Thursday, April 2, 2015

Mao Trạch Đông qua sách báo Trung Quốc ngày nay 73


Mao Trạch Đông qua sách báo Trung Quốc ngày nay 73


Kỳ 73: Nguyên soái La Vinh Hoàn và hồ sơ đặc biệt của tù chính trị 981.
Kỳ 74: Hành trình bạo lực của “đế quốc mặt trời đỏ”
Kỳ 75: Mao Trạch Đông – ‘Hoàng đế đỏ’ của Trung Hoa cộng sản!

Kỳ 73: Nguyên soái La Vinh Hoàn và hồ sơ đặc biệt của tù chính trị 981

Giao Hưởng Đăng Bởi Một Thế Giới – 20-10-2014
Nguyên soái La Vinh Hoàn là người duy nhất trong 10 vị nguyên soái Trung Quốc thoát khỏi vòng thanh trừng của Mao Trạch Đông và Giang Thanh trong 10 năm cách mạng văn hóa vô sản.
Phổ Nghi với các tướng lĩnh Nhật sau này được tái dựng trong điện ảnh
Phổ Nghi với các tướng lĩnh Nhật sau này được tái dựng trong điện ảnh
Là do La Vinh Hoàn qua đời sớm (1963) – vào trước ngày bùng nổ cách mạng văn hóa ba năm (1966).
Ông sinh 1902 – đồng hương với Mao Trạch Đông (tỉnh Hồ Nam) – nằm trong bộ chỉ huy (do nguyên soái Chu Đức làm tổng tư lệnh) của “bách đoàn đại chiến” (100 trung đoàn mở trận đánh lớn) với trên 200.000 quân, chỉ trong 45 ngày (của mùa thu 1940) đã “tác chiến 1.824 trận, giết và làm bị thương hơn 20.000 quân Nhật, phá hoại 474km đường sắt, hơn 1.500km đường bộ, hơn 260 cầu cống đường ngầm” (thương vong của “bách đoàn”: 17.000 quân). Đó là “chiến dịch tiến công có tính chiến lược, quy mô lớn nhất, thời gian dài nhất” tại vùng Hoa Bắc, làm“rung chuyển cả nước Trung Hoa” (Mao Mao – sđd Kỳ 53-54, tr. 605).
* Trước “bách đoàn đại chiến”: Phổ Nghi ở ngôi hoàng đế Mãn Châu quốc (do Nhật lập nên và bảo hộ bắt đầu từ 1933-1934) đã công bố “quốc gia tổng động viên, tất cả phục vụ cho chiến tranh xâm lược của Nhật”(1938), phổ biến “nghị định thư liên quan đến việc ngụy Mãn gia nhập hiệp định phòng chống Cộng của liên minh Đức – Nhật – Ý” (1939).
* Sau “bách đoàn đại chiến: Phổ Nghi công bố “Quốc phòng bảo an pháp và Quốc phòng tư nguyên bí mật bảo hộ pháp đem vùng Đông Bắc (của Trung Quốc) biến thành địa bàn cơ sở cho chiến tranh Thái Bình Dương” do Nhật phát động (1941) và thi hành “Quốc binh pháp cung ứng bia đỡ đạn cho chiến tranh xâm lược của Nhật, trưng binh đến 140.000 quân”(1945) – Vương Khánh Tường, sđd kỳ 71, tr. 574-577.
Những hoạt động tương tự của Phổ Nghi gây tổn thất cho cuộc kháng chiến của quân dân Trung Quốc chống xâm lược Nhật ghi lại qua hồ sơ do nguyên soái La Vinh Hoàn, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân giải phóng, ký xét năm 1954 (theo điều tra của Triệu Hoán Văn) sau hơn 3 năm giam giữ và truy cứu tội phạm (23.7.1950 – 21.3.1954) của vua Phổ Nghi “tù chính trị cá biệt mang số 981” – để trình Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai,.

Vua Phổ Nghi trong nhà tù với số áo 981
Theo sách báo xuất bản tại Trung Quốc và hồ sơ giải mật những năm gần đây, lúc quân Nhật bị hồng quân Liên Xô đánh tan trên đất Trung Hoa, ngày 9.8.1945 tư lệnh quân Quan Đông của Nhật là Sơn Điền Ất Tam cùng tham mưu trưởng Tần Ngạn Tam Lang đi thẳng vào cung Trường Xuân (Mãn Châu quốc) gặp Phổ Nghi hối thúc phải lập tức rời khỏi Trung Quốc, vì đại quân Liên Xô đang đến gần. Phổ Nghi sai tập trung lựa chọn châu ngọc và những vật quý nhất trong kho báu nhà Thanh do Phổ Nghi còn giữ được “chất đầy hơn 70 rương, phần lớn trong đó đều là quốc bảo” có cả long bào Thanh triều mà Phổ Nghi mặc, cùng rất nhiều sổ sách cơ mật (Vương Khánh Tường, sđd. tr. 378).
Hai ngày sau 11.8.1945 – xe quân đội Nhật đến chở số rương bảo vật và đón Phổ Nghi lên chiếc xe hơi riêng màu đỏ, cùng những người tùy tùng (lên xe tải), phóng đến ga Trường Xuân, về Cát Lâm, chạy thẳng tới hẻm núi Đại Lật Tử dừng lại.

Quan tùy cận Lý Quốc Hùng kiểm tra hành lý và số bảo vật đã phát hiện có nhiều món không cánh mà bay, đáng tiếc là chiếc mão khảm châu ngọc “do đích thân tôi (Lý Quốc Hùng) sắp vào rương, cũng chính tôi đem rương đó chất lên quân xa Nhật. Tôi rất chú ý món đồ này vì thừa biết nó quý giá. Nghe nói viên trân châu to, đường kính đến 4cm đó được phát hiện trong thời vua Càn Long. Một hôm, nửa đêm vua Càn Long đang tản bộ bỗng thấy trong hồ nước ở Hải Điện Ly Giang phát ra ánh sáng trắng liên tục hai ba ngày như vậy. Vua Càn Long cảm thấy lạ lùng nên phái người xuống hồ mò tìm. Từ chỗ phát sáng bắt gặp một con sò, tách vỏ nó ra thì tìm được viên trân châu đó. Về sau cẩn nó trên mão vua. Ở Đại Lật Tử tôi lật tìm tất cả rương hòm cũng không thấy. Tôi báo cáo việc này với Phổ Nghi nhưng ngài nào còn tâm trí đâu để quan tâm nhiều như vậy, cho nên chỉ khoát tay cho qua” (Vương Khánh Tường – sđd. tr. 390).
Hai ngày sau, Đại Lật Tử lại bị hồng quân Liên Xô uy hiếp, không còn an toàn nữa, nên phía Nhật thông báo phải cấp tốc lên tàu chuyển về Thông Hóa. Phổ Nghi với 8 người đi theo, gồm: Phổ Kiệt (em trai ruột), Nhuận Kỳ và Vạn Gia Huy (hai em rễ), Dục Nham, Dục Đường và Dục Chiêm (cháu), Hoàng Tử Chính (bác sĩ) và Lý Quốc Hùng (tùy hầu) rời tàu hỏa, lên xe hơi đến phi trường Thông Hóa, thấy ở đó: “chỉ có toàn phi cơ nhỏ, Phổ Nghi lên một chiếc có hai động cơ bay trước, bọn tôi phân ra ngồi trên hai chiếc phi cơ bưu chính – còn nhớ loại phi cơ đó, khi khởi động phải dùng dây quay bánh xe chuyển gió trên đầu máy, xem thật hoạt kê, buồn cười!”. 
Bay mãi từ 8 – 9 giờ sáng đến một giờ chiều mới đến Thẩm Dương, để từ đó theo hành trình sẽ bay tiếp về căn cứ nằm trên đất Nhật – như thông báo của Bộ tư lệnh quân đội Nhật.
Nhưng quá bẽ bàng, bởi máy bay vừa chạm đất, không thấy đại diện Bộ tư lệnh Nhật ra đón, mà chỉ có “lính dù của Liên Xô từ bốn phương tám hướng ào ào đáp xuống. Khi tôi đi ra cửa khoang thì thấy phi cơ đã sớm bị quân Liên Xô vây chặt, chúng tôi liền bị áp giải vào phòng chờ. Lúc này Phổ Nghi, Phổ Kiệt.. cũng bỗng chốc sớm thành tù binh của Liên Xô”. Lý Quốc Hùng nhận định: “Phổ Nghi là lễ vật đầu hàng mà Nhật muốn đem hiến dâng cho Liên Xô”(Vương Khánh Tường – sđd. tr. 392-393).
Và Liên Xô tiếp nhận. Viên sĩ quan da trắng ra lệnh ai mang vũ khí trong người phải đưa ra nộp. Người đầu tiên rút khẩu súng lục của mình đặt lên bàn là Phổ Nghi
Kỳ 74: Hành trình bạo lực của “đế quốc mặt trời đỏ”
Phổ Nghi thích “được” giam ở các nhà tù của Stalin có rượu vodka với bánh mì cá hộp hơn là “bị” giam trong các lồng sắt của Mao Trạch Đông ở Cáp Nhĩ Tân…
Quân phát xít Nhật vào Việt Nam trong thời kỳ Thế chiến thứ II
Quân phát xít Nhật vào Việt Nam trong thời kỳ Thế chiến thứ II
Cáp Nhĩ Tân là viên bạch ngọc bên sông Tùng Hoa – trung tâm chính trị văn hóa của vùng Hắc Long Giang – lấp lánh sáng ngời trong mùa có tuyết đông, nên thường được gọi với tên trìu mến “thành phố của hoa tuyết trắng”. Hoặc: Băng thành (Băng đăng chi thành). Là trọng trấn ở vùng biên cương phía Bắc Trung Quốc, Cáp Nhĩ Tân đẹp và được ví như “Mạc Tư Khoa ở phương Đông”, song đối với Phổ Nghi, Cáp Nhĩ Tân đã thành tên gọi “một nỗi lòng” – bởi ở đó ông đã bị Mao Trạch Đông giam cầm trong “cũi sắt” suốt hai năm (xem Kỳ 71).
Nằm trong cũi, ông hồi hộp lo lắng khi nghe cán bộ quản lý đọc công bố về “điều lệnh trừng trị phản cách mạng” và bị đình chỉ không cho xem sách báo, bắt phải tập trung suy nghĩ viết bản tự bạch (9.1951). Gần nửa năm sau (cuối hè 1952), lần đầu tiên Phổ Nghi chịu kể lại tỉ mỉ mối liên hệ giữa ông với guồng máy xâm lăng của “đế quốc mặt trời đỏ Nhật Bản” (lá quốc kỳ của Nhật có biểu tượng “mặt trời đỏ hình tròn” trên nền trắng) tại miền Mãn Châu – Trung Quốc.
Mối liên hệ trên ông cũng đã trình bày với đại diện Cục Nội vụ của Stalin trong 5 năm bị giam giữ tại Liên Xô (1945 – 1950) và Liên Xô từng đưa ông sang Nhật để 8 lần ra trước pháp đình làm nhân chứng tại Tòa án quân sự quốc tế xét xử tội phạm chiến tranh mở tại Tokyo“với hội đồng thẩm phán gồm đại diện 11 nước: Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Áo, Canada, New Zealand, Hà Lan, Philippines. Bị cáo gồm 28 tội phạm chiến tranh người Nhật, những kẻ khởi xướng và tổ chức cuộc chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc Nhật Bản…Kết quả tòa kết án 25 bị cáo với  7 án tử hình, 16 tù chung thân và 2 tù dài hạn”(Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, dẫn ở Kỳ 58, tr. 165).
Nội dung phạm tội bao gồm hậu quả tai hại do đội quân xâm lược của “đế quốc mặt trời đỏ” gây nên trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, như trường hợp: Ngày 13.12.1937, quân Nhật chiếm thủ đô của chính phủ Quốc dân đảng ở Nam Kinh. Tại thành cổ Kim Lăng chúng ra tay tàn sát suốt 6 tuần liền. những người dân lành vô tội Trung Quốc bị chúng giết tập thể, đốt, chôn sống, tổng cộng tới hơn 300.000 người. Máu của quân dân Trung Quốc tử nạn làm đỏ ngầu sông Hoàng Phố, nhuộm đỏ cả Trường Giang” (Mao Mao, sđd ở Kỳ 53-54, tr. 526). Những năm tiếp đó đội quân “mặt trời đỏ” tràn qua biên giới Trung Quốc đến Việt Nam theo những ngày đáng nhớ sau:
2.7.1940: chúng chia thành nhiều đoàn đóng ở các tỉnh biên giới với Trung Quốc như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Móng Cái, Lào Cai, Hà Giang và cảng Hải Phòng – nơi tiếp nhận vũ khí do Mỹ chuyển đến (cho quân đội Tưởng Giới Thạch). Đó là hành động quân sự đầu tiên của Nhật xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.
22.9.1940: quân đội Nhật từ tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc vượt qua biên giới tấn công quân đội Pháp ở Lạng Sơn từ nhiều hướng khác nhau. Đến 25.9.1940, chỉ huy quân Pháp ở Lạng Sơn là tướng Mennerat phải đầu hàng vô điều kiện. Cũng từ ngày đó, Pháp buộc phải cung cấp lương thực cho quân đội Nhật.
26.9.1940: hải quân Nhật trên tuần dương hạm đổ bộ vào bãi biển Đồ Sơn, nhằm chiếm đóng miền ven biển Bắc Kỳ và tả ngạn sông Hồng. Đồng thời cho 3 máy bay ném bom thành phố Hải Phòng (…) liên tiếp đánh chiếm Hà Nội, Bắc Ninh và các địa phương khác”. (Chứng tích Pháp – Nhật trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, nhiều tác giả, Sở VHTT TP. HCM – Trung tâm KHXH & NV TP. HCM, NXB Trẻ 2001, tr. 354-355).
Như vậy, theo trên – chỉ trong chưa đầy ba tháng (7.1940 đến 9.1940)“từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa” (Hồ Chí Minh - Tuyên ngôn độc lập 2.9.1945).
Khoảng cuối năm 1944, quân số của Nhật ở Bắc Kỳ đã lên tới gần 100.000 người (theo tài liệu của J. Laversanne – do bác sĩ Ngô Văn Quỹ dẫn trong Chứng tích Pháp – Nhật.., sđd tr. 401). Cũng theo BS Ngô Văn Quỹ – Bắc Kỳ lúc đó đã thiếu gạo, vì 3 trận bão tàn phá, mùa màng thất thu, lại thêm bị quân Nhật buộc phải nhổ lúa để trồng cây công nghiệp cung ứng cho kỹ nghệ chiến tranh Nhật. Phải nuôi thêm 100.000 miệng ăn của lính Nhật, nên nông thôn miền Bắc kiệt quệ và dẫn đến thảm họa của nạn chết đói năm Ất Dậu 1945.
Xét đến tội phạm chiến tranh do “đế quốc mặt trời đỏ” gây ra không thể không nhắc đến nạn đói kinh hoàng đó – mà một nhân chứng lịch sử là nông dân Văn Khuê kể và ghi qua Mây trắng đường Trường Chinh (NXB Văn nghệ TP. HCM 1997, trang 22 – dẫn theo Lê Thùy Trang):
“Ngay tại thủ đô Hà Nội, hàng hàng lớp lớp dân quê ở các vùng lân cận người người lết tới. Họ tụ tập quanh các chợ, các quán ăn, các đình chùa, nhà thờ, các nơi vui chơi giải trí, sống vất vưởng ở lề đường ngửa tay xin ăn. Người nào người nấy siêu siêu, vẹo vẹo, chập chờn như cái bóng ma, chân tay gầy đét, xạm đen như những que củi  cháy xém. Mặt mày hốc hác, chỉ còn lại hai hố mắt và hai hàm răng nhô ra trên khuôn mặt gầy vêu. Ác hại thay năm đó sao mà lạnh thế, rét nứt nẻ chân tay, lạnh buốt thấu xương… Thử hỏi những người nghèo khổ, đói ăn, khát uống, màn trời chiếu đất, phơi gió, phơi sương, không chăn, không chiếu, chịu sao cho thấu…”
Hồi nạn đói xảy đến, nhà sử học Nguyễn Đình Đầu ở gần ngã tư Trung Hiền – Bạch Mai kể và ghi trong “Chứng tích Pháp – Nhật…” – sđd tr. 381: “Đầu năm 1945, người chết đói la liệt trên đường phố Hà Nội. Mỗi sáng, xe bịt bùng đi thu lượm xác chết. Sau phải lấy thêm xe bò chở, xác chết chỉ còn da đen đủi bọc xương khẳng khiu, chất đống lên nhau, tay chân chĩa ra như cành củi khô, không có gì che đậy. Người chết hầu hết là dân quê đồng bằng sông Hồng ra Hà Nội xin ăn. Cho nên, ngày nào cũng nhìn thấy những xe xác kinh hãi đau thương ấy đi qua…” 
Kỳ 75: Mao Trạch Đông – ‘Hoàng đế đỏ’ của Trung Hoa cộng sản!
Ngay những năm còn lận đận với cuộc kháng chiến chống Nhật, Mao Trạch Đông đã để mắt đến viễn cảnh của một “thiên triều” mới do Mao thiết lập và làm “Hoàng đế đỏ”…
Mao Trạch Đông – ‘Hoàng đế đỏ’ của Trung Hoa cộng sản!
Mao Trạch Đông – ‘Hoàng đế đỏ’ của Trung Hoa cộng sản!
Thật vậy, qua tài liệu do tự tay Mao viết, với tựa “Cách mạng Trung Quốc và Đảng Cộng sản Trung Quốc” phổ biến năm 1939 (lúc Trung Quốc bước vào năm thứ hai của cuộc kháng chiến 8 năm chống “đế quốc mặt trời đỏ Nhật Bản”) – đã sớm bộc lộ tâm tưởng đó – Mao viết:
- “Sau ngày đánh bại Trung Quốc, các nước đế quốc đã chiếm các nước phụ thuộc của Trung Quốc : Nhật chiếm Triều Tiên, Đài Loan, Lưu Cầu, quần đảo Bành Hồ và Lữ Thuận – Anh chiếm Miến Điện, Butan, Hương Cảng – Pháp chiếm An Nam…”.
Dùng cụm từ “các nước phụ thuộc của Trung Quốc” trong đó có An Nam (Việt Nam) rõ ràng Mao muốn “xóa” và “ghép” chủ quyền của một số quốc gia khác vào nước Trung Hoa của Mao. Mười năm sau (tháng 6.1949), một lần nữa “các nước phụ thuộc” theo ý Mao lại được nhắc đến qua lần tái bản (sách trên) bởi cơ sở Tân Hoa thư điếm – Dực Nam.
Đến 1954, Trung Quốc ấn hành “Sơ lược lịch sử Trung Quốc hiện đại” tại Bắc Kinh kèm tấm bản đồ vẽ lãnh thổ Trung Quốc bao gồm nhiều nước Đông nam châu Á và vùng biển Đông một cách trắng trợn.  
Đẩy xa hơn, chủ tịch Mao Trạch Đông không cần giấu giếm, nói thẳng với các đại biểu Đảng Lao động Việt Nam (tức Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay) tại hội đàm Vũ Hán năm 1963 về chủ trương bành trướng của giới cầm quyền Trung Nam Hải:
– Tôi sẽ làm chủ tịch của 500 triệu bần nông tràn xuống Đông nam châu Á.
Minh họa chủ trương đó, Mao đưa ra một số đối chiếu cụ thể đầy ẩn ý về trường hợp Thái Lan. Mao nói, diện tích cả nước Thái Lan so với một tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc tương đương nhau – nhưng về dân số Tứ Xuyên đông gấp đôi Thái Lan – cần đưa bớt người Trung Quốc xuống Thái Lan cư trú. Mao cũng nói, nước Lào dân cư thưa thớt, Trung Quốc phải đưa người xuống Lào lập nghiệp…
Sau ngày Trung Quốc thử nghiệm thành công bom nguyên tử lần đầu tiên năm 1964, Mao càng quyết liệt và công khai khẳng định chủ trương bành trướng của mình trong Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 8.1965:
– Chúng ta phải giành cho được Đông Nam châu Á, bao gồm cả miền Nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Malaysia và Singapore…
Riêng với Việt Nam ?
Mao Trạch Đông muốn duy trì tình trạng bị chia cắt, không thống nhất và trực tiếp nói với các nhà lãnh đạo Việt Nam (11.1956):
- “Tình trạng nước Việt Nam bị chia cắt không thể giải quyết được trong một thời gian ngắn mà cần phải trường  kỳ… Nếu 10 năm chưa được thì phải 100 năm!”.
Mao đặc biệt muốn nắm Việt Nam làm bàn đạp mở đường xuống các nước khác ở phương nam. Tại hội đàm giữa lãnh đạo của bốn đảng cộng sản: Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia và Lào (Quảng Đông – 9.1963) – thủ tướng Chu Ân Lai đánh tiếng:
– Nước chúng tôi thì lớn nhưng không có đường ra, cho nên rất mong Đảng Lao động Việt Nam mở cho một con đường mới xuống Đông nam châu Á.
Xâu chuỗi các phát biểu trên cũng đủ để nhận ra phần nào “giấc mộng thiên triều đỏ” được Mao và các đại thần Trung Nam Hải ấp ủ. Để rõ hơn – và để các bạn tham khảo thêm, chúng tôi trích nguyên văn dưới đây một đoạn trong văn kiện quan trọng “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua” của Bộ Ngoại giao nước CHXHCN VN công bố ngày 4.10.1979:
“Những người cầm quyền Bắc Kinh rêu rao cái gọi là “chủ quyền” của họ đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đầu năm 1974, với sự đồng tình của Mỹ, họ đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, bộ phận lãnh thổ của Việt Nam để từng bước kiểm soát biển Đông, khống chế Việt Nam và toàn bộ Đông nam châu Á, đồng thời khai thác tài nguyên phong phú ở vùng biển Đông (…) Những người lãnh đạo Trung Quốc coi Việt Nam là một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu đối với chiến lược của họ, luôn luôn tìm cách nắm Việt Nam. Muốn như vậy, nước Việt Nam phải là một nước không mạnh, bị chia cắt, không độc lập và lệ thuộc Trung Quốc. Trái lại, một nước Việt Nam độc lập, thống nhất và giàu mạnh, có đường lối độc lập tự chủ và đường lối quốc tế đúng đắn là một cản trở lớn cho chiến lược toàn cầu của những người lãnh đạo Trung Quốc, trước hết là cho chính sách bành trướng của họ ở Đông nam châu Á.
“Đó là nguyên nhân vì sao trước đây họ vừa giúp, vừa kiềm chế cách mạng Việt nam, mỗi khi Việt Nam đánh thắng đế quốc thì họ lại buôn bán, thoả hiệp với đế quốc trên lưng nhân dân Việt Nam. Vì sao từ chỗ giấu mặt chống Việt Nam họ đã chuyển sang công khai thù địch với Việt Nam và đi tới trắng trợn tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam?.
“Chính sách của những người lãnh đạo Trung Quốc muốn thôn tính Việt Nam nằm trong chính sách chung của họ đối với các nước Đông nam châu Á cũng như đối với các nước láng giềng khác. Họ đã muốn chiếm đất đai của Ấn Độ và thực tế đã chiếm một bộ phận đất đai của Ấn Độ trong cuộc chiến tranh năm 1962; Họ không muốn có một nước Ấn Độ mạnh mà họ cho rằng có thể tranh giành với họ “vai trò lãnh đạo” các nước Á-Phi. Họ vẫn mưu toan chiếm Mông Cổ, mặc dù họ đã công nhận nước Cộng hoà nhân dân Mông Cổ là một quốc gia độc lập (…) Họ tập trung mọi cố gắng để dấy lên một cuộc “thập tự chinh quốc tế” của các lực lượng đế quốc và phản động chống Liên Xô dưới chiêu bài “chống bá quyền” theo công thức của chủ tịch Mao Trạch Đông “Ngồi trên núi xem hổ đánh nhau”. Như nhiều nhà chính trị và báo chí Tây Âu nhận định, Trung Quốc quyết tâm “đánh Liên Xô đến người Tây Âu cuối cùng” – cũng như Trung Quốc trước đây đã quyết tâm “đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng”.
Lúc còn sống, Mao không thực hiện trọn giấc mộng “hoàng đế đỏ” với các chư hầu bao quanh. Nhưng lớp hậu duệ của Mao đã và đang tiếp tục ảo vọng kia, đã và đang làm biển Đông dậy sóng. Mấy ngày qua (từ 20.10.2014), các nhà quan sát thời cuộc và giới truyền thông quốc tế cảnh báo về những hoạt động mới nhất của Trung Quốc trên vùng đá Chữ Thập và các bãi đá khác ở Trường Sa (mở rộng mặt bằng, xây sân bay và tiền đồn chiến lược). Trường Sa (với đá Chữ Thập) thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc cưỡng đoạt theo trình tự và thủ đoạn ra sao ? Tài liệu sẽ trưng dẫn ở kỳ sau…

No comments:

Post a Comment