Trung Quốc chựng lại, Mỹ cũng thụt lùi
Tổng thống Mỹ Barack Obama (P) và đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình tại Nhà Trắng, Washington ngày 25/09/2015.Reuters/路透社
Quan hệ Mỹ - Trung vẫn thu hút sự quan tâm của báo giới Pháp. Nhật báo Le Figaro trong mục Ý kiến độc giả, có bài nhận định về đường hướng ngoại giao của hai cường quốc hiện nay. Ông Nicolas Baverez, trong bài viết đề tựa « Trung Quốc trì trệ, Hoa Kỳ thoái lui » cho rằng chuyến công du Hoa Kỳ đầu tiên của ông Tập Cận Bình đang làm sáng tỏ sự đối đầu giữa hai cường quốc thế giới. Những cường quốc quyết định vận mệnh thế giới trong suốt thế kỷ XXI.
Nhưng dưới sự đối đầu trực tiếp này lại cho thấy một sự bất cân xứng. Trung Quốc tuy trì trệ nhưng vẫn tiếp tục đi lên thành cường quốc. Trong khi đó, Hoa Kỳ đang dần hồi phục nhưng lại thụt lùi. Vì sao lại có sự nghịch lý như vậy ? Tác giả có những giải thích như sau.
Kiểm soát Biển Đông là một trong ba ưu tiên của Trung Quốc
Trung Quốc, 30 năm thời vàng son đã qua, giờ đang bước vào một thời kỳ đầy biến động. Thách thức lớn hiện nay là làm thế nào thoát được cái bẫy của những quốc gia có thu nhập ở mức trung bình. Nghĩa là phải chuyển từ một mô hình tăng trưởng theo số lượng nhờ vào xuất khẩu qua mô hình tăng trưởng chất lượng dựa vào nhu cầu nội địa, từ một nền kinh tế nặng về quản lý hành chính sang nền kinh tế thị trường.
Nhưng đồng thời cũng phải tránh được một sự hạ cánh « đau đớn » được hiểu là gây ra bất ổn mạnh về xã hội và chính trị. Để có thể làm được điều đó, ông Tập Cận Bình ấn định 3 ưu tiên. Thứ nhất, tăng tốc cải cách kinh tế với việc huy động nguồn dự trữ ngoại tệ 3.560 tỷ đô-la để kìm hãm bong bóng địa ốc và tài chính ; tái cơ cấu khoảng 200.000 doanh nghiệp Nhà nước và quốc tế hóa nhân dân tệ.
Thứ hai, thâu tóm quyền lãnh đạo Đảng bằng cuộc chiến chống tham nhũng và trấn áp mọi hình thức đối kháng chính trị. Và thứ ba, thống trị vùng Châu Á – Thái Bình Dương thông qua việc kiểm soát Biển Đông, các thỏa thuận thương mại và cơ cấu tài chính xung quanh những con đường tơ lụa mới và thông qua quỹ đầu tư hạ tầng Châu Á.
Bắc Kinh công khai phản đối Washington trên ba lãnh vực
Kể từ giờ, Trung Quốc trực tiếp phản đối vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trong ba lãnh vực quan trọng. Một là tính hiệu quả tốt nhất của cơ chế ra quyết định – dân chủ hay độc đảng – để quản lý chủ nghĩa tư bản toàn cầu hóa và những chấn động do chính hệ thống tư bản này gây ra.
Lĩnh vực thứ hai là nghiên cứu và công nghệ với việc bành trướng ra quốc tế của các tập đoàn Trung Quốc, không chỉ tại Châu Á, Châu Phi mà cả tại các nước phương Tây, đi đôi với thực hiện các vụ tấn công tin tặc và gián điệp điện tử một cách có hệ thống.
Lĩnh vực cuối cùng là vai trò lãnh đạo Châu Á – Thái Bình Dương, trung tâm của nền kinh tế thế giới, với việc xây dựng hơn 800 ha đảo nhân tạo và 3 căn cứ quân sự quan trọng trên Biển Đông từ đầu năm nay. Sự việc đang gây lo ngại cho nhiều nước Châu Á trong khu vực là Biển Đông sẽ trở thành một vùng biển của Trung Quốc.
Hai điểm yếu của Hoa Kỳ
Đối mặt trước sự hung hăng của Trung Quốc, đương nhiên Hoa Kỳ phải ở thế phòng thủ. Kinh tế có dấu hiệu hồi phục vững chắc, với mức tăng trưởng là 2,7%/năm. Nhưng sự tái tạo mô hình kinh tế Mỹ lại đang lộ rõ hai yếu điểm.
Đầu tiên, đấy là một nền kinh tế bong bóng, được chứng minh rõ qua việc Ngân hàng dự trữ Liên bang Fed mất khả năng nâng mức lãi suất. Tiếp đến, kinh tế Mỹ lại quá lệ thuộc vào Trung Quốc với tư cách là cơ sở sản xuất và thị trường tiêu thụ, như những gì mà ông Tập Cập Bình đã không quên nhắc lại tại buổi hội thảo ở Silicon Valley.
Trên bình diện chiến lược, cái gọi là chính sách xoay trục sang Châu Á được xem như là một sự rút lui hỗn loạn, do thiếu phương tiện và khả năng triển khai các chiến dịch, để cho Trung Quốc tại Thái Bình Dương, Nga tại Châu Âu và Iran tại Trung Đông, rộng đường hành động, đồng thời gây bất ổn cho các liên minh đóng vai trò giữ ổn định cho Châu Âu và thế giới Ả Rập.
Một Hoa Kỳ bất lực và lỗi thời ?
Như vậy, sức mạnh chiến lược của Hoa Kỳ đang bị vô hiệu hóa. Sức mạnh đó bị tan rã trong một thế giới đa cực, không giúp thắng được một cuộc chiến nào, không duy trì được một nền hòa bình, cũng không tìm được các động lực thúc đẩy, tiếp nối trong các liên minh.
Hoa Kỳ thực hiện quyền lực mềm qua công nghệ, luật pháp và tình báo. Thế nhưng, quyền lực này được thực hiện bất chấp quyền lợi của các đồng minh, không tỏ ra có tác dụng trong quan hệ với các đế chế mới – Trung Quốc, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ - cũng như không giúp đối phó được với cuộc chiến tôn giáo toàn cầu của quân thánh chiến tổ chức Nhà nước Hồi giáo.
Sự thụt lùi của quyền lực mềm của Hoa Kỳ, thậm chí, còn thể hiện trong chính sách tiền tệ của Fed cực kỳ dễ dãi, có lợi cho Trung Quốc bằng cách tạo thuận lợi cho việc nới lỏng hối đoái và thanh toán ở bên ngoài. Thế nhưng, chính sách tiền tệ này lại đi ngược lại chiến lược chống thoái lạm mà Châu Âu và Nhật Bản đang theo đuổi. Do đó, cho đến giờ, Trung Quốc của Tập Cận Bình có được một sự bảo đảm là không bị trừng phạt, đáp trả. Như vậy, cuộc đọ sức giữa hai người khổng lồ sẽ hình thành trong thế kỷ 21 này.
Khí hậu: sợi dây chung cho quan hệ Mỹ - Trung
Nhật báo Kinh tế Les Echos loan báo : « Khí hậu : Một lời hứa hẹn mới của Bắc Kinh và Washington » như hàng tít nhỏ trên trang nhất. Trong cuộc họp báo chung hôm thứ Sáu 26/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra một cam kết đầy tham vọng thành lập một thị trường khí carbon, nhằm giảm thiểu từ 60-65% khí thải gây hiệu ứng nhà kính tại Trung Quốc từ đây cho đến năm 2030 (so với giai đoạn 2005). Như vậy, với tuyên bố chung trên, « Về lĩnh vực khí hậu : Trung Quốc và Hoa Kỳ đang gia tăng tốc độ ».
Nhưng nhật báo Công giáo La Croix thì lại thấy rằng « Trung Quốc đang muốn tự cho mình vai trò lãnh đạo chống biến đổi khí hậu ». Tờ báo giải thích ba điểm : Nội dung đề xuất của Trung Quốc về khí hậu là gì ? Trung Quốc có đề xuất này trong bối cảnh nào ? Và phải chăng Trung Quốc đang muốn tự cho mình vai trò lãnh đạo trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu ?
Với Syria : Putin lật ngược thế cờ ngoại giao ?
Sau 10 năm vắng bóng, ngày 28/09/2015 Tổng thống Nga Vladimir Putin có bài phát biểu trước diễn đàn Liên Hiệp Quốc, với hồ sơ Syria là trọng tâm chính. Bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Tổng thống Nga gặp với đồng nhiệm Hoa Kỳ sau hơn hai năm lạnh lẽo trong mối quan hệ vì hồ sơ Ukraina. Chủ đề này hầu như lấn át mọi tin tức khác trên các báo Pháp.
Có một điểm chung mà hầu hết các báo đều công nhận, trước khi phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ông Vladimir Putin đã ghi được điểm khi trở lại là một nhà đối thoại không thể thiếu được. Đến mức, nhật báo công giáo La Croix phải thốt lên rằng « Tại Liên Hiệp Quốc, Vladimir Putin tự đặt mình vào trung tâm của sự hỗn độn tại Syria ».
Nhật báo tin chắc là tại Liên Hiệp Quốc, ông Putin sẽ tự cho mình cái tư thế người bảo vệ trật tự thế giới chống lại mối đe dọa khủng bố và lên án việc áp đặt các lệnh trừng phạt đơn phương của Hoa Kỳ. Hơn nữa, sự can dự của Nga vào hồ sơ Syria đã bắt đầu làm thay đổi định kiến. Đức, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng có lẽ cũng nên có sự tham dự của Assad. Anh, Pháp và Mỹ tuy cứ nói vòng vo, nhưng cũng đang xích lại gần với quan điểm của Nga và cũng chẳng lên tiếng đòi hỏi sự ra đi của ông Bachar el-Assad như là một điều kiện tiên quyết cho các cuộc thương lượng.
Les Echos quan sát thấy là « Trở lại Liên Hiệp Quốc, ông Putin triển khai các biện pháp mới ». Bởi vì, trên hồ sơ Syria, Tổng thống Nga còn muốn đi xa hơn. Bài phát biểu của ông tại New York phải là điểm nhấn quan trọng cho chính sách ngoại giao của Nga nhằm thoát khỏi thế cô lập do cuộc khủng hoảng Ukraina gây ra.
Tờ báo trích nhận định của ông Pavel Felgenhauer, chuyên gia quân sự tại Matxcơva : « Mọi thứ đều phụ thuộc vào sự đón tiếp của Obama dành cho ông. Hiện tại, Tổng thống Nga đang cho thấy Matxcơva đủ phương tiện để đơn phương hành động tại Syria ». Theo quan điểm của Les Echos, Nga có thể sử dụng Syria như là một đòn bẩy để đánh lạc hướng và sau này buộc các nước phương Tây phải xử lý tương tự trong hồ sơ Ukraina.
Putin lại thắng thêm một nước cờ
Liệu đó có là « Một thắng lợi mới của ông Putin về Syria ? » là thắc mắc của Libération. Nếu như lần này Tổng thống Nga thành công trong việc kêu gọi thành lập liên minh chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo, đây sẽ là thắng lợi thứ hai ông có được trong vòng hai năm về hồ sơ Syria. Lần thứ nhất là vào cuối mùa hè năm 2013, Vladimir Putin đã cứu được chế độ Damas khi đưa ra đề xuất gỡ bỏ các kho vũ khí hóa học.
Dẫu sao thì việc Nga trở lại thành cường quốc có lẽ giảm nhẹ gánh hơn là làm cho phương Tây lo lắng, chừng nào mà Putin vẫn chỉ đề cập đến chống khủng bố. Bởi vì cần phải chấm dứt khẩn cấp tình trạng hỗn loạn tại khu vực mà quân thánh chiến đang sinh sôi nảy nở.
Đồng thời, cũng phải nhanh chóng tìm ra một giải pháp chính trị cho một cuộc chiến đã cướp đi hơn 240 000 sinh mạng, chủ yếu là nạn nhân của các trận không kích và sự hung hãn vô kỷ luật của binh sĩ chế độ Damas. Libération nhắc lại rằng cho đến giờ, không một bên nào thắng thế trên trận địa, một giải pháp có thể chỉ được thông qua bằng một liên minh quốc tế và các cuộc thương thuyết kể cả với chế độ Damas.
Putin muốn gì ?
Để làm sáng tỏ hơn những ý định của ông Putin và chiến lược đối ngoại của Nga, đặc biệt trong hồ sơ Syria, báo Le Monde, số ra ngày 27/09/2015, có bài phân tích « Điều mà Putin muốn » của Sylvie Kauffmann.
Theo nhà báo Kauffaman, chiến dịch triển khai quân sự bắt đầu từ cuối tháng Tám vừa qua, giống như Nga đã từng làm hồi năm 2014, tại Crimée. Nga đã lập cầu hàng không, đường biển, chuyên chở binh sĩ và vũ khí hạng nặng tới sân bay ở phía Lattaquié và tới căn cứ hải quân Nga ở Tartous. Các hoạt động này được tiến hành một cách công khai, ảnh vệ tinh và các thông tin trên mạng xã hội cũng khẳng định điều này. Thậm chí, các cố vấn quân sự Nga còn thông báo cho các nhà báo biết là trong giai đoạn đầu của chiến dịch, có khoảng 2000 binh sĩ Nga tới Syria và đó là một hoạt động bình thường, vẫn có từ trước tới nay.
Theo Le Monde, việc triển khai này là một động thái mang tính lịch sử và không hề bình thường chút nào. Chỉ trong vòng có một tháng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tạo được một « việc đã rồi » trên thực địa, tại Syria, làm thay đổi tương quan ngoại giao.
Bởi vì, cho đến nay, Nga là cường quốc duy nhất có một căn cứ hải quân, một sân bay quân sự được tăng cường với các tiêm kích và trực thăng chiến đấu tân tiến, có xe tăng T90 và một lực lượng viễn chinh trên lãnh thổ Syria. Như vậy, bất kể tình hình Syria tiến triển ra, không thể có một giải pháp nào cho nước này mà không có vai trò của Nga.
Từ chỗ là một lãnh đạo bị cô lập, thậm chí xa lánh, kể từ sau vụ sáp nhập Crimée, ông Putin giờ đây chắc phải rất hài lòng về những gì đã diễn ra trong tuần lễ vừa qua. Ông lại đóng vai trò trung tâm trong « cuộc chơi » Syria. Đối với báo Le Monde, ông Putin có quyền hài lòng, vì việc triển khai quân sự ở Syria diễn ra ngay trước mũi các nước phương Tây mà không một ai có thể ngăn cản được. Hoa Kỳ đã tìm mọi cách để thuyết phục các nước đồng minh không cho các máy bay vận tải quân sự của Nga đi qua không phận của mình, thế nhưng, chỉ có Bulgari nghe theo Mỹ, còn Irak thì không. Do phải đối phó với làn sóng người nhập cư lớn chưa từng thấy, Châu Âu đã có phản ứng yếu ớt hoặc im lặng.
Câu hỏi đặt ra là ông Putin muốn gì ? Phương Tây thừa nhận là không biết và phải phán đoán như phải chăng Tổng thống Nga muốn mở thêm một mặt trận mới, sau Ukraina hay ông muốn đánh lạc hướng dư luận trong nước để che dấu những khó khăn của Nga trong hồ sơ Ukraina, liệu Nga có thể ngăn cản được đà tiến của tổ chức Nhà nước Hồi giáo hay không ?
Phải chăng Matxcơva đang tìm cách chia rẽ phương Tây và đưa ra điều kiện tiên quyết để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria là phải hợp tác với Tổng thống khát máu Bachar Al Assad ? Ông Putin muốn cứu Assad, tránh cho nhân vật này có nguy cơ có cùng số phận như Sadam Hussein ở Irak, Kadafi ở Libya ? Hay phải chăng ông Putin nghĩ rằng Assad đã hết thời và Nga chỉ quan tâm bảo vệ căn cứ hải quân Tartous và bảo vệ duy trì sự hiện diện của Nga trong khu vực ?
Báo Le Monde cho rằng câu trả lời khá đơn giản : Đó là sức mạnh cường quốc. Khi khẳng định vai trò của mình trong hồ sơ Syria, Nga đương nhiên giành lại vị thế là một siêu cường. Cho dù đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế, , nhưng với một hệ thống vũ khí được hiện đại hóa, Nga muốn khẳng định vị thế bình đẳng, ngang hàng với Hoa Kỳ, có vai trò trong nhiều hồ sơ quốc tế, giống như thời của Liên Xô trước đây.
Syria : Pháp cũng bon chen
Về phần mình, Le Figaro nhận thấy, trên hồ sơ « Syria : Pháp đang tìm chỗ đứng của mình giữa Nga và Mỹ ». Vào lúc Tổng thống Nga phải phát biểu trước diễn đàn Liên Hiệp Quốc và có cuộc gặp bên lề với đồng nhiệm Mỹ, Tổng thống Pháp François Hollande đã ra lệnh không quân dội bom vào trại huấn luyện của Daesh.
Tờ báo thiên hữu, trong bài xã luận đề tựa « Phạm vi hoạt động hạn hẹp », cho rằng chuyện ngoại giao Pháp một mình chống lại tất cả đôi khi có thể xảy ra, như chống cuộc xâm lược Irak của Hoa Kỳ năm 2003. Nhưng kinh nghiệm cũng cho thấy là trong cuộc chơi giữa các « ông lớn », người ta cũng không thể một mình áp đặt, hoặc ngăn cản người khác.
Vậy thì liệu có gì phải đáng lo nếu bị gạt ra ngoài cuộc chơi ? Nhật báo đặt câu hỏi. Phạm vi hoạt động có thể có một lợi ích ngoại giao, nhưng về mặt chiến lược thì chẳng đi tới đâu. Nước pháp không thể một mình dấn thân vào cuộc chiến Syria song song với liên minh phương Tây và các đồng minh Nga – Iran của Assad. Để được đếm xỉa đến, Pháp phải chọn đứng về phe nào – hay đóng vai trò làm cầu nối giữa Nga và Mỹ.
Giáo Hoàng Phanxicô : Một vị giáo hoàng cấp tiến
Một đề tài khác cũng được báo chí Pháp bàn luận khá sôi nổi, đó là chuyến tông du Hoa Kỳ của Đức Giáo hoàng Phanxicô. Nhật báo công giáo La Croix hoan hỉ nhận định : « Thành công chuyến tông du Mỹ củng cố vị thế Đức Giáo hoàng », để khai mở Hội nghị tôn giáo nhạy cảm với chủ đề chính là « gia đình ».
Một quan điểm cũng được Le Figaro đồng chia sẻ trong mục Ý kiến độc giả. Với bài nhận định đề tựa « Công dân Mỹ Phanxico càng vững tin hơn với thiện chí cởi mở », tác giả bài viết, ông Jean-Marie Guénois cho rằng : « Thành công của chuyến tông du bên kia bờ Đại Tây Dương củng cố thêm chính sách thích nghi của Giáo hội với các vấn đề đương đại do Đức Giáo hoàng đề xướng ».
Nhật báo Le Monde lại thấy Ngài là một vị « Giáo hoàng cấp tiến đầu tiên ». Ngài là Đức Giáo hoàng đầu tiên phát biểu trước Quốc hội Hoa Kỳ, nhưng Ngài rất khẳng khái đề cập đến những chủ đề đang gây tranh cãi tại Mỹ : Khí hậu và di dân, đồng thời lên án mạnh mẽ các cuộc chiến do Mỹ dẫn đầu như ở Irak. Tại Liên Hiệp Quốc, Ngài theo đuổi cuộc chiến của mình kêu gọi chống đói nghèo, lên án việc các định chế tài chính thế giới « bóp nghẹt » những nước nghèo qua các chính sách khắc khổ.
Ngài cũng muốn đưa Giáo hội theo một kỷ nguyên hiện đại. Giáo hoàng tỏ ra kiên quyết chống lại nạn « lạm dụng tình dục » trẻ em đang làm vấy bẩn Giáo hội. Nhưng Ngài cũng cho thấy không thấy thay đổi học thuyết của Giáo hội như chống lại việc phá thai, hôn nhân đồng tính. Tuy vậy, vào tháng 10 này, Đức Giáo hoàng sẽ cố đưa ra hình ảnh cởi mở khi đề cập đến những ca ly dị, tái hôn hay như về giới đồng tính.
Cũng như nhiều chủ đề khác, Ngài có nguy cơ đối đầu với những kháng cự mạnh mẽ. Nhưng điều đó sẽ không cản bước Ngài theo đuổi hành trình đấu tranh của mình, Le Monde kết luận.
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment