Đề án quy hoạch lại báo chí của Việt Nam gây hoang mang
Dự kiến sắp xếp lại báo chí có nguy cơ làm mất 10.000 việc làm tại Việt Nam.REUTERS/Kham
Việt Nam muốn cải tổ lại sâu sắc mạng lưới truyền thông hiện nay, xóa bỏ xu hướng « thương mại hóa » đã mang lại « ảnh hưởng tiêu cực lên dư luận ». Hãng tin Reuters hôm nay 26/09/2015 dẫn thông tin từ báo chí trong nước cho biết như trên.
Số lượng báo chí tại Việt Nam đã tăng hơn gấp đôi trong vòng 15 năm qua, đạt đến con số khoảng 1.100 cơ quan báo đài, và quyền lực của chính quyền cộng sản đang bị thách thức bởi sự phát triển của internet và các mạng xã hội.
Đài truyền hình Việt Nam, đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và ba tờ báo do đảng Cộng sản, Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ quản lý (Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân) được phép chuyển đổi thành mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện. Các cơ quan vừa sở hữu báo giấy vừa có báo mạng có thể duy trì phiên bản điện tử.
Theo đề án quy hoạch báo chí đến năm 2025, các cơ quan dưới cấp bộ, ngành, tỉnh (là cấp không được xuất bản báo in) có báo điện tử sẽ phải chuyển tờ báo lên cấp trên ; các tổ chức xã hội nghề nghiệp, doanh nghiệp nhà nước chỉ được sở hữu tạp chí điện tử chứ không được có báo điện tử.
Việc sắp xếp lại báo chí sẽ được bắt đầu thử nghiệm trước cuối năm 2016 và hoàn tất vào năm 2020 – Reuters dẫn tin từ Tuổi Trẻ cho biết. Tờ báo này tóm lược các điểm đáng chú ý trong đề án : « Không còn cơ quan báo chí thuộc cấp sở, 70% chương trình truyền hình phải sản xuất trong nước, không tư nhân hóa báo chí ».
Các báo trong nước dẫn ra những ý kiến trong cuộc họp phổ biến nội dung của đề án trên, cho rằng có những bài toán khó phải giải quyết. Một số báo và tạp chí sẽ phải đóng cửa, hậu quả là nhiều phóng viên, biên tập viên, nhân viên hành chính bị mất việc.
Trường hợp các tờ báo như Tuổi Trẻ, thuộc cấp sở tức không được phép ra báo, nhưng thực tế là một nhật báo uy tín có lượng độc giả rất lớn ; hoặc báo mạng Dân Trí trực thuộc Hội Khuyến học (không được ra báo điện tử) nhưng hiện được đọc khá nhiều…đã được nêu ra, và được Bộ Thông tin Truyền thông hứa xem xét.
Dư luận cho rằng việc thu gọn một số đầu mối, chấn chỉnh xu hướng thông tin giật gân, câu khách…tuy cần thiết, nhưng đề án này còn nhiều bất cập. Chẳng hạn Saigon vốn có nhiều tờ báo quen thuộc với người đọc sẽ phải đóng cửa hoặc chuyển thành phụ bản vì chỉ là cấp địa phương, được phép sở hữu duy nhất một tờ báo in. Các cơ quan quyền lực của nhà nước vẫn được phép nắm giữ những cơ quan ngôn luận, bên cạnh đó còn có sự phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước với tư nhân.
Đặc biệt chủ trương « không tư nhân hóa báo chí », chứng tỏ tư duy cũ vẫn tồn tại, Đảng vẫn muốn lãnh đạo trực tiếp các cơ quan truyền thông trong khi Hiến pháp Việt Nam công nhận quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận.
Từ Saigon, nhà báo Phạm Chí Dũng nhận định:
« Đề án này được đưa ra vào cuối năm 2014, đầu năm 2015. Khi đó đã có nhiều ý kiến cho đây là một sự hạn chế về quyền tự do báo chí của Việt Nam. Nhưng cho tới giờ vẫn hầu như không có gì thay đổi. Và có thể nói, dựa trên lý do là ngăn cản việc thương mại hóa báo chí, những hiện tượng « cướp, hiếp, giết » tràn ngập trên mặt báo…Điều đó cũng có lý, nhưng chỉ là một lý do đưa ra để bao biện cho việc chính quyền hạn chế quyền tự do của báo chí mà thôi.
Chúng ta thấy có những điểm vô lý như thế này. Trên hết, vẫn không có báo chí được phép tư nhân hóa. Thứ hai, một số tờ báo thuộc cấp sở sẽ không còn được tồn tại nữa. Chẳng hạn như ở Thành phố Hồ Chí Minh là nơi tập trung rất nhiều tờ báo tiếng tăm, có lượng truy cập, lượng độc giả lớn như báo Người Lao Động, Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh, thậm chí là báo Tuổi Trẻ.
Đó là những tờ báo truyền thống, và có tính chất phản biện hơn hẳn những tờ báo của Đảng như Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân ; nhưng sẽ có thể chỉ trở thành phụ bản của báo Saigon Giải phóng mà thôi. Thật là một điều hết sức vô lý.
Còn một quy định nữa là bản điện tử của các báo sẽ phải đăng y nguyên bản báo in. Như vậy cũng phi lý, không mở rộng được quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, làm hạn chế tính chất nghiệp vụ lẫn tính phong phú của báo chí.
Cho nên lý do chính mà tôi hiểu, là (đề án) nhằm hạn chế việc tự do hóa báo chí đang lan tràn, trên cơ sở sự phát triển dân chủ của xã hội. Và một khi đã hạn chế được tự do hóa báo chí, thì cũng hạn chế tính chất dân chủ trong báo chí, không làm cho báo chí trở thành quyền lực thứ tư và thành một mối đe dọa đối với Đảng và Nhà nước.
Đúng ra, báo chí nói lên tiếng nói của dân thì báo chí mạnh có nghĩa là chính quyền, nhà nước, chính thể mạnh. Nhưng hạn chế tiếng nói của báo chí cũng là hạn chế tiếng nói của dân – có nghĩa là chính quyền yếu. Và như vậy đặt ra vấn đề : chính quyền đó không phải là của dân, do dân, vì dân nữa, mà là ngược lại ».
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment