Saturday, June 4, 2016

Donald Trump : Ứng viên ưa thích của Nga và Trung Quốc

Donald Trump : Ứng viên ưa thích của Nga và Trung Quốc

mediaNếu được tham gia bỏ phiếu, Nga và Trung Quốc có lẽ sẽ chọn ứng viên Donald Trump.REUTERS/Jonathan Ernst
Liên quan đến bầu cử tổng thống tại Hoa Kỳ, nếu như được tham gia bỏ phiếu bầu chọn tổng thống, Nga, Trung Quốc và Tây Âu sẽ chọn ai ? Theo tuần san L’Obs, có lẽ ông Trump sẽ thắng thế nhờ vào hai lá phiếu của Nga và Trung Quốc.
Trong bài viết đề tựa: "Những quốc gia này thích Donald Trump hơn", L'Obs nhận định, kết quả này có lẽ sẽ làm cho Tây Âu phải giật mình, vốn dĩ vẫn thường ví ông Trump như là một phiên bản của bác sĩ Folamour tân thời, một nhân vật trong bộ phim châm biếm do đạo diễn Stanley Kubrick thực hiện năm 1964. Vì sao lại có sự đối nghịch như vậy ?
Theo l’Obs, cả Nga và Trung Quốc đều không ưa gì bà Hillary Clinton. Nga không thích cựu ngoại trưởng  Mỹ vì bà tỏ ra kiên quyết đối đầu với ông Vladimir Putin. Cách đây vài hôm, một quan chức ngoại giao cao cấp của Nga từng tuyên bố rằng : « Nếu như ông Trump được bầu làm tổng thống, thì quan hệ Nga – Mỹ sẽ bớt căng thẳng hơn ».
Cả hai cường quốc quân sự này đều không thích bà Clinton, hay nói đúng hơn là không thích đảng Dân chủ, vì chính sách mang tư tưởng quốc tế hóa truyền thống của đảng này. Một chính sách mà trong con mắt của Matxcơva và Bắc Kinh chẳng khác gì là can thiệp vào nội bộ nước khác. Quan điểm này của Bắc Kinh từng được Mao Trạch Đông bày tỏ năm 1972 với đồng nhiệm đương thời, ông Richard Nixon, « Tôi thích những người bên cánh hữu hơn (…) Tôi khá là mừng mỗi khi có người bên cánh hữu lên cầm quyền » (Henry Kissinger thuật lại trong tác phẩm « Về Trung Quốc », nhà xuất bản Fayard, 2012).
L’Obs cho rằng chính quan điểm « Mỹ không thể nào bảo vệ hết cả thế giới » trong chính sách đối ngoại của ông Trump đã thật sự làm hài lòng cả Nga lẫn Trung Quốc. Theo ông Trump, nếu như Nhật Bản, Châu Âu hay Ả Rập Xê Út muốn được quân đội Mỹ bảo vệ, thì họ phải bỏ tiền ra đi đã. Quan điểm này của ông Trump chẳng khác nào như cởi lòng cho Trung Quốc mở rộng tham vọng trên vấn đề Biển Đông, hay như cho Vladimir Putin, giờ chỉ ngồi vỗ tay tán thưởng ông Trump trong hồ sơ Ukraina, sẽ không còn dính dáng gì đến Mỹ nữa.
Nói đi cũng phải nói lại, ít có khả năng cho thấy là cả hai cường quốc này cũng muốn thấy trước mặt mình một con người cũng khó đoán trước được như ông Trump, đang khiến cho nhiều chuyên gia về chính sách đối ngoại của đảng Cộng Hòa phải xoay lưng.
Nhưng việc ủng hộ các ý kiến của Trump cũng cho thấy thái độ ngờ vực của hai nước này trước ứng viên có thể Hillary Clinton. Hơn ai hết họ rất hiểu bà Clinton khi bà còn nắm giữ vai trò ngoại trưởng cho ông Barack Obama, và xem bà như là nhân vật « diều hâu ». Một nhân vật mà Nga và Trung Quốc đánh giá là sẽ có những mối quan hệ rất căng thẳng, nếu bà đắc cử tổng thống. Cuối cùng L’Obs cảnh báo là trong ngoại giao, không có gì đáng sợ hơn bằng sự khó đoán.
Thái Lan : Tha hương để tìm tự do
Nghệ sĩ bị đe dọa trên Facebook và phải tìm nơi khác để sinh sống, giảng viên đại học không được ký tiếp hợp đồng, hay như sinh viên bị cản trở làm nghiên cứu, là những gì tờ Bangkok Post ghi nhận được về tình hình dân chủ tại Thái Lan. Tuần san Pháp, Courrier International, lược dịch lại qua bài viết đề tựa : «Tại Thái Lan : Tha hương để trốn chạy một đất nước bị phong tỏa».
Hai năm kể từ sau cú đảo chính quân sự, một số người dân Thái đã rời một đất nước, một xã hội ngày càng bị bóp nghẹt. Chính quyền quân sự Thái đã không thể nào giảm thiểu được những chia rẽ, mà ngược lại tình hình còn tệ hơn nữa. Xã hội Thái càng ngày càng khép kín, không còn chỗ cho những người có tư tưởng phóng khoáng, kể cả ở trong các trường đại học.
Tuy không có những con số chính thức, nhưng ngày càng có nhiều chủ doanh nghiệp, nghệ sĩ, sinh viên và giáo sư đại học, những người mang tư tưởng cấp tiến buộc phải tha hương, để trốn chạy « bầu không khí sợ hãi » do chính quyền quân sự dựng nên.
TheoBangkok Post, nếu như lý do để quyết định ra đi là vì chuyện riêng, tất cả những người đó đều đồng tình ở một điểm : trước hết đó chính là sự thiếu tự do ngôn luận và sự gia tăng hành động trấn áp cũng như sách nhiễu đã khiến họ phải rời xa đất nước.
Căng thẳng xã hội tại Pháp : Sai lầm chính trị hay dũng cảm cải cách
« Một mùa xuân trên đất Pháp » tựa chính trên Courrier International. Nước Pháp đang trải qua một mùa xuân đầy xáo động. Từ một tháng nay, cuộc đọ sức giữa chính phủ và giới nghiệp đoàn đã trở nên căng thẳng. Vì sao ? Do đó là những sai lầm chính trị hay dũng cảm cải cách ? Courrier International lược dịch lại các phân tích, giải mã của báo chí nước ngoài.
Đối với nhật báo Times tại Luân Đôn, tình thế của tổng thống Pháp François Hollande hiện nay chẳng khác nào là « Một ngõ cụt », sau những nhượng bộ của chính phủ về dự luật lao động. Vì sao nên nỗi ? Đó là do thái độ không nhất quán của ông Hollande. Sau mỗi lần vấp phải những phản đối, ông thường có những phản ứng đi ngược với những cam kết do mình đưa ra.
Thêm vào đó, đa số tuyệt đối cầm quyền lại không « dứt khoát », vừa muốn nhưng cũng vừa chống toàn cầu hóa, cứ bị dao động giữa tự do mậu dịch và chính sách bảo hộ. Hậu quả là tổng thống mỗi ngày càng mất uy tín. Nước Pháp, nền kinh tế thứ nhì của Châu Âu chìm đắm trong thất nghiệp lên đến 10%.
Với báo chí Đức, cuộc đối thoại hiện nay giữa chính phủ Pháp với nghiệp đoàn giống như là một « cuộc đối thoại hung hăng và vô ích ». Người dân Đức hiểu rõ tâm tính của người Pháp hơn ai hết. Cứ mỗi lần để được lắng nghe, dân Pháp chỉ có một phản xạ duy nhất là đứng dậy phản đối chính phủ trực tiếp.
Pháp : Sau biểu tình là khủng bố
Vừa phải đối phó với các cuộc biểu tình, nước Pháp còn phải đối mặt với « những mối đe dọa khủng bố mới », như hàng tít lớn lưu ý trên l’Express.
Với một hồ sơ dài 13 trang, tuần báo khẳng định đe dọa khủng bố bao trùm lên nước Pháp. Các vụ tấn công khủng bố hồi cuối năm rồi vẫn còn để lại nhiều bí ẩn. Kẻ chủ mưu của loạt khủng bố tại Paris và Bruxelles đang chuẩn bị gì ? Những kẻ thánh chiến được cài về Pháp và Bỉ có chuyển sang hành động nữa hay không ? Chỉ còn vài ngày nữa là khai mạc Euro, các nghi vấn này đang làm nhức đầu các cơ quan an ninh Pháp.
« Cực hữu đe dọa Châu Âu »
Đây cũng là lời cảnh báo trên Courrier International. Ngày 22/5 vừa qua, ông Norbert Hofer, ứng viên đảng cánh hữu theo chủ nghĩa dân túy đã thất bại trong gang tấc ở vòng hai bầu cử tổng thống Áo.
Dù thất bại, nhưng FPO vẫn là đảng chính trị hàng đầu tại nước này. Đó là lỗi của đảng Xã Hội-Dân Chủ và Dân chủ-Công giáo. Những đảng chính trị đã không biết cách ứng phó với những thách thức của Châu Âu hiện nay : khủng hoảng di dân, nợ công… như nhận xét của một tờ báo Đức, được Courrier International dẫn lại.
Khắp nơi tại châu Âu, lá phiếu của những người theo chủ nghĩa dân tộc ngày một nhiều : từ Hungary, cho đến Ba Lan, sang Croatia… và cả ở vùng Bắc Âu. Tại đây, các giá trị cực hữu đang thu hút đông đảo giới trẻ. Đây quả là một điều đáng lo cho Pháp và Đức, khi chỉ còn một năm nữa là đến các kỳ bầu cử quan trọng. Bằng chứng là tại Slovakia, lãnh đạo một đảng cực hữu đã trở thành lãnh đạo một vùng.
Google bị Châu Âu « chiếu cố »
Trở lại với L’Obs, nhưng trên lĩnh vực công nghệ thông tin và tư pháp. Tuần báo quan tâm đến các cách thức mà một tập đoàn công nghệ Mỹ sử dụng để dang rộng tầm ảnh hưởng của mình tại châu lục già cỗi này. « Quyền lực thật sự của Google tại Pháp » là hàng tít lớn của l’Obs.
Google hầu như chiếm lĩnh trên mọi lĩnh vực. Ngoài chức năng công cụ dò tìm, Google còn ngự trị trong lĩnh vực viễn thông hay như đầu tư trong mọi ngành công nghệ tương lai… Google muốn điều tốt cho chúng ta ! Để cho « thế giới này được tốt đẹp hơn », tập đoàn này lao vào công tác xã hội, giúp các tổ chức thiện nguyện mở các trang mạng xã hội riêng để giúp đỡ người khốn khó, hay như hào phóng hỗ trợ các chủ doanh nghiệp nhỏ, và kể cả giúp đỡ giới truyền thông.
Thế nhưng, theo L’Obs đó chỉ là những cách để tự nâng mình và đánh bóng hình ảnh trước các đòn tấn công của các nhà điều tra Liên Hiệp Châu Âu và các chính phủ thành viên.
Tuần báo cho biết sau 7 năm miệt mài điều tra, Bruxelles rất có thể sẽ buộc Google trả một mức tiền phạt kỷ lục khoảng 3 tỷ euro về việc « lạm dụng thế độc quyền ». Nhưng đó mới chỉ là bước khởi đầu. Một chỉ thị do 28 nước thành viên thông qua sẽ buộc tập đoàn đa quốc gia này phải trả thuế tại những nước mà họ đã thu được lợi nhuận. Phải chăng đã qua rồi thời Google có thể chuyển lợi nhuận của mình sang Iceland ?
L’Obs cho biết gọng kềm pháp lý đang xiết chặt. Bộ trưởng Tài Chính Pháp, cơ quan đáng lẽ sẽ phải thông báo khoản hỗ trợ 1,6 tỷ euro, đã ra lệnh khám xét trụ sở của Google tại Paris ngày 24/04/2016 vừa qua.
Cùng chủ đề

No comments:

Post a Comment