Theo kênh truyền hình ZDF của Đức, Không quân Mỹ đã bắt đầu chuẩn bị mang bom hạt nhân B61 mới tới căn cứ không quân của Đức, mặc cho sự phản đối trước đó của nước này.
Căn cứ không quân Buchel ở bang Rhineland-Palatinate, phía Tây Đức là nơi có các loại máy bay chiến đấu đa chức năng Panavia Tornado, có thể sử dụng các loại bom hạt nhân của Mỹ. Đây là căn cứ duy nhất ở Đức có vũ khí hạt nhân kể từ năm 2007 và có khoảng 20 đầu đạn hạt nhân.
Mỹ hiện đang nghiên cứu chế tạo một phiên bản mới của B61, có độ chính xác cao hơn và có sức công phá thấp hơn các loại đang được sử dụng tại châu Âu.
Một máy bay thử nghiệm thả bom hạt nhân B61-12.
Kênh ZDF lấy thông tin từ một số văn bản, cho thấy trong quý 3 năm nay, căn cứ này sẽ nhận được khoản ngân sách để chứa và sử dụng loại bom B61-12 mới. Khoản này cũng sẽ được dùng để nâng cấp các máy bay Tornado của Đức.
Hãng tin này cũng nói thêm, việc giải giáp vũ khí hạt nhân là một phần trong thỏa thuận giữa đảng CDU của Thủ tướng Angela Merkel và đảng Dân chủ Tự do Đức vào năm 2009. Năm 2010, quốc hội Đức kêu gọi chính phủ trả lại các loại vũ khí hạt nhân của Mỹ với sự ủng hộ của người dân.

Berlin cũng có ý định cho các máy bay Tornado ngừng hoạt động trong năm 2015 và chưa có kế hoạch thay thế loại máy bay mới có thể sử dụng bom hạt nhân Mỹ. F-35 có khả năng này, tuy nhiên Đức không có ý định mua loại máy bay đắt tiền này và chọn sử dụng Eurofighter Typhoon.
Năm 2012, báo Berliner Zeitung đưa tin, chính phủ Đức đã ngầm đưa ra quyết định giữ lại một vài máy bay Tornado để sử dụng cho đến năm 2024.
Bom B61-12 có độ chính xác cao hơn nhưng sức công phá lại thấp hơn các mẫu trước đây. Tuy nhiên nó vẫn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng và không lường trước đối với an ninh thế giới.
Cựu phát ngôn viên của đảng CDU là ông Willy Wimmer nói với ZDF rằng việc nâng cấp kho vũ khí hạt nhân ở căn cứ Buchel sẽ “cho phép NATO có thêm nhiều lựa chọn tấn công” và là “hành động gây hấn đối với Nga”.
Bản thân Moscow đã chỉ trích việc Mỹ chia sẻ các loại vũ khí hạt nhân cho các nước châu Âu, bởi nó vi phạm những điều khoản trong Hiệp ước Không Phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT). Washington khẳng định rằng hiệp ước này không cấm họ bố trí vũ khí hạt nhân ở châu Âu nếu chúng được đặt dưới sự kiểm soát của quân đội Mỹ.
Bên cạnh đó, Nga cũng bày tỏ lo ngại rằng quân đội Mỹ cũng có tổ chức huấn luyện cho binh lính các nước châu Âu, trong đó có những nước không có vũ khí hạt nhân của Mỹ, để sử dụng chúng. Theo Moscow, điều này có hại đến sự ổn định trong khu vực và đe dọa đến an ninh Nga.
“Việc huấn luyện “phối hợp quân đội các nước sử dụng vũ khí hạt nhân” trong NATO cũng là một nỗi lo lớn”, bà Maria Zakharova, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga cho biết. “Các hoạt động huấn luyện nhằm chuẩn bị và triển khai vũ khí hạt nhân tại các nước không có loại vũ khí này là vi phạm điều 1 và 2 của NPT. Tình trạng này đã diễn ra hơn 40 năm qua và điều đó là không thể chấp nhận được”.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo hãng tin Russia Today (RT). RT hiện có khoảng 1.000 chuyên gia truyền thông trên toàn thế giới. RT chuyên nắm bắt những câu chuyện và vấn đề thường bị các phương tiện truyền thông bỏ qua để tạo ra những tin tức ở một khía cạnh rất khác biệt.
Anh Tuấn (lược dịch)