Thursday, June 2, 2016

TQ sẵn sàng cho vụ kiện của Philippines?

TQ sẵn sàng cho vụ kiện của Philippines?

  • 31 tháng 5 2016

Image copyrightREUTERS
Image captionThiếu tướng Lê Văn Cương nói Trung Quốc đã 'chuẩn bị trước' dù phán quyết của Tòa Trọng tài có ra sao

“Trung Quốc đã chuẩn bị trước, chứ không chờ tòa ra phán quyết”, nguyên Thiếu tướng từ Viện nghiên cứu Chiến lược của Bộ Công an Việt Nam bình luận về vụ Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài thường trực ở the Hague.
Philippines đã kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc lên Tòa Trọng tài quốc tế và phán quyết được trông đợi sẽ được đưa ra trong thời gian tới.
Đơn kiện của Philippines nói yêu sách 'đường chín đoạn', hay 'đường lưỡi bò' mà Trung Quốc dùng để khoanh vùng chủ quyền của mình ở Biển Đông, là trái với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển mà cả Trung Quốc và Philippines đều là thành viên ký kết.
Dự kiến tòa sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng trong tháng 6/2016.
Thiếu tướng Lê Văn Cương bình luận: “Tất cả việc làm của họ [Trung Quốc] trên Biển Đông trong hai, ba năm vừa rồi là góp phần chuẩn bị cho đối phó với phán quyết của Tòa Trọng tài, chứ không phải họ chờ đến khi tòa đưa ra phán quyết họ mới có phản ứng đâu.”
“Tất cả việc làm của Trung Quốc trong năm 2014-2015 và cả năm 2016 này, một mục tiêu của họ là chuẩn bị đối phó với phán quyết bất lợi cho họ. Ví dụ biến các đá chìm ở Trường Sa thành đảo nổi, xây dựng trên đó các sân bay, các bến cảng quân sự. ”
“Ngày 15/2 vừa rồi họ lắp hai tổ hợp tám bệ phóng tên lửa HQ-9 đất đối không ở đảo Phú Lâm, lắp 4 hệ thống radar tần số cao cảnh báo sớm, phục vụ cho mục đích quân sự.”

Image copyrightBBC WORLD SERVICE

“Đặc biệt là radar tần số cao ở Đá Châu Viên, Châu Viên nằm ở cực nam của quần đảo Trường Sa. Nếu như lắp radar tần số cao ở đây thì Trung Quốc đã hoàn toàn có khả năng kiểm soát toàn bộ tất cả mọi tàu thuyền, máy bay đi qua biển Malacca và Biển Đông đều nằm trong tầm kiểm soát của Trung Quốc cả.” – Ông Cương cho biết.
Bình luận về ảnh hưởng của phán quyết cuối cùng, ông nói: “Sau phán quyết này, cũng không thể có chuyện gì "động trời" để thay đổi Biển Đông, cũng không thay đổi được hiện thực họ tạo ra trên Biển Đông vì việc quân sự hóa Biển Đông [của Trung Quốc] cơ bản là xong rồi.”

'Được ủng hộ'?

Trong tháng 5/2015, Trung Quốc họp báo nói được “hơn 40 quốc gia” ủng hộ trên Biển Đông.
"Ngày càng nhiều nước bày tỏ ý kiến và ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Nam Hải (Biển Đông)." – Người phát ngôn Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh nói trong cuộc họp báo.
Trao đổi với BBC về sự ủng hộ mà Trung Quốc tìm kiếm, ông Cương nhận định: “Thực ra các quốc gia ủng hộ Trung Quốc có vai trò khiêm tốn trong diễn đàn quốc tế và chịu ảnh hưởng lợi ích của Trung Quốc."


"Tôi cho rằng việc Trung Quốc chống lại phán quyết của Tòa trọng tài là chống lại luật pháp quốc tế, chống lại cộng đồng Quốc Tế" – Ông bình luận.
Khi được hỏi liệu phán quyết có làm tình hình Biển Đông nóng lên, Thiếu tướng Cương nói: “Dù không có phán quyết, không có vụ kiện này thì Biển Đông cũng sẽ càng ngày càng nóng lên, chứ không phải vì vụ kiện mới nóng lên.”
"Phán quyết của tòa trọng tài chỉ là giọt nước làm tràn ly"
"Tranh chấp trên thế giới thường giải quyết qua ba phương thức; trước hết là phương thức hòa bình, trao đổi song phương, đa phương. Khi thương lượng hòa bình không có kết quả và không tin nữa thì buộc chuyển qua phương thức thứ hai là dùng tài phán quốc tế, Philippines đã dùng đến cách này. Phương thức xấu nhất và cuối cùng là đánh nhau.”
"Việt Nam đang theo đuổi phương thức đầu tiên, Việt Nam không bao giờ nói sẽ từ bỏ việc kiện Trung Quốc, mà đúng hơn là chưa kiện,” – Ông Cương nói về chọn lựa của Việt Nam trong tranh chấp trên Biển Đông.

Tin liên quan

No comments:

Post a Comment