Liệu sẽ có cuộc đối đầu Trung-Mỹ?
- 28 tháng 9 2015
"Hoa Kỳ hoan nghênh sự trỗi dậy của một Trung Quốc hòa bình, ổn định, thịnh vượng và có trách nhiệm trong các mối quan hệ toàn cầu."
Đó là lời Tổng thống Obama nói hôm thứ Sáu, khi ông đứng cạnh Chủ tịch Tập Cận Bình tại Tòa Bạch ốc.
Ông Obama lặp lại những nội dung này vào bất kỳ khi nào ông gặp Chủ tịch Tập.
Thương mại giữa Trung Quốc với chỉ riêng Hoa Kỳ đã tăng từ 2 tỷ đôla hồi 1979, là lúc hai nước bắt đầu thiết lập quan hệ, tới gần 600 tỷ đôla hồi năm ngoái.
Mối quan hệ sâu rộng được đánh dấu bởi sự hợp tác ráo riết nhưng đồng thời cũng cạnh tranh quyết liệt.
Trong bài diễn văn tại Seattle, Chủ tịch Tập Cận Bình nhắc tới mối đe dọa đối với sự cạnh tranh, đối đầu chiến lược giữa hai quốc gia.
"Không có cái gọi là cái bẫy Thucydides (tức sự cạnh tranh giữa một thế lực đang lên và một thế lực đã xác lập được vị trí của mình) trên thế giới. Nhưng nếu các nước lớn tính toán sai lầm về mặt chiến lược thì họ sẽ giăng những cái bẫy đó cho chính mình."
Bẫy Thucydides là gì?
Điều mà một sử gia Hy Lạp hồi 2.000 năm trước nêu ra trong một bài thuyết giảng nay được nhắc tới thực sự là gì?
Cái bẫy này được đặt theo tên nhà sử gia nói tới những căng thẳng về cấu trúc xã hội khi có một thế lực mạnh lên một cách nhanh chóng - giống như Trung Quốc lúc này - làm thay đổi cán cân quyền lực đối với một đối thủ cạnh tranh vốn đã xác lập được vị thế từ trước, và do vậy dẫn tới chiến tranh.
Sức mạnh đang lên thì muốn có quyền lực lớn hơn đối với thế giới, trong lúc sức mạnh hiện thời thì muốn giữ nguyên trạng.
Thucydides xác định điều này như một khuynh hướng dẫn tới việc thành Athens đang lớn mạnh dần lên gây chiến với Sparta hồi thế kỷ 5 trước Công nguyên.
Dường như diễn văn của ông Tập tái hiện lại câu chuyện 2.500 năm trước, bởi một số nhà phân tích chiến lược tin rằng câu chuyện Athens và Sparta quả là câu chuyện Trung Quốc và Hoa Kỳ ngày nay.
Nền tảng chung
Vậy trong lúc hai nhà lãnh đạo có những thủ tục nghi lễ trang trọng trong chuyến đi, với loạt 21 phát đại bác đón chào và buổi quốc yến khoản đãi, cả hai bên có thể đồng ý những gì về việc cần cấp bách tránh khỏi cái bẫy Thucydides?
Hai bên đã ra tuyên bố về vấn đề thay đổi khí hậu, với việc Tổng thống Obama hoan nghênh cam kết của Chủ tịch Tập Cận Bình đối với chương trình kiểm soát khí thải.
Hai bên cũng ăn mừng việc hợp tác trong chương trình hạt nhân của Iran và nói sẽ tiếp tục phối hợp với nhau để xử lý vấn đề hạt nhân của Bắc Hàn.
Trung Quốc đã ký một thỏa thuận trị giá nhiều tỷ đôla để mua máy bay Boeing.
Chủ tịch Tập đã rất nỗ lực trong việc tỏ thái độ tích cực. Ông đã nói lưu loát một danh sách những tác giả, những bộ phim Mỹ mà mình yêu thích. Tuy nhiên, ta cũng nên nhớ là khi tới Nga thì Chủ tịch Tập yêu Pushkin và Tolstoy, và khi đi Pháp thì ông nói tới Moliere và Dumas.
Tổng thống Obama đã tìm cách có được một thỏa thuận mà cả chính phủ hai nước đều muốn kiềm chế, đó là nạn đánh cắp sở hữu trí tuệ trên mạng.
Về những căng thẳng ở Biển Đông, hai bên không đạt tiến triển nào.
Nhìn chung, chính quyền ông Obama đã tìm cách tỏ thái độ hữu ích trong lần gặp thượng đỉnh này, nhưng đây đã là lần gặp quan trọng thứ ba giữa hai nhà lãnh đạo trong thời gian ba năm qua mà mối quan hệ song phương vẫn chưa đạt được mức như hy vọng trước đó của Hoa Kỳ.
Chủ tịch Tập có chính sách đối ngoại tự tin hơn, chính xác hơn và tập trung hơn so với những người tiền nhiệm.
Thái độ quyết đoán của ông khiến chính quyền ông Obama bị choáng, cho dù đó là việc xây lấn đảo đầy tham vọng tại Biển Đông, thành lập một ngân hàng phát triển mới để thách thức sự thống trị của Hoa Kỳ trong hệ thống tài chính toàn cầu, hay thúc đầy việc định hình lại cơ cấu ngoại giao ở Á châu thông qua chiến lược "Một vành đai Một con đường" của Trung Quốc.
Chủ tịch Tập đã có một tính toán dứt khoát, không khoan nhượng, rằng người tương nhiệm của ông đã có quá nhiều vấn đề rắc rối của Mỹ tại Trung Đông và Nga, cho nên không còn nhiều sức dồn cho việc đối phó với con đường trỗi dậy của Trung Quốc.
No comments:
Post a Comment