Tuesday, June 7, 2016

Chiến dịch « lấp liếm » sự thật về Biển Đông của Trung Quốc

Chiến dịch « lấp liếm » sự thật về Biển Đông của Trung Quốc

Chiến dịch « lấp liếm » sự thật về Biển Đông của Trung Quốc
 
Hình chụp vệ tinh phi đạo trên đảo Subi của trung tâm CSIS.REUTERS/CSIS

    Càng gần đến ngày Tòa Án Trọng Tài Thường Trực của Liên Hiệp Quốc tại La Haye (Hà Lan) ra phán quyết về Biển Đông – dự kiến là trong tháng Sáu 2016 - Trung Quốc càng tăng cường nỗ lực lợi dụng các diễn đàn quốc tế để bác bỏ tính chính đáng của phán quyết này. Guồng máy tuyên truyền của Bắc Kinh như đang vận hành hết công suất để biện minh cho việc Trung Quốc phủ nhận thẩm quyền của định chế quốc tế tại La Haye, và tố cáo Philippines, quốc gia khởi kiện là đã hành động phi pháp khi đưa Bắc Kinh ra trước cơ quan trọng tài quốc tế.

    Trung Quốc đã phô trương sự kiện là quan điểm của họ về Biển Đông đã được hơn 40 quốc gia trên thế giới ủng hộ, và xu hướng hậu thuẫn cho Bắc Kinh đang càng lúc càng lớn mạnh.
    Thực hư của lời khoe này ra sao cho đến nay chưa được rõ, nhưng điều chắc chắn duy nhất là trong vài tháng gần đây, không chỉ có hệ thống truyền thông đối ngoại Trung Quốc, mà hầu hết các nhà ngoại giao Trung Quốc ở các nước đều đã tung bài viết bênh vực cho lập trường Biển Đông của Bắc Kinh lên trang ý kiến của báo chi khắp nơi, không chỉ tại các nước lớn như Mỹ, Anh, Pháp…, mà cả tại các nước nhỏ, không liên quan gì đến Biển Đông như Jamaica chẳng hạn.
    Cả một cuộc chiến tranh thông tin để đánh phủ đầu !
    Các đại sứ quán Trung Quốc còn thuê nhiều trang quảng cáo trên các tờ báo lớn để tuyên truyền về « chính nghĩa » của Bắc Kinh ở Biển Đông. Một ví dụ cụ thể là hôm 27/05/2016, nhật báo Pháp Le Figaro đã phát hành nguyên một phụ trang với nội dung do tờ báo Trung Quốc China Daily chịu trách nhiệm, mà bài viết ở trang đầu mang tên « Biển Đông, vấn đề nguyên tắc của Bắc Kinh ».
    Bài quảng cáo này dĩ nhiên nêu bật – bằng tiếng Pháp – quan điểm chính thống của Trung Quốc về Biển Đông, kết tội Philippines là đã có hành động vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển Quốc năm 1982, và thỏa thuận song phương với Bắc Kinh khi kiện Trung Quốc trước tòa án trọng tài quốc tế. Bài viết cũng không quên khoe rằng Bắc Kinh đã nhận được « sự ủng hộ quan trọng » của « cộng đồng quốc tế » gồm 40 nước, đồng thời tự nhận mình là nạn nhân bị Manila « bắt bí »…
    Nội dung trên đây chẳng khác gì loạt bài được tờ China Daily công bố trong liên tiếp 4 ngày trước đó, với những nội dung như : « Mưu toan của Manila để bôi nhọ (Bắc Kinh) không thể thay đổi thực tế lịch sử » (26/05) ; « Thủ tục trọng tài do Philippines khởi xướng được xây dựng trên lý do sai trái » (25/05) ; « Trò chia cắt (Biển Đông) của Philippines là một sự khiêu khích dưới vỏ bọc pháp lý » (24/05) ; « Manila giả mù trước thực tế lịch sử » (23/05).
    Chiến dịch tuyên truyền của Bắc Kinh dĩ nhiên đã không đánh lừa được giới quan sát. Trong một bài phân tích đăng trên báo mạng Asia Times tại Hồng Kông ngày 31/05 vừa qua, Bill Gertz, một nhà báo kỳ cựu, đã nhận xét rằng sau khi đã gần như hoàn tất việc khống chế Biển Đông, Bắc Kinh hiện đang đẩy mạnh cuộc chiến tranh thông tin để chống lại một phán quyết dự báo là bất lợi đến từ một tòa án quốc tế.
    Giáo sư Ngô Vĩnh Long : Trung Quốc “lật lọng” và dối trá
    Còn đối với giáo sư Ngô Vĩnh Long, chuyên gia về Biển Đông và Trung Quốc tại Đại Học Maine (Hoa Kỳ), chiến dịch mà Bắc Kinh đang tung ra chỉ nhằm « lấp liếm » sự thật về những hành vi bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, và tìm cớ biện hộ cho việc chống lại một phán quyết quốc tế.
    Trả lời phỏng vấn của Ban Việt Ngữ RFI, giáo sư Long đã nêu bật ý đồ của Trung Quốc khi tiến hành một chiến dịch tuyên truyền, vừa « rầm rộ », vừa « thô thiển », cố tình « lấp liếm sự thật » và « sắp xếp lại sự kiện » để chứng minh rằng Bắc Kinh hoàn toàn có lý khi không chấp nhận sự can thiệp của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye vào vấn đề Biển Đông, bị Philippines khuấy động một cách phi pháp khi nộp đơn kiện Trung Quốc.
    RFI :Nội dung lập trường được Trung Quốc rầm rộ quảng bá là gì ?
    Ngô Vĩnh Long : Nội dung lập trường được Trung Quốc rầm rộ quảng bá là trước đây khu vực Biển Đông rất yên tĩnh và Trung Quốc đã giúp bảo vệ an ninh trong khu vực cho đến khi Mỹ, một nước ngoài khu vực, cố tình khuấy động để viện cớ xoay trục lại Á Châu và bao vây Trung Quốc.
    Những bài báo của các học giả Trung Quốc, các đại sứ Trung Quốc ở một số nước, và những trang quảng cáo trên các báo lớn, cố tình lấp liếm sự thật và sắp xếp lại sự kiện để chứng minh điều này cũng như để tố cáo Mỹ là nước đã xúi giục các nước trong khu vực như Philippines, Malaysia và Việt Nam đứng lên gây rối.
    Đặc biệt là Trung Quốc trực tiếp đánh Philippines về vụ kiện trước Tòa Án Trọng Tài Thường Trực hầu mong ảnh hưởng dư luận trước khi Tòa Án này đưa ra phán quyết để lấy cớ không chịu thi hành phán quyết.
    RFI : Thoạt nhìn thì thấy có lý, nhưng thực chất thì như thế nào ?
    Ngô Vĩnh Long : Thoạt nhìn thấy có lý chỉ đối với những ai không biết gì quá trình đã xảy ra tại khu vực Biển Đông trong 10 năm qua, hay lịch sử của sự bành trướng của Trung Quốc trước đó.
    Những ai có chút hiểu biết thì thấy ngay thực chất tuyên truyền của Trung Quốc là quá thô thiển vì những bài báo, những tuyên bố phần lớn lật lọng và nguỵ tạo, để tự cho phía mình bao giờ cũng theo lẽ phải, cũng đúng, còn mọi nước khác, trong đó có Philippines, đều sai và có ý không tốt với Trung Quốc.
    RFI :Xin giáo sư cho biết một ví dụ cụ thể về sự « lật lọng » của Trung Quốc ?
    Ngô Vĩnh Long : Ví dụ như Trung Quốc nói Philippines là đem Trung Quốc ra kiện mà không có lý do gì hết. Nhưng mà thật ra thì Philippines đã rất nhẫn nại với Trung Quốc, đã nói chuyện song phương với Trung Quốc trong 20 năm, nhưng vô hiệu.
    Cuối cùng Philippines mới nói là bí quá, không nói chuyện với Trung Quốc được, cho nên phải đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế để cho tòa án có thể phân giải.
    RFI : Chiến dịch vận động ngoại giao của Trung Quốc thành công hay thất bại ?
    Ngô Vĩnh Long : Theo tuyên bố của Trung Quốc thì họ đã được gần 40 nước trên thế giới ủng hộ lập trường. Những nước này phần lớn là những nước ngoài khu vực, như nước nhỏ nhất ở Phi Châu là Gambia. Trung Quốc cũng cho biết Brunei, Lào và Campuchia đã ủng hộ lập trường thương lượng song phương của Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông. Nhưng Campuchia và Lào đã lập tức phủ nhận tuyên bố của Trung Quốc mặc dầu hai nước này đã bị Trung Quốc làm áp lực bằng nhiều cách.
    Áp lực của Trung Quốc rất thô thiển và trịch thượng, kể cả việc đòi các nước G-7 họp ở Nhật tháng Năm vừa qua, là không được đem chuyện Biển Đông và Biển Hoa Đông ra bàn. Nhưng ngày 26/05, các nước G-7 đã ra một thông cáo chung nói lên quan ngại đối với an ninh ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, mặc dầu không nêu thẳng tên Trung Quốc.
    G-7 cũng kêu gọi việc tuân thủ luật pháp quốc tế chứ không nên đơn phương dùng vũ lực để áp đảo các nước khác. Trung Quốc đã phản đối một cách rất phẫn nộ và nói rằng thông cáo của G-7 là vô trách nhiệm.
    RFI : Giáo sư giải thích sao về việc Philippines và Việt Nam như đã để Trung Quốc múa gậy vườn hoang ?
    Ngô Vĩnh Long : Trước hết, như tôi vừa nói, cái tuyên truyền của Trung Quốc quá thô thiển, cho nên không cần trả lời, vì thì các nước khác trên thế giới như Anh, Mỹ, Pháp… và các nước trong khu vực đều thấy tính chất giả dối và lật lọng của Trung Quốc là như thế nào.
    Về phía Philippines thì tôi nghĩ họ đang chờ phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực và không muốn cho Trung Quốc có cơ hội viện cớ để xây cất trên bãi cạn Scarborough hay thiết lập một vùng nhận dạng phòng không ở Trường Sa như Trung Quốc đã đe doạ.
    Thêm vào đó thì ông Duterte, người vừa được bầu làm tổng thống mới của Philippines, chưa có kinh nghiệm đối ngoại và tưởng là có thể đàm phán tay đôi với Trung Quốc.
    Nhưng mà đằng khác thì cũng có thể là Philippines cậy vào việc là đồng minh với Mỹ và gần đây đã cho Mỹ sử dụng căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình nên tự tin là có sự bảo vệ của Mỹ nếu Trung Quốc leo thang. Tháng 3 vừa rồi Philippines và Mỹ đã bắt đầu tiến hành tuần tra chung trên Biển Đông.
    Phía Việt Nam thì có quá nhiều khó khăn, trong đó có vụ Vũng Áng, cũng như áp lực của Trung Quốc từ nhiều phai, cho nên cũng có thể là Việt Nam đang mua thời gian để giải quyết các vấn đề cấp bách trong nước, nhất là khi Việt Nam vừa có giàn lãnh đạo mới.
    Mặt khác thì tôi nghĩ Việt Nam cũng chờ đợi phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực. Ngày 02/06/2016, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Hải Bình đã trả lời như sau khi được một phóng viên hỏi về trường hợp nếu Trung Quốc không tuân theo phán quyết, thì phía Việt Nam sẽ làm gì :
    « Là quốc gia trực tiếp liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông, lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hoà bình, phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển »
    Như vậy, có thể là Việt Nam đang chờ xem phán quyết của tòa án như thế nào và không muốn cho Trung Quốc có cơ hội để leo thang.
    Các lưu trữ
    1. 1
    2. 2
    3. 3
    4. ...
    5. trang sau >
    6. trang cuối >
    7.   
    1. 1
    2. 2
    3. 3
    4. ...
    5. trang sau >
    6. trang cuối >
    Các chương trình

    No comments:

    Post a Comment