Wednesday, September 30, 2015

Obama và Putin tìm cách thoát khỏi "chiến tranh lạnh"

Obama và Putin tìm cách thoát khỏi "chiến tranh lạnh"

mediaCuộc họp thượng đỉnh Nga - Mỹ bên lề khóa họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York ngày 28/09/2015.REUTERS/Mikhail Klimentyev/RIA Novosti/Kremlin
Bên lề khóa họp và ngay trên diễn đàn của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York, hồ sơ Syria đã trở thành chủ đề thảo luận sôi nổi giữa các cường quốc. Nhật báo Pháp Le Figaro ngày 29/09/2015 nhân dịp này đã xem xét một khía cạnh ít được nhắc tới : Hai Tổng thống Nga Mỹ đang tranh thủ tình hình Syria nóng bỏng để thoát ra khỏi tình trạng chiến tranh lạnh giữa hai bên.
Le Figaro nhắc lại là khi bước vào Nhà Trắng năm 2009, Barack Obama đã chủ trương "reset - tức là khởi động lại - quan hệ với Nga, và đó cũng là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của ông. Nhưng việc "khởi động lại" này đã vỡ tan sau nhiều sự cố : từ các mùa xuân Ả Rập, cho đến việc Matxcơva cho Edward Snowden trú ngụ, chiến tranh Syria, Ukraina...
Giờ đây các màn múa may ngoại giao chung quanh hồ sơ Syria mà biểu tượng là cuộc gặp Obama – Putin ở New York phải chăng là dự báo của một cú "reset" mới giữa Mỹ và Nga ?
Tổng thống Obama dĩ nhiên vẵn khẳng định không có tương lai ở Syria với Bachar al-Assad, không thể trở lại tình trạng trước chiến tranh, và cũng hoài nghi về mục tiêu của Nga trong khu vực. Tuy nhiên, ông Obama cũng đánh giá là sẽ "vô trách nhiệm" nếu bác bỏ đối thoại với ông Putin.
Theo phân tích của Le Figaro, bị đặt trước chính sách sự đã rồi của Putin, đã tăng cường sự hiện quân sự ở Syria, và trở nên một tác nhân then chốt trong hồ sơ này, và thất bại chiến lược của mình, ông Obama không còn cách lựa chọn nào khác : hoặc dấn thân hơn nữa vào Syria, điều mà ông không muốn, hoặc làm việc với nước Nga của ông Putin. Đây sẽ là cách tiếp cận thực tế.
Nhưng Le Figaro cũng nhìn thấy nếu đây là lúc thuận lợi cho một cú "reset " mới, thì điều này cũng có mặt rủi ro : đó là những tính toán của Nga, vì chưa chắc là Nga muốn tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo, vả lại nếu có, thì Nga chưa chắc có đủ phương tiện.
Nếu Nga bảo vệ, duy trì được Bachar al-Assad thì kể như nỗ lực của phương Tây đến nay sẽ thất bại. Và nếu Mỹ nhượng bộ quá nhiều Nga thì có nguy cơ làm giảm đi sự tin tưởng của các đồng mình.
Nga và đề nghị " liên minh thế giới chống Daesh "
Trong hàng tít lớn trang nhất, Le Figaro chú trọng đến phát biểu của Tổng thống Nga : " Putin đề nghị một liên minh của thế giới chống lại Daesh ". Tờ báo cũng tóm lược tình hình : Barack Obama và François Hollande sẵn sàng làm việc với Nga, nhưng số phận của của đương kim lãnh đạo Syria Bachar al-Assad vẫn là mối bất đồng.
Ở trang trong, tờ báo nói rõ hơn ý muốn của Nga : Phương Tây tham gia một liên minh quân sự khác chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo và hổ trợ cho quân đội Syria.
Tác giả bài viết tỏ vẻ thán phục trước lãnh đạo Nga. Bài báo mở đầu với nhận xét : Obama chỉ nói còn Putin thì hành động. Sáng qua tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, cả thế giới đèu dán mắt vào tổng thống Nga, "nhạc trưởng của một dàn bè táo bạo"  về giải pháp cho cuộc chiến ở Syria.
Bài báo nhắc lại Tổng thống Nga đã đưa ra trước Hội đồng Bảo an một nghị quyết về "một liên minh thật sự chống lại khủng bố, chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo".
Điểm quan trọng là Tổng thống Nga nhấn mạnh trên vai trò của chế độ Damas chống lại thánh chiến, và cho là "một sai lầm lớn khi từ chối hợp tác với chính quyền Damas và quân đội Syria vốn đã can đảm đương đầu với khủng bố ".
Le Figaro nhìn thấy là chủ trương cương quyết "không Assad, không Daesh" của phương Tây đến nay đã bị ván bài Putin đánh bại. Chiến lược của Mỹ tại Syria đã tơi tả và như thế vừa bị Nga giáng cho một vố. Chỉ hôm chủ nhật Mỹ cũng đã bị một vố khác : Irak không hội ý trước với Washington, đã gây ngạc nhiên khi thông báo chia sẻ thông tin tình báo với Nga, Iran và Syria.
Theo nhận định của Le Figaro, không có sự chọn lựa thỏa đáng nào trước vực thẳm, Barack Obama sẽ phải trao đổi với người đồng nhiệm Nga khó chịu. Trước tiên để thiết lập một sự phối hợp tối thiếu để tránh sự cố quân sự trên bầu trời Syria không hề có kiểm soát. Kế đến là dù hai người không có cảm tình với nhau nhưng tình hình Trung Đông quá nghiêm trọng
Mặc dù Pháp và Mỹ vẫn phủ nhận, theo Le Figaro, sự cần thiết đạt đến một thỏa hiệp quốc tế để vực dậy kế hoạch hòa bình, cho dù phải nói chuyện với Damas, dường như đã được gợi lên hôm qua tại New York.
Putin phân chia lại ván bài ở Trung Đông ?
Libération cũng chạy một tựa trang nhất về diễn văn của ông Putin nhấn mạnh là "Putin đặt Bachar trở lại vị trí trọng tâm trong ván bài Syria". Ở trang Sự kiện bên trong, Libération nhìn thấy là Nga đang phân chia lại các vai trò ở Syria.
Theo tờ báo thì Nga lợi dụng tình thế lộn xộn của phương Tây đang tạo cho mình thế đứng then chốt và củng cố Bachar al-Assad.
Libération điểm lại thế đứng của các tác nhân chính trên hồ sơ Syria : Putin ra khỏi thế cô lập và bước vào vong trung tâm của trò chơi. Trong khi Obama buộc phải thỏa hiệp. Tổng thống Iran Rohani cương quyết ủng hộ Damas, quốc vương Ả Rập Xê Út Salmane thì chơi trên cả hai chiếu : Chống Damas và cũng chống tổ chức nhà nước Hồi giáo. Đối với Ả Rập Xê Út, al-Assad phải ra đi, nhưng quốc gia này sẽ không đưa quân trên bộ vào Syria.
Riêng về Pháp, Libération cũng như đồng nghiệp Le Monde, ghi nhận là khi cho oanh kích ở Syria hôm chủ nhật, Tổng thống Pháp muốn Paris trở lại vị trí trung tâm trong ván cờ Syria. Đối với Le Monde thì Paris, với cuộc oanh kích nói trên, muốn khẳng định chỗ đứng của mình trên mặt trận Syria.
Cho dù các tít lớn mở đầu bản tin hôm nay không trùng hợp – như Libération nêu bật khám phá mới là nước vẫn chảy trên Sao Hỏa, tức có khả năng có cuộc sống, nhại tiếng nước rơi và câu hỏi : ploc, ploc có ai không ? các báo hôm nay tiếp tục xoay quanh hai chủ đề : phát biểu các nguyên thủ Pháp Mỹ Nga tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc liên quan đến Syria, và kết quả bầu cử dịa phương ở Cataluna, Tây Ban Nha, với thắng lợi của phe chủ trương độc lập.
Tây Ban Nha : Bầu cử địa phương Catalunya, thắng lợi đượm thất vọng của phe chủ trương độc lập
Về cuộc bầu cử địa phương ở Catalunya, Tây Ban Nha, mà phe chủ trương độc lập thắng cử, báo giới Pháp hôm nay nhận định chung là chiến thắng đó lại đượm thất vọng vì như Le Monde chạy tựa trang đầu : "Thắng nhưng không được đa số áp đảo". Ngược lại với mơ ước của họ, tuy giành được đa số ghế ở nghị viện nhưng lại không đước đa số phiếu bầu : cùng với một đảng ly khai họ chỉ dành được 47,8% phiếu.
Báo La Croix cũng có nhận định tương tự trong bài xã luận nói đến "Khủng hoảng của cánh độc lập". La Croix cũng nhăc lại cánh này có đa số ghế nhưng không có đa số phiếu. Điều này có nghĩa là cử tri cho họ thắng lợi nhưng không khoán trắng cho họ tách rời vùng này ra khỏi phần còn lại của Tây Ban Nha.
Nhưng đây cũng là một lời cảnh cáo đối với chính quyền Madrid phải chú trọng hơn đến những nét đặc thù của vùng chứ không phớt lờ được nữa. Theo La Croix nếu có một cuộc đối thoại thực sự, trao quyền hạn nhiều hơn cho vùng, thì đòi hỏi độc lập có lẽ sẽ không tiến mạnh hơn nữa.
Pháp và Ấn Độ sắp đạt thỏa thuận chung cuộc về thương vụ Rafale ?
Về quan hệ Pháp Ấn, nhật báo kinh tế Les Echos đã đặc biệt chú ý đến vụ Paris bán 36 chiến đấu cơ Rafale cho New Delhi, được loan báo từ tháng Tư vừa qua nhân chuyến công du Pháp của Thủ tướng Ấn Độ Nerendra Modi, nhưng đang gặp trở ngại về các điều kiện cụ thể.
Theo Les Echos, giới chức quốc phòng Ấn Độ và Pháp đã họp lại vào hôm nay tại New Delhi để đàm phán tiếp về thương vụ này, với hy vọng là có thể đúc kết được hồ sơ trong vòng một tháng.
Nguyên nhân tạo ra tâm lý lạc quan kể trên là bước lùi mới đây của Pháp, đã đồng ý trên nguyên tắc là sẽ đầu tư 50% tổng trị giá hợp đồng vào Ấn Độ. Trị giá của hợp đồng này từng được ước lượng là lên đến 5 tỷ euros, cho 36 chiếc Rafale "sẵn sàng hoạt đông".
Phải nói là thoạt đầu, Ấn Độ dự định mua đến 126 chiến đấu cơ Rafale của Pháp, trong đó có 108 chiếc sản xuất tại Ấn Độ trong khuôn khổ một chương trình chuyển giao công nghệ rất phức tạp. Tuy nhiên, đàm phán giữa hai bên đã thất bại và chính phủ Modi đã quyết định giảm bớt đơn đặt hàng.
Ấn Độ đang cố gắng tăng tốc độ hiện đại hóa trang thiết bị quân sự của mình với một chương trình trị giá khoảng $ 100 tỷ đô la, để đối phó với thách thức đến từ quân đội Pakistan và Trung Quốc. Thủ tướng Modi cũng muốn Ấn Độ từ bỏ vị trí của nhà nhập khẩu thiết bị quân sự hàng đầu trên thế giới, và đề ra chỉ tiêu sản xuất 70% thiết bị cần dùng vào cuối thập kỷ này.
Cùng chủ đề

No comments:

Post a Comment