Thursday, April 2, 2015

Mao Trạch Đông qua sách báo Trung Quốc ngày nay 70

Mao Trạch Đông qua sách báo Trung Quốc ngày nay 70

Kỳ 70: Ai giết nguyên soái Hạ Long?
Kỳ 71: Phổ Nghi – Hoàng đế mang số tù 981.
Kỳ 72: Mao Trạch Đông – Phổ Nghi và kim cương bất hoại!

Kỳ 70: Ai giết nguyên soái Hạ Long?

Giao Hưởng Đăng Bởi Một Thế Giới – 16-10-2014
Trong bữa tiệc kỷ niệm sinh nhật lần thứ 71 của mình, Mao Trạch Đông đã uống một bình rượu Bạch Sa Dạ, xong nói có người đang muốn “cướp quyền” Mao, liệu quân đội còn ủng hộ Mao không?
Khai quốc công thần Nguyên soái Hạ Long và vợ
Khai quốc công thần Nguyên soái Hạ Long và vợ
Một số sách báo Trung Quốc xuất bản những năm gần đây giải thích vì sao Mao đưa câu hỏi ấy ra. Là do bấy giờ Mao (về danh nghĩa) bị đẩy khỏi “tuyến một” về “tuyến hai” của chính trường Trung Nam Hải (sau thất bại Đại tiến vọt) và uy tín đang xuống. Mao muốn dựa vào quân đội để khởi sắc và nêu câu hỏi trên trực tiếp nhằm vào Lâm Bưu (Phó chủ tịch đảng, Phó thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) đang là thượng khách của Mao trong tiệc rượu. Mao hỏi, Lâm Bưu không khỏi nghĩ đến hai nhân vật quyền lực hiện đang mâu thuẫn với Lâm:
1. Đại tướng La Thụy Khanh, Phó thủ tướng, Tổng thư ký Quân ủy trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an và Tổng tham mưu trưởng quân đội.
2. Nguyên soái Hạ Long, Phó thủ tướng, Phó chủ tịch thường trực Quân ủy trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban công nghiệp quốc phòng.
Việc vu cáo bức hại La Thụy Khanh mời các bạn xem Kỳ 5 (Kỳ 5: Đại tướng La Thụy Khanh nhảy lầu tự vẫn).
Dưới đây nói về thủ đoạn đánh đổ Hạ Long.
Hạ Long sinh năm 1896 tại Hồ Nam. Năm 31 tuổi, Hạ Long chỉ huy quân khởi nghĩa Nam Xương (Giang Tây) chống lại Tưởng Giới Thạch (đứng đầu Quốc dân đảng) đang mở đợt lùng bố, giết hại các đảng viên đảng Cộng sản và những người cách mạng cánh tả Trung Quốc.
Theo cuốn “Cha tôi Đặng Tiểu Bình” của Mao Mao (sđd ở Kỳ 53-54), khoảng một triệu người bị tàn sát trong các đợt khủng bố trắng (từ 1927 – 1932): “chỉ riêng tháng 1 đến tháng 8.1928 đã có hơn 10.000  người hy sinh, tổ chức đảng cũng bị phá hoại nghiêm trọng. Đến cuối năm 1927, số lượng đảng viên từ trên 50.000 giảm xuống còn hơn 10.000” (tr. 218).
Trong tình thế hiểm nghèo, Hạ Long (cùng Bí thư Quân ủy trung ương Chu Ân Lai và Diệp Đình, Chu Đức, Lưu Bá Thừa) phát động khởi nghĩa Nam Xương ngày 1.8.1927. Tài liệu của Viện Lịch sử quân sự Việt Nam (đã dẫn Kỳ 58) ghi có 30.000 binh sĩ tham gia khởi nghĩa, sau thất bại chỉ còn lại gần 2.000 quân. Tuy không thành công, nhưng đó là sự kiện quan trọng đánh dấu sự xuất hiện (lần đầu tiên) của lực lượng vũ trang do đảng Cộng sản lãnh đạo. Nên ngày 1.8 trở thành ngày kỷ niệm thành lập quân đội nhân dân Trung Quốc. Và tên tuổi nguyên soái Hạ Long gắn liền sự kiện đó (tổng chỉ huy quân khởi nghĩa).
Tên ông lại thường ghép cạnh Robin Hood (nhân vật anh hùng của thời Trung cổ trong truyền thuyết phương Tây – pha lẫn chất “giang hồ Lương Sơn Bạc” phương Đông) để gọi:“Robin Hood Hạ Long”.
Hạ Long có “tính tình đặc biệt phóng khoáng” và rất gần gũi thân thiết với gia đình Đặng Tiểu Bình: “Ở Tây Nam, hai gia đình ở tầng trên, tầng dưới, con cái lại sấp xỉ tuổi nhau, cùng vui chơi, cùng cãi lộn. Sau giải phóng, cha tôi thường dẫn chúng tôi đến chơi nhà bác, người lớn nói chuyện vui vẻ, trẻ con chơi nghịch, người ngoài không biết, tưởng như người trong một gia đình. Kể cũng lạ, trong mười vị đại nguyên soái, cha tôi có quan hệ rất tốt với 9 người, chỉ riêng với Lâm Bưu là không hề qua lại. Đó chủ yếu là do tính tình Lâm Bưu rất kỳ cục, không qua lại chơi bời với bất kỳ ai” (Mao Mao - sđd. tr. 845). 
Đoạn trên ít nhiều cho thấy tính cách khác nhau giữa Hạ Long và Lâm Bưu.
Điều ấy không quan trọng bằng mâu thuẫn giữa hai bên về quan điểm xây dựng quân đội. Một bên, Lâm Bưu chủ trương đặt trọng tâm vào công tác chính trị. Bên kia, Hạ Long đặt nặng công tác huấn luyện quân sự nên (cùng La Thụy Khanh, Diệp Kiếm Anh) mở hội thao võ thuật toàn quốc với hơn 13.000 cán bộ thuộc 18 quân khu tham dự.
Lúc đầu, Mao Trạch Đông (với Chu Ân Lai, Chu Đức và Đặng Tiểu Bình) hoan nghênh cao trào “đua tài kỹ thuật quân sự dấy lên trong các quân binh chủng”, khen ngợi Hạ Long và những tướng lĩnh đề xướng.
Đến sau tiệc mừng thọ 71 tuổi (26.12.1964), Mao đổi thái độ, ủng hộ Lâm Bưu vì Lâm Bưu ra chỉ thị (29.12.1964) phải đẩy mạnh phong trào “học tập tác phẩm Mao Trạch Đông trong toàn quân”. Mao để mặc Lâm Bưu phủ định “cao trào đua tài kỹ thuật”, phê bình Hạ Long và La Thụy Khanh, bảo họ đã hạ thấp vai trò giáo dục tư tưởng Mao trong quân đội, kéo dài các đợt hội thao mất thời gian và tốn kém.
Phần Mao, trong thâm ý, việc làm ấy của Lâm Bưu (đầu năm 1965) đã giúp củng cố thanh thế Mao trong quân đội để chuẩn bị mở trận địa “cách mạng văn hóa vô sản” (mùa thu 1966). Trên trận địa đó, Lâm Bưu cùng Khang Sinh (cố vấn của Giang Thanh) lập tổ chuyên án điều tra Hạ Long về “âm mưu gây binh biến”, “tự tiện điều động quân đội” và “bố trí đại pháo hướng nòng súng về chỗ ở của Mao chủ tịch”, rồi ra lệnh bắt giam.
Bị truy bức, khủng bố tinh thần, không được cấp thuốc chăm sóc khi ngã bệnh, nên Hạ Long đã chết lúc 15 giờ chiều 9.6.1969. Ai là thủ phạm chính bức tử Hạ Long?. Có thể nói hai người “cộng lực”: Mao Trạch Đông (nhằm loại bớt những “ngôi sao” kỳ cựu đang có ảnh hưởng trong quân đội và trên chính trường đương thời) và Lâm Bưu (nhằm giải quyết mâu thuẫn về quan điểm xây dựng quân đội dẫn đến tranh chấp quyền lợi chính trị) – bên cạnh tất nhiên có “đảng hoàng hậu” của Giang Thanh tiếp sức.
Loại trừ Hạ Long và  một số danh thần khai quốc khác, Lâm Bưu bước lên vị trí số 2 (sau Mao Trạch Đông). Nhưng thực chất đó là “vị trí đệm” để Lâm Bưu “chuyển giao quyền lực” cho Giang hoàng hậu. Nhưng Lâm Bưu không sớm nhận ra nước cờ lắc léo của Mao và đã phải chết trên đường lưu vong.
Kỳ 71: Phổ Nghi – Hoàng đế mang số tù 981
Cùng lúc với hơn 1.000 đại thần quan lại Mãn Châu và tướng tá đặc vụ Quốc dân đảng bị Mao Trạch Đông bắt giam tại Sở quản lý tội phạm chiến tranh Phủ Thuận có hoàng đế Phổ Nghi mang số tù 981…
Mao Trạch Đông và Vua Phổ Nghi
Mao Trạch Đông và Vua Phổ Nghi
Chưa đầy một năm sau ngày thành lập nước CHND Trung Hoa, Cao Cương – Bí thư thứ nhất đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban quân chính, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu Đông Bắc – đã “đón lỏng” Phổ Nghi tại sân ga Thẩm Dương, đưa về trung tâm thành phố. Cao Cương – lúc ấy đang được Mao Trạch Đông giao trọng trách lãnh đạo vùng Đông Bắc – vừa trấn an Phổ Nghi sẽ “được bảo vệ an toàn”, vừa báo trước ông sẽ phải vào đợt “học tập cải tạo một thời gian”…
Bao lâu?
Hơn 9 năm – bắt đầu từ lúc Cao Cương sai người “dẫn độ” Phổ Nghi đến nhà tù của Sở quản lý tội phạm chiến tranh Phủ Thuận, tỉnh Liêu Ninh (vào 23.7.1950 tới ngày phóng thích 4.12.1959).
Bị giam với Phổ Nghi có người tùy hầu kề cận thân thiết của ông suốt 33 năm (kể từ 1924) là Lý Quốc Hùng. Lý Quốc Hùng kể lại cho nhà văn Vương Khánh Tường về những năm cùng sống trong tù cạnh Phổ Nghi, qua 20 băng ghi âm, được chỉnh lý biên tập và xuất bản tại Trung Quốc. Sách do Phượng Thủy dịch sang tiếng Việt khá công phu, với tựa “Nghề hầu vua” 610 trang, NXB Thanh Niên – Hà Nội 1999, có đoạn về chuyến xe lửa dẫn đến cuộc gặp “không hẹn trước” với Cao Cương, ở biên giới:
“Trong toa nóng bức lại thêm mờ tối. Tôi nhìn kỹ mới thấy tất cả cửa sổ kiếng trên xe đều dán giấy trắng muốn nhìn xem phong cảnh ven đường cũng không sao nhìn được. Điều này càng khiến người ta bất an, coi đây là điềm báo không lành. Tôi cảm nhận một thứ mùi vị không nói nên lời, lòng cứ thấp thỏm, hoang mang giống như đại nạn sắp giáng xuống đầu” – sđd tr. 475.
Đêm đầu tiên đặt chân đến nhà tù Phủ Thuận: “phòng giam chỉ có tấm đệm để lót nằm. (…) thẩn thờ nghe tiếng chân bước cộp cộp, đi tới đi lui đều đều (bên ngoài), thật kinh khủng. Sáng hôm sau, toàn bộ bọn tôi bị gọi ra sân, mỗi người  được phát một thẻ bài gỗ nhỏ có thể đeo lên cổ. Trên thẻ bài có ghi số hiệu thay thế cho tên gọi sau này. Tôi nhớ, nhóm người mới đến tổng cộng có 40, Phổ Nghi mang số 981, tôi số 1015. Mãi đến giờ tôi mới biết nơi này là Sở quản lý chiến phạm Phủ Thuận. Trước khi bọn tôi đến họ đã thu bắt hơn 900 người. Dường như chiến phạm Nhật đến sau bọn tôi, cách nhau một bức tường ” – sđd. tr. 481.
Mới đầu, Phổ Nghi giam chung một phòng với Lý Quốc Hùng – và Dục Nham, Dục Chiêm, Dục Đường (3 người cháu của Phổ Nghi). Họ được cung cấp các bữa ăn đầy đủ. Ăn xong, mỗi người được phát 3 cuốn sách để học, nội dung trong sách luận về chủ nghĩa dân chủ mới và các phong trào cách mạng. Khoảng mươi ngày sau, nhóm 5 người bị cách ly.
Được ba tháng, mùa thu 1950, Phổ Nghi – Lý Quốc Hùng và 3 người cháu phải rời Phủ Thuận, chuyển đến một nơi khắc nghiệt hơn tại Cáp Nhĩ Tân với những nhà ngục chật hẹp xây bằng… sắt, nằm sau một cái sân rộng ăn thông vào dãy hành lang hẹp. Đến cuối hành lang: “trái tim tôi chợt lạnh hẳn: nơi này là căn nhà lớn hai tầng hình tròn. Chính giữa sân là một khán đài cao, trên khán đài đặt chòi canh có trang bị súng máy. Trên dưới hai tầng lầu đều có chấn song bằng những thanh sắt to cỡ 8cm, chia thành nhiều gian lồng sắt, ngăn cách bởi những bức vách bằng gạch. Tôi không sao ngờ được chúng tôi sẽ đến ở một nơi như vầy” (sđd. tr. 488).
Mọi người tuần tự bị dẫn đến trước những khung cửa nhỏ của lồng sắt chỉ cao hơn 80cm, ai nấy đều phải cúi lưng xuống thật thấp mới chui lọt “tiếng kéo cửa kèn kẹt, tiếng bóp khóa khô khan vang lên như xé tim gan”. Mỗi lồng sắt nhốt từ 4 – 6 người. Phổ Nghi cũng ở trong một lồng như vậy, trông tựa con chim lìa đàn khốn khổ, xơ xác khác hẳn với hình ảnh vị hoàng đế có hơn 1.000 vương công đại thần cúi rạp người chào đón – thêm 200 công sứ các quốc gia trên thế giới trú đóng tại Bắc Kinh đến chúc mừng hôn lễ của ông ngày nào.
Một tay Phổ Nghi bắt đem hơn 40 rương vàng bạc và đồ gốm quý đến ngân hàng Khoản Phong do người Anh quản trị để lấy tiền mặt trang trải cho cuộc hôn nhân, nay đâu còn… Chỗ nằm cũng không. Không có lấy chiếc giường nào cho tù nhân ngã lưng. Phải tự tìm lấy một chỗ nào khô ráo đặt hành lý xuống và gối đầu lên. Nước tiểu từ “một chỗ chung” trong góc lồng sắt xông lên mùi hôi nồng nặc.
Được nửa năm (5.1951), lại dời đến nơi khác cũng ở Cát Nhĩ Tân. Lần này có dễ chịu bớt, giam trên nhà lầu xây gạch, lại được hút thuốc “Hằng Đại” đặc chế nữa. Ngoài giờ ăn ngủ, phải tiếp tục học tập, đọc tài liệu sách báo, hoặc vận hành máy cắt giấy, ép lề, dán hộp đựng bút chì. Hầu hết tù nhân làm hộp đạt yêu cầu “duy chỉ Phổ Nghi là rất kém, ngài quá vụng về, hộp dán không đẹp, nhãn thì thường dán ngược, làm ra nhiều phế phẩm” (sđd. tr. 502). Tù nhân có người gắt gỏng la lối Phổ Nghi, rằng ông làm không xong, bị quá nhiều phế phẩm, ảnh hưởng thành tích thi đua tập thể !. Một ông vua lẻ loi phải nhận lời chì chiếc, biết sao?
Thêm ba năm nữa, về lại Phủ Thuận. Tháng 4.1954, Sở quản lý tội phạm chiến tranh cử cán bộ đến bắt tù nhân viết tự bạch “tự bạch của bọn tôi giao lên trên coi như xong chuyện, duy chỉ có Phổ Nghi là qua không được cửa ải này, nộp lên lại bị trả về, nhiều lần như vậy”.
Hôm nọ, đoàn công tác của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Đông Bắc chuyên trách điều tra các loại tội phạm chiến tranh phát động Lý Quốc Hùng viết bản tố giác hoàng đế Phổ Nghi. Lý Quốc Hùng chỉ nêu vài điều chung chung về chuyện Phổ Nghi  “ăn chay niệm Phật ở nội đình, có đánh mấy đứa bé đội cần vụ”. Cán bộ lãnh đạo không thuận với nội dung dưới “không điểm” đó, nhiều lần gây sức ép, buộc Lý phải nâng lên “điểm mười” cho chính mình. Buộc lòng, Lý phải nêu hai điều: “Thứ  nhất (…)Phổ Nghi phê duyệt văn kiện không cần xem qua, tùy tiện viết chữ “được” bên dưới chữ “quyết định” đem bán đứng những hạng mục ích lợi của vùng Đông Bắc. Thứ hai là nội tình Phổ Nghi giấu bảo vật ở Liên Xô”. Những tố giác đó buộc Phổ Nghi phải trả lời về 468 món bảo vật đựng trong một cái rương bằng da hai đáy.
Kỳ 72: Mao Trạch Đông – Phổ Nghi và kim cương bất hoại!
Mao Trạch Đông thường nhắc đến cựu hoàng Phổ Nghi (trong các cuộc gặp gỡ với chính khách quốc tế) như một trong những điển hình mầu nhiệm về kết quả cải tạo tư tưởng của nền cộng sản Trung Hoa…
Vua Phổ Nghi trong chiếc áo tù mang số 981
Vua Phổ Nghi trong chiếc áo tù mang số 981
Nhưng trước ngày trở thành công dân của Mao (sau hơn 9 năm tẩy não 1950-1959), Phổ Nghi (khoảng 1945-1949) đã mấy lần đề nghị Stalin cho ông định cư ở Liên Xô để tránh bị Mao Trạch Đông (và cả Tưởng Giới Thạch) sát phạt. Nhưng Stalin từ chối…
Đó là những ngày cựu hoàng bị quản thúc và trôi dạt trên đất Nga mang theo nhiều bảo vật của hoàng cung, giấu dưới chiếc rương có hai đáy do quan hầu cận tin cẩn của ông: Lý Quốc Hùng thiết kế (xem Kỳ 71).
Lý Quốc Hùng kể:
Ở Nga, Phổ Nghi gọi Lý đến, chỉ chiếc rương da (dùng đựng máy quay phim) dài chừng 45cm, rộng 15cm, cao 60cm, bảo hãy tìm cách giấu các bảo vật trong chiếc rương ấy. Lý nói muốn vậy phải tạo đáy rương thành hai lớp mới được. Bằng cách “rọc lớp nhung đen trong rương ra, lót một miếng ván gỗ dưới đáy, sau đó canh đến độ cao nhất định thì lấy miếng ván khác đậy lên, xong rồi dán vải nhung đen lại, như vậy rất khó nhìn ra” (Vương Khánh Tường,sđd ở Kỳ 71, tr. 434).
Phổ Nghi khen hay, thúc Lý Quốc Hùng thực hiện. Lý dùng con dao cùn làm “rương hai đáy” vào ban đêm, vì ngại ban ngày dễ bị tạp vụ lui tới phát hiện. Qua ba đêm mới xong, Phổ Nghi“đem ngọc thạch, phỉ thúy, đồng hồ… đặt vào – tổng cộng có 468 món – bên trên đáy giả xếp đầy quần áo mặc thường ngày. Nếu không dùng thước đo thì khó phát hiện rương này có hai đáy. Phổ Nghi nhìn trái nhìn phải có vẻ rất hài lòng”. Có điều, bảo vật nào kích thước lớn không giấu dưới đáy rương đành để ngoài, cộng thêm một số khác có giá trị thấp hơn, được Phổ Nghi gom lại và thông qua Cục Nội vụ địa phương hiến tặng chính phủ Liên Xô. Cục trưởng Cục Nội vụ phái ngay những chuyên gia đến thẩm định, tiếp nhận và ngỏ lời cảm ơn. Dịp ấy “Phổ Nghi đưa ra yêu cầu được sống tại Liên Xô” (sđd. tr.436) – để khỏi bị dẫn độ về Trung Quốc.
Sau cuộc “hiến tặng”, còn nhiều bảo vật khác Phổ Nghi tiếc nuối giữ lại, như không ít đồ trang sức bằng bạch kim cẩn đá quý, song chưa biết cất giấu vào đâu. Lý Quốc Hùng phải may “trong áo veste của ngài một cái túi” để đựng những thứ đó. Nhưng “khi tắm cũng phải cởi y phục để bên ngoài, như vậy thì không an toàn, vì nếu chẳng may bị phía Liên Xô phát hiện, chắc chắn bảo vật sẽ bị tịch thu. Điều Phổ Nghi lo lắng hơn cả (khi gặp phải trường hợp bị phát hiện còn sót bảo vật chưa hiến tặng) là sẽ mất tín nhiệm. Công lao hiến tặng bảo vật trước kia thành công toi (có thể dẫn đến) nguyện vọng được sống tại Liên Xô trở thành ảo tưởng”.
Phổ Nghi quyết định “thà mất bảo vật chứ không để mất tín nhiệm với Liên Xô – vậy là ngài chọn độ 500 viên trân châu hơi nhỏ và không được tròn lắm giao cho tôi (Lý Quốc Hùng) đi tiêu hủy”.Và “đêm đó tôi chất nhiều củi trong lò sưởi cho lửa cháy to, rồi ném trân châu vào – Phổ Nghi luôn đứng một bên nhìn và không có ý gì luyến tiếc” (sđd. tr.437).
Nhưng còn kim cương ?
Phổ Nghi lúng túng chưa biết phải làm thế nào. Bởi “giấu không giấu được, hiến (thêm cho Liên Xô) thì không hiến được (…) vì lúc đầu không tặng một lượt luôn, mà nếu hiện giờ đem ra thì phía Liên Xô chắc chắn nghĩ ngài còn nhiều cổ vật khác, như thế thì hỏng bét”.
Để bạn đọc rõ tâm trạng Phổ Nghi lúc ấy – cũng như những gì mà người hầu cận tin cẩn của Phổ Nghi (Lý Quốc Hùng) chứng kiến và kể lại, kèm lời xác định “người già có thể trí nhớ có sai lầm nhưng tôi tuyệt đối không lưu lại nửa câu nói dối với đời sau” – chúng tôi trích nguyên văn đoạn dịch sau đây của Phượng Thủy:
“Trước tiên, Phổ Nghi đưa cho Dục Nham (cháu Phổ Nghi) một viên kim cương đường kính 2cm bảo đi đập nhỏ ra rồi ném đi để người khác không nhìn thấy. Không ngờ, viên kim cương này cứng quá đập không bể được. Dục Nham đành chịu bó tay. Phổ Nghi liền bảo tôi tiếp tục sứ mạng hủy bảo vật. Tôi hỏi Dục Nham tìm cách nào đập, anh ta nói dùng búa sắt đập nhưng không bể. Tôi không tin. Dục Nham thách tôi làm thử.
“Đêm đó, chờ cho chung quanh vắng lặng, không người, tôi vác cây búa to chuồn ra cửa sau. Tôi đặt viên kim cương trên bậc cửa xi măng rồi dơ búa thẳng cánh đập xuống. Hai lần đầu, kim cương trơn trợt, búa đập xuống nó lăn đi. Lần thứ ba đập mạnh xuống nền xi măng dầy 2cm (nền xi măng bị bể) mà viên kim cương vẫn trơ ra không mẻ một chút nào. Kim cương cứng chắc đến nỗi người ta phải kinh ngạc.
“Sau khi nghe tôi báo cáo, Phổ Nghi quyết định không đập nữa, cũng không ném đi, mà đem kim cương và các thứ bảo vật khác phân phát cho bọn tôi (4 người theo hầu) – ngài còn năm lần bảy lượt căn dặn bọn tôi không được để phía Liên Xô biết.
“Tôi nhớ Phổ Nghi đã cho tôi ba món: một viên kim cương, một huy hiệu bằng lam ngọc, một huy hiệu dùng gắn trên mũ. Ba người cháu của ngài (Dục Nham, Dục Chiêm, Dục Đường) mỗi người được 3, 4 món.
“Cất ở đâu mới ổn? Cuối cùng tôi nghĩ ra cách: giấu trong xà bông thơm (…) tôi đem mấy món đồ nhét vào trong miếng xà bông rồi nắn trở lại hình dạng cũ, vuốt cho nó không còn cạnh, góc như đã dùng qua, đem phơi khô, sau đó cất đi (sđd. tr. 452-453).
Phổ Nghi còn giao Lý Quốc Hùng một sợi dây chuyền bạch kim “cẩn kim cương lấp lánh tuyệt đẹp” ném vào ống khói lớn. Những người khác đem chôn bảo vật dưới góc tường, bên đường đi lót gạch, hoặc trong chậu đất trồng hoa… Kim cương, vòng ngọc, nhẫn vàng phát tán vội vàng trong đêm tối, không tránh khỏi bị rơi vãi ít nhiều. Nên trời sáng, lính gác của Liên Xô lượm được đem hỏi Phổ Nghi: “Vật này của ai?”

No comments:

Post a Comment