Thursday, April 2, 2015

Mao Trạch Đông qua sách báo Trung Quốc ngày nay 84

Mao Trạch Đông qua sách báo Trung Quốc ngày nay 84

Kỳ 84: Tiên tri về tương lai Trung Quốc (I): Những bảo vật trấn địa ở Tào Khê
Kỳ 85: Tiên tri về tương lai Trung Quốc (II): Tiến lên Lưỡng Quảng sơn hà ngày xưa

Kỳ 84: Tiên tri về tương lai Trung Quốc (I): Những bảo vật trấn địa ở Tào Khê

Giao Hưởng Đăng Bởi Một Thế Giới 18-11-2014
Những tiên tri về tương lai Trung Quốc có mối liên hệ sâu xa với những tiên tri trong quá khứ tại thắng địa Tào Khê (Quảng Đông) – nơi lực lượng công an thời Mao Trạch Đông phái đến chiếm giữ gây chấn động mạng mạch nơi này vào năm 1951…
Bể nước Thần linh thiêng ở chùa Nam Hoa bên suối Tào Khê, nơi xưa kia Lục Tổ Huệ Năng dạy Thiền cho thánh chúng
Bể nước Thần linh thiêng ở chùa Nam Hoa bên suối Tào Khê,
nơi xưa kia Lục Tổ Huệ Năng dạy Thiền cho thánh chúng
Trong các bảo vật trấn địa (được khắc lên tấm bia dựng tại Tào Khê theo sắc chỉ của vua Đường Huyền Tông có “tín y truyền từ Tổ Bồ-đề Đạt-ma với y bát do vua Trung Tôn ban, chơn tượng (Lục tổ Huệ Năng) do Phương Biện đắp (…) thảy đều giao cho người coi tháp chăm sóc giữ gìn, vĩnh trấn Bảo Lâm”.
Bảo Lâm là ngôi cổ tự dựng lên theo lời tiên tri cách đây 1.500 năm của đại sư Trí Dược. Ngài là vị cao tăng ở miền Tây Ấn Độ sang Trung Hoa năm 502, đến suối Tào Khê dừng lại, bụm tay vốc nước uống, khen:
– Nước ở đây ngọt mát chẳng khác gì nước ở Tây Thiên Trúc, vậy thế nào trên nguồn suối này cũng là nơi thắng địa.
Đúng như lời ngài, khi đại sư cùng các đệ tử ngược theo dòng nước lên đầu nguồn, thấy hiện ra dưới tầm nhìn cả vùng núi non xanh biếc với khí chất thanh tịnh lạ lùng. Ngài gọi dân làng Tào Hầu quanh đó lên Tào Khê, báo trước với họ:
– Khoảng 170 năm nữa sẽ có nhục thân Bồ Tát đến nơi này diễn hóa pháp môn vô thượng, giúp số người đắc đạo nhiều như cây rừng. Vậy bây giờ nên lập một cảnh chùa, đặt tên là Bảo Lâm (đắc đạo giả như lâm, nghi hiệu Bảo Lâm).
Vị quan địa phương đem chuyện ngài Trí Dược tâu về triều. Vua Lương Võ Đế chấp thuận, sai lập một ngôi chùa ở Tào Khê và ban cho tấm biển ghi tên chùa: Bảo Lâm (tức chùa Nam Hoa).
Quả nhiên hơn 170 năm sau, Lục tổ Huệ Năng (vị Tổ thứ 6 của Thiền tông Trung Hoa và là vị Tổ thứ 33 truyền trực tiếp từ Đức Phật Thích-ca Mâu-ni xuống) đến chùa Bảo Lâm năm 677, khai pháp môn vô thượng cứu người.
Khi diễn nói về “Vô thượng đại niết-bàn – Viên-minh thường tịch chiếu”, ngài có nhắc đến tai họa trong “kiếp hỏa” (kiếp lửa bừng cháy thiêu hủy tất cả) như sau: Kiếp hỏa thiêu đáy biển – Gió thổi núi va nhau (Kiếp hỏa thiêu hải để – Phong cổ sơn tương kích). Nghĩa là sẽ đến thời nào đó lửa nóng bao trùm khắp nơi, nước dưới đáy biển sôi lên sùng sục, gió thổi các ngọn núi bay lên khỏi mặt đất va chạm vào nhau vỡ nát. Tất cả sẽ được báo trước bằng những cơn động đất, cái chết đầy trời, hiếm ai còn sống sót.
Về cảnh động đất (giữa thế kỷ 20) được hòa thượng Hư Vân – người chỉnh sửa phong thủy, xoay lại hướng chảy của dòng sông trước mặt Tào Khê (chùa Nam Hoa) thuật lại:
* Động đất ở Côn Minh: “lúc 12 giờ đêm ngày mồng hai tết, tháng giêng năm Nhâm Tý (1912) bỗng xảy ra trận động đất dữ dội: tường thành, nhà cửa, phòng ốc… đồng loạt đổ sạch, người chết rất nhiều (…) tôi cũng đi theo, cùng mang dụng cụ đến để phụ đào lấy thây người trong đống đổ nát. Trải qua 5 ngày, số thi thể người lớn, trẻ em lấy ra được tổng cộng hơn 800. Trong đó có 84 cặp vợ chồng đang ngủ bị nạn. Có đôi vợ chồng bị chôn vùi nằm dưới đống đổ nát ngót mấy ngày, vậy mà khi được cứu lên vẫn còn sống và chẳng hề bị chút thương tích”.
* Động đất ở Đại LýNăm 1914, lúc hòa thượng Hư Vân 75 tuổi đã “sang biên giới Tây Tạng tham quan 13 ngôi chùa của các vị lạt-ma”. Ngài viết: “năm này tôi đang giảng kinh tại Long Hoa Sơn, thì 4 huyện trong phủ Đại Lý phát sinh địa chấn kinh hồn. Tại Đại Lý là nặng nhất: nhà cửa thành quách đều nhất loạt sụp đổ không còn gì. Chỉ có chùa viện, bảo tháp là không đổ, vẫn đứng yên như cũ.
Trong cơn địa chấn, đất rung chuyển nứt nẻ trầm trọng, còn phát sinh lửa cháy ngùn ngụt tràn lan. Người ta tranh nhau chạy lánh nạn, thì dưới chân đất bỗng nứt ra, làm họ bị lọt xuống mắc kẹt trong đó, họ cố hết sức trèo lên, nhưng vừa ló được cái đầu thì đất liền khép lại, cắt đầu đứt lìa thân thể họ, nằm mắc lại trên đất. Cảnh tượng hãi hùng nhìn giống như người đang sống mà bị hãm trong địa ngục lửa thiêu, thảm đến mắt chẳng nỡ nhìn.
Mấy ngàn hộ dân trong thành tử nạn gần hết, sống sót rất ít. Trong đây có hai tiệm vàng: Tiệm Vạn Xương của họ Triệu và tiệm Trạm Nhiên của họ Dương – khi lửa cháy đến nhà hai gia đình này thì tự tắt. Chỗ họ ở cũng không hề bị địa chấn. Nhân khẩu mỗi nhà có mấy mươi người, nhưng tất cả đều bình an vô sự. Nguyên do là hai họ này, đời đời ăn chay trường và hay làm phước bố thí nên mới chiêu cảm được quả lành hy hữu như vậy. Ai biết chuyện cũng đều xúc động” (Hư Vân niên phổ – sđd Kỳ 49-50-51, tr. 131 & 134).
Chuyện quá khứ là vậy. Chuyện tương lai cũng được thiền sư Hư Vân báo trước. Tiên tri cũng từa tựa như những “chuyện khó tin”, song nhiều chuyện khó tin đã “là sự thật”. Xưa kia, ngài Di Lặc nói: trong một cái búng ngón tay có đến 32 triệu tế niệm (tức là những ý nghĩ vi tế khởi lên trong tàng thức của mỗi người). Trước con số khổng lồ như vậy, không một ai có thể kiểm tra hoặc kiểm soát được chúng bằng kinh nghiệm giác quan, bề dày tri thức, hoặc bằng nghị lực thông thường của mình được. Cũng như không ai có thể nhìn thấu suốt đường đi của ánh sáng đang di chuyển trước mặt mình với một tốc độ “siêu nhanh”: hơn 330.000km trong một tích tắc giây. Các tiên tri nảy sinh từ những chiêm nghiệm bên ngoài (kết hợp chiêm tinh học) như ở Tây Tạng. Nhưng, tiên tri cũng có thể xuất phát từ bên trong tự tánhnhư trường hợp kể trên ở Trung Quốc (đại sư Trí Dược). Thêm một trường hợp khác, ngài Huệ Năng báo trước:
“Sau khi ta tịch diệt chừng 5-6 năm, sẽ có một người đến lấy đầu ta. Hãy nghe lời sấm này:Đầu thờ cha mẹ – Miệng cần miếng ăn – Gặp nạn tên Mãn – Dương, Liễu làm quan (Đầu thượng dưỡng thân – Khẩu lý tu san – Ngộ Mãn chi nạn – Dương, Liễu vi quan).
Sau khi Ngài nhập tháp (năm 713), tới năm Khai Nguyên thứ 10 (Nhâm Tuất 722, đời vua Đường Huyền Tông), nhằm nửa đêm ngày mùng 3.8, thình lình nghe trong tháp như có tiếng kéo dây sắt. Chúng tăng giật mình thức dậy, ngó thấy một người từ trong tháp chạy ra. Tìm thấy có vết thương từ nơi cổ sư, liền đem chuyện kẻ trộm trình lên châu huyện (…) ngày thứ 5, bắt được tội phạm”, khai tên Trương Tịnh Mãn “có nhận hai chục ngàn quan tiền của một vị Tăng xứ Tân La (thuộc Cao Ly, Triều Tiên ngày nay) để đi lấy trộm đầu của Lục tổ đại sư đưa cho vị ấy đem về xứ lễ bái cúng dường” (Pháp bảo đàn kinh – Đoàn Trung Còn và Huyền Mặc Đạo Nhân đồng dịch, Phật học tòng thư Sài Gòn 1972 – NXB Tôn giáo Hà Nội 2002).
Rõ ràng, lời sấm của ngài Huệ Năng ứng với việc Trương Tịnh Mãn (gặp nạn tên Mãn) đến lấy trộm đầu nhằm thời Dương Khản làm huyện lệnh và Liễu Vô Thiểm làm thứ sử (Dương, Liễu làm quan). Các tiên tri trên được nhắc đến trong Pháp bảo đàn kinh – cuốn sách (pháp ngữ) duy nhất được gọi là Kinh – ghi chép những lời dạy của Lục tổ Huệ Năng về pháp vô thượng – vẫn đang được lưu giữ, hoặc đọc tụng, giảng giải tại tất cả các ngôi chùa theo thiền tông hiện nay ở Trung Quốc và Việt nam.
Còn ở Tây Tạng, các câu tiên tri được khắc trên đá thường kèm theo hình vẽ vị trí các ngôi sao với những giải đoán về đường đi của các ngôi sao đó qua “bầu trời tương lai”. Ở đây, theo chỗ chúng tôi được mách bảo, vào một ngày Thìn, khi chòm sao Thiên Bình (Libra) bất ngờ di chuyển lệch qua hướng đông quá giới hạn bình thường và sao Cang Kim Long bị cuốn hút về phía chòm Trinh Nữ (Virgo) – thì dưới đất sông Trường Giang như con rồng khổng lồ nằm ngủ trên nền lục địa Trung Hoa thức giấc, quẫy mình. Con sông dài nhất của Trung Quốc này sẽ dậy sóng, mở đầu tai họa của một trận “hồng thủy” tràn ngập chân trời.
Kỳ 85: Tiên tri về tương lai Trung Quốc (II): Tiến lên Lưỡng Quảng sơn hà ngày xưa
Tào Khê và toàn tỉnh Quảng Đông ngày trước thuộc lãnh thổ Việt Nam: “Nếu (Mao Trạch Đông và các nhà lãnh đạo Trung Nam Hải) quả thật muốn trung thành với chủ trương phải giao hoàn các lãnh thổ bị lấn chiếm do chiến tranh võ trang (như Mao mong muốn) thì trước hết Trung Quốc phải giao hoàn cho Việt Nam toàn thể lãnh thổ nước Nam Việt do Triệu Vũ Vương thiết lập năm 207 trước C.N. bao gồm vùng trung nguyên Trung Quốc với các tỉnh Hồ Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, đảo Hải Nam và Việt Nam” (Luật sư Nguyễn Hữu Thống – Hoàng Sa – Trường Sa theo Trung Quốc sử).
Vua Quang Trung từng chuẩn bị xuất binh đòi lại hai vùng đất Quảng Đông và Quảng Tây của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm giữ
Vua Quang Trung từng chuẩn bị xuất binh đòi lại hai vùng đất Quảng Đông
và Quảng Tây của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm giữ
Tài liệu trên ghi: Năm 181 trước CN, sau khi đánh thắng quân Tây Hán tại quận Trường Sa “Triệu Vũ Vương xưng đế hiệu là Nam Việt hoàng đế, ngang hàng với Hán cao tổ tại miền Bắc Trung Quốc”.
Lam Giang Nguyễn Quang Trứ qua cuốn “Vua Quang Trung”, NXB Thanh Niên tái bản, Hà Nội 2004, viết: “Đất nước Nam Việt đã được vua Hán Văn Đế công nhận biên giới từ Ngũ Lĩnh trở về Nam. Thế mà, sau ngàn năm Bắc thuộc, đến khi khôi phục độc lập, người Việt vẫn không thu hồi được trọn vẹn phần đất Giao Châu, bỏ mất quận Hợp Phố, nói gì đến Quảng Châu gồm: Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm”.
Khôi phục lại phần lãnh thổ của nước Việt ở Lưỡng Quảng (Quảng Đông và Quảng Tây) là chuyện “nghĩ còn chưa dám huống chi làm! Nhưng vua Quang Trung dám dự định việc ấy. Ngài cho rằng Mãn Thanh bất quá chỉ là một bộ tộc hậu Kim mà thống trị cả Trung Hoa rộng lớn, thế thì tại sao Đại Việt lại không thu lại nổi bản đồ nước Nam Việt ngày xưa”. Vua Quang Trung thường nói với các quan thị giảng: “Không ai làm thì để ta làm cho mà coi!” (sđd. tr. 115).
Gia Long và Quang Trung là hai vị hoàng đế thù địch nhau “một mất một còn”, song riêng việc Quang Trung – Nguyễn Huệ đòi Trung Quốc trả đất thì vua Gia Long ngỏ lời khâm phục hoài bão ấy: “Ngươi Huệ quả thật là một đấng anh hùng, việc không dám nghĩ tới mà y nghĩ tới!”. Hàng ngũ nho sĩ trí thức đương thời “cũng có nhiều người tán thành mưu đồ kỳ vĩ của vua Quang Trung, như Phạm Đình Hổ có câu: Vương sư bắc định Đông, Tây Việt – Gia miếu vô vong cáo nãi ông” (sđd. tr. 117). Lam Giang Nguyễn Quang Trứ phóng dịch:
Ngày nào quân Việt chúng ta
Tiến lên Lưỡng Quảng  sơn hà ngày xưa
Nén hương con cáo bàn thờ
Suối vàng cha vẫn đợi chờ tin vui

Để chuẩn bị “tiến lên Lưỡng Quảng”, vua Quang Trung không chỉ lo đường bộ mà còn nghĩ đến lợi thế đường biển. Sách Gia Khánh Đông Nam Tỉnh Hải Ký của Trung Quốc chép: Quang Trung “nhóm họp quân vong mệnh ở duyên hải, cấp cho binh thuyền, phong chức tước” thường đợi đến mùa hè nắng ráo kéo sang vùng Triết Giang, Phúc Kiến do thám, quấy phá: “mùa thu rút về, tông tích khôn lường, gây họa lớn cho tỉnh Quảng Đông”. Lại sai may 200.000 chiếc chiến bào, hẹn khi nào may đủ số sẽ xuất quân đánh sang Quảng Tây.
Vua Quang Trung sai danh tướng Võ Văn Dũng cầm đầu sứ bộ Đại Việt sang Trung Quốc (thời vua Càn Long) để: 1. Cầu hôn công chúa 2. Xin đất để lập kinh đô mới (thực ra là đòi trả lại vùng lãnh thổ Trung Quốc đã chiếm đoạt của Việt Nam ngày trước). Cả hai việc đều được chấp thuận “vua Càn Long bằng lòng gả một công chúa Mãn Thanh cho vua An Nam (Quang Trung) và cho đất Quảng Tây để đóng đô” (sđd. tr. 117). Chuyện đang dở dang, vua Quang Trung đột ngột qua đời nên sứ bộ Võ Văn Dũng phải dâng biểu báo tin buồn “rồi ôm hận trở về” vì chưa khôi phục được chủ quyền Đại Việt ở vùng Nam Trung Quốc trong đó có Quảng Đông.
Quảng Đông – nơi có thánh địa Tào Khê – và là nơi ngài Bồ-đề Đạt-ma (từ Ấn Độ sang Trung Quốc) đặt chân đến năm 520 (sau gần 3 năm lênh đênh trên biển).
Khi Bồ-đề Đạt-ma có mặt tại Quảng Đông, hoạt động thiên văn học và tiên tri thành văn đã xuất hiện tại Trung Quốc từ lâu đời. Vào cuối nhà Thương, các nhà thiên văn và tiên tri cổ đại ngạc nhiên khi quan sát thấy 5 ngôi sao: Kim tinhHỏa tinhThủy tinhThiên vương tinh vàDiêm vương tinh hội tụ nhau trên bầu trời ngày 28.5.1059 TCN. Họ tiên đoán một biến cố trọng đại sẽ xảy ra trong tương lai gần. Trong vòng chưa đầy hai thập niên sau, tiên tri đó phù hợp với sự xuất hiện của một danh nhân lịch sử kiệt xuất: Chu Vũ Vương.
Lần khác, cũng 5 ngôi sao trên hội tụ một lần nữa ngày 29.5.205 TCN “báo trước sự sụp đổ của nhà Tần và sự đăng quang của nhà Hán”. Khi một vẫn thạch rơi vào thành phố Lạc Dương ngày 29.11.620, các nhà tiên tri cho biết: “theo như kinh nghiệm đã được ghi chép trong sách vở, hiện tượng trên báo trước cái chết của một tên nghịch tặc đang sống trong khu vực ấy, năm 620 lời tiên tri ứng nghiệm khi quân của Cao Tổ bao vây Lạc Dương và giết chết Vương Thời Trung” (Ts. Dương Ngọc Dũng và Lê Anh Minh – Lịch sử văn minh và các triều đại Trung Quốc, NXB Tổng hợp TP. HCM, quý IV – 2004, tr. 134-135). Với ngài Bồ-đề Đạt-ma, những tiên tri lưu xuất thẳng từ bổn tánh (không thông qua chiêm nghiệm thiên văn) – như lời kệ của ngài:
Ngô bổn lai tư độ
Truyền pháp cứu mê tình.
Nhất hoa khai ngũ diệp
Kết quả tự nhiên thành.

Phỏng dịch: Ta sang đất Trung Hoa. Truyền pháp cứu mê tình. Một hoa nở năm cánh. Kết quả tự nhiên thành.
Câu tiên tri: “Nhất hoa khai ngũ diệp” đã ứng vào lịch sử phát triển của thiền tông Trung Hoa với sự xuất hiện năm thiền phái: 1. Lâm Tế, 2. Tào Động, 3. Vân Môn, 4. Pháp Nhãn, 5. Quy Ngưỡng.
Trong năm thiền phái trên, phái thiền Quy Ngưỡng truyền đến đời Tổ thứ 8 là ngài Hư Vân (xem kỳ 49-50-51), rồi truyền trao Tuyên Hóa thượng nhân làm Tổ thứ 9.
Lúc Mao Trạch Đông đưa lực lượng công an chiếm giữ chùa Nam Hoa (1951) thì hòa thượng Tuyên Hóa đã ra khỏi chùa (từ 1949) đến Hương Cảng, sang Mỹ và tiếp nối mạng mạch hoằng pháp ngoài biên giới Trung Quốc theo đúng lời tiên tri và sứ mệnh được giao.

No comments:

Post a Comment