Thursday, June 9, 2016

Mỹ - Nhật : Củng cố liên minh

Mỹ - Nhật : Củng cố liên minh

mediaTổng thống Mỹ Barack Obama (T) và thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến đặt vòng hoa ở đài kỷ niệm Công viên Hòa Bình, Hiroshima, ngày 27/05/2016.REUTERS/Toru Hanai
Nhìn lại chuyến viếng thăm mang tính lịch sử của tổng thống Mỹ Barack Obama đến Nhật Bản vào cuối tháng 5/2016 vừa qua, đặc biệt là khi ông ghé thăm thành phố Hiroshima hôm 27/05, nơi cách đây 71 năm đã từng hứng trái bom nguyên tử của Mỹ, thông tín viên Philippe Pons của báo Le Monde (số ra ngày 09/06/2016) từ Tokyo có bài viết với tựa : « Barack Obama củng cố liên minh với Nhật ».
Tác giả cho biết trước chuyến đi này, Benjamin Rhodes, phó cố vấn an ninh cho tổng thống Mỹ đã nhận định với nhật báo New York Times rằng đây là một bước tiến cần thiết trong việc củng cố liên minh Mỹ-Nhật và đây là « một cử chỉ bày tỏ sự tôn trọng đối với dân tộc Nhật Bản ». Bản thân thủ tướng Nhật Shinzo Abe cũng đã nhấn mạnh đến điều này ngay sau chuyến ghé thăm Hiroshima của tổng thống Mỹ Obama.
Thực ra chuyến thăm Hiroshima của ông Obama đã được dự kiến ngay sau bài diễn văn ông đọc vào tháng 4/2009 tại Praha, trong đó tổng thống Mỹ đã cam kết cố gắng để có một thế giới không có vũ khí nguyên tử. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, bộ Ngoại Giao Nhật Bản cho rằng còn quá sớm để bàn đến chuyến viếng thăm Nhật của tổng thống Mỹ. Và rồi, từ hai năm trở lại đây, trước những yêu cầu của thủ tướng Shinzo Abe liên quan đến vấn đề quốc phòng, đồng thời cũng nhận được sự ủng hộ của Washington, tình hình đã thay đổi và tạo ra bước ngoặt vô cùng quan trọng trong nền chính trị Nhật Bản, kể từ khi kí kết hiệp định an ninh với Hoa Kỳ vào năm 1951.
Những điều luật liên quan đến bí mật quốc gia không mấy được lòng dân, những chỉ thị mới về hợp tác quân sự giữa hai quốc gia, rồi những điều khoản luật về « phòng vệ tập thể chính đáng » đã cho phép quân đội Nhật tham gia vào các cuộc tham chiến ở nước ngoài. Điều này đã cho phép Nhật đảm trách nhiều hơn trên trường quốc tế, trong khuôn khổ liên minh với Mỹ.
Theo lối nói hoa mỹ của thủ tướng Nhật Shinzo Abe, nhằm tạo ra được bầu không khí thuận lợi cho việc thúc đẩy « liên minh hy vọng » giữa hai quốc gia, trong bài diễn văn của mình đọc trước Quốc hội Mỹ vào tháng 05/2015, ông đã khẳng định rằng cả hai đồng minh Nhật-Mỹ cần phải nói lời kết cho những tàn tích lịch sử của hai bên : vụ Mỹ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki và vụ Nhật bất ngờ tấn công căn cứ thủy quân Trân Châu Cảng (Pearl Harbor) của Mỹ tại Hawai ngày 07/12/1941, khiến phát động cuộc chiến tranh tại khu vực Thái Bình Dương.
Việc hòa giải giữa hai quốc gia Nhật-Mỹ bước đầu đã được gỡ bỏ nhờ vào chuyến viếng thăm của tổng thống Mỹ Obama tại Hiroshima. Kế đến, cũng sẽ cần đến một chuyến viếng thăm Hawai của thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Mặc dù người đứng đầu chính phủ Nhật tuyên bố chưa có kế hoạch cụ thể để đi thăm nơi này, về phía Washington cũng đã cho biết chuyến thăm này sẽ được nhiệt liệt chào mừng. Dự kiến sự kiện này sẽ diễn ra vào trước cuối năm nay.
Nếu tổng thống Mỹ Barack Obama đã tránh nói lời xin lỗi với người dân Hiroshima thì thủ tướng Nhật Shinzo Abe cũng có thể sẽ làm tương tự tại Pearl Harbor. Tuy nhiên việc này sẽ phải làm thật khéo để vừa tránh làm phe cựu chiến binh Mỹ nổi giận, vừa tránh làm tăng sự thù nghịch với phe cánh hữu tại Mỹ.
Bằng việc sửa đổi lại Hiến Pháp, thủ tướng Nhật Shinzo Abe cũng đang tìm cách khôi phục dần nền quân chủ, bằng việc loại bỏ điều khoản mà theo đó nghiêm cấm quốc gia này được dùng đến vũ lực trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế. Việc sửa đổi Hiến Pháp này đang khiến các nước láng giềng e ngại và bản thân người dân Nhật không mấy hài lòng.
Về phía Hoa Kỳ, bằng việc củng cố liên minh với Nhật, Washington phải chú ý không để hợp thức hóa các tham vọng của ông Shinzo Abe, trước nguy cơ gia tăng đối kháng giữa nước này và Trung Quốc. Để duy trì chính sách vùng của Mỹ, Barack Obama cũng sẽ phải chú ý không nên kích động căng thẳng với Hàn Quốc – một đồng minh châu Á khác của Mỹ - thông tín viên Philippe Pons kết luận.
Nền dân chủ Cam-Bốt : Chỉ mành treo chuông
Vẫn liên quan đến châu Á, nhưng lần này là Cam-Bốt, báo Libération có bài viết dài với tựa : « Nền dân chủ Cam-Bốt đang rất mong manh ».
Bài báo cho biết, từ hơn 30 năm cầm quyền đến nay, thủ tướng Hun Sen đã tiến hành ngày càng nhiều các biện pháp nhằm siết chặt hơn nữa phe đối lập và xã hội dân sự, khiến cộng đồng quốc tế phải lo lắng.
Pháp : Số người xin tị nạn tăng kỷ lục
Le Monde, Libération đều có bài viết liên quan đến việc xin tị nạn tại Pháp. Theo Le Monde, trong khi tại Pháp số hồ sơ nộp xin tị nạn năm 2015 tăng 23,6% và tiếp tục tăng 18% trong vòng 5 tháng đầu năm 2016 thì ở châu Âu, con số này là 123% vào năm 2015. Tuy nhiên, thực tế là chưa bao giờ nước Pháp đạt con số kỷ lục về người xin tị nạn nhiều như vậy với 80.075 đơn xin và 26.818 người đặt chân đến Pháp.
Một kỷ lục khác : chưa bao giờ nước Pháp chấp thuận cho tị nạn số người đông đến thế. Nhìn một cách tổng quát, năm 2015, có 31,5% người xin tị nạn được chấp thuận, nhưng tỉ lệ này vẫn còn xa so với mức trung bình của các nước trong Liên Hiệp Châu Âu là 51%.
Theo Libération, nếu trước đây một người nhập cư phải đợi trung bình 9 tháng để có câu trả lời thì hiện nay khoảng thời gian này kéo dài đến 15 tháng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tăng về số lượng các nhân viên của Ofpra – cơ quan của Pháp bảo vệ cho người tị nạn và các đối tượng không có quốc tịch. Số nhân viên này được tuyển vào để xử lý số lượng khổng lồ các đơn xin tị nạn. Năm 2012, con số này là 475 nhân viên, đến 2015, là 575 và thời gian tới đây sẽ có thêm hơn 100 người nữa.
Pháp : Dẫn đầu trong số các nước hoài nghi về châu Âu
Vẫn liên quan đến nước Pháp, báo Le Figaro có bài : "Nước Pháp dẫn đầu các nước hoài nghi về châu Âu". Trong khi cả châu Âu đang nín thở dõi theo diễn biến của việc nước Anh quyết định ra đi hay ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu thì theo một nghiên cứu được công bố mới đây của Pew Research Center – một viện nghiên cứu dư luận của Mỹ, tháng 05/2016 có đến 61% người Pháp có nhìn nhận tiêu cực về châu Âu.
Như vậy là số người dân Pháp nghi ngờ về Liên Hiệp Châu Âu còn nhiều hơn cả người dân Anh. Liên quan đến cuộc khủng hoảng của dân tị nạn tại châu Âu thời gian qua, 37% người Đức, 70% người Pháp và 77% người Ý cho rằng cuộc khủng hoảng này đã không được kiểm soát tốt.
Pháp : Euro 2016 – giờ G sắp điểm và thực trạng xã hội đáng lo ngại
Trong khi chỉ còn một ngày nữa là tiếng còi khai mạc giải Cúp bóng đá châu Âu Euro 2016 được cất lên ở Pháp thì ngay tại quốc gia này, tình trạng hỗn độn trong giao thông ngành đường sắt và ngành hàng không vẫn chưa mấy sáng sủa.
Cụ thể, một số nhân viên ngành đường sắt Pháp tiếp tục tiến hành đình công. Các nghiệp đoàn phi công của hãng hàng không Pháp Air France quyết định giữ nguyên lời thông báo đình công của họ từ 11 đến 14/06.
Và đình công không chỉ diễn ra đối với nhân viên của ngành giao thông mà còn cả đối với nhân viên thu gom rác và thoát nước tại Paris và các vùng phụ cận, với yêu sách : phải rút lại luật lao động El Khomri.
Euro 2016 cùng người hâm mộ
Những fan hâm mộ trái bóng tròn chắc hẳn đang mong ngóng từng giờ từng phút để được hòa mình với Euro 2016.
Báo Le Figaro có bài viết với tựa : « 30 gương mặt làm nên giải Euro », bao gồm cả cầu thủ, huấn luyện viên, bộ trưởng, hay nghệ sĩ và theo Le Figaro, chính họ sẽ làm nên thời sự của giải vô địch châu Âu, diễn ra từ 10/06 đến hết 10/07/2016.
Libération cũng dành khá nhiều giấy cho giải đấu này, với hẳn một phụ trương với tựa lớn : «11 góc tấn công ». Chi tiết, thú vị, độc đáo. Xin mời quý vị cùng đón xem !
Cùng chủ đề

No comments:

Post a Comment