàng nhấn mạnh, Việt Nam "dứt khoát phải đổi mới" và phải "đổi mới căn bản".
Kiểu bầu cử ‘trên cử, dưới bầu’ – như "không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của Bộ Chính trị" – là một việc làm thiếu dân chủ ngay trong Đảng.
Nói "quyền lực là của dân", nhưng không cho dân biết danh sách ứng cử ủy viên BCT, BCH Trung ương hoặc ai là những người được giới thiệu nắm giữ bốn chức danh chủ chốt hay ai là ‘trường hợp đặc biệt’ được tái cử cũng là một việc làm phi dân chủ, coi thường dân.
Và xa hơn nữa, đối với người dân, cứ mãi kiên định chủ nghĩa xã hội (CNXH) dù không biết đến hết thế kỷ này ‘đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa’ và dù thực tế (ở Liên Xô, các nước Đông Âu và chính tại Việt Nam trước 1986) đã chứng minh CNXH đã hoàn toàn thất bại là một điều không thể chấp nhận được.
Liệu ông Trọng – người được coi là giáo điều, bảo thủ, luôn kiên định CNXH – có thể tiến hành những thay đổi căn bản để loại trừ những điều phi dân chủ, phi lý đó?
Nếu dựa trên những phát biểu của ông, có thể nói ông Trọng không phải là người muốn hay dám ‘đổi mới căn bản’ như thế.
Những phát ngôn của ông – như "Diệt chuột đừng để vỡ bình", "Đổi mới phải đúng quỹ đạo" hay "Nếu để xảy ra đụng độ gì [ở Biển Đông] thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào, chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức đại hội Đảng được không?" – cho thấy với ông Trọng dù có làm gì hay dù có chuyện gì xảy ra, trước hết phải lo bảo vệ chế độ, kiên định CNXH và giữ quan hệ hữu hảo với Trung Quốc.

Ai ‘đặc biệt’ hơn ai?

Giới lãnh đạo Việt Nam: ông Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Sinh Hùng và Nguyễn Tấn DũngImage copyrightGetty
Image captionViệc chọn ai vào chức vụ TBT đảng Cộng sản VN sau kỳ ĐH 12 là điều gây tranh luận trong chính giới lãnh đạo nước này
Nhưng không chỉ ông Trọng mà các ‘trường hợp đặc biệt’ còn lại trong BCT hiện tại cũng không ai vừa có ‘bàn tay trong sạch’ vừa có ‘cái đầu đổi mới’.
Ông Nguyễn Tấn Dũng, ít nhiều được coi là người có đầu óc cải cách. Nhưng khác với ông Trọng, ông Dũng bị cho là có liên quan đến tham nhũng, lợi ích nhóm.
Việc chọn ai trong hai người này nắm giữ chức TBT có thể là điều đã gây tranh luận trong giới lãnh đạo Việt Nam trong thời gian qua và tiếp tục là đề tài tranh cãi tại Đại hộ XII.
Ông Vũ Ngọc Hoàng cho biết: "cũng có ý kiến bảo là nhân sự đó có lợi ích nhóm, nhưng có thể đổi mới" nhưng ông "không hy vọng trên nền lợi ích nhóm tiêu cực mà có đổi mới tốt cho quốc gia".
Theo ông "đổi mới là hết sức cần thiết", tuy nhiên ông nói: "Cuộc đổi mới chân chính, có thể đem lại kết quả vững chắc, thực chất, cho nhân dân, cho lợi ích chung của đất nước, thì nó cũng phải xuất phát từ sự công tâm, trong sáng".
Đúng vậy. Nhưng một người giáo điều, bảo thủ, luôn đặt việc bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng trước chuyện bảo vệ nhân dân, có thực sự muốn ‘một cuộc đổi mới chân chính’ nhằm mang lại những kết quả thực chất cho nhân dân?
Hơn nữa, tham nhũng, lợi ích nhóm không bao giờ có thể ngăn ngừa, loại trừ nếu không có những đổi mới căn bản về kinh tế, chính trị.
Chừng nào vẫn chủ trương kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, bầu cử lãnh đạo không công khai, dân chủ hay không có tự do báo chí, tham nhũng và lợi ích nhóm cứ tiếp tục hoành hành, làm đất nước tụt hậu.
Vì thiếu một người vừa trong sáng vừa có đầu óc đổi mới, việc ai sẽ nắm giữ chức TBT phụ thuộc rất nhiều vào việc Đảng Cộng sản Việt Nam – hay nói cụ thể hơn, 1.510 đại biểu tham dự Đại hội XII – ưu tiên tiêu chuẩn nào.
Như một vài quan chức Việt Nam nhấn mạnh trong mấy ngày qua, vấn đề nhân sự cấp cao cuối cùng là do Đại hội quyết định.
Nếu phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm, duy trì chế độ, bảo vệ CNXH được đặt lên hàng đầu, có rất nhiều khả năng họ sẽ bầu chọn ông Trọng tiếp tục làm TBT.
Các nhà lãnh đạo Việt NamImage copyrightGetty
Image captionNhiều người mong muốn có những gương mặt mới nắm giữ các chức vụ chủ chốt trong đảng và chính phủ sau kỳ đại hội này.
Nhưng nếu muốn đất nước có những đổi mới về chính trị, kinh tế, ngoại giao – đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam cần hội nhập, gần gũi với Mỹ và các nước dân chủ, phát triển để đối phó với thái độ càng ngày càng đang mạnh bạo, hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông – có thể họ muốn ông Dũng nắm chức vụ ấy.
Vì thế khả năng ông Dũng được tái cử và nắm giữ chức TBT vẫn còn. Ông chưa hoàn toàn bị loại như một số nguồn tin, ý kiến nhận định trong hơn một tuần qua.
Bài viết thể hiện quan văn phong và phản ánh quan điểm riêng của tác giả gửi đến BBC từ Anh Quốc, cho Chuyên đề " Viết về Đại hội Đảng CSVN lần thứ 12". Mời quý vị tham khảo thể lệ gửi bài tại đây. Bài vở, ý kiến cho chuyên mục, diễn đàn này, xin mời quý vị gửi về địa chỉ vietnamese@bbc.co.uk


Tin liên quan

No comments:

Post a Comment