Đối thoại Mỹ-Trung : Bắc Kinh không khoan nhượng về chủ quyền Biển Đông
Ông Dương Khiết Trì (T) tiếp ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhân cuộc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung Mỹ Bắc Kinh ngày 06/06/ 2016.SAUL LOEB / POOL / AFP
Bắc Kinh sẽ không nhượng bộ về yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. Phía Trung Quốc hôm nay 07/06/2016 đã nhấn mạnh như trên, và như vậy cuộc đối thoại thường niên Mỹ-Trung kết thúc mà không có tiến bộ nào trong vấn đề này.
Trong hai ngày đàm phán tại Bắc Kinh, ngoại trưởng Mỹ John Kerry khuyến khích Trung Quốc nên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Nhưng cố vấn chính phủ Dương Khiết Trì (Yang Jiechi), quan chức cao cấp nhất của Trung Quốc về ngoại giao, lại nói rằng Hoa Kỳ không nên dính dáng vào các xung đột diễn ra ở rất xa bờ biển nước mình, kể cả vụ kiện của Philippines tại Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye.
Dương Khiết Trì khằng định quan điểm của Bắc Kinh « phù hợp với luật quốc tế », nhấn mạnh rằng « đã và sẽ không thay đổi ». Ông Dương nói vấn đề Biển Đông cần được các bên liên quan trực tiếp giải quyết, và kêu gọi Washington « nghiêm túc tôn trọng lời hứa không đứng về bên nào trong tranh chấp lãnh thổ ».
Theo Dương Khiết Trì, Biển Đông « là lãnh thổ Trung Quốc kể từ thời cổ đại », và Bắc Kinh « có toàn quyền bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và các quyền hàng hải hợp pháp, chính đáng ».
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng Hoa Kỳ không thiên về nước nào trong vấn đề chủ quyền, nhưng tất cả các bên đều phải tỏ ra kềm chế. Ông tuyên bố : « Chúng tôi tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ về thương lượng và giải quyết một cách hòa bình, dựa trên luật pháp. Đồng thời cũng rất quan ngại trước bất kỳ hành động đơn phương của bên nào nhằm làm thay đổi nguyên trạng ».
Trước đó, hôm thứ Bảy 5/6 bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố, các hoạt động của Hoa Kỳ tại châu Á-Thái Bình Dương luôn là « một trong những cam kết, quyết tâm và hòa nhập », và cảnh cáo Bắc Kinh « không nên có thái độ khiêu khích tại Biển Đông ».
Trung Quốc yêu sách chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông, và ồ ạt xây dựng các đảo nhân tạo có thể sử dụng vào mục đích quân sự. Hoa Kỳ đáp trả bằng cách điều các chiến hạm đến tuần tra gần các đảo này, gây giận dữ cho Bắc Kinh.
Đối thoại Kinh tế và Chiến lược thường niên đã kết thúc một cách gay gắt, cho dù hai bên có nỗ lực làm dịu bớt những bất đồng. Tuyên bố trước báo chí, cả hai phía đều kêu gọi giải quyết hòa bình và tự do hàng hải, hàng không trong khu vực, nhưng cách nhìn rất khác nhau.
Cuộc đối thoại cũng trở nên u ám vì Hoa Kỳ quan ngại trước môi trường bất lợi cho kinh doanh ở Trung Quốc, tình trạng sản xuất dư thừa thép, và siết chặt hoạt động đối với các tổ chức phi chính phủ.
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment